nước cho học sinh trong dạy học lịch sử địa phương ở trường THCS tỉnh Ninh Bình.
2.2.1. Các biện pháp giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho học sinh trong bài nội khóa.
Giáo dục truyền thống nói chung, truyền thống yêu quê hương, đất nước nói riêng trong dạy học lịch sử địa phương ở trường là thực hiện chức năng giáo dục của bộ môn. Để thực hiện tốt chức năng này có nhiều biện pháp sư phạm khác nhau được sử dụng trong quá trình dạy học. Trong thực tế dạy học không có biện pháp nào là “vạn năng”, duy nhất mà các biện pháp sư phạm thường kết hợp, đan xen, hỗ trợ nhau tạo thành một hệ thống phương pháp liên hoàn. Khi dạy học giáo viên cần phải căn cứ vào nội dung kiến thức và yêu cầu cụ thể của từng bài mà lựa chọn biện pháp giáo dục cho phù hợp. Điều quan trọng là trong từng biện pháp cần phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình nhận thức. Xuất phát từ cơ sở lí luận và thực tiễn, căn cứ vào nội dung kiến thức lịch sử địa phương cần cung cấp, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp để giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho học sinh ở trường THCS tỉnh Ninh Bình thông qua hai hình thức chủ yếu: bài học nội khóa và hoạt động ngoại khóa.
2.2.1.1. Khai thác triệt để kiến thức lịch sử địa phương để giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho học sinh.
Trong dạy học lịch sử nói chung thì dạy học lịch sử địa phương được xem là có ưu thế hơn cả đối với việc giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước. Bởi dạy học lịch sử địa phương sẽ góp phần cung cấp, làm phong phú thêm tri thức lịch sử cho học sinh, giúp các em có những hiểu biết rộng hơn, sâu hơn về mảnh đất quê hương – nơi mình đang sinh sống. Thông qua việc tiếp xúc tài liệu, hiện vật, con người lịch sử địa phương mà các em có cái nhìn toàn diện về cuộc sống lao động, về truyền thống của người dân nơi đây. Từ đó các em thêm yêu, thêm tự hào và thấy mình có trách nhiệm bảo vệ những thành quả mà cha ông ta đã gây dựng nên bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình.
Ví dụ: Khi giảng bài 2 trong chương trình lịch sử địa phương lớp 9 “Ninh Bình từ năm 1945 đến nay”, trong mục I có phần “Ninh Bình trong kháng chiến chống Pháp”, giáo viên khai thác triệt để kiến thức lịch sử địa phương để thấy được sự đóng góp của quân và dân Ninh Bình trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và động viên tòng quân giết giặc trong kháng chiến chống Pháp.
Về chiến đấu trong 9 năm kháng chiến chống Pháp quân và dân Ninh Bình đã đánh 3.283 trận, tham gia 6 chiến dịch lớn là chiến dịch Vạn Thắng (cuối năm 1949 – đầu năm 1950), Trần Hưng Đạo (9/1950), đặc biệt là chiến dịch Quang Trung (Hà Nam Ninh) (5/1951), chiến dịch Tây Nam Ninh Bình (10,11/1953), loại khỏi vòng chiến đấu 11.743 tên địch, bắt trên 2.573, thu 2.353 súng các loại, 32 xe quân sự, phá hủy 300 xe cơ giới và hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy 1 tàu chiến và 1 ca nô.
Huy động sức người, sức của cho tiền tuyến: 11.938 thanh niên ra nhập quân đội, 19.474 người vào du kích; 129.828 lượt đi dân công ngắn
hạn và dài hạn. 3 năm (1951 – 1953) nhân dân trong tỉnh cho Chính phủ vay và đóng thuế 15.515 tấn thóc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ trong vòng 24h đã chuyển 600 tấn gạo ra tiền tuyến.
Những tài liệu này gây ấn tượng mạnh mẽ cho học sinh, các em càng thêm tự hào về quê hương mình đã hết lòng, hết sức vì cách mạng, vì thắng lợi chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ đó giúp các em suy nghĩ về vị trí, ý thức trách nhiệm của mình đối với quê hương hôm nay.
Ở bài “Ninh Bình từ thời nguyên thủy đến thế kỷ X”, trong mục II có phần “Những di vật đã tìm thấy trong thời dựng nước ở Ninh Bình”, giáo viên có thể sử dụng những di vật của nền văn minh Đông Sơn được tìm thấy trên mảnh đất này. Một trong những hiện vật tiêu biểu của thời kỳ này là trống đồng được phát hiện ở Thạch Bình và Phùng Thượng (Nho Quan). Bên cạnh đó còn có rùi đồng, mũi tên, dao găm đồng được phát hiện hàng chục chiếc ở xã Quang Sơn, Yên Sơn (Thị xã Tam Điệp), Gia Hòa, Gia Sinh (Gia Viễn).
Ngoài những phát hiện lẻ tẻ về trống, vũ khí và vật dụng bằng đồng còn phát hiện những địa điểm xuất lộ nhiều mảnh gốm cùng chì lưới thời Đông Sơn như di chỉ Hang Sáo ở xã Quang Sơn, di chỉ núi Ốp ở xã Yên Sơn (Thị xã Tam Điệp), địa điểm núi Phương (Ninh Mỹ - Hoa Lư), di chỉ Đồng Mỗ (Yên Thành – Yên Mô). Ngoài ra còn phát hiện trống đồng minh khí, các loại trống nhỏ tượng trưng được chôn theo người chết.
Những phát hiện trên cho chúng ta hình dung cuộc sống của cư dân văn hóa Đông Sơn trên đất Ninh Bình. Họ lập làng, trồng cấy, đánh cá và nhiều cảnh sinh hoạt khác như giã gạo, nhảy múa, đánh trống và có một đời sống vật chất cũng như tinh thần vô cùng phong phú. Như vậy chúng ta
không chỉ tự hào là nơi người Việt cổ sinh sống từ rất sớm mà còn tự hào chính những cư dân Việt cổ trên mảnh đất này đã góp phần lập nước, tạo nên bản sắc văn hóa chung của dân tộc.
Như vậy có thể thấy muốn phát huy vai trò của dạy học lịch sử địa phương nhằm giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho học sinh chúng ta cần khai thác triệt để kiến thức lịch sử địa phương trên tất cả các mặt như: lịch sử hình thành, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, truyền thống đấu tranh, phong tục tập quán… Có thể tiến hành khai thác kiến thức lịch sử địa phương tương ứng với từng thời kỳ của dân tộc, cũng có thể khai theo chủ đề trọng điểm. Song dù là cách nào thì giáo viên phải lựa chọn các sự kiện lịch sử điển hình, chính xác phản ánh những mặt cơ bản, đặc trưng để tiến hành giáo dục cho học sinh, chứ không phải chúng ta cứ đưa ra hàng loạt các nội dung kiến thức là có thể giáo dục được cho học sinh. Mặc dù nội dung kiến thức nào cũng có tác dụng giáo dục nhưng phải tùy thuộc vào nội dung của từng bài, từng kiến thức lịch sử mà giáo viên khai thác cho hợp lý, đạt hiệu quả cao. Do lịch sử địa phương là lịch sử quê hương mình, nơi mình sinh ra và lớn lên, nên nó rất gần gũi, thân thuộc. Vì vậy, dù giáo viên có tiến hành khai thác ở khía cạnh nào thì đều có tác dụng giáo dục lòng yêu quê hương, niềm tự hào về quê hương mình, có trách nhiệm với nó.
2.2.1.2. Trình bày kiến thức lịch sử địa phương một cách sinh động, cụ thể, giàu hình ảnh.
Lịch sử vốn là môn học được xem là khô khan, dài dòng, có quá nhiều sự kiện, nhiều con số chứ không chỉ là những câu chuyện nên học sinh thường ít thích học lịch sử. Những sự kiện, những con số trong lịch sử địa phương lại ít được nhắc đến càng khiến các tiết học này trở nên buồn tẻ,
không thu hút được học sinh. Tuy nhiên do đặc điểm của nhận thức lịch sử, việc học lịch sử không bắt đầu từ trực quan sinh động mà từ việc nắm bắt sự kiện và tạo biểu tượng lịch sử. Song việc dạy và học lịch sử phải tuân theo quy luật chung của quá trình nhận thức: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Vì vậy, muốn đạt hiệu quả cao trong việc giáo dục cho học sinh, đặc biệt là giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước thì kiến thức lịch sử địa phương phải được trình bày một cách sinh động, cụ thể, giàu hình ảnh thông quan các phương pháp sau:
Thứ nhất: Phương pháp trình bày miệng của giáo viên.
Trong dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng phương pháp trình bày miệng giữ vai trò chủ đạo. Với ngôn ngữ trong sáng, giàu hình ảnh kết hợp với miêu tả, tường thuật, giải thích… giáo viên sẽ dẫn dắt học sinh trở về với bức tranh quá khứ, tạo biểu tượng lịch sử chính xác, làm cơ sở hình thành khái niệm, từ đó tìm ra bản chất của sự kiện, rút ra quy luật và bài học lịch sử. Đây là phương pháp có ưu thế lớn trong việc giáo dục lịch sử. Bởi lời nói giàu hình ảnh, sinh động, hấp dẫn đã tác động đến tư tưởng, tình cảm của các em, góp phần phát triển nhân cách của học sinh một cách hoàn thiện. Đặc biệt trong dạy học lịch sử địa phương, muốn giờ học đạt hiệu quả cao về giáo dưỡng, giáo dục và phát triển thì đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp trình bày thực sự thu hút, giàu hình ảnh. Tuy nhiên, lời giảng có hình ảnh không phải là lời nói bóng bẩy, hoa mỹ, trống rỗng mà bao hàm mặt nội dung phong phú, súc tích, chính xác. Người giáo viên dạy với bầu nhiệt huyết, truyền đạt những nội dung mới mẻ, đem lại nhiều thông tin và cảm xúc thì học sinh cũng cảm nhận cái không khí hào hứng mà thầy giáo đem lại, nhờ vậy tiếp thu bài hiệu quả hơn. Người giáo viên phải dạy bằng cả tâm huyết của mình mới “truyền lửa” cho học sinh. Đồng thời kết hợp với
phương pháp trực quan như sử dụng tài liệu tham khảo, bản đồ, sơ đồ, phim ảnh tư liệu… để tạo biểu tượng cho học sinh, cụ thể hóa các sự kiện và khắc phục tình trạng hiện đại hóa lịch sử. Thông qua đó giúp cho các sự kiện, hiện tượng lịch sử trở nên ấn tượng hơn, khơi gợi những cảm xúc cho học sinh, các em sẽ thấy yêu thích, hứng thú với bài học lịch sử địa phương, kiến thức lịch sử địa phương được khắc sâu.
Trong giờ học lịch sử địa phương, giáo viên cần đến với học sinh bằng trạng thái tâm lý thoải mái, vui vẻ, cởi mở, chinh phục các em bằng sự uyên bác, lời nói sinh động, thú vị… chứ không đến với học sinh bằng giọng điệu đều đều, vẻ mặt thờ ơ, vô cảm hay bằng trạng thái căng thẳng, đề cao, quan trọng hóa môn học, áp lực điểm số.
Ví dụ, khi giảng về tình hình Ninh Bình trước cách mạng tháng Tám năm 1945, trong đó có phong trào phá kho thóc Nhật, nếu giáo viên cứ giảng đều đều diễn biến, kết quả như trong sách giáo khoa, không nhấn mạnh đến không khí, đến sức mạnh của nhân dân lúc bấy giờ, học sinh tiếp thu kiến thức một cách bị động. Điều này sẽ không gây ấn tượng gì cho học sinh về phong trào tập dượt quần chúng, bồi dưỡng cán bộ chuẩn bị điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa, đồng thời các em sẽ không có ấn tượng gì với sự chiến đấu anh dũng, hi sinh của cha ông mình để có được độc lập như ngày hôm nay. Để khắc phục được hạn chế trên khi trình bày kiến thức lịch sử địa phương, giáo viên cần sử dụng từ ngữ gợi cảm, cụ thể, ngắn gọn, chính xác, kết hợp miêu tả tường thuật. Đặc biệt khi không có tranh ảnh, đồ dùng trực quan đi kèm giáo viên cần phải miêu tả làm sao cho các nhân vật như sống lại, các sự kiện như đang tái diễn trước măt học sinh. Giáo viên có thể dựa vào tài liệu: “Ninh Bình lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp” của Bộ chỉ huy Quân sự Ninh Bình và diễn đạt bằng ngôn ngữ của mình: “Sáng này
15/3/1945, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trưởng ban Cán sự Đảng, Tổng ủy Quỳnh Lưu tổ chức hàng nghìn quần chúng cứu quốc, có tự vệ chiến đấu bảo vệ, rầm rập kéo đến phá kho thóc nhà Phó Trạch với khí thế xung thiên động địa như triều dâng thác đổ, lấy thóc chia cho nhân dân. Được cổ vũ bởi thắng lợi đầu tiên này, quần chúng nhân dân tiếp tục kéo đi phá kho thóc khác ở các làng trong tổng. Bọn hào lý khắp nơi run sợ trước khí thế của quần chúng cách mạng, không dám phản ứng. Buổi trưa cùng ngày, tri phủ Nho Quan là Thái Văn Thịnh đem lính bảo an về Quỳnh Lưu đàn áp. Chúng nổ súng vào quần chúng đang chuyển thóc, sát hại người dân còn bắt Bí thư Tổng ủy Quỳnh Lưu Lương Văn Tài. Căm uất trước hành động tàn bạo của địch, đồng bào dùng đòn gánh, gậy gộc, giáo mác xông lên đánh trả quyết liệt, đập chết tại chỗ 2 tên lính và làm toạc mặt tri phủ, khiến những tên khác phải bỏ chạy. Sau đợt đánh trả quyết liệt này, phong trào phá kho thóc lan rộng khắp tổng Quỳnh Lưu rồi lan sang các huyện khác trong tỉnh, trở thành đợt sóng cách mạng đầu tiên của cao trào kháng Nhật cứu nước trong tỉnh” [7; 19]. Với phương pháp trình bày như trên, giáo viên đã giúp học sinh có biểu tượng sinh động về phong trào phá kho thóc Nhật ở tỉnh nhà. Qua đó không chỉ giúp học sinh có thêm sự hiểu biết về phong trào đã từng diễn ra ở quê hương mình mà còn có thái độ yêu mến, kính trọng thế hệ cha ông – những người đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu cho nền độc lập này, đồng thời giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường mà bất khuất.
Như vậy, việc trình bày miệng của giáo viên sinh động, cụ thể, giàu hình ảnh giúp học sinh dễ hình dung quá khứ lịch sử, có biểu tượng lịch sử cụ thể, chính xác từ đó có tác dụng giáo dục tư tưởng, tình cảm, phát triển tư duy, kỹ năng, kỹ xảo cho học sinh.
Thứ hai: Sử dụng các câu chuyện về lịch sử địa phương để kể cho học sinh.
Trong dạy học lịch sử nói cung, dạy học lịch sử địa phương, kể chuyện lịch sử là một hình thức ngoại khóa. Song trong bài nội khóa việc sử dụng các câu chuyện về lịch sử địa phương để kể cho học sinh nghe được xem là một trong những phương pháp có ưu thế để giáo dục truyền thống, đặc biệt là truyền thống yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Thông qua những câu chuyện lịch sử có thật về con người, sự kiện, hiện tượng lịch sử… đã diễn ra trên quê hương mình không chỉ cung cấp kiến thức mới, sinh động mà còn tạo bầu không khí tò mò, hồi hộp nhưng vẫn hào hứng, thoải mái, tự hào… học sinh sẽ giảm bớt áp lực trong việc ghi nhớ kiến thức, khiến giờ học lịch sử địa phương trở nên thú vị và hấp dẫn hơn. Những câu chuyện hay tình tiết hấp dẫn sẽ có tác dụng rất lớn đối với việc giáo dục đạo đức, tư tưởng, tình cảm cho học sinh.
Tuy nhiên trong dạy học lịch sử nói chung, dạy học lịch sử địa phương nói riêng kể chuyện lịch sử là việc phổ biến kiến thức một cách khoa học chứ không phải là những câu chuyện hư cấu. Do đó nội dung kể chuyện phải có chủ đề - một sự kiện, nhân vật, dựa vào nguồn tài liệu chính xác, tin cậy. Đặc biệt nội dung câu chuyện phải phù hợp, điển hình, liên quan đến bài học. Câu chuyện được kể phải làm cho người nghe xúc động, như được sống lại với sự kiện ấy. Có như thế mới khắc sâu vào trong các em.
Có nhiều cách kể chuyện: kể lại tóm tắt nội dung một cuốn sách hay một câu chuyện được ghi chép thành tài liệu của chính người tham gia sự kiện thuật lại. Những câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục cao thường là những câu chuyện về người anh hùng hay các chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Họ có thể là những chiến sĩ có tên tuổi song cũng
có thể là quần chúng đã không tiếc xương máu bảo vệ thành quả cha ông. Bằng phương pháp nêu gương này, chúng ta sẽ để lại cho học sinh những ấn tượng sâu sắc.
Ví dụ: Khi giảng bài 1 trong chương trình lịch sử địa phương lớp 9