Trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu to lớn đưa đất nước ngày càng đi lên, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Vì thế mà các nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao được người dân quan tâm, đặc biệt là nhu cầu thực phẩm, không chỉ là số lượng mà còn cả về chất lượng của sản phẩm.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã và đang phát triển mạnh. Ngành chăn nuôi ngựa bạch tuy là một ngành khá mới nhưng lại là một hướng đi tốt nhằm giải quyết vấn đề về thực phẩm hiện nay và càng trở nên quan trọng trong tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn, gia cầm trong những năm gần đây.
Các sản phẩm của ngựa bạch cho giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra chăn nuôi ngựa bạch còn có ý nghĩa kinh tế xã hội như không tranh ăn lương thực với người và gia súc khác, có thể tận dụng được các nguồn sản phẩm phụ nông nghiệp.
Trong nhân dân, ngựa bạch được coi là tài sản quý. Ngựa bạch chịu được kham khổ, có thể phát triển tốt ở các tỉnh miền núi. Ngựa bạch còn được coi là dược liệu quý hiếm dùng vào việc bồi bổ, nâng cao thể lực, chữa trị một số bệnh nan y cho người.
Máu ngựa bạch được sử dụng đề tách chiết nguyên liệu làm thuốc cho y học và cho ngành thú y, sẽ giảm được bệnh đau đầu, chóng mặt, bồi bổ, chống bệnh viêm đường tiêu hóa, chống mệt mỏi, phù hợp với phụ nữ, chống suy kiệt lao lực. Cao xương ngựa bạch được đánh giá chỉ sau cao hổ cốt, làm cứng xương, chống hói đầu, rụng tóc, an thần, an thai, bồi bổ cho phụ nữ sau
sinh đẻ, chống trĩ, nhiệt, chữa bệnh phong tê thấp, thần kinh ngoại biên.
Do áp lực đòi hỏi của cuộc sống hiện tại, ngựa bạch đang dần có nguy cơ bị thu hẹp. Nhằm bảo tồn những đặc điểm quý của ngựa bạch, cùng với bảo tồn nguồn gen vật nuôi ở Việt Nam mà tại Chi nhánh Nghiên cứu và phát triển Động vật bản địa xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã và đang nuôi và nhân giống ngựa bạch một cách tự nhiên nhất.
Với mong muốn giúp đỡ cho cơ sở trong việc chăn nuôi và phòng trừ hiệu quả một số bệnh thường gặp trên ngựa bạch, nên em tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu một số bệnh thường gặp ở đàn Ngựa bạch nuôi tại Chi nhánh Nghiên cứu và phát triển Động thực vật bản địa xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên”.