8. Kết luận
8.1. Nguyên tắc quản trị rủi ro hoạt động
Theo tài liệu Thỏa ước quốc tế về đo lường vốn và chuẩn mực vốn, tháng 11/2005 của Ủy ban Basel: Rủi ro hoạt động là rủi ro tổn thất phát sinh do các quy trình nội bộ không đầy đủ hoặc không hoạt động tốt, do con người và hệ thống hoặc do các sự kiện bên ngoài.
Những nguyên tắc chủ yếu liên quan đến rủi ro hoạt động trong các tài liệu này bao gồm:
Nguyên tắc 1: Do hoạt động QTRR hoạt động vẫn đang phát triển và môi trường kinh doanh thường xuyên biến động nên ban lãnh đạo ngân hàng cần đảm bảo rằng các chính sách, quy trình và hệ thống của khuôn khổ này đều phải đầy đủ và có hiệu lực. Khả năng tăng cường công tác QTRR hoạt động sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc những vấn đề quan ngại do cán bộ QTRR hoạt động đưa ra được cân nhắc đến mức độ nào cũng như việc
lãnh đạo cấp cao có sẵn sàng hành động nhanh chóng và thích hợp đối với những dấu hiệu cảnh báo đưa ra hay không.
Nguyên tắc 2: Các ngân hàng cần xây dựng, triển khai và duy trì một khuôn khổ tích hợp toàn diện vào các quy trình QTRR nói chung của toàn ngân hàng
Nguyên tắc 4: Hội đồng quản trị phải phê duyệt và rà soát lại “khẩu vị” cũng như khả năng chịu rủi ro hoạt động gắn với bản chất, loại hình và mức độ rủi ro hoạt động mà ngân hàng sẵn sàng chấp nhận.
Nguyên tắc 10: Các ngân hàng cần có kế hoạch hồi phục và vận hành liên tục để đảm bảo khả năng hoạt động bình thường và giảm thiểu tổn thất trong trường hợp gặp đổ vỡ nghiêm trọng hoạt động kinh doanh.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song cho tới nay Việt Nam vẫn chưa thiết lập được khuôn khổ pháp lý chính thức cho QTRR hoạt động. Hiện NHNN vẫn đang nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống QTRR tại các ngân hàng để phù hợp với lộ trình áp dụng Basel II và lộ trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) theo đề án đã được chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg. Mới đây, tháng 3/2014, NHNN đã ban hành Dự thảo Thông tư Quy định về hệ thống QLRR trong hoạt động ngân hàng để xin ý kiến cá nhân, tổ chức và dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/6/2014. Chậm nhất đến ngày 1/6/2016, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải hoàn thiện hệ thống QLRR theo quy định tại thông tư này.
Theo Dự thảo thông tư, các TCTD cần báo cáo cho NHNN theo định kỳ hàng quý về tình hình rủi ro, QLRR và đột xuất trong trường hợp các rủi ro này có nguy cơ gây ra tổn thất lớn hơn 5% vốn tự có TCTD, chi nhánh ngân hàng trong nước trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ khi tổn thất xảy ra. Dự thảo thông tư quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thiết lập và vận hành hệ thống QLRR theo 4 cấu phần: (i) Sự giám sát của HĐQT, HĐTV, ngân hàng mẹ, Ban điều hành; (ii) Các văn bản về chiến lược, chính sách, quy trình QLRR; (iii) Hệ thống thông tin quản lý (MIS) và (iv) Kiểm toán nội bộ. Hội đồng quản trị, ngân hàng mẹ sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng và cao nhất về hệ thống QLRR của TCTD, chi nhánh.
Trong bối cảnh hiện tại, các NHTM hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của NHNN, do vậy cần xem xét kỹ lưỡng để quyết định lựa chọn khung QTRR hoạt động sao cho đáp ứng được những yêu cầu cơ bản theo chuẩn mực quốc tế như: (i) Chiến lược của ngân hàng và phương pháp QTRR hoạt động phải ăn khớp với nhau; (ii) Xác định được các phương pháp quản lý và đo lường rủi ro hoạt động; (iii) Đưa ra các công cụ chuẩn mực về xác định, đo lường, kiểm tra, giám sát, báo cáo rủi ro hoạt động trong toàn hệ thống…
Mục tiêu triển khai mô hình QTRR hoạt động ở mỗi ngân hàng có thể khác nhau, từ việc đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của pháp luật, phù hợp với các thông lệ quốc tế đến tạo ra hiệu quả hoạt động và lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động QTRR hoạt động thành công là cam kết của ban lãnh đạo và sự thống nhất về mô hình QTRR hoạt động. Ngân hàng nên thực hiện việc minh bạch khung QTRR hoạt động để các bên liên quan có thể hiểu được các phương pháp QTRR hoạt động của ngân hàng.
Mặt khác, công việc có vai trò quan trọng trong quy trình QTRR hoạt động là giai đoạn thu thập các dữ liệu rủi ro trong quá khứ và hiện tại của NHTM từ nhiều nguồn khác nhau. Xây dựng cơ sở dữ liệu tổn thất là yếu tố hàng đầu để thiết lập và triển khai hệ thống QTRR hoạt động hiệu quả và tin cậy. Để làm được điều này, các NHTM Việt Nam cần sớm triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ QLRR, thậm chí là phục dựng lại dữ liệu quá khứ để đẩy nhanh tiến trình QTRR hoạt động theo chuẩn quốc tế. Các dữ liệu tổn thất các NHTM có thể khai thác được từ các nguồn sau:
Một là, từ các hoạt động nghiệp vụ, các phòng/ban/đơn vị trong hệ thống (ở đây các trưởng phòng/ ban/đơn vị có trách nhiệm khai báo và lưu trữ các rủi ro phát sinh trong quá trình tác nghiệp);
Hai là, các bộ phận giám sát, kiểm soát có trách nhiệm khai báo và lưu trữ các rủi ro phát sinh trong quá trình kiểm tra, kiểm soát;
Ba là, chiết xuất lỗi, sự cố và tổn thất từ các hệ thống khác trong ngân hàng như: core banking, các bộ phận như internet banking, thẻ, treasury...