10-CHUYỆN CAO BIỀN CHÉM NGỰA Ở GÀNH CÂY SUNG

Một phần của tài liệu Tài liệu Một số di tích lịch sử - văn hóa ở Sông Cầu (Trang 32 - 34)

Gành Cây Sung Ảnh: Đào Minh Hiệp

Cách Vũng Lắm không xa, về phía Nam, địa giới giữa hai thôn Mỹ Hải thuộc Xuân Thọ 1 và Dân Phước thuộc thị trấn Sông Cầu có một ghềnh đá nhô ra biển, dân trong vùng gọi là ghềnh Cây Sung. Tại ghềnh Cây Sung có một truyền thuyết về chuyện Cao Biền chém ngựa và dấu chân Cao Biền.

Theo các tư liệu ghi lại thì: Cao Biền là một tên tướng đời Đường (Trung Hoa). Năm Hàm Thông thứ 6 (865 SCN) Cao Biền phụng chỉ vua Đường Ý Tông mang quân sang thôn tính nước Nam Chiếu. Thắng trận, ông được vua phong làm Tiết độ sứ quận Giao Châu (nước Việt Nam ngày xưa). Tương truyền Cao Biền rất giỏi về địa lý, phép thuật có thể hô phong vũ hoán, điều khiển âm binh, hay cắt, giấy, lá cây làm hình nhân người lính rồi thổi hơi vào đó làm cho những chiếc lá hình người kia biến thành người lính thật. Ông còn có biệt tài bắn một phát tên trúng hai con chim nên thời đó vang tiếng là “xạ lạc song điêu”… Rất nhiều chuyện kể về Cao Biền và tài nghệ của ông ta, trong đó có biệt tài tầm long điểm huyệt, trấn yếm các long mạch phát vượng vương tướng khanh hầu của nước Nam ta.v.v. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là chuyện hoang đường, bởi vì trải qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, những danh tướng Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ đã phá tan quân Nam Hán, quân Nguyên, làm cho Thoát Hoan, Sầm Nghi Đống, Tôn Sĩ Nghị… đã phải hồn xiêu phách lạc, hoặc chạy trốn về Tàu hoặc phải treo cổ tự vẫn.

Tuy vậy, trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và Danh nhân từ điển đều chép Cao Biền là vị tướng tài giỏi của nhà Đường. Sau khi bình định nước Nam Chiếu

được vua phong Tiết độ sứ quận Giao Châu. Ông cai trị Giao Châu 13 năm, cho xây đắp La Thành và khai thông con kênh Thiên Uy.

Chuyện Cao Biền chém ngựa và dấu chân Cao Biền tại ghềnh Cây Sung được người dân địa phương kể lại như sau:

Sau khi bình định được phần đất Nam Chiếu, nhà vua phong Cao Biền làm Tiết Độ Sứ quận Giao Châu (Giao Chỉ). Trong khi ông cỡi diều bay liệng trên cao điều quân khiển tướng dưới đất (trên vùng đất Phú Yên), chẳng may diều bị trúng tên độc của quân Nam từ dưới đất bắn lên làm gãy cánh. Cao biền cố sức dùng pháp thuật điều khiển con diều bay lên tầng không, nhưng đã quá muộn: thuốc độc thấm nhanh vào toàn thân con diều làm nó chao mấy vòng và rơi xuống đất. Binh lính dưới quyền không điều khiển được nữa, bị bại trận chạy tán loạn. Cao Biền biến chiếc lá thành con ngựa rồi dẫn tàn quân chạy đến gành Cây Sung thì dừng, bước xuống tảng đá, uất hận dậm chân kêu trời. Vốn là người có phù phép và sức mạnh vô hình nên lúc dậm chân lên phiến đá làm lõm xuống, để lại dấu chân khổng lồ. Kêu trời, dậm chân xong, Cao Biền lên ngựa, ra roi. Nhưng lạ lùng thay, con ngựa ông ta cỡi không chịu cất vó cho dù Cao Biền cố ra roi, giật cương, la hét vang động cả rừng núi. Tức giận, Cao Biền liền rút kiếm chém đứt 4 chân con chiến mã. Máu từ chân ngựa vọt ra thành vòi vạch ngang vào vách đá của gành Cây Sung rồi ngã gục (trên vách đá gành Cây Sung có một tầng đá đỏ, có tên là gành Đỏ, đó là vết máu của con ngựa của Cao Biền thấm vào).

Ngựa chết, Cao Biền thất thểu chạy bộ về phía biển và đã kiệt sức, gục chết trên bãi cát xã An Hải. Lâu ngày cát lấp lên dần thành ngôi mộ. Và hàng năm trên khu mộ Cao Biền mèo tụ tập về đông vô số, ấy là âm binh thuở xưa tụ tập về cúng giỗ ông ta (!?).

(Theo lời kể trong dân gian, có đối chiếu với “Địa danh Phú Yên” của Nguyễn Đình Chúc và tư liệu của Nguyễn Định).

Một phần của tài liệu Tài liệu Một số di tích lịch sử - văn hóa ở Sông Cầu (Trang 32 - 34)