Sự phân bố thanh điệu trong từ đơn tiết

Một phần của tài liệu Tìm hiểu chức năng của thanh điệu tiếng việt (Trang 30 - 32)

2.1.2.1. Kết quả thống kê

Tuân thủ các nguyên tắc đã đề ra, tiến hành lựa chọn và xác lập từ đơn trong cuốn [Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), 2008] chúng tôi đã chọn ra được 5884 mục từ thoả mãn định nghĩa và cách phân loại của chúng tôi về từ đơn.

Hệ thống thanh điệu có 6 thanh. Tần số xuất hiện các thanh tiếng Việt được sắp xếp ở bảng sau:

Bảng 1: Sự phân bố thanh điệu trong từ đơn tiết tiếng Việt TT Thanh điệu Tần số xuất hiện Tỉ lệ %

1 Thanh sắc 1581 26,87 2 Thanh nặng 1167 19,83 3 Thanh ngang 1114 18,95 4 Thanh huyền 947 16,09 5 Thanh hỏi 644 10,94 6 Thanh ngã 431 7,32 Tổng 6 thanh 5884 100.00 2.1.2.2. Nhận xét

Theo quan niệm truyền thống, các thanh sắc và nặng ở những âm tiết kết thúc bằng các phụ âm mà chữ quốc ngữ ghi lại là p, t, ch, c được coi là

những thanh riêng. Thi pháp học phương Đông gọi những thanh này là các thanh nhập. Để tiện lợi trong miêu tả, chúng tôi cho rằng hai thanh này, chỉ là những biến thể của thanh sắc và nặng trong hệ thống thanh điệu tiếng Việt.

Nhìn vào bảng 1, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự tách biệt giữa những thanh có tần số xuất hiện cao và những thanh có tần số xuất hiện thấp vẫn là đặc trưng cơ bản của hệ thống thanh điệu tiếng Việt phân bố trong từ đơn. Ở đây, có thể xác định vị trí đầu bảng của thanh sắc. Thanh sắc có tần số xuất hiện cao nhất 1581 lần, chiếm 26,87%. Sự vượt trội của thanh sắc trong tương quan với những thanh khác có thể thấy: đây là thanh điệu phân bố rộng và nó ưa thích với mọi loại âm tiết (mở, nửa mở, khép, nửa khép). Đứng ở vị trí tiếp theo là hai thanh: thanh nặng và thanh ngang. Thanh nặng có tần số xuất hiện là 1167 lần, chiếm 19,83 %; thanh ngang xuất hiện 1114 lần, chiếm 18,95 %. Cũng như thanh sắc, thanh nặng có thể xuất hiện trong mọi loại âm tiết. Còn thanh ngang, như đã biết, thanh ngang là thanh thuộc loại không dấu trong hệ thanh Việt, là thanh ưa thích, dễ phát âm nên nó dễ dàng xuất hiện trong từ đơn với tần số khá lớn. Cách thanh sắc một khoảng khá xa là thanh huyền, có tần số xuất hiện là 947 lần, chiếm 16,09 %. Có thể hiểu rằng thanh huyền cũng là thanh phát âm khá dễ dàng nhưng nó lại được phân bố trong từ đơn khá khiêm tốn. Hai thanh có tần số xuất hiện thấp nhất là thanh hỏi và thanh ngã. Chúng ta biết rằng, thanh hỏi và thanh ngã là những thanh có tần số xuất hiện rất thấp trong vốn từ vựng chung nên ở đây, chúng có tỉ lệ thấp là lẽ thường tình. Thanh hỏi xuất hiện 644 lần, chiếm 10,94 %; còn thanh ngã đứng ở vị trí cuối bảng với 431 lần xuất hiện, chiếm 7,32 %. Như ta đã biết, trong hệ thống thanh điệu tiếng Việt, thanh hỏi và thanh ngã là hai thanh có âm điệu không bằng phẳng (gãy). Diễn biến của hai thanh này hết sức phức tạp, đặc biệt là thanh ngã (có sự đổi hướng, lên xuống đột ngột). Do đó, hai thanh này không được ưa thích (vì khó phát âm) nên được phân bố trong từ đơn tiếng Việt ở vị trí rất khiêm tốn.

Từ những điều nêu trên, chúng ta nhận thấy sự phân bố của các thanh cho chúng ta biết đôi điều về hoạt động trên trục tuyến tính của các thanh điệu Việt. Xét toàn cục (trong cách nhìn hệ thống) những thanh ít đánh dấu hơn có xu hướng được ưa thích hơn.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu chức năng của thanh điệu tiếng việt (Trang 30 - 32)