tham gia liên kết
Ta biết rằng liên kết, liên doanh là một quá trình phát triển tự nhiên của doanh nghiệp do yêu cầu của phân công chuyên môn hóa sản xuất dưới tác động phát triển của sức sản xuất và sức ép cạnh tranh trên thị trường qui định. Để quá trình liên kết kinh doanh diễn ra thuận lợi, thì sức sản xuất của doanh nghiệp phát triển đến trình độ nhất định đòi hỏi phải liên kết, liên doanh mới mở đường cho sức sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Mặt khác, các doanh nghiệp tham gia
liên kết phải đạt trình độ phát triển tương đồng nhau thì liên kết kinh doanh mới thành công.
3.2.2.1. Chính sách, giải pháp đối với các hãng hàng không giá rẻ
Thứ nhất, xây dựng đề án thành lập các hãng LCA theo hướng không chỉ tạo điều kiện cho hãng ra đời ở mức vốn pháp định, mà còn bảo đảm hãng tiếp tục tồn tại ổn định và phát triển trong tương lai. Muốn vậy cần phải: 1) Xã hội hóa việc huy động các nguồn vốn, tạo điều kiện để mọi thành phần có thể tham gia góp vốn; 2) Thu hút nguồn đầu tư trực tiếp từ các tổ chức và cá nhân nước ngoài; 3) Cổ phần hóa các hãng LCA có nguồn vốn hạn hẹp để niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm thu hút và mở rộng nguồn vốn đầu tư vào mua sắm trang thiết bị có tính năng kỹ thuật - kinh tế hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu, có sức tải lớn, phù hợp với yêu cầu của hãng LCA theo chuẩn quốc tế.
Thứ hai, xây dựng bộ máy quản lý chuyên nghiệp gọn nhẹ, có hiệu quả, đặc biệt là bộ phận lập kế hoạch và xây dựng chiến lược phát triển, như hình thành mạng bay tối ưu, đội bay hiện đại có tính năng kinh tế, kỹ thuật tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra, cần xúc tiến liên kết, trước hết là liên kết với các doanh nghiệp du lịch thực hiện tiếp thị và hạch toán chi phí nhằm bảo đảm cho hãng LCA tồn tại, phát triển ổn định và có lãi trong điều kiện cạnh tranh của thị trường kinh tế hội nhập.
Thứ ba, có kế hoạch và đề án đào tạo người lái, thợ máy, tiếp viên người bản địa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại: 1) Đối với người lái cần tuyển chọn những người trẻ tuổi, có đủ sức khỏe và trình độ học vấn, gửi đến các trung tâm và cơ sở chuyên nghiệp có uy tín để đào tạo theo hướng hiện đại, đa năng khi cần có thể chuyển loại dễ dàng; 2) Đối với thợ máy và kỹ thuật, chuyên gia cần thu hút người giỏi từ nước ngoài kết hợp với gửi người đi đào tạo tại các trường kỹ thuật hàng không có uy tín trong và ngoài nước, ưu tiên đào tạo tại các các cơ sở trong nước để giảm chi phí; và 3) Đối với tiếp viên hàng không cần tuyển chọn những người đủ chuẩn qui định của nghề nghiệp và đào tạo theo hướng đa năng đảm nhận được nhiều nhiệm vụ trên không như: tiếp viên, an ninh, hướng dẫn viên du lịch để có thể đảm nhiệm được các vị trí khác nhau với các mục tiêu tiết giảm chi phí và tăng được lợi ích cho nhân viên thông qua tăng lương thưởng do đảm trách đa năng.
Thứ tư, sản xuất và cung cấp các LCAS có chất lượng cao cho hành khách đặc biệt là khách du lịch: 1) Để tăng chất lượng dịch vụ cần xây dựng chế độ và tổ chức đánh giá, chất lượng LCAS thông qua thường xuyên tham khảo ý kiến đánh giá của khách hàng; phân tích nhu cầu của khách hàng trên cả ba cấp độ: phần cốt lõi của dịch vụ, phần cụ thể của dịch vụ và phần dịch vụ bổ sung; 2) Có biện pháp khả thi để khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến, mạng đường bay còn giản đơn…; 3) Phải có kế hoạch và tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất cho hành khách. 4) Các tiếp viên không chỉ có chuyên môn giỏi để thực hiện các nghiệp vụ trên không, giới thiệu và quảng bá về hoạt động của LCA, mà còn cần cả nghiệp vụ hướng dẫn về du lịch cho du khách; và 5) Xây dựng văn hóa và truyền thống phục vụ của hãng trên cơ sở kết hợp giữa tác phong phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại với truyền thống ân cần, thân thiện, chu đáo của dân tộc Việt Nam.
Thứ năm, tạo lập thị trường và thực hiện các biện pháp cạnh tranh lành mạnh như: 1) Thực hiện các biện pháp quảng bá về hình ảnh và hoạt động của hãng LCA thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các phương tiện Marketing trực tuyến; 2) Tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá về các ưu việt của hãng LCA; 3) Thực hiện liên kết, liên doanh trực tiếp với các hãng lữ hành du lịch để tạo ra sức cầu ổn định với khối lượng lớn cho hãng LCA; 4) Thường xuyên tổ chức các đợt giảm giá vé và tham gia vào kích cầu du lịch để thiết thực quảng bá về hoạt động của hãng LCA; và 5) Thực hiện cạnh tranh lành mạnh bằng cung cấp LCAS với chất lượng tốt, đảm bảo đúng giờ, giảm đến mức tối thiểu chậm chuyến, an toàn và an ninh, thực hiện đúng các mục tiêu mà tôn chỉ mục đích của hãng đã nêu ra.
Thứ sáu, tiết giảm chi phí đến mức cao nhất để có thể duy trì cung cấp ổn định LCAS và an toàn cho hành khách bằng: 1) Sử dụng các loại máy bay tiết kiệm được chi phí nguyên liệu và có độ an toàn cao nhất cho hành khách, người lái và tiếp viên; 2) Sử dụng tiếp viên đa năng đảm nhận được nhiều vị trí, thực hiện được nhiều nhiệm vụ trên không và dưới mặt đất để giảm chi phí; 3) Cung cấp các dịch vụ thực ăn, đồ uống, dịch vụ giải trí, thông tin, chống nôn đại trà ở mức tối thiểu để giảm chi phí cho hành khách, song vẫn cung cấp dịch vụ cao cấp theo nhu cầu của hành khách có khả năng chi trả, để hành khách có cảm giác thoải mái trên chuyến
bay; và 4) Sử dụng các dịch vụ mặt đất ở mức tiết kiệm nhất mà vẫn bảo đảm an toàn, tiện lợi cho hành khách.
3.2.2.2. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia liên kết
Ta biết rằng, trong chuỗi các doanh nghiệp tham gia hình thành sản phẩm của hãng lữ hành du lịch, gồm: giao thông, hải quan, thương mại, dịch vụ sức khỏe, bảo hiểm, nghỉ dưỡng…thì ba chủ thể giữ vai trò quan trọng là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lữ hành, hàng không trong đó có hàng không LCA, và khu nghỉ dưỡng (cung cấp dịch vụ y tế, khách sạn, nhà hàng). Đây là lực lượng chủ yếu, quyết định thành công của quá trình liên kết và hình thức liên kết. Do đó, để đưa ra các giải pháp tăng cường tiềm lực kinh tế, kỹ thuật cho các chủ thể của du lịch tham gia liên kết, trước hết cần tập trung vào lữ hành du lịch và khu nghỉ dưỡng (resort).
* Đối với các hãng lữ hành du lịch
Cho đến năm 2012 cả nước có 960 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế có giấy phép [5] và khoảng gần 10.000 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh lữ hành nội địa khoảng hơn ½ trong đó kinh doanh tự phát không phép, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có cơ sở chỉ có vài nhân viên làm vệ tinh thu hút khách du lịch cho doanh nghiệp khác để hưởng hoa hồng đẩy giá tour tăng cao gây nhiễu loạn. Cả nước chỉ có khoảng 5 doanh nghiệp có qui mô tương đương với doanh nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN. Để lữ hành có thể làm nòng cốt trong liên kết với các hãng LCA và các doanh nghiệp du lịch kinh doanh ở các loại hình dịch vụ khác cần phải có giải pháp tăng sức mạnh của doanh nghiệp. Ở đây cần các biện pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, đổi mới và sắp xếp lại các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp: 1) Tăng cường công tác quản lý bằng cách rà soát lại các doanh nghiệp đã cấp phép và kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh tự phát không phép để các doanh nghiệp phải tuân thủ qui chế du lịch, hạn chế những đối tượng kinh doanh không hiệu quả, cạnh tranh không lành mạnh; 2) Sáp nhập các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành các doanh nghiệp có qui mô lớn hơn để đưa kỹ thuật hiện đại vào tác nghiệp; 3) Loại bỏ các doanh nghiệp không phép bằng cách đưa họ vào hợp doanh với các doanh nghiệp lớn, nếu họ có tiềm lực về vốn và
nhân sự và cấm hẳn các loại doanh nghiệp nhỏ kinh doanh tự phát, thiếu lành mạnh, thậm chí lừa đảo du khách; 4) Nâng cao vốn pháp định để thúc đẩy các doanh nghiệp tự giác liên kết, liên doanh với nhau để giảm bớt số lượng doanh nghiệp lữ hành và tăng sức mạnh có thể vươn ra thị trường du lịch vùng và quốc tế; và 5) Đối với các doanh nghiệp nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo hướng cổ phần hóa, bán khoán, cho thuê, sáp nhập, giải thể và cho phá sản các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, lỗ triền miên, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) để bảo đảm chúng tồn tại phát triển ổn định và làm ăn hiệu quả.
Thứ hai, đầu tư trang thiết bị hiện đại để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và giảm được chi phí, đặc biệt là các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại kết nối toàn cầu và kết nối liên ngành với hãng LCA, ngân hàng, khu nghỉ dưỡng…
Thứ ba, thành lập công ty chuyên cung cấp hướng dẫn nhân viên cho các doanh nghiệp lữ hành. Khi có nhu cầu, công ty du lịch chỉ cần ký hợp đồng có những ràng buộc rõ ràng với nhà cung cấp hướng dẫn viên. Giải pháp này cho phép các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không phải lo trả lương cho hướng dẫn viên trong mùa ít khách còn công ty chung chuyên cung cấp hướng dẫn viên có điều kiện quản lý, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên và bản thân hướng dẫn viên ổn định và an tâm (phần lớn hướng dẫn viên chỉ ký hợp đồng công việc theo từng tour, nên cuộc sống và nghề nghiệp khá bấp bênh). Tuy nhiên, để chuyên nghiệp hóa dịch vụ cung ứng hướng dẫn viên theo nhu cầu thời vụ của doanh nghiệp lữ hành cần phải thông qua kiểm tra, cấp thẻ, đổi thẻ cho hướng dẫn viên để bảo đảm tính chuyên nghiệp đồng thời cần có sự quản lý và hỗ trợ của cơ quan nhà nước quản lý du lịch về mọi mặt: thuế, trợ cấp và chuyên gia…
Thứ tư, tăng cường giám sát hoạt động lữ hành du lịch, bởi lẽ du lịch là hoạt động mang tính xã hội hóa rất cao, với sản phẩm du lịch kém chất lượng sẽ tác động xấu đến ngành và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác. Do đó cần thường xuyên kiểm tra hoạt động và chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ của tất cả các đơn vị liên quan đến hoạt động du lịch trên thị trường.
Để các khu nghỉ dưỡng và các cơ sở lưu trữ đạt chất lượng quốc tế và khu vực cần có các giải pháp sau:
Thứ nhất, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút những dự án tầm cỡ vào phát triển các điểm, khu, thành phố du lịch lớn, trong đó xây dựng các cơ sở hạ tầng hiện đại như: sân bay, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí hiện đại kết hợp với gìn giữ cảnh quan tài nguyên tự nhiên và nhân tạo truyền thống. Đảm bảo cho du khách có nơi nghỉ dưỡng chữa bệnh, vui chơi, hội nghị dài ngày như các quốc gia trong khu vực.
Thứ hai, kết hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú và nghỉ dưỡng cho du lịch: 1) Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho các giám đốc khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là giám đốc ở các khu vực miền núi, vùng sâu, xa có khu du lịch và đồng bằng sông Cửu Long; Củng cố các trường hiện có và phát triển các trường đào tạo các chuyên gia và nhân viển đảm nhận các chức năng trong khách sạn như buồng, bàn, bếp, tiếp thị có chuyên môn sâu hiện đại ngang tầm quốc tế; 2) Tập huấn về nghiệp vụ bảo vệ môi trường ở các khu nghỉ dưỡng, lưu trú; 3) Tập huấn nghiệp vụ bảo vệ du khách và làm sạch môi trường xã hội ở nơi có khu nghỉ dưỡng, lưu trú của du khách; và 4) Tạo ra các điểm lễ hội vui chơi, giải trí lành mạnh cho du khách.