Theo nghiên cứu tiến cứu của Mamandras trên 32 bệnh nhân từ 8-18 tuổi về sự thay đổi của môi theo thời gian thì thấy rằng môi sẽ dài ra và dầy lên cùng với tuổi nhưng trong vòng 5 năm thì các kích thước của môi không thay đổi vượt quá sai số chuẩn. Do vậy mặc dù bệnh nhân được điều trị trong thời gian trung bình 27,8 tháng hay 2,3 năm, lâu nhất 4 năm và thời gian điều trị ngắn nhất 1 năm nên coi như không có sự thay đổi của môi theo tuổi. Chính vì vậy sự thay đổi vị trí của môi trong quá trình điều trị là kết quả của điều trị.
Môi trên và môi dưới sau điều trị ở phía trước đường thẩm mỹ E lần lượt 0,9 ± 1,39 và 3,1 ± 1,93mmgiảm lần lượt 2,7± 2,51mm và 3,5± 2,85 mm (p < 0,001). Kết quả này tương tự như Young và cộng sự nhưng thấp hơn so với Upadhyay và cộng sự. Sự khác biệt này có thể do Upadhyay hoàn toàn sử dụng neo chặn trong xương làm neo chặn.
Trước điều trị môi trên và môi dưới đều nhô ra trước so với SnPog’chỉ số bình thường lần lượt 3,2mm và 5,5mm. Sau điều trị,độ nhô của môi đã giảm đáng kể lần lượt 2,1 ± 1,48mm và 3,1 ± 1,99mm và nằm trong giới hạn bình thường, vị trí môi đã hài hòa với khuôn mặt. Do vậy chứng tỏ với đặc điểm hình thái mặt của người Việt thì mặt phẳng này là mặt phẳng mang lại giá trị tin cậy khi đánh giá độ nhô của môi. Mặt phẳng tham chiếu này còn có ý nghĩa nữa đó là không bị ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng của mũi.
Tỷ lệ về kéo lùi răng cửa với giảm độ nhô của môi là yếu tố mấu chốt cho tiên lượng mặt nghiêng sau điều trị. Drobocky và Smith kết luận kéo lùi môi trên liên quan chặt chẽ với kéo lùi răng cửa trên. Kết quả của chúng tôi cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa sự thay đổi của môi trên với răng cửa trên r = 0,76 và môi dưới với răng cửa dưới r = 0,69, mức độ liên quan chặt chẽ hơn so với nghiên cứu của Kusnoto (Indonesia) lần lượt 0,39; 0,51, Yasutomi 0,65;0,61. So với kết quả nghiên cứu của Lew: hệ số tương quan giữa răng cửa dưới và môi dưới thấp hơn (r = 0,80) nhưng giữa răng cửa trên và môi trên lại cao hơn (r = 0,73).
Mặc dù môi trên và môi dưới đều có mối tương quan chặt chẽ với cả thay đổi răng cửa trên và răng cửa dưới nhưng môi trên có mối tương quan chặt chẽ hơn đối với dịch chuyển răng cửa trên (r= 0,76) và môi dưới có
mối tương quan chặt hơn với dịch chuyển răng cửa dưới (r = 69). Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Solem.
Bằng phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính chúng tôi thấy rằng cứ 1,6mm răng cửa hàm trên dịch chuyển ra sau thì độ nhô môi trên giảm trung bình 1mm. Tỉ lệ kéo lùi khối răng cửa trên với môi trên 1,6:1 cao hơn so với nghiên cứu của Ramos và cộng sự (2005)1,33: 1. Sự khác nhau do Romos đã lấy điểm cổ răng thay vì rìa cắn răng cửa trong nghiên cứu dẫn tới tỉ lệ dịch chuyển khác nhau. Đáp ứng của môi trong nghiên cứu chậm hơn so với đáp ứng của nhóm bệnh nhân người da trắng 1,58:1 nhưng nhanh hơn so với người da đen 1,75:1. Phải chăng quan điểm độ dày môi ảnh hưởng đến tốc độ đáp ứng của môi? Cùng nghiên cứu trên người da trắng, Rudee lại thấy tỉ lệ 2,93:1 cao hơn nhiều so với nghiên cứu khác. Khi so sánh trong cùng khu vực châu Á, tỉ lệ dịch chuyển này thấp hơn so với nghiên cứu của Yasutomi 4,5:1; Kasai 2,38:1 đối với người Nhật nhưng gần tương tự như kết quả của Solem 1,73: 1đối với nhóm người châu Á nói chung.Như vậy trong cùng một khu vực, thậm chí ngay với cùng một chủng tộc là người Nhật hay cùng người da trắng thì kết quả của các nghiên cứu có sự thay đổi đáng kể. Do đó qua các nghiên cứu không có quy luật chung nào về tỉ lệ đáp ứng cho riêng từng kiểu màu da riêng biệt mà thay đổi tùy theo từng nhóm bệnh nhân nghiên cứu. Mối tương quan giữa sự thay đổi vị trí theo chiều trước-sau của môi với răng cửa là mối liên quan đa yếu tố phức tạp phụ thuộc vào chiều dày môi, sự căng của môi, hình thái mặt, chủng tộc, giới.Tỉ lệ dịch chuyển răng cửa dưới với môi dưới 1,1:1cũng gần tương đồng với tỉ lệ 1,2: 1 của Salem và thấp hơn so nghiên cứu của Yasutomi 1,3:1. Sự dịch chuyển của môi dưới trong nhóm nghiên cứu không chỉ phụ thuộc vào sự dịch chuyểncủa răng cửa dưới mà còn phụ thuộc vào răng cửa trên(r = 64) điều này chứng tỏ môi dưới được nâng đỡ bởi 1/3 phía rìa cắn của răng cửa trên nên vẩu của môi phản ánh mức độ vẩu răng cửa trên.