Điều trị trước vào viện Trung tâm chống độc Bạch Mai

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị ngộ độc cấp các chất ăn mòn đường tiêu hóa (Trang 56)

Các biện pháp điều trị trước khi BN vào TTCĐ Bạch Mai gồm có xử trí tại chỗ và các biện pháp điều trị tuyến trước. Các biện pháp xử trí tại chỗ gồm có gây nôn tại chỗ và trung hòa tại chỗ. Các biện pháp điều trị tuyến trước được chúng tôi nghiên cứu gồm gây nôn, rửa dạ dày và cho than hoạt dạ dày. Chúng tôi đánh giá các biện pháp xử trí trước khi vào Trung tâm chống độc bởi các biện pháp này nếu không được chỉ đúng và thực hiện đúng cách thì không những không có lợi mà còn làm nặng thêm tổn thương tại đường tiêu hóa. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 30 BN (chiếm 36,6%) được xử trí tại chỗ và 24,4% BN được điều trị tại tuyến trước bằng phương pháp rửa dạ dày và cho uống than hoạt.

* Liên quan giữa xử trí tại chỗ và kết quả nội soi

Bảng 3.18 cho thấy không có sự khác biệt về kết quả nội soi dạ dày của các BN được xử trí tại chỗ và không xử trí tại chỗ. Cụ thể, có 24 BN được xử trí tại chỗ và được nội soi sau đó đều có các mức độ tổn thương thực quản khác nhau. Có 40 BN không được sơ cứu tại chỗ và được nội soi sau đó cũng có các mức độ tổn thương thực quản khác nhau. Không có sự khác biệt giữa mức độ tổn thương thực quản giữa hai nhóm được sơ cứu và không sơ cứu tại chỗ, p > 0,05. Kết quả này có lẽ do các BN không hiểu biết về cách xử trí tại chỗ. Đặc biệt có những BN còn gây nôn tại chỗ, biện pháp này làm nặng thêm tổn thương thực quản – theo y văn thế giới . Tuy nhiên trong giới hạn đề tài này chúng tôi chưa khảo sát được vấn đề đó. Như vậy các biện pháp xử trí tại chỗ của BN không có hiệu quả.

* Liên quan giữa điều trị tuyến trước và kết quả nội soi dạ dày

Bảng 3.19 cho thấy không có sự khác biệt về kết quả nội soi dạ dày của các BN được xử trí tuyến trước và không được xử trí tuyến trước. Điều này có thể do các biện pháp điều trị tuyến trước không đúng chỉ định ví dụ rửa dạ dày và cho than hoạt. Đây là một điều đáng lo ngại bởi sự không hiểu biết của nhân viên y tế có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương thực quản.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị ngộ độc cấp các chất ăn mòn đường tiêu hóa (Trang 56)