4. Phân biệt miễn trách nhiệm hình sự với miễn hình phạt:
4.1. Về các điểm giống nhau:
a. Miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt đều thuộc hệ thống các biện pháp tha miễn trong luật hình sự nước ta2, thể hiện rõ nguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự nói chung và của luật hình sự Việt Nam nói riêng.
b. Miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với người nào bị coi là có lỗi trong việc thực hiện chính tội phạm đó. Nói cách khác, hành vi nguy hiểm cho xã hội do người đó thực hiện bị pháp luật hình sự cấm (Bộ luật hình sự (BLHS) quy định là tội phạm).
c. Miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt chỉ có thể áp dụng khi có đầy đủ căn cứ pháp lý và những điều kiện cụ thể do pháp luật hình sự quy định tương ứng trong từng trường hợp cụ thể.
d. Cũng như người được miễn trách nhiệm hình sự, người được miễn hình phạt không phạt chịu hậu quả pháp lý bất lợi của việc phạm tội hoặc (và) của việc quyết định hình phạt – án tích.
e. Cũng như việc miễn trách nhiệm hình sự, bằng các quy phạm có tính chất nhân đạo của chế định miễn hình phạt, nhà làm luật không phải dùng các biện pháp mang tính trấn áp (trừng trị) về mặt hình sự và do đó, sẽ loại trừ được việc áp dụng hình phạt trong những trường hợp mặc dù hình phạt có được Tòa án quyết định đi chăng nữa nhưng trên thực tế là bất hợp lý vì các mục đích của nó không thể đạt được.
f. Và cuối cùng, với việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, Nhà nước không cách ly khỏi xã hội những người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện tội phạm và như vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ sớm thích nghi với các yêu cầu của trật tự pháp luật để trở lại cuộc sống bình thường trong cộng đồng xã hội, phấn đấu làm người lương thiện và có ích cho gia đình và xã hội.