Năm 1950, ông soát lại những toán của ông về thuyết “champ unifié”, chưa được hoàn toàn thoả mãn, nhưng thấy đã có thể tuyên bố được.
Năm 1952, sau khi Chaim Weizmann mất, Aba Eban, sứ thần Israël ở Hoa Kì được giao phó cho việc mời ông làm Tổng thống Israël. Ông từ chối, biết rằng mình không có tài làm chính trị.
Ông giống như Spinoza hơn là giống Leibnitz. Spinoza mài kính để mưu sinh, không phải tuỳ thuộc ai, mà có thể tự do suy tư về triết lí, còn Leibnitz thì làm cố vấn cho các vua chúa, trước sau viết tới 15.000 bức thư có tính cách chính trị. Einstein không bao giờ làm cố vấn cho một nhà cầm quyền nào, sở dĩ viết báo, diễn thuyết, viết thư cho các bạn bác học, gia nhập các uỷ ban hô hào hoà bình, chống bom nguyên tử, chỉ là do lòng yêu nhân loại, muốn bảo tồn những giá trị cao quí của nhân loại.
Cũng như Bertrand Russell, ông ghét nhất chiến tranh và chính sách chỉ huy tư tưởng, chính kiến của cá nhân.
Lần đó, trước thế chiến thứ nhì, hai ông bà lại toà Đại sứ Mĩ ở Đức để làm nốt mấy thủ tục xin giấy thông hành. Một nhân viên tra vấn ông:
- Chính kiến của ông ra sao? Ông ôn tồn đáp:
- Tôi không có chính kiến nào cả.
- Ông có ở trong một nhóm nào không? - Có, nhóm người chống chiến tranh. - Những người đó là ai?
- Các bạn tôi. Nhưng tôi không hiểu tại sao ông lại hỏi tôi những câu đó. Rồi ông đưa mắt nhìn bà. Bà hiểu ý, lượm chiếc nón và chiếc áo khoác ở trên một chiếc ghế dựa.
- Nếu bị tra vấn như vậy thì thôi tôi không qua Mĩ nữa.
Ông khoác áo, bước ra. Ra tới khỏi cửa, ông hết giận, bảo bà: “Anh chàng đó có lẽ chỉ tuân lệnh trên thôi”[4].
Hôm sau điện tín tới tấp bay lại nhà ông, “xin ông bỏ qua cho sự ngu xuẩn của một số công chức”. Và một nhân viên toà đại sứ Mĩ mang tờ thông hành lại tận nhà cho ông.
*