năng sống cho học sinh
Thực hiện giải pháp này, Hiệu trưởng cần chỉ đạo, quản lý tốt các hoạt động của nhiều bộ phận liên quan trong nhà trường, cụ thể là hoạt động của các bộ phận sau:
* Đối với cán bộ quản lý:
Tuyên truyền, giải thích cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường thấy rõ tầm quan trọng và sự cấp thiết của công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trong giai đoạn hiện nay. Từ đó nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh nói riêng và chất lượng giáo dục của nhà trường nói chung. Hiệu trưởng cần chỉ đạo cho giáo viên chủ nhiệm đánh giá, xếp loại hạnh kiểm của các em thật sự nghiêm túc, chặt chẽ; không để xảy ra trường hợp một số học sinh vẫn còn vi phạm nội quy nhà trường mà vẫn được đánh giá hạnh kiểm tốt, việc làm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh sau này.
Phát huy tối đa vai trò của Hội Cha mẹ học sinh trong việc phối hợp với trường trong công tác giáo dục đạo đức học sinh.
* Đối với giáo viên Tổng phụ trách đội:
Giáo viên Tổng phụ trách đội có vai trò hết sức quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức học sinh. Vì vậy, Hiệu trưởng cần tăng cường vai trò của giáo viên Tổng phụ trách đội trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua trong học tập, các hoạt động ngoại khoá; các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn ”, những hoạt động văn hóa lành mạnh khác,… nhằm thu hút, lôi cuốn học sinh đến với tập thể, đến những hoạt động bổ ích để giáo dục về lòng nhân ái, tình đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; giáo dục cho các em những kỹ năng sống; giáo dục truyền thống và đạo lý con người Việt Nam, để từ đó giáo dục đạo đức học sinh. Ngoài ra, giáo viên Tổng phụ trách đội cũng là người hỗ trợ đắc lực cho giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh.
* Đối với giáo viên chủ nhiệm:
Giáo viên chủ nhiệm là người giữ vai trò chủ động trong việc phối hợp các lực lượng giáo dục và là người trực tiếp thay mặt nhà trường để giáo dục học sinh; là người thực hiện sự phối hợp, liên kết chặt chẽ với giáo viên Tổng phụ
trách đội, với giáo viên bộ môn và các bộ phận khác trong nhà trường trong việc giáo dục đạo đức học sinh, rèn luyện kỹ năng sống cho các em.
Năng lực chuyên môn, đạo đức, uy tín và kinh nghiệm công tác của giáo viên chủ nhiệm lớp là điều kiện quan trọng nhất cho việc tổ chức phối hợp thành công các hoạt động giáo dục học sinh của lớp. Hình ảnh người thầy ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh, chính vì vậy giáo viên chủ nhiệm không những cần có năng lực chuyên môn, mà còn đòi hỏi phải thật sự là tấm gương sáng về tác phong, tư cách đạo đức; chuẩn mực trong trang phục, lời nói, cách ứng xử… như vậy lời nói của giáo viên chủ nhiệm mới có trọng lượng với học sinh.
* Đối với giáo viên bộ môn:
Mỗi giáo viên bộ môn, phải cố gắng dạy tốt môn học của mình, hãy chú ý đến mọi đối tượng học sinh, đặc biệt là học sinh cá biệt, học sinh yếu, kém, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn để tận tình giúp đỡ các em, giúp cho các em tiếp thu tốt nhất kiến thức mà mình đã truyền đạt. Đặc biệt là môn Giáo dục công dân có vị trí quan trọng đối với việc trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về phẩm chất, đạo đức, về quyền và nghĩa vụ công dân, sẽ giúp học sinh có thái độ tích cực và thực hiện những hành vi đúng đắn phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội.