Phân tích, cắt nghĩa chùm ca dao “Than thân, yêu thương tình nghĩa”

Một phần của tài liệu Đọc hiểu chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa (ngữ văn 10) gắn liền với đời sống thực tiễn (Trang 28)

9. Bố cục khóa luận

2.2.1.3. Phân tích, cắt nghĩa chùm ca dao “Than thân, yêu thương tình nghĩa”

Đối với một văn bản trữ tình, có rất nhiều cách phân tích, cắt nghĩa văn bản. Có thể phân tích, cắt nghĩa theo kết cấu, hình tượng… Với chùm ca dao

Than thân, yêu thương tình nghĩa được phân tích cắt nghĩa theo từng chủ đề nhỏ để chiếm lĩnh văn bản. Bao gồm:

Ca dao than thân (Bài 1 và bài 2): giọng xót xa, ngậm ngùi.

Nhân vật trữ tình ở hai bài ca dao đều là người phụ nữ sống trong xã hội cũ.Với số phận bất hạnh họ cất lên lời ca than thân ngậm ngùi, xót xa.

Ngôn ngữ trữ tình đều gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Hai bài ca dao sử dụng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, ví von càng diễn tả thấm thía hơn nỗi khổ đó.

Hai bài ca dao đều có mô típ mở đầu bằng “Thân em”.

Bài ca dao số 1:

Người phụ nữ so sánh mình với “tấm lụa đào”, gợi vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, thướt tha.Nó tượng trưng cho nhan sắc lộng lẫy và tuổi xuân phơi phới của người phụ nữ. Họ ý thức được sắc đẹp, tuổi xuân, giá trị của mình nhưng “tấm lụa đào” ấy lại “phất phơ” không nơi nương tựa, không biết sẽ rơi vào tay ai. Đó là một số phận vô cùng bấp bênh, người phụ nữ không làm chủ được bản thân, không tự quyết định được cuộc sống của mình mà hoàn toàn phải phụ thuộc vào kẻ khác.

Bài ca dao số 2:

Người phụ nữ ví mình như “củ ấu gai”,ruột trong trắng”, “vỏ ngoài đen”. Gợi sự đối lập giữa vẻ bề ngoài xấu xí với vẻ đẹp phẩm chất bị khuất lấp bên trong. Cô gái ý thức được giá trị của mình nhưng lại không được ai biết đến nên phải “mời mọc”. Đó cũng là cách cô gái khẳng định bản thân mình đồng thời cũng toát lên niềm khát khao hạnh phúc của người phụ nữ.

Bài ca dao số 3:

Ca dao yêu thương tình nghĩa (Bài 3,4,5,6): giọng thiết tha, sâu lắng.

Nhân vật trữ tình ở đây là chàng trai trong tâm trạng lỡ duyên.

Ngôn ngữ trữ tình giản dị, thân thuộc, đậm sắc thái dân gian. Chủ thể trữ tình đã mượn các sự vật trong thiên nhiên để giãi bày nỗi lòng của mình.

Đại từ phiếm chỉ “Ai” để chỉ những nguyên nhân gây ra sự chia rẽ mối duyên tình của lứa đôi. “Ai” gợi sự trách móc, oán giận nghe xót xa của nhân vật trữ tình. Tác giả đã lấy các hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ vĩnh hằng “Mặt trăng- Mặt trời”, “sao Hôm- sao Mai” để khẳng định tình nghĩa thủy chung của con người.

Câu thơ cuối bài ca dao “Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời”, cho ta thấy cái mòn mỏi của sự chờ đợi, cái cô đơn của sự ngóng trông, nỗi đau của con người khi tình duyên lỡ dở. Nhưng vượt lên trên tất cả là vẻ đẹp của lòng thủy chung, của tình yêu đích thực và mãnh liệt.

Bài ca dao số 4:

Nhân vật trữ tình ở đây là cô gái. Cô gái đó đang yêu và đang sống trong tình cảnh xa cách người yêu và đây vừa là tâm trạng nhớ thương vừa là nỗi băn khoăn, lo lắng của cô.

Ngôn ngữ trữ tình chan chứa cảm xúc, thể hiện qua cách sử dụng các câu hỏi tu từ, sự lặp lại 6 lần từ “khăn” và 3 lần điệp khúc “khăn thương nhớ ai”.

Cô gái thể hiện tâm sự thương nhớ của mình qua các hình ảnh “khăn”, “đèn”, “mắt”. Cái khăn là một hình ảnh phân hóa, nó được hỏi đầu tiên và nhiều nhất. Bởi vì cái khăn chính là vật trao duyên, vật kỉ niệm của lứa đôi. Nó luôn quấn quýt bên người con gái như cùng họ chia sẻ niềm nhớ thương người yêu.

Việc lặp lại 6 lần từ “khăn” và 3 lần điệp khúc “khăn thương nhớ ai” đã diễn tả được nỗi nhớ triền miên da diết của cô gái.

Cùng với đó là tâm trạng ngổn ngang, bồn chồn của cô gái. Nỗi nhớ ấy trải rộng ra theo chiều của không gian.

Tác giả còn sử dụng hình ảnh ẩn dụ “ngọn đèn” để nói lên nỗi nhớ trải dài theo chiều thời gian (ngày - đêm). Hình ảnh “đèn không tắt” đã cho thấy cô gái trằn trọc thâu đêm với nỗi nhớ thương đằng đẵng. Hình ảnh “đôi mắt” chính là tâm hồn của cô gái. Đến đây, nỗi nhớ tự trào dâng theo sự bộc lộ tự nhiên trong thao thức, trằn trọc. Cô gái tự hỏi chính lòng mình để thấy được nỗi nhớ thương sâu sắc.

Cặp lục bát cuối bài thể hiện sự lo lắng của cô gái vì hạnh phúc lứa đôi thường bấp bênh, bị ngăn trở. Đó là nỗi lo sợ mênh mông “Lo vì một nỗi không yên một bề”.

Bài ca dao số 5:

Nhân vật trữ tình trong bài ca dao là cô gái. Cô gái thầm nói với người yêu của mình bằng cách thổ lộ ước muốn.

Ngôn ngữ trữ tình gần gũi, thân quen, cách nói của cô gái vừa táo bạo lại vừa ý nhị, kín đáo.

Mô típ cây cầu (cầu mồng tơi, cầu cành hồng…) nhưng ở đây “cầu dải yếm” đặc biệt hơn bởi nó là vật thân thiết, gần gũi nhất của cô gái. “Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”- đó chính là ước muốn táo bạo của cô gái. Nó thể hiện khát khao hạnh phúc mãnh liệt vượt lên trên lễ giáo phong kiến và cũng là tình yêu chân thành, đằm thắm, sâu sắc của cô gái dành cho người yêu.

Bài ca dao số 6:

Nhân vật trữ tình ở đây là những người bình dân trong xã hội xưa, đặc biệt là những cặp vợ chồng luôn cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời.

Ngôn ngữ trữ tình nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu cảm xúc nhưng cũng rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân lao động.

Hình ảnh chén muối - đĩa gừng không chỉ là những gia vị quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày “cay đắng mà mặn mà” mà chúng còn thể hiện tình cảm yêu thương giữa con người với con người trong cuộc sống. Biểu tượng “gừng cay”, “muối mặn” nói về tình cảm vợ chồng thắm thiết tình nghĩa, sâu đậm thủy chung. Tình người phải trải qua mặn mà - cay đắng mới sâu đậm. Thời gian có thể làm độ mặn của muối giảm, độ cay của gừng vơi đi nhưng tình cảm đôi ta thì mãi gắn bó sâu sắc.

Câu thơ cuối bài “Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn, sáu nghìn ngày mới xa” chính là sự diễn tả thời gian của một trăm năm - một đời người. Nó cũng đồng nghĩa với tình nghĩa của đôi ta sẽ mãi mãi gắn bó keo sơn đến hết cuộc đời.

Một phần của tài liệu Đọc hiểu chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa (ngữ văn 10) gắn liền với đời sống thực tiễn (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(62 trang)