8-TRUYỀN THUYẾT VỀ HÒN BỒ Ở VŨNG LẮM

Một phần của tài liệu Tài liệu Một số di tích lịch sử - văn hóa ở Sông Cầu (Trang 28 - 31)

Vũng Lắm Ảnh: Dương Thanh Xuân

Vũng Lắm còn có tên gọi khác là Vũng Lấm. Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép là Lâm Úc, còn tên dân gian thường gọi là Ao Xóm Lưới. Có lẽ do diện tích mặt nước của vũng này tương đối hẹp nên dân địa phương quen gọi là ao, chứ thực ra đây không phải ao hồ nước ngọt mà là một vũng ăn thông ra biển Đông thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2. Vũng nằm ở phía Nam Gành Đỏ và ba bên đều được bao bọc bỡi dãy đồi thấp, chỉ có lùm bụi, không có cây tán lá rộng nên không thể che phủ được đồi đất sỏi này. Do vậy hàng năm, mưa làm xói mòn lớp đất đỏ trên mặt, kéo trôi xuống vũng thành bãi bùn. Khi thuỷ triều rút, bãi phơi lộ ra màu đen xỉn chứ không như các vũng khác có bãi cát vàng mịn, đến mùa mưa đường đi trên đồi dẫn ra vịnh nhầy nhớt. Có lẽ do hiện tượng thiên nhiên này nên người dân địa phương gọi là Vũng Lấm thì có vẻ “hợp lý” hơn.

Tuy môi trường nước trong vũng không được như ý, nhưng về mặt quân sự, Vũng Lắm có một vị trí quân sự quan trọng, là một quân cảng và thương cảng được xếp hàng thứ hai sau vịnh Xuân Đài trong thời kỳ thuỷ binh và tàu buôn của Đại Việt còn thô sơ.

Căn cứ vào các tài liệu địa chí và chính sử của triều Nguyễn, thì cửa Vũng Lắm kéo dài từ mũi hòn Đồn sang Tân Thạnh rộng 318 trượng[1]; khi thuỷ triều lên mực nước sâu 1 trượng 5 thước, tàu bè cập bến Phú Vĩnh rất dễ dàng.

Theo nhà sử học Robert Hopkins Miller dẫn từ Bulletin des Amis du Vieux Hue. (số 1-1937), thì Vũng Lắm là nơi các sứ bộ ngoại giao Hoa Kỳ đầu tiên sang

Việt Nam năm 1832 để đặt quan hệ thương mại giữa hai nước Việt-Mỹ, tàu Peacook của họ đã neo đậu tại vũng này: “Mùa Đông, tháng 11 năm Minh Mạng 13 (tháng 12 năm 1832) Tổng Thống Hoa Kỳ… có phái các công dân là ông Nghĩa- Đức-Môn La-Bách (có kèm Hán tự), thuyền trưởng Đức-Giai Tâm-Gia (có kèm Hán tự), cùng đoàn tùy tùng, đến xứ sở chúng ta. Thuyền của họ thả neo ở Vũng Lắm, hải cảng của tỉnh Phú Yên. Chính phủ chúng ta đã ra lệnh cho Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức đi cùng các quan lại của tỉnh nói trên lên tàu và mở tiệc chào mừng trên tàu. Được hỏi về mục đích của chuyến hải hành của họ, những ngoại nhân này đã trả lời rằng ý định của họ là nhằm thiết lập các quan hệ thương mại tốt đẹp…”

Từ Vũng Lắm nhìn ra, Phú Vĩnh giống như con rồng xoay đầu ra biển. Đứng ở Vũng Lắm nhìn ra biển Đông thì phía Bắc có hòn Mù U, phía Nam có hòn Đen, cù lao Ông Xá và những cụm núi liên kết nhau tạo thành các Vũng Sứ, Vũng Me… là những thắng cảnh đẹp của thiên nhiên ban tặng cho Sông Cầu. Câu ca dao:

Ngó ra Vũng Lắm Sông Cầu

Cù lao Ông Xá đứng hầu ngoài khơi

không chỉ có chức năng mô tả vị trí, cảnh sắc nên thơ tuyệt đẹp ở đây, mà trong thâm sâu còn nhắc lại dấu tích xa xưa.

Trong Vũng Lắm có một loại hải sản đặc biệt nổi tiếng ngon đó là ruốc. Ruốc ở Vũng Lắm làm mắm thơm ngon khắp vùng, không nơi nào sánh kịp.

Những dấu tích xưa của Phú Vĩnh ngày nay còn nhìn thấy được là những bờ thành, những ngôi mộ cổ của người Minh Hương, Triều Châu, Phúc Kiến và những nền đá để đặt súng thần công. Cũng tại mỏm đá Phú Vĩnh này có một trường tập bắn bia nằm ngay sát hòn Bồ của quân đội triều Nguyễn thời Tự Đức để bảo vệ cho vùng Vũng Lắm - Sông Cầu.

Trong Vũng Lắm có hòn Bồ. Theo lời kể của nhân dân trong vùng, thời kháng chiến chống Pháp, dưới triều nhà Nguyễn, trên địa bàn huyện Sông Cầu ở mạn đất liền hay bán đảo giáp với biển có nhiều vị trí đặt những chiếc bồ, nhưng chỉ có một tên gọi duy nhất hòn Bồ là đầu mỏm Phú Vĩnh. Bồ là một loại dụng cụ để chứa lúa, bắp, khoai; đan bằng tre và cuộn tròn lại. Ở tại mỗi điểm quan trọng (canh giữ, báo hiệu tàu địch xuất hiện), các binh sĩ trồng một tháp tre cao khoảng 4 – 5 mét. Những lúc bình yên thì bồ để dưới đất, nhưng khi phát hiện thấy tàu chiến của giặc Pháp xuất hiện ngoài khơi xa thì lập tức những chiếc bồ được kéo lên bằng chiếc ròng rọc, để báo hiệu cho ngư dân hay thôn dân trong đất liền biết mà chạy đi lánh nạn. Sự báo hiệu này tỏ ra rất hiệu quả, vì không thể gõ mõ đánh kẻng ở một khoảng cách quá xa để người dân có thể nghe được.

---

[1] 1 Trượng = 4,24 m

9-HOÀNG T CA LONG VƯƠNG

Một phần của tài liệu Tài liệu Một số di tích lịch sử - văn hóa ở Sông Cầu (Trang 28 - 31)