THỰC TRẠNG ĐIỀU CHỈNH TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2010

Một phần của tài liệu KINH NGHIỆM ĐIỀU CHỈNH TỈ GIÁ HỐI ĐOÁI CỦA TRUNG QUỐC VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM (Trang 30)

CHƯƠNG III: BÀI HỌC CHO VIỆT NAM TỪ KINH NGHIỆM ĐIỀU CHỈNH TGHĐ CỦA TRUNG QUỐC

3.1.THỰC TRẠNG ĐIỀU CHỈNH TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2010

GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực từ ngày 5/9/2014 đã quy định rõ rằng "Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước." Đây cũng là chế độ TGHD được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu, nhóm tác giả xin điểm qua một số chính sách tỷ giá hối đoái nổi bật mà NHNN Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 5 năm trở lại đây (2010-2015).

3.1.1. Điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng

3.1.1.1. Hoàn cảnh

Trong giai đoạn 2010 - 2011, Việt Nam đã phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức, điển hình như tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại, thâm hụt cán cân thương mại, nhập siêu kéo dài, lạm phát tăng cao, mặt bằng lãi suất cao, dự trữ ngoại hối giảm mạnh, xuất hiện hiện tượng găm giữ ngoại tệ trong dân. Trong thời gian này, VND bị mất giá so với USD và so với các ngoại tệ khác. Kể từ đầu năm 2010 đến 2/2011, theo tỷ giá chính thức thì tiền đồng đã giảm 5,5% giá trị so với đồng USD, từ mức 18.482 lên 19.500 VND/USD.

3.1.1.2. NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng

Trước tình hình đó, ngày 11/2/2010, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 17.941 VND/USD lên mức 18.544 VND/USD nhằm khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng, cải thiện trạng thái ngoại tệ vốn đang căng thẳng. Trước sức ép của thị trường, tháng 8/2010, NHNN buộc phải tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 2,1%, lên mức

18.932 VND/USD. Đến ngày 9/2/2011, NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên tới 9,3%, mức tăng mạnh nhất trong lịch sử của thị trường ngoại hối Việt Nam. Song song với đó, NHNN đồng thời áp dụng các biện pháp, chính sách bổ trợ như:

(1) Siết biên độ từ +/-3% xuống còn +/-1%;

(2) Áp trần lãi suất huy động USD của NHTM từ 6% về 2%;

(3) Thực hiện kết hối và xử lý một loạt các giao dịch ngoại hối bất hợp pháp trên thị trường tự do.

Hình 3.1. Đồ thị diễn biến tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng giai đoạn 2010 – 2011

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

3.1.1.3. Kết quả đạt được

Mặc dù tỷ giá biến động mạnh vào thời điểm đầu năm nhưng năm 2011 vẫn được coi là thành công bước đầu của NHNN trong điều hành chính sách tỷ giá nhằm đặt được những mục tiêu kinh tế vĩ mô cũng như ổn định thị trường ngoại hối. Việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD tới 9,3% vào thời điểm 9/2 đã tạo ra một bước đột phá đối với thị trường ngoại hối. Và sự ổn định của tỷ giá trong hơn 7 tháng còn lại của năm 2011 cho thấy sự đúng đắn với những biện pháp điều chỉnh mạnh tay đối với thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Trong suốt 4 năm từ năm 2011 đến 2014, NHNN chủ trương giữ nguyên biên độ giao dịch tỷ giá ở mức +/-1% và điều hành tỷ giá nhất quán theo các thông điệp từ đầu năm. Cách quản lý này cho thấy nhiều ưu điểm và sự phù hợp với tình hình kinh tế trong giai đoạn này của Việt Nam:

+ Thứ nhất, việc giữ nguyên biên độ giao dịch tỷ giá ở mức thấp giúp cho NHNN dễ dàng kiểm soát được mức biến động của USD so với VND, hạn chế việc mua bán ngoại tệ với giá quá chênh lệch tại các ngân hàng thương mại so với tỷ giá chính thức của NHNN.

+ Thứ hai, việc NHNN cam kết trước về mức độ biến động tối đa của tỷ giá trong năm sẽ tạo cho các doanh nghiệp sự an tâm, không lo lắng về việc biến động mạnh tỷ giá, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm của NHNN trong việc giữ giá đồng tiền Việt Nam.

Nhờ những ưu điểm của chính sách này mà giai đoạn 2012 - 2014 trở thành giai đoạn có thị trường ngoại hối tương đối ổn định. Điều này thể hiện sự phù hợp trong việc lựa chọn cơ chế và chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái của NHNN giai đoạn này.

Hình 3.2. Diễn biến tỷ giá USD/VND từ 1/2012 - 5/2015

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nói trên, biện pháp quản lý này cũng thể hiện không ít điểm hạn chế, cụ thể:

+ Thứ nhất, biên độ giao dịch tỷ giá được giữ cố định ở mức thấp tạo ra sự cứng nhắc, không phản ảnh được xu hướng biến động thực tế của thị trường. Đồng thời khuyến khích sự phát triển của các giao dịch ngoại hối trên chợ đen để thỏa mãn các nhu cầu về ngoại tệ.

+ Thứ hai, việc cam kết trước về mức độ điều chỉnh tỷ giá tối đa sẽ đưa NHNN vào thế khó khăn nếu thị trường có sự biến động mạnh. Trong trường hợp đó, NHNN sẽ phải lựa chọn giữa việc giữ uy tín và lợi ích chung của nền kinh tế.

3.1.3. Phá giá VND, nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá (2015)

3.1.3.1. Hoàn cảnh:

Như đã nêu ở chương 2, tháng 8 năm 2015, Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ trong 3 ngày liên tiếp 11, 12 và 13. Đồng Nhân dân tệ bị phá giá sẽ khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn và điều này đe dọa trực tiếp đến cán cân thương mại của Việt Nam khi mà hàng hóa Trung Quốc chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng nhập khẩu của nước ta. Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn khi không đủ sức cạnh tranh về giá so với hàng Trung Quốc.

Thêm vào đó, thời điểm trước phiên họp tháng 9 của FED, rất nhiều ý kiến cho rằng FED rất có thể sẽ tăng lãi suất. Điều này ảnh hưởng đến rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi lãi suất của Mỹ cao hơn, các nhà đầu tư quốc tế sẽ muốn chuyển đổi sang USD. Do đó, Các ngân hàng trung ương tại các quốc gia khác sẽ phải chuẩn bị dự trữ ngoại hối để cung ra thị trường, hoặc họ sẽ phá giá đồng nội tệ.

3.1.3.2. NHNN quyết định phá giá VND

Để đối phó với việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, đồng thời chặn trước nguy cơ phá giá nếu FED tăng lãi suất, ngày 12/8/2015, NHNN đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%. Ngày 19/8/2015, NHNN công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD từ mức

21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.

nh 3.3. Diễn biến tỷ giá USD/VND 9 tháng đầu năm 2015 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nguồn: bloomberg.com

Động thái này của NHNN Việt Nam được đánh giá là chủ động, linh hoạt và phù hợp với tình hình hiện tại. Việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3% sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có thể có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước.

Một phần của tài liệu KINH NGHIỆM ĐIỀU CHỈNH TỈ GIÁ HỐI ĐOÁI CỦA TRUNG QUỐC VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM (Trang 30)