I. Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2010.
1. Một số quan điểm về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Kạn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đại Hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khoá 8 đã được tổ chức vào tháng 2 năm 2001 nhằm đề ra những quan điểm chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn trong những năm tới. Tư tưởng chỉ đạo chung là phát triển kinh tế tỉnh theo hướng phát huy nội lực, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tập trung khai thác lợi thế tiềm năng của Bắc Kạn, nhất là vị trí địa lý, tài nguyên rừng và khoáng sản, quỹ đất đai, tiềm năng du lịch... nhanh chóng xây dựng cơ cấu kinh tế thích hợp trong từng giai đọan nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, giữ gìn môi trường sinh thái, tạo sự công bằng trong đời sống dân cư, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu trở thành tỉnh không bị tụt hậu của vùng đông bắc. Cụ thể là:
a. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Kạn phải được quán triệt theo tư tưởng nỗ lực phát huy những lợi thế và hạn chế những khó khăn, trở lực, nhất là việc nhanh chóng, xây dựng cơ cấu kinh tế thích hợp trong từng giai đoạn để đẩy tới một bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhằm làm giảm dần khoảng cách chênh lệch để sau năm 2010 tiến tới ngang bằng với chỉ tiêu GDP/người của cả nước, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân
dân, tạo sự công bằng trong đời sống dân cư, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
b. Phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Kạn phải đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các tỉnh thuộc vùng đông bắc và cả nước, thực hiện đường lối phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường có sự điều tiết và quản lý vĩ mô của Nhà nước. Trước hết gắn nền sản xuất hàng hoá của tỉnh với thị trường trong nước. Đặc biệt là thị trường gần 50 triệu dân ở cùng Bắc bộ, đồng thời tranh thủ mở rộng sang Trung Quốc nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng nguồn lực của tỉnh vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và phát triển bền vững.
c. Phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, nhanh chóng tạo ra các nhân tố bên trong vững mạnh, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài gắn với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và tuyến trục kinh tế để thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới.
d. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng cao, vùng sâu, vùng xa kết hợp với việc đẩy mạnh quá trình đô thị hoá và phát triển các vùng nông thôn để tạo ra sự phát triển hài hoà giữa các tiểu vùng lãnh thổ trên toàn tỉnh.
e. Phát triển kinh tế phải đi đôi với việc giải quyết các vấn đề xã hội nhằm tạo ra sự ổn định vững chắc cho quá trình tăng trưởng và đảm bảo sự công bằng xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái.
f. Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.