Các quy định chung về quản lý, tổ chức thực hiện hai loại quy hoạch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị thành phố hà tĩnh, tỉnh hà tĩnh (Trang 29)

* Đối với quy hoạch sử dụng đất:

Việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định với các nội dung chính sau:

(1) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.

(2) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Khi phát hiện những trường hợp sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch đã được công bố thì xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính về việc không ngăn chặn, không xử lý kịp thời, để xảy ra trường hợp sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt tại địa phương.

(3) Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương; phát hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp phát hiện vi phạm về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh thì Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để xem xét xử lý. Trường hợp phát hiện nhu cầu thực tế cần điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp về nhu cầu đó.

(4) Hàng năm, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất của địa phương đến ngày 31 tháng 12 theo thời hạn được quy định cho từng cấp.

(5) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn cả nước.

Hàng năm, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh đến ngày 31 tháng 12 đồng thời gửi một (01) bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; thời hạn nộp báo cáo là trước ngày 31 tháng 01 năm sau.

(6) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cả nước để báo cáo Chính phủ; thời hạn nộp báo cáo là trước ngày 15 tháng 3 năm sau.

(7) Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với năm cuối của kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu thì phải kèm theo báo cáo tổng hợp việc thực hiện cả kỳ kế hoạch sử dụng đất.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với năm cuối của kỳ quy hoạch sử dụng đất thì phải kèm theo báo cáo tổng hợp việc thực hiện cả kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối và báo cáo tổng hợp việc thực hiện cả kỳ quy hoạch sử dụng đất.

* Đối với quy hoạch xây dựng:

Đối với quy hoạch xây dựng, việc quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng được thực hiện thông qua các quy định cụ thể cho từng loại hình quy hoạch xây dựng. Bên cạnh những quy định chung, căn cứ nội dung bản vẽ, thuyết minh của đồ án quy hoạch, các kiến nghị, giải pháp thực hiện quy hoạch, người có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng ban hành Quy định về quản lý quy hoạch xây dựng để thực hiện quy hoạch, bao gồm:

- Đối với quy hoạch xây dựng vùng:

(1) Quy định về vị trí, vai trò, chức năng, quy mô các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật mang tính chất vùng, liên vùng;

(2) Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn đối với các công trình đầu mối, các công trình hạ tầng kỹ thuật chính theo tuyến mang tính chất vùng, liên vùng và các biện pháp bảo vệ môi trường;

(3) Quy định về bảo tồn, tôn tạo các di sản thiên nhiên, các công trình kiến trúc có giá trị, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử - văn hoá trong vùng;

(4) Phân công và quy định trách nhiệm quản lý quy hoạch cho các cấp chính quyền địa phương trong vùng theo quy hoạch xây dựng vùng;

(5) Các quy định khác

- Đối với quy hoạch chung xây dựng đô thị:

(1) Quy định về bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc, khu danh lam thắng cảnh, khu di sản văn hoá, khu di tích lịch sử - văn hoá trong đô thị;

(2) Quy định về phạm vi bảo vệ hành lang an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật của đô thị và các biện pháp bảo vệ môi trường;

(3) Quy định chỉ giới đường đỏ của các tuyến phố chính, cốt xây dựng khống chế của đô thị, các khu vực cấm xây dựng;

(4) Quy định các chỉ tiêu về diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tầng cao tối đa, tối thiểu của công trình trong các khu chức năng đô thị;

(5) Phân cấp và quy định trách nhiệm quản lý quy hoạch xây dựng của các cấp chính quyền đô thị trong việc thực hiện và quản lý quy hoạch chung xây dựng đô thị

- Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng:

(1) Quy định ranh giới, phạm vi lập quy hoạch chi tiết xây dựng;

(2) Quy định về vị trí, ranh giới, tính chất, quy mô các khu chức năng trong khu vực thiết kế; các chỉ tiêu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao, cốt xây dựng đối với từng lô đất; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và các yêu cầu cụ thể về kỹ thuật đối với từng tuyến đường; phạm vi và hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật;

(3) Quy định về vị trí, quy mô và phạm vi, hành lang bảo vệ đối với các công trình xây dựng ngầm, trên mặt đất và trên cao; (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(4) Quy định về bảo tồn, tôn tạo, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc, di tích lịch sử - văn hoá, địa hình cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái;

(5) Các quy định về thiết kế đô thị;

(6) Phân cấp và quy định trách nhiệm quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị.

- Đối với quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn:

(1) Quy định ranh giới quy hoạch xây dựng đối với từng điểm dân cư nông thôn; (2) Quy định những vùng cấm xây dựng; phạm vi và hành lang bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực có khả năng xảy ra sạt lở, tai biến; khu đất dự trữ phát triển dân cư, các khu vực bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá và các khu vực khác;

(3) Quy định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng đối với hệ thống giao thông trong điểm dân cư, hệ thống giao thông trên địa bàn xã;

(4) Quy định về việc bảo vệ môi trường đối với điểm dân cư nông thôn; (5) Các quy định khác .

* Nhận xét, đánh giá chung về quản lý, thực hiện quy hoạch:

Đối với quy hoạch sử dụng đất, quy định hiện hành về việc quản lý, thực hiện quy hoạch tương đối đầy đủ và cụ thể về phạm vi trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, của cơ quan Tài nguyên và Môi trường các cấp trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch. Theo các quy định hiện hành thì việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất được quản lý theo dõi, giám sát thường xuyên, được báo cáo đầy đủ theo định kỳ. Tuy nhiên trong thực tế, việc thực hiện các quy định này ở nhiều địa phương chưa đầy đủ; việc quản lý thực hiện quy hoạch sử dụng đất ít nhiều còn lỏng lẻo. Đối với quy hoạch xây dựng, ngoài các quy định chung thì tùy theo loại hình quy hoạch, có những quy định cụ thể về việc quản lý, thực hiện quy hoạch, quy định về phạm vi trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, của cơ quan quản lý xây dựng các cấp trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch. Việc quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng yêu cầu người có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng phải ban hành các quy định cụ thể để thực hiện quy hoạch, làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt. Theo các quy định thì việc thực hiện quy hoạch xây dựng được quản lý theo dõi, giám sát thường xuyên, bảo đảm việc thực hiện quy hoạch đúng theo các nội dung và yêu cầu mà đồ án quy hoạch xây dựng cụ thể đã đưa ra. Tuy nhiên trong thực tế, việc tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng ở nhiều nơi cũng còn những hạn chế nhất định, kết hợp với nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng các quy hoạch xây dựng thường phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện.

Như vậy, việc quản lý và tổ chức thực hiện cả hai loại quy hoạch có sự thống nhất là đều thuộc trách nhiệm chính của chính quyền các cấp nhưng nội dung và cách thức tiến hành giám sát và kiểm tra, tổ chức thực hiện hai loại quy hoạch có

phần khác nhau. Đối với quy hoạch sử dụng đất thì cơ chế giám sát và kiểm tra, tổ chức thực hiện được quy định thống nhất chung cho các cấp quy hoạch bởi các văn bản quy phạm pháp luật; còn đối với quy hoạch xây dựng, cơ chế giám sát và kiểm tra, tổ chức thực hiện chủ yếu được người phê duyệt quy định cụ thể cho từng đồ án quy hoạch mà chưa được quy định chung trong văn bản quy phạm pháp luật.

Chương 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị thành phố hà tĩnh, tỉnh hà tĩnh (Trang 29)