Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) ròng trong năm 2012 ước đạt khoảng 2 tỷ USD. Con số này bao gồm vốn đầu tư gián tiếp cả trong và ngoài TTCK, bao gồm cả M&A và trái phiếu nước ngoài. Nếu trừ một số thương vụ phát hành trái phiếu với giá trị lớn cho nhà đầu tư nước ngoài như 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của Vingroup, 250 triệu USD của Vietinbank, 235 triệu USD trái phiếu của Masan… thì dòng vốn FII ròng cho mục đích mua cổ phiếu và M&A của Việt Nam năm 2012 đạt khoảng 1 tỷ USD.
2.2.3. Vay ODA
ODA là nguồn vốn tương đối ổn định và biến động ít hơn trong suy thoái kinh tế so với các nguồn vốn khác. Theo Bộ kế hoạch và đầu tư, giải ngân vốn ODA trong năm 2012 đạt khoảng 3,6 tỷ USD, tương đương mức của năm 2011, vốn cam kết của năm này là 7,3 tỷ USD. Trong hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ (CG)
được tổ chức vào đầu tháng 12/2012, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết sẽ tài trợ cho Việt Nam 6,5 tỷ USD vốn ODA trong năm 2013. Mặc dù vẫn duy trì được niềm tin của các nhà tài trợ về khả năng sử dụng hiệu quả vốn vay ODA, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, có thể thấy vốn ODA cam kết đang có xu hướng sụt giảm trong những năm gần đây. Một điểm đáng lưu ý là triển vọng thu hút ODA của Việt Nam trong các năm sắp tới có thể sẽ gặp phải nhiều thách thức khi các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp hay các khoản viện trợ không hoàn lại sẽ ngày càng ít đi do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Do vậy, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh giải ngân nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của nguồn vốn ODA. Dự báo giải ngân ODA trong năm 2013 có thể đạt mức 3,6 đến 4 tỷ USD.