Thứ nhất, các ngành, các địa phương tập trung rà soát lại các công trình sử dụng vốn ODA do mình quản lý để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường năng lực quản lý và sử dụng vốn ODA, đào tạo cán bộ quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
Thứ hai, các địa phương phải tổ chức tốt việc thực hiện Đề án định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ chính thức (ODA) thời kỳ 2006-2010 và Kế hoạch hành động thực hiện Đề án này.
Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 48/2008/QĐ-TTg ngày 3/4/2008 ban hành Hướng dẫn chung lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhóm 5 ngân hàng, gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Thế giới. Phối hợp với 5 nhóm ngân hàng này để thực hiện các giải pháp cấp bách và Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006-2010.
Thứ tư, tổ chức thực hiện theo “Khung theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006-2010” để có những đánh giá, điều chỉnh kịp thời nhằm hạn chế tình trạng chậm giải ngân và để xây dựng kế hoạch cho những dự án tiếp theo.
Cam kết ODA cho Việt Nam năm 2006 đạt 3,75 tỷ USD, năm 2007 là 4,45 tỷ USD, còn cho năm 2008 con số này là 5,426 tỷ USD. Đây là mức cam kết kỷ lục, nâng tổng giá trị ODA cam kết trong 2 năm 2006-2007 đạt gần 9,88 tỷ USD, bằng 49% dự báo cam kết vốn ODA cho cả thời kỳ 2006-2010.
Như vậy trong 5 năm gần đây Việt Nam liên tục đạt kỷ lục trong thu hút vốn ODA. Điều này chứng minh cho thực tế hiện nay Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với chính sách phát triển kinh tế.
Hy vọng rằng với những nỗ lực chung, trong quý 2/2008 sẽ có thêm những chuyển biến tích cực trong thu hút vốn đầu tư ODA.
Kết luận
Một lần nữa có thể khẳng định rằng nguồn hỗ trợ ODA có vai trò rất quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Trong những năm qua, ODA đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nước ta qua các dự án đầu tư trên hầu hết các lĩnh vực của ngành.
Trong những năm tới, khi xu hướng ODA trên thế giới là ngày cảng giảm, việc vận động ODA nhìn chung là sẽ ngày càng khó khăn hơn. Để có thể vận động được lượng ODA mà ngành đã đặt ra đòi hỏi nỗ lực của tất cả các ban ngành liên quan mà trước mắt là cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn quý báu này.
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA không những là tiền đề cho công tác vận động ODA mà nó còn là đóng góp một phần rất quan trọng cho sự phát triển chung của toàn ngành giao thông vận tải, trong đó có sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong gần 10 năm triển khai các dự án ODA, với một đội ngũ nhân lực giầu kinh nghiệm từ các Ban quản lý dự án, Tư vấn, tới các Nhà thầu trong việc triển khai các dự án đấu thầu quốc tế, ngành GTVT Việt Nam sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra và vươn lên một tầm cao mới trong cuối thập niên này