Đặc điểm lâm sàng của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đánh giá tình trạng dự trữ sắt qua xét nghiệm sắt và ferritin huyết thanh ở bệnh nhân suy thận mạn chưa điều trị thay thế (Trang 33)

III. Lâm sàng – cận lâm sàng

4.1.2.Đặc điểm lâm sàng của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

4.1.2.1. Tình trạng thiếu máu

Đa số bệnh nhân suy thận mạn trong nghiên cứu của chúng tôi đều có những triệu chứng lâm sàng khá rõ rệt nhất là dấu hiệu thiếu máu. Các triệu chứng cơ năng của thiếu máu thường là lý do khiến người bệnh phải đi khám thầy thuốc, bên cạnh đó họ có thể đi khám với những triệu chứng khác như tăng huyết áp, phù. Ngoài ra, người bệnh có thể đi khám vì các biến chứng của STM hoặc bệnh nhân có tiền sử bệnh thận trước đó và họ đi khám định kì để theo dõi tiến triển của bệnh.

Thiếu máu là dấu hiệu thường gặp nhất trong suy thận mạn tính, mức độ thiếu máu tùy theo giai đoạn suy thận. Suy thận càng nặng thì thiếu máu càng nhiều. Trên thực tế nhiều trường hợp BN đến khám vì thiếu máu mới phát hiện là do STM. Thiếu máu trong STM là thiếu máu không hồi phục do thận không sản xuất đủ EPO là yếu tố cần thiết để biệt hóa tiền hồng cầu. Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi (biểu đồ 3.3) cho thấy BN có triệu chứng thiếu máu khi đến viện chiếm tỷ lệ 85,8%. Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của Nghiêm Trung Dũng [27] và Mai Thị Hiền [22], trong hai nghiên cứu này thì bệnh nhân STM lúc vào viện 100% có triệu chứng thiếu máu. Tuy nhiên, những triệu chứng thiếu máu lại mang tính chủ quan. Vì vậy để đánh giá mức độ thiếu máu một cách chính xác hơn cần phải dựa vào xét nghiệm huyết học từ đó có thể tìm hiểu được mối tương quan giữa mức độ thiếu máu với các mức độ suy thận mạn của bênh nhân.

4.1.2.2. Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là triệu chứng rất thường gặp trong suy thận mạn. Trên lâm sàng cũng khó phân biệt giữa THA do suy thận hay suy thận do THA ở những bệnh nhân đến muộn hay không được theo dõi ngay từ đầu.THA là một yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình suy thận mạn. Mặt khác THA lại có thể gây

thêm biến chứng suy tim, tai biến mạch não. Chính vì vậy phải kiểm soát tốt

huyết áp theo mục tiêu để hạn chế biến chứng cho người bệnh. Tuy nhiên thường khó khống chế huyết áp ở những BN suy thận mạn [5]. Trong nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.1) BN có tình trạng tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao (70%). Kết quả này của chúng tôi cũng khá phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị Huyền (75%) [24], Đinh Thị Kim Dung [4].

4.1.2.3. Một số biểu hiện lâm sàng thường gặp khác

Theo nghiên cứu của chúng tôi (biểu đồ 3.3) ngoài những triệu chứng chính như thiếu máu và tăng huyết áp thì BN còn có một số biểu hiện khác là phù (53,1%). Phù là biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân STM do BCTM là hậu quả của hội chứng thận hư, do suy tim, do giữ muối và nước...Nghiên cứu của chúng tôi có kết quả cao hơn của Nguyễn Thị Lết (35,88%) [28]. Ngoài ra bệnh nhân còn có biến chứng của bệnh như chuột rút (38%), hoa mắt chóng mặt (38,3%) và đau đầu (28,3%) nên khi phát hiện bệnh thì STM đã ở mức độ nặng.

Một phần của tài liệu Đánh giá tình trạng dự trữ sắt qua xét nghiệm sắt và ferritin huyết thanh ở bệnh nhân suy thận mạn chưa điều trị thay thế (Trang 33)