Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ GDP có tác động ngược chiều với thu nhập lãi cận biên và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Kết quả hệ số hồi quy bằng -0,2379 có ý nghĩa là khi tỷ lệ GDP tăng lên 1% thì thu nhập lãi cận biên giảm xuống 0,2379% trong điều kiện các biến khác không đổi. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu của Hamadi & Awdeh [10], Garza-García [8], Kasman & cộng sự [12]. Thực tế từ năm 2008-2013 cho thấy khi các hoạt động kinh tế tăng sẽ làm tăng giá trị vay của khách hàng (lãi suất huy động được điều chỉnh giảm liên tục từ 13,46% còn 7,1% kéo theo lãi suất cho vay cũng được giảm đáng kể để kích thích doanh nghiệp vay vốn), do đó làm giảm sự chênh lệch lãi suất và giảm thu nhập lãi cận biên.
49
Kết luận:
Chương 4 đã trình bày kết quả phân tích hồi quy của mô hình và kết quả các kiểm định: (i) kiểm định sự lựa chọn mô hình; (ii) kiểm định các giả thuyết cơ bản của hàm hồi quy bao gồm kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến, kiểm định phương sai của sai số không đổi và tự tương quan. Trong chương này, tác giả cũng trình bày các kết quả kiểm định và phân tích đánh giá các giả thuyết nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố: quy mô ngân hàng, quy mô hoạt động cho vay, rủi ro tín dụng, quy mô vốn chủ sở hữu, tỷ lệ lãi suất đều có mối tương quan dương với thu nhập lãi cận biên của các NHTMCP Việt Nam. Riêng yếu tố hiệu quả quản lý và tỷ lệ GDP có tương quan âm với thu nhập lãi cận biên của ngân hàng. Cuối cùng không có kết luận về mối quan hệ giữa yếu tố tỷ lệ dư nợ cho vay trên vốn huy động và thu nhập lãi cận biên.
50
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Từ kết quả nghiên cứu đã được phân tích và trình bày trong chương 4, tác giả sẽ đưa ra những kết luận chính của luận văn trong chương 5. Cũng trong chương này, tác giả sẽ nêu những hạn chế của đề tài, đồng thời đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo.