9. Cấu trúc luận văn
1.3.1 Mục đích, ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng CBQL
Trong bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử, công tác cán bộ đều có một vị trí quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ Hội nhập kinh tế quốc tế. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho nhân dân hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt
chính sách cho đúng”. Người cũng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” [16].
Nghị quyết hội nghị lần thứ ba BCH TW Đảng khoá VIII cũng nêu rõ: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng” [15] và “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực là yếu tố quyết định chất lượng bộ máy Nhà nước ” [10].
Từ đó, ta càng thấy được vi trí, vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đối với việc xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước trong sạch vững mạnh. Cán bộ QLGD là một bộ phận trong đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước. Sản phẩm lao động của người cán bộ QLGD có tác động lớn đến xã hội. Trong kết luận số 242-TB/TW năm 2009 của Bộ Chính trị đã nêu: "Công tác QLGD còn nhiều yếu kém và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác". Vì vậy: "Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng".[22]
Sự nghiệp GD & ĐT của nước ta trong những năm qua đó thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa, nhưng cũng đang đứng trước mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển nhanh về quy mô với việc nâng cao chất lượng. Nghị quyết nêu rõ: "Đổi mới cơ chế quản lý, bồi dưỡng cán bộ, sắp xếp chấn chỉnh và nâng cao năng lực của bộ máy QLGD" [10]. Đó là một trong những giải pháp chủ yếu cho sự phát triển GD-ĐT. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng CBQL nói chung, CBQL giáo dục nói riêng là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết của các cấp, các ngành.
Trường THPT là cấp học cuối cùng của bậc học phổ thông trong hệ thống giáo dục phổ thông. Do đó, đây là cấp học đóng vai trò trực tiếp cho chất lượng đạo đức cũng như kiến thức cơ bản cho nguồn nhân lực do cấp học Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng hay Đại học là cấp học chú trọng đào tạo nghề nghiệp chuyên môn. Chính vì thế, nhà trường THPT cần phải đảm bảo những yếu tố cần thiết để phát triển, trong đó quan trọng nhất là yếu tố
CBQL. Một nhà trường có nhân tố vật lực, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; có đội ngũ giáo viên tốt; có nguồn tài lực phong phú, song nếu thiếu đội ngũ CBQL tốt thì các nhân tố trên đều không thể phát triển được. Người quản lý cần kết nối các nhân tố trên, có trách nhiệm điều phối, sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Quản lý yếu kém là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng trì trệ, yếu kém của giáo dục. Vì thế, cần có một đội ngũ CBQL đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới.
Như vậy, việc nâng cao chất lượng CBQL trường THPT là một việc làm cần thiết quyết định chất lượng và hiệu quả GD của mỗi nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ QLGD nói chung nhằm phát triển GD&ĐT đáp ứng yêu cầu đổi mới, thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH đất nước .
1.3.2. Quan điểm của Đảng, nhà nước về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý
Công tác tổ chức cán bộ là trách nhiệm của Đảng, Đảng lãnh đạo toàn diện công tác tổ chức cán bộ. Từ quan điểm, đường lối, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, các cơ quan quản lý có được định hướng trong việc tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng CBQL nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL.
Chỉ thị 40- CT/TW nêu rõ: "Tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đủ số lượng và cân đối về cơ cấu; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục” [1] . Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương thường xuyên lãnh đạo và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách giáo dục, đặc biệt là công tác xã hội hoá giáo dục, công tác chính trị tư tưởng, xây dựng nề nếp, kỷ cương; coi việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục là một mục tiêu phấn đấu quan trọng nhằm xây dựng và củng cố tổ chức Đảng để thực sự thành hạt nhân lãnh đạo trong nhà trường.
Ngoài ra, Chỉ thị cũng xác định: "Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD là nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng và chính quyền, là một bộ phận công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, trong đó ngành giáo dục giữ vai trò chính trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện". Như vậy, quản lý nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ CBQL trường THPT nói riêng có mối liên hệ trực tiếp tới sự lãnh đạo của Đảng. Khi nghiên cứu về nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL trường THPT ta phải đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo của Đảng để định ra những giải pháp cần thiết về lĩnh vực này.