Khung phân tích

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tác động của đào tạo ngắn hạn lao động đang làm việc đến kết quả hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam giai đoạn 2005-2011 (Trang 30)

Lý thuyết tổng quát về sản xuất đề cập đầu ra của sản xuất là hàm số của các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, năng suất hay công nghệ. Nelson & Phelps (1966) làm rõ thêm yếu tố công nghệ được đánh giá bởi mức độ tiếp cận của công nghệ đang áp dụng so với công nghệ lý thuyết hiện có, mức độ tiếp cận càng tăng khi chỉ số giáo dục đào tạo càng cao.

Tổng hợp các lý thuyết doanh nghiệp dựa trên nguồn lực các yếu tố đầu vào (Wernerfelt, 1984), nguồn lực các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp và lợi thế cạnh tranh bền vững (Barney, 1991), lý thuyết vốn con người (Becker, 1962), cho biết hiệu quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp phụ thuộc vào những nguồn lực đem lại lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp, trong đó yếu tố con người được xem là nguồn lực có lợi thế cạnh tranh bền vững (Barney, 1991), và vốn con người được đánh giá qua giáo dục, đào tạo (Becker, 1975).

Với lý thuyết đánh giá đào tạo (Kirkpatrick, 1997), việc chọn đánh giá theo cấp độ 4, bằng hiệu quả, mới thực sự có ý nghĩa, đặc biệt là đối với chủ doanh nghiệp, những người kỳ vọng rằng đào tạo thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, được thể hiện bằng những chỉ số tài chính thị trường, chứ không phải các bài kiểm tra trên giấy như đánh giá theo cấp độ 1, 2.

Qua cơ sở lý thuyết hình thành khung khái niệm, từ đó xây dựng nên khung phân tích tác động của đào tạo đến kết quả hoạt động doanh nghiệp như mô tả ở hình 3.1.

Đào tạo Kết quả hoạt động doanh nghiệp + VA + TTVA Vốn Lao động tác động trễ 2 năm tác động cùng thời kỳ

Hình 3.1 Tác động của đào tạo đến kết quả hoạt động doanh nghiệp

Trong khung phân tích hình 3.1, kết quả hoạt động doanh nghiệp, được đánh giá qua giá trị gia tăng và tăng trưởng giá trị gia tăng, phụ thuộc vào vốn, lao động, và công nghệ theo lý thuyết sản xuất. Đào tạo tác động đến kết quả hoạt động doanh nghiệp thông qua con đường năng suất hay chỉ số công nghệ. Đào tạo có tác động tức thời hay tác động trễ tùy theo nội dung và quy mô đào tạo. Do thiếu điều kiện tìm biến đại diện cho công nghệ, cho nên tác động của đào tạo đến kết quả hoạt động doanh nghiệp thông qua công nghệ sẽ được đánh giá trực tiếp. Ngoài ra, đào tạo cũng có tương quan với vốn và lao động, bởi vì đào tạo dẫn đến tăng năng suất biên của vốn và lao động, dẫn đến hành vi của nhà sản xuất tăng yếu tố vốn và lao động theo lý thuyết kinh tế vi mô.

Khung phân tích với từng khái niệm được đại diện bởi những biến số có thể đo đếm được để phục vụ cho phân tích định lượng. Việc chọn lựa mỗi biến số cụ thể được căn cứ dựa vào mục tiêu nghiên cứu, kết hợp tham khảo các tài liệu nghiên cứu trước đây, tùy vào tình hình hoàn cảnh hiện tại, cũng như điều kiện thu thập dữ liệu.

Biến số đại diện cho đào tạo: một cách tổng quát, đào tạo được khái niệm và đo lường chủ yếu theo 4 cách: số lượng (số nhân viên được đào tạo, số giờ/ngày đào tạo, số tiền chi tiêu cho đào tạo, ...), số tỷ lệ (phần trăm lao động được đào tạo, ...), nội dung (loại hình đào tạo, ...), ý nghĩa (cảm nhận tầm quan trọng của đào tạo đối với doanh nghiệp, ...)(Tharenou và cộng sự, 2007).

Một số điển hình về các biến đại diện đào tạo được sử dụng trong những nghiên cứu trước đây:

Biến số lượng: chi phí đào tạo (Aragon-Sanchez và cộng sự, 2003; Ballot và cộng sự, 2001; Barret & O'Connell, 2001; Zwick, 2002; Thang và cộng sự, 2009, 2010, 2011); giờ đào tạo/lao động (Aragon-Sanchez và cộng sự, 2003; Ballot và cộng sự, 2001 Barret & O'Connell, 2001); số lao động được đào tạo (Barret & O'Connell, 2001)

Biến tỷ lệ: tỷ lệ % lao động được đào tạo (Dearden và cộng sự, 2000; Conti, 2005; Alba-Ramirez, 1991; Barrett & O'Connell, 2001)

Biến nội dung: loại hình đào tạo (Aragon-Sanchez và cộng sự, 2003; Zwick, 2002); có đào tạo hay không (Schonewille, 1999; Zwick, 2002; Turcotte & Renninson, 2004; Alba-Ramirez, 1991; Faems và cộng sự, 2005)

Biến ý nghĩa: đối tượng được đào tạo (Alba-Ramirez, 1991)

Có thể nói, trong hầu hết nghiên cứu, sử dụng biến số lượng là tốt nhất. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu loại này không phải là điều dễ dàng.

Trong phạm vi báo cáo phân tích, biến đại diện cho đào tạo được chọn là một biến dummy, D, thể hiện doanh nghiệp có tổ chức đào tạo ngắn hạn cho lao động đang làm việc hay không. Việc lựa chọn biến này, chứ không phải đào tạo cho lao động mới, là muốn đề cập mối quan tâm của doanh nghiệp trong việc nâng cao tri thức, trình độ, tay nghề, qua đó tăng nguồn lực vốn con người đối với lực lượng lao động hiện hữu. Cũng có khá nhiều nghiên cứu trước đây đã sử dụng biến đào tạo dạng dummy thể hiện doanh nghiệp có đào tạo hay không (Schonewille, 1999; Turcotte & Renninson, 2004; Alba-Ramirez, 1991; Faems và cộng sự, 2005). Khi nghiên cứu tác động trễ của đào tạo thì biến D0 được sử dụng, thể hiện doanh nghiệp có tổ chức đào tạo ngắn hạn cho lao động đang làm việc trong chu kỳ kinh doanh trước (cụ thể 2 năm trước) hay không.

Biến số đại diện cho kết quả hoạt động doanh nghiệp: kết quả hoạt động doanh nghiệp đa dạng tùy thuộc vào việc lựa chọn mô hình nghiên cứu (Tharenou và cộng sự, 2007), nhưng tựu trung có thể xếp vào 4 nhóm theo như Dyer & Reeves (1994, 1995): kết quả nhân lực (trốn việc, nhảy việc, năng động, thích nghi, ...); kết quả tổ chức (năng suất, sản lượng, chất lượng, dịch vụ, ...); kết quả tài chính (lợi nhuận, suất sinh lợi đầu tư ROI, suất sinh lợi tài sản ROA, ...); kết quả thị trường chứng khoán (cổ tức, thị giá, suất sinh lợi cổ phiếu EPS, chỉ số Tobin's Q, ...).

Một số điển hình về các biến đại diện cho kết quả hoạt động của doanh nghiệp được sử dụng trong những nghiên cứu trước đây:

Nhóm kết quả năng suất: tính theo giá trị gia tăng hay theo tiền lương (Dearden và cộng sự, 2000; Conti, 2005; Aragon-Sanchez và cộng sự, 2003; Schonewille,

1999; Alba-Ramirez, 1991); tính theo doanh số (Aragon-Sanchez và cộng sự, 2003)

Nhóm kết quả tài chính: tính theo lợi nhuận (Aragon-Sanchez và cộng sự, 2003); tính theo tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA, trên vốn chủ sở hữu ROE, hay trên cổ phần EPS (Huselid, 1995; Faems và cộng sự, 2005); theo chỉ số Tobin's Q (Bassi & McMurrer, 2009; Aragon-Sanchez và cộng sự, 2003; Huselid, 1995, 1997;); theo khả năng thanh khoản (liquidity, trả nợ ngắn hạn) hay khả năng thanh toán (solvency, trả nợ dài hạn) (Faems và cộng sự, 2005)

Tham khảo các nghiên cứu trước đây, kết hợp bộ dữ liệu khảo sát, trong phạm vi nghiên cứu của bài này, đại diện cho kết quả hoạt động của doanh nghiệp được chọn gồm các biến:

Tổng giá trị gia tăng của doanh nghiệp, VA: là hiệu số giữa giá trị sản lượng đầu ra và tổng chi phí đầu vào chưa kể lương, đơn vị tính: nghìn đồng

Tăng trưởng giá trị gia tăng của doanh nghiệp, TTVA: là tỷ số giữa giá trị gia tăng của doanh nghiệp kỳ này so với kỳ trước, đơn vị tính: chỉ số, nghìn đồng/nghìn đồng

Các biến kiểm soát: đại diện cho Vốn, thường được sử dụng là Tổng tài sản, Tài sản cố định, đơn vị tính thường là đơn vị tiền tệ; đại diện cho Lao động, thường được sử dụng là số lượng lao động, số giờ làm việc, đôi khi là chi phí tiền lương; Vốn và Lao động là hai biến kiểm soát chính, hầu như được sử dụng trong tất cả các nghiên cứu trước đây; ngoài ra có thể có một số biến đặc biệt khác tùy theo từng nghiên cứu cụ thể như Năng suất tổng nhân tố, Đặc điểm doanh nghiệp, Đặc điểm lao động, ...

Trong phạm vi nghiên cứu của bài này, các biến kiểm soát được sử dụng gồm: Vốn, K: là tài sản cố định của doanh nghiệp, gồm đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, đơn vị tính: nghìn đồng

Lao động, L: là tổng lao động thường xuyên của doanh nghiệp, đơn vị tính: người (lao động)

Tăng trưởng vốn của doanh nghiệp, TTK: là tỷ số giữa vốn của doanh nghiệp kỳ này so với kỳ trước, đơn vị tính: chỉ số

Tăng trưởng lao động của doanh nghiệp, TTL: là tỷ số giữa lao động của doanh nghiệp kỳ này so với kỳ trước, đơn vị tính: chỉ số

Giá trị gia tăng kỳ trước của doanh nghiệp, VA0: là giá trị gia tăng của doanh nghiệp trong kỳ trước, đơn vị tính: nghìn đồng

Về khái niệm năng suất, theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD, Organization for Economic Co-operation and Development), có nhiều cách đo lường khác nhau tùy vào mục đích nghiên cứu; trong một số trường hợp tùy vào nguồn dữ liệu có sẵn. Tổng thể có năng suất đơn nhân tố (tỷ số đầu ra trên một yếu tố đầu vào), năng suất đa nhân tố (MFP, Multi-factor productivity, tỷ số đầu ra trên một nhóm yếu tố đầu vào), năng suất tổng nhân tố (KLEMS, capital-labour-energy-materials, tỷ số đầu ra trên tất cả yếu tố đầu vào); đầu ra có thể là tổng giá trị hay giá trị gia tăng (Schreyer, 2001).

Bảng 3.1: Tổng quan các kiểu năng suất

Giá trị đầu ra

Yếu tố đầu vào

Đơn nhân tố Đa nhân tố Tổng nhân tố

Lao động Vốn Vốn & Lao động

Vốn, Lao động & các đầu vào khác (nguyên vật liệu, năng lượng, dịch vụ)

Tổng giá trị

Năng suất lao

động theo tổng giá trị

Năng suất vốn theo tổng giá trị

Năng suất đa nhân tố

vốn-lao động, MFP tính theo tổng giá trị

Năng suất tổng nhân tố

KLEMS tính theo tổng giá trị

Giá trị gia tăng

Năng suất lao

động theo giá trịgia tăng

Năng suất vốn theo giá trịgia tăng

Năng suất đa nhân tố

vốn-lao động, MFP tính theo giá trịgia tăng

Năng suất tổng nhân tố

KLEMS tính theo giá trịgia tăng

Nguồn: Schreyer (2001)

Trong phạm vi báo cáo phân tích, giá trị đầu ra của sản xuất được tính theo giá trị gia tăng, ký hiệu là VA.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Tác động của đào tạo ngắn hạn lao động đang làm việc đến kết quả hoạt động doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam giai đoạn 2005-2011 (Trang 30)