Nợ công Việt Nam chiến 50,9% GDP (năm 2011), dự kiến vào khoảng 58,4% GDP (năm 2012) và 65% GDP (năm 2015). Mặc dù tỷ lệ nợ này vẫn nằm trong tầm kiểm soát (dưới 60% GDP theo cách tính chỉ tiêu tỷ lệ nợ công/GDP của Liên hợp quốc) nhưng quá cao so với mức phổ biến ở các nền kinh tế đang phát triển (từ 30% – 40% GDP) và so với một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc (17,4% GDP), Inđônêxia 25,6% GDP). Mức nợ công tính trên đầu người của Việt Nam tăng từ 638,55 USD (năm 2011), dự kiến lên 698,71 USD (năm 2012) vẫn thấp hơn so với 817,22 USD (Trung Quốc), 808,52 USD (Inđônêxia), 4.626,4 USD (Malaysia), 1.195,29 USD (Philípppin), 2.261.78 USD (Thái Lan). Nhưng so với mức nợ công bình quân đầu người của Việt Nam xấp xỉ 112 USD (năm 2001) thì mức nợ công đã tăng gấp 6 lần trong một thập kỷ (2001 – 2011). Theo đánh giá của CIA World Factbook, nợ công Việt Nam đứng ở vị trí 41/50 quốc gia có tỷ lợ nợ công trên đầu người cao nhất thế giới (năm 2011). Gánh nặng nợ/đầu người đang ngày càng gia tăng. Với tốc độ tăng nợ công như hiện nay thì sau 5 năn, nợ công Việt Nam sẽ vượt quá 100% GDP và có thể xảy ra khủng hoảng nợ công.
Tính trung bình, nợ công Việt Nam đã tăng 25% (khoảng 5%/năm) giai đoạn 2007 – 2011. Với khoản nợ này, từ nay đến năm 2015 mỗi năm Việt Nam phải trả nợ gốc
và lãi gần 1,5 tỷ USD và mức trả nợ cao nhất sẽ là 2,4 tỷ USD (2020). Nguyên tắc cơ bản của quản lý nợ công bền vững là nợ công ngày hôm nay phải được thanh toán bằng thặng dư ngân sách ngày mai. Nhưng thực tế tại Việt Nam, thâm hụt ngân sách đã trở thành kinh niên và vượt xa ngưỡng “báo động đỏ” 5% đe dọa đến tính bền vững của nợ công.