Hiện nay, suy nghĩ về tình yêu và tình dục của giới trẻ rất thoáng. Theo một nghiên cứu có đến 80% giới trẻ quan hệ trước hôn nhân và họ coi đó là chuyện bình thường, không có gì đáng để lên án. Và để giải quyết hậu quả thì đa số chọn phương án: Phá thai. Các biện pháp phá thai bao gồm: hút thai, nạo thai và phá thai bằng thuốc. Theo con số thống kê mới nhất của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong hơn 5.000 ca nạo, phá thai mỗi năm có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, số phụ nữ dưới 20 tuổi nạo phá thai chiếm khoảng 20%. Còn theo số liệu của Ủy ban Quốc gia Dân số kế hoạch hóa gia đình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, chiếm khoảng 40% các ca nạo hút thai nói chung. Tuy nhiên những số liệu đó vẫn chưa phản ánh hết được thực trạng nạo hút thai ở lứa tuổi vị thành niên, học sinh, sinh viên hiện nay mà chỉ phản ánh được một
phần nào thực trạng này. Bởi các số liệu chủ yếu được lấy từ các bệnh viện, trung tâm y tế Nhà nước trong khi con số các ca nạo hút thai ở các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân còn cao hơn rất nhiều và không thể kiểm soát. Theo một bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chuyện học sinh, sinh viên đến phá thai không có gì xa lạ. Còn tại các phòng khám tư nhân, đối tượng đến đây chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Theo bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng khoa Kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ, phá thai dù ở lứa tuổi nào cũng có những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phụ nữ, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Theo bà, tỉ lệ trung bình của tai biến và biến chứng của nạo hút thai khoảng 2-10%. Những tai biến và biến chứng sớm là: Chảy máu âm đạo nhiều hoặc ứ máu trong tử cung nhiều (gặp trong các trường hợp thai to, tử cung nhão do sinh đẻ nhiều lần), rách cổ tử cung (khi cổ tử cung siết cứng ở người chưa sinh), thủng tử cung (do tư thế tử cung bất thường), tai biến (do gây mê, tê hay do dị ứng thuốc) (hiếm gặp). Các tai biến và biến chứng muộn như: Sót nhau, sót thai (cần trở lại ngay khi có dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra huyết có mùi hôi, sốt, ớn lạnh,…), nhiễm trùng (cần uống thuốc theo toa bác sĩ, giữ vệ sinh phụ nữ), rong kinh, dính buồng tử cung (gây vô kinh khi tiền sử nạo thai nhiều lần), vô sinh (20% người điều trị vô sinh có tiền sử phá thai), thai ngoài tử cung. Hậu quả về mặt tinh thần của việc phá thai gồm: Ức chế về mặt tình cảm, sợ hãi và lo lắng, tự trách bản thân vì đã không cẩn thận, cảm giác cô đơn, cô lập, bối rối và ăn năn, khủng hoảng tinh thần và mất kiểm soát bản thân, buồn bã và thất vọng,…