6.1. Lựa chọn mô hình
Việc lựa chọn một mô hình để mô tả dịch bệnh đang nghiên cứu yêu cầu phải có kiến thức về các đặc trưng sinh học và sinh thái của bệnh. Để mô hình hóa một dịch bệnh, nhiều khi người ta phải kết hợp các mô hình tăng trưởng khác nhau, mỗi mô hình mô tả một giai
đoạn phát triển của dịch bệnh. Việc kết hợp này đặc biệt thích hợp cho các dịch bệnh đa chu trình.
Khi xây dựng mô hình, người ta cũng thường phải sử dụng cả phương pháp đồ họa lẫn thống kê. Phương pháp đồ họa là vẽ các giá trị quan sát y, dy/dt và y* (y* là giá trị đổi biến của y theo các phương trình đã tuyến tính hóa) theo thời gian t. Cần chú ý là việc biểu diễn sự thay đổi của y theo thời gian rất có ích trong trường hợp cần phân biệt mô hình đơn phân tử khỏi các mô hình khác nhưng khó tách bạch các mô hình khác nếu số liệu quan sát ít. Trái lại, sự thay đổi dy/dt theo thời gian rất nhậy trong việc phân biệt các mô hình (chú ý là người ta không thể quan sát trực tiếp được dy/dt nên người ta phải ước lượng nó từ các giá trị quan sát (∆y/∆t).
6.2. Các bước tính tham số r
Trong thực tế, diễn biến của một dịch bệnh cụ thể thường không tuân theo đường diễn biến bệnh lý thuyết như ở trên. Lý do là rất nhiều yếu tố (tự nhiên hoặc nhân tạo) có thể làm biến dạng đường diễn biến bệnh.
Chẳng hạn trong một thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của các loại thuốc khác nhau đến tình hình bệnh mốc sương cà chua với giả thiết là giống nhiễm bệnh và điều kiện ngoại cảnh thuận lợi, rất có thể đường diễn biễn bệnh của các công thức khác nhau sẽ khác nhau. Một trong những nhiệm vụ của người nghiên cứu là xây dựng và so sánh diễn biến dich bệnh của các công thức và phân tích tích sự tác động của các yếu tố thí nghiệm.
Để xây dựng đường diễn biến bệnh và tính tham số r, người ta thường làm như sau:
Thu thập số liệu tính cường độ bệnh theo thời gian.
Lập đồ thị diễn biến thực nghiệm dựa trên số liệu thu thập ở bước 1.
Căn cứ vào hình dạng đồ thị thực nghiệm để chọn loại mô hình dich bệnh lý thuyết (đơn phân tử, số mũ, logistic…) giống nhất.
Lập phương trình tuyến tính dựa trên mô hình dịch bệnh lý thuyết và giá trị thực nghiệm. Việc lập phương trình tuyến tính sẽ giúp (i) xác nhận mô hình lý thuyết dựa trên phân tích hồi qui và tương quan; và (ii) quan trọng hơn là xác định tham số r vì việc tính trực tiếp r từ các mối quan hệ phi tuyến rất phức tạp.