C. PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT: (Phong cách nghệ thuật hết sức phong phú đa dạng)
A. KHÁI QUÁT: 1 Tác giả:
1. Tác giả:
Tố Hữu là nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam hiện đại. Các chặng đường thơ của Tố Hữu gần như song hành với các giai đoạn đấu tranh cách mạng của đất nước khiến thơ ông mang tính biên niên sử với nội dung trữ tình chính trị đậm nét
2. Tác phẩm:
2.1. Vị trí - giá trị:
- Việt Bắc là đỉnh cao của thơ Tố Hữu, cũng là một trong những thành công xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
- Việt Bắc được coi là khúc hùng ca và bản tình ca về cách mạng, cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ đã thể hiện những nét tiêu biểu nhất trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.
2.2. Hoàn cảnh sáng tác.
- Việt Bắc là căn cứ địa vững chắc của cách mạng Việt Nam từ đầu những năm cách mạng tới khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây người dân Việt Bắc che chở, đùm bọc và đã sát cánh bên bộ đội, cán bộ để giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, tháng 10/1954, các cơ quan trung ương của Đảng và chính phủ từ biệt căn cứ địa Việt Bắc trở về Hà Nội. Một loạt những vấn đề đặt ra trong đời sống tình cảm của dân tộc: liệu những người chiến sỹ có giữ được tấm lòng thủy chung với đồng bào Việt Bắc và quê hương. Có nhớ những tháng ngày gian khổ, hào hùng và sâu nặng nghĩa tình trong kháng chiến? Việt Bắc sẽ có vị trí như thế nào trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới?...
- Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác Việt Bắc. Bài thơ gồm có 2 phần: Phần đầu tái hiện hình ảnh của cách mạng và kháng chiến ở Việt Bắc, phần sau gợi ra viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ca ngợi công ơn của Đảng, của Bác Hồ đối với dân tộc. Qua đó, nhà thơ đã thể hiện nghĩa tình thắm thiết với Việt Bắc - quê hương cách mạng, với đất nước và nhân dân, với cuộc kháng chiến nay đã trở thành kỷ niệm khiến niềm vui trong hiện tại luôn gắn kết với nghĩa tình trong quá khứ và niềm tin ở tương lai. Bài thơ là khúc hát tâm tình của con người Việt Nam trong kháng chiến mà chiều sâu của nó là truyền thống ân nghĩa, là đạo lý thủy chung của dân tộc.
2.3. Cấu tứ chung của bài thơ:
- Bài thơ được đặt vào trong hoàn cảnh đặc biệt của một cuộc chia tay đầy nhớ thương lưu luyến giữa những con người từng gắn bó lâu dài, từng chia sẻ mọi ngọt bùi cay đắng. Nay trong giờ phút chia tay cùng nhau gợi lại những kỷ niệm đẹp đẽ trong quá khứ, khẳng định nghĩa tình bền chặt, sự thủy chung và hẹn ước về tương lai.
- Nhưng đây lại là một cuộc chia tay rất đặc biệt vì người ra đi thưc chất lại là người trở về, cuối chặng đường của người đi không phải là chân trời góc bể xa xôi mà là tổ ấm gia đình, là thủ đô hoa lệ, là cuộc sống hòa bình…, và vì thế trong lòng người ở lại, ngoài nỗi nhớ thương còn là niềm trăn trở về sự thủy chung của người đi.
- Hình ảnh này thường dùng để diễn tả những tình cảm riêng tư như tình bạn, tình yêu…, nay thể hiện những nghĩa tình thiêng liêng lớn lao của cách mạng. Cách cấu tứ đặc biệt này khiến chuyện nghĩa tình cách mạng, kháng chiến được diễn tả bằng ngôn ngữ và giọng điệu ngọt ngào của tình yêu, đưa người đọc vào khoảnh khắc xúc động của ân tình lưu luyến, của hồi tưởng và hoài niệm, của tin tưởng và ước vọng… Đây cũng là nét riêng đặc sắc trong phong cách thơ Tố Hữu.
- Với hai nhân vật trữ tình là người đi - kẻ ở, bài thơ được kết cấu theo hình thức đối đáp tựa như những câu hát giao duyên trong ca dao xưa. Thực ra, bên trong lớp đối thoại của kết cấu là lời độc thoại của tâm trạng: kẻ ở - người đi, câu hỏi lời đáp cũng chỉ là sự phân thân của chủ thể trữ tình, là thủ pháp để nhà thơ bộc lộ nỗi niềm tâm trạng, tạo ra sự hô ứng, đồng vọng, vang ngân… Để thể hiện sự phân thân ấy, bài thơ đã sử dụng sáng tạo và tinh tế hai đại từ “mình” và “ta”. Trong tiếng Việt, “mình” có thể là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất để chỉ bản thân người nói, cũng có thể là ngôi thứ hai để chỉ những đối tượng giao tiếp thân yêu, gần gũi, thường hay xuất hiện trong các quan hệ tình yêu, vợ chồng. Trong bài thơ Việt Bắc, “mình” lại chủ yếu được dùng ở ngôi thứ hai cho thấy sự gắn bó thân thiết vô cùng giữa hai nhân vật đối đáp - “mình” có thể là người ra đi trong câu hỏi của người ở lại: “Mình về có nhớ ta”, có khi là người ở lại trong những xao xuyến của người đi: “Ta về mình có nhớ ta”; tuy nhiên “mình” cũng có lúc chuyển hóa đa nghĩa, vừa là người đi, vừa là người ở lại trong sự hòa nhập, gắn kết: “mình đi mình có nhớ mình?”. Đại từ “ta” cũng được sử dụng rất linh hoạt, độc đáo chủ yếu ở ngôi thứ nhất - người phát ngôn, nhưng nhiều khi lại dùng để chỉ chung người đi, kẻ ở với nghĩa “chúng ta” như “rừng cây, núi đá, ta cùng đánh tây”…