Còn kẻ thù chung là Đức, Nhật thì Nga, Mĩ, Anh còn liên minh với nhau; khi Đức và Nhật sắp bị diệt, chiến tranh sắp tàn thì họ vội nghĩ ngay tới việc chia phần: hội nghị Yalta và hội nghị Potsdam là cái sỉ nhục của các cường quốc mà cũng là cái mầm gây hoạ cho khắp thế giới, hiện nay chưa dứt, biết bao nước nhược tiểu phải chịu tai hoạ, đau đớn nhất là Việt Nam.
Nga đã ngoạm một phần lớn Đông Âu và Trung Âu nhưng vẫn chưa vừa lòng; Mĩ làm bá chủ hoàn cầu thì tất nhiên muốn giữ hoài địa vị đó, gầm ghè với Nga, Mĩ muốn giữ độc quyền nguyên tử, mà Nga thì muốn phá độc quyền đó, muốn đuổi kịp Mĩ.
Chiến tranh mới chấm dứt, Nga chưa có bom nguyên tử mà Einstein lại đòi kiểm soát vũ khí nguyên tử, nên nhiều người Mĩ ngờ ông là thân Nga. Sự thực ông không thân Nga. Có lần ông phục Lénine là hi sinh cho sự công bằng xã hội, nhưng ông không chấp nhận phương pháp của Lénine. Người ta sực nhớ rằng ông vốn là Do Thái, đã ba lần thay đổi quốc tịch, không có tinh thần quốc gia, nên đả kích ông dữ. Nhưng danh ông lớn quá, lòng ông chân thành quá, những lời vu oan ông không làm hại ông được.
Ông vẫn can đảm đề cao tự do, hoà bình, hợp tác quốc tế, và hai năm trước khi mất, trên báo New York Times, ông cảnh cáo dân Mĩ:
“Các nhà trí thức xứ này (Mĩ) phải đương đầu với một vấn đề rất nghiêm trọng. Các chính trị gia phản động đã âm mưu với nhau doạ dân chúng phải coi chừng một tai hoạ ngoại lai, để tiêm vào lòng dân chúng niềm nghi ngờ mọi gắng sức tinh thần. Tới nay họ đã thành công; họ đương chuẩn bị diệt sự tự do giáo dục và làm cho những kẻ nào không chịu phục tòng sẽ phải mất chức mà sẽ đói khổ.
“Thiểu số trí thức phải làm cách nào chống tai nạn đó? Thực tâm tôi nghĩ rằng chỉ có cách là phản động theo chính sách bất hợp tác của Gandhi. Nhà trí thức nào bị mời tới một uỷ ban điều tra thì phải từ chối không chịu bảo chứng, nghĩa là sẵn sàng vô khám, sẵn sàng chịu nghèo đói, tóm lại sẵn sàng hi sinh sự an
toàn của chính mình cho sự an toàn của văn hoá xứ này.
(…) “Nếu có đủ một số trí thức chịu liều thân như vậy họ sẽ thành công. Nếu không thì họ không đáng được hưởng gì hơn là cái ách nô lệ người ta chuẩn bị cho họ”.
Sở dĩ Einstein phải lên tiếng như vậy là vì nước Mĩ vẫn tự hào là thành trì của tự do, tự nhận nhiệm vụ cầm đầu thế giới tự do, mà lại có biện pháp dùng một số trí thức làm mật vụ, điều tra về chính kiến, hoạt động của thanh niên, sinh viên, và những kẻ nào họ cho là khả nghi thì không được thu dụng trong các công sở[3].
*