Đặc điểm chung

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị ngộ độc cấp các chất ăn mòn đường tiêu hóa (Trang 47)

4.1.1.1. Tuổi

Nghiên cứu của chúng tôi được tiến hành trên 82 BN vào Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai từ tháng 01 – 2012 đến tháng 11 – 2014. Chúng tôi nhận thấy lứa tuổi hay gặp nhất là nhóm tuổi từ 15 đến 55 tuổi. Đây là lứa tuổi lao động chính tạo ra của cải vật chất của xã hội vì vậy ngộ độc cấp CAM đường tiêu hóa cần phải được quan tâm hơn nữa để tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tuổi thấp nhất là 11 tuổi, cao nhất là 79 tuổi. Tuổi trung bình là 35,8 ± 16,91 năm. Kết quả này cũng tương tự kết quả nghiên cứu của Chibishev Andon và cs năm 2012 trên 735 BN, tuổi trung bình là 32,9 ± 15,6 năm .

4.1.1.2. Giới

Về phân bố theo giới, qua nghiên cứu chúng tôi thấy tỷ lệ ngộ độc CAM ở nam gặp nhiều hơn nữ (53,7% so với 46,3%). Kết quả này khác với nghiên cứu của Chibishev Andon, nữ giới chiếm 71,29% . Tuy nhiên trong nhóm BN uống CAM để tự tử thì tỷ lệ BN nữ chiếm 66,7%, còn trong nhóm BN uống nhầm CAM thì tỷ lệ nữ chỉ chiếm 30,8%. Như vậy trong nghiên cứu của chúng tôi, các BN nữ có xu hướng tự tử nhiều hơn nam giới, trong khi các BN nam vào viện đa số là do uống nhầm.

4.1.1.3. Nghề nghiệp

Các BN trong nghiên cứu của chúng tôi gặp ở các ngành nghề khác nhau, tuy nhiên nhóm BN không nghề nghiệp chiếm lại chiếm tỷ lệ cao nhất với 33,8%. Học sinh – sinh viên và công nhân viên chức cũng chiếm tỷ lệ khá cao (17,5% và 18,7% tương ứng) mặc dù đây là nhóm đối tượng có học thức và trình độ hiểu biết cao. Ngoài ra còn một số ngành nghề chúng tôi phân thành nhóm nghề “khác” như thợ xây, lái xe...

4.1.1.4. Tiền sử

Đa số các BN có tiền sử bản thân khỏe mạnh chiếm 89%, có 6 BN có tiền sử bệnh tâm thần chiếm 7,3% bao gồm bệnh trầm cảm và tâm thần phân liệt. Các BN có tiền sử bệnh lý tâm thần đều vào viện vì lý do tự tử và đều là những BN nặng, trong đó có một BN đã tử vong. Đây cũng là yếu tố nguy cơ cảnh báo với những gia đình có người bệnh mắc bệnh lý tâm thần trong việc quản lý người bệnh. Nghiên cứu của chúng tôi có 3,7% BN có tiền sử bệnh tiêu hóa, gồm viêm loét dạ dày và xơ gan do rượu, không có BN nào có bệnh lý thực quản trước đó. Kết quả này tương tự nghiên cứu của Hyun Ho Ryu và cs năm 2010 trên 61 BN tỷ lệ BN có bệnh tâm thần chiếm 14,6% . Không có BN nào có tiền sử ngộ độc CAM trước đó.

4.1.1.5. Địa điểm và lý do ngộ độc

Đa số các vụ ngộ độc cấp các CAM đường tiêu hóa đều xảy ra tại nhà (chiếm 87,8%). Sở dĩ có hiện tượng này là do các hóa CAM đường tiêu hóa rất có sẵn tại nhà dưới dạng các sản phẩm chất tẩy rửa. Qua nghiên cứu chúng tôi gặp các loại chất tẩy rửa như xà phòng giặt, nước tẩy bồn cầu, nước lau sàn nhà, nước rửa bát...trong đó nước tẩy rửa bồn cầu và nước lau sàn nhà là những CAM có bản chất là acid mạnh và bazơ mạnh, gây tổn thương nặng. Về lý do ngộ độc, chúng tôi gặp hai lý do chủ yếu là tự tử và uống nhầm (đều chiếm 48,8%). Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Gen Tohda và cs năm

2008 trên 95 BN, lý do ngộ độc chủ yếu là tự tử và uống nhầm chiếm 51,5% và 48,5% . Kết quả này của chúng tôi khác với kết quả nghiên cứu của Chibishev Andon với 94,1% là do tự tử . Ngoài ra trong nghiên cứu, chúng tôi cũng gặp những trường hợp ngộ độc do bị đầu độc và do tai nạn (đều chiếm 1,2%).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị ngộ độc cấp các chất ăn mòn đường tiêu hóa (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(88 trang)
w