Cường độ bệnh là khái niệm chung chỉ lượng bệnh có mặt trong quần thể ký chủ. Ba loại cường độ bệnh phổ biến nhât là mức độ phổ biến (prevalence), tỷ lệ bệnh (incidence) và mức độ trầm trọng hay còn gọi là chỉ số bệnh (severity).
1.1. Mức độ phổ biến (prevalence)
Mức độ phổ biến thường được sử dụng (một cách không chính xác) theo nghĩa tỷ lệ bệnh. Thực chất, mức độ phổ biến được định nghĩa nghiêm ngặt là số cánh đồng (hoặc một quần thể ký chủ xác định trước) có bệnh với triệu chứng/dấu hiệu quan sát được chia cho tổng số cánh đồng (hay quần thể ký chủ) điều tra trong một vùng địa lý xác định trước (thường là quốc gia, tỉnh, huyện...). Theo định nghĩa này, mức độ phổ biến có thể được xem như tần suất bắt gặp.
1.2. Tỷ lệ bệnh (incidence)
Là tỷ lệ đơn vị cây bị bệnh (lá, thân, cây, dảnh...) bị bệnh trên tổng đơn vị cây điều tra. Đo tỷ lệ bệnh nhìn chung tương đối nhanh và dễ dàng và do đó khá chính xác nếu phương pháp điều tra và dung lượng mẫu đúng.
Đối với nhiều bệnh toàn cây, chẳng hạn bệnh ung thư ngô, đen đọt mía, nhiều bệnh héo mạch dẫn, thối nõn dứa.., nhìn chung, tỷ lệ bệnh quan hệ trực tiếp tới mức độ trầm trọng của bệnh và do đó tới năng suất vì mỗi đơn vị cây (cây, bắp, bông lúa) bị bệnh là tổng thiệt hại năng suất. Do vậy trong đánh giá bệnh, người ta có thể chỉ sử dụng một chỉ tiêu là tỷ lệ bệnh.
Tỷ lệ bệnh, ở qui mô cá thể (đơn vị mẫu), là một biến nhị thức và chỉ nhận 2 khả năng bị bệnh hoặc không bị bệnh với các giá trị tương ứng là 1 hoặc 0. Giá trị của tỷ lệ bệnh thường được biểu diễn dưới dạng phần trăm (vd 50%) hay dưới dạng số thập phân (vd 0.5).
1.3. Chỉ số bệnh (mức độ trầm trọng) (severity)
Không như với tỷ lệ bệnh, việc đo chỉ số bệnh khá phức tạp. Chỉ số bệnh phản ánh mức độ trầm trọng của bệnh và trong nhiều trường hợp được biểu thị dưới dạng diện tích tương đối hoặc tuyệt đối của phần mô bị bệnh. Đối với nhiều bệnh (đặc biệt là bệnh nấm, vi khuẩn), chỉ số bệnh là diện tích bề mặt đơn vị cây (thường là lá) có vết bệnh và thường được tính trên tổng diện tích bề mặt đơn vị cây điều tra. Giá trị của chỉ số bệnh thường được biểu diễn dưới dạng phần trăm (hoặc số thập phân) hoặc trung bình của cấp bệnh.
Đối với một số loại bệnh toàn cây (đặc biệt bệnh virus và bệnh héo), chỉ số bệnh thường không rõ ràng vì người ta không thể đo được diện tích mô bị nhiễm virus hoặc diện tích mô bị héo). Do vậy đối với những trường hợp này, chỉ số bệnh còn được gọi là mức độ nhiễm bệnh (degree of infection) và được đo dựa trên thang phân cấp thứ tự (ordinal rating scale). Ví dụ một thang phân cấp thứ tự là:
Cấp 0: không bị bệnh Cấp 1: bị bệnh nhẹ Cấp 2: bị bệnh trung bình Cấp 3: bị bệnh nặng
Tất nhiên, đối với mỗi bệnh cụ thể, người ta phải có các mô tả đầy đủ cho các khái niệm “bệnh nhẹ”, “trung bình”, “bệnh nặng”.