100 IU SQ QD
4.4.2 Risedronate (Actonel)
Risedronate tăng MĐX và giảm nguy cơ gãy xương ở phụ nữ mãn kinh và loãng xương. Trong một nghiên cứu lâm sàng, 2458 phụ nữ sau mãn kinh vời loãng xương (tức đã từng bị gãy xương cột sống qua xét nghiệm X quang hay chỉ số T của MĐX -2 hay thấp hơn) được chia thành hai nhóm: risedronate và placebo. Sau 3 năm theo dõi và điều trị, risedronate (5 mg / ngày ) tăng MĐX cột sống 5,4% và xương đùi 1,6%. Sau 6 tháng điều trị, risedronate (5 mg/ngày) giảm tỉ số Dpyr-creatinine (deoxypyridinoline-creatinine ratio) 38% và BSAP giảm 35%. Risedronate giảm tỉ lệ gãy xương cột sống 41% và các xương khác 39% sau 3 năm điều trị [51].
Một nghiên cứu khác do Reginster và đồng nghiệp tiến hành [52] cung cấp thêm số liệu về hiệu quả của risedronate trong việc phòng chống gãy xương ở bệnh nhân sau mãn kinh với loãng xương. Sau 6 tháng điều trị bằng risedronate MĐX cột sống và xương đùi tăng đáng kể, và sau 1 năm tỉ lệ gãy xương trong nhóm residronate giảm đến 61% so với nhóm placebo. Sau 3 năm điều trị, tỉ lệ gãy xương cột sống giảm 49% và các xương khác giảm 33% [52].
Trong một nghiên cứu qui mô hơn trên 9331 phụ nữ sau mãn kinh, các nhà nghiên cứu chứng minh rằng risedronate có thể giảm nguy cơ gãy xương đùi ở phụ nữ sau mãn kinh với loãng xương, nhưng hiệu quả này không được ghi nhận ở phụ nữ cao tuổi được chọn dựa vào các yếu tố nguy cơ lâm sàng (clinical risk factors). Trong nhóm 5445 phụ nữ mãn kinh với loãng xương, risedronate giảm tỉ lệ gãy xương đùi khoảng 40% sau 3 năm điều trị. Tuy nhiên, trong nhóm 3886 phụ nữ cao tuổi không loãng xương nhưng với các yếu tố nguy cơ lâm sàng (như khó khăn đứng, đi không vững, từng bị té ngã và bị thương, thị lực kém, hút thuốc lá, tiền sử mẹ gãy xương đùi), risedronate không có hiệu quả giảm nguy cơ gãy xương đùi so với nhóm placebo [53].
Những kết quả trên đây cho thấy tầm quan trọng của MĐX và tiền sử gãy xương so với các yếu tố nguy cơ lâm sàng trong việc phát hiện các bệnh nhân cần được điều trị và có thể đem lại lợi ích cho họ.
Risedronate còn được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị và phòng chống loãng xương do glucocorticoid ở nam và nữ. Risedronate (5 mg / ngày) giảm tình trạng mất xương do sử dụng glucocorticoid [54] và giảm tỉ lệ gãy xương cột sống (X quang) đến 70% sau 1 năm điều trị [55].
Về liều lượng, uống risedronate hàng tuần (35 mg/tuần) có hiệu quả lâm sàng và an toàn [56-58]. Trong một nghiên cứu lâm sàng, các nhà nghiên cứu chia 1468 phụ nữ thành 2 nhóm: nhóm 1 uống residronate hàng ngày, và nhóm 2 uống hàng tuần. Tỉ lệ tăng MĐX cột sống sau 1 năm trong hai nhóm rất tương đương nhau. Ngoài ra, không có sự khác biệt đáng kể về tần số ảnh hưởng phụ giữa hai nhóm [56].
Điều trị lâu năm bằng risedronate cũng có thể đem lại lợi ích lâm sàng. Nghiên cứu của Mellstrom và đồng nghiệp cho thấy MĐX cột sống tiếp tục gia tăng sau 7 năm điều trị và tỉ lệ gãy xương cũng tiếp tục giảm sau 6-7 năm theo dõi [59].
Gần đây, một nghiên cứu đối chứng trực tiếp so sánh MĐX giữa alendronate và risedronate đã được tiến hành. Sau 12 tháng theo dõi, nhóm được điều trị bằng alendronate tăng MĐX và giảm chỉ số chu chuyển xương cao hơn nhóm được điều trị bằng risedronate [60]. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này chỉ theo dõi 12 tháng và không có đủ thời gian cũng như số lượng bệnh nhân để so sánh tỉ lệ gãy xương giữa hai nhóm.