[sửa] Triều Nguyễn thời Pháp thuộc

Một phần của tài liệu Gián án Lịch sử việt nam thời nhà Nguyễn (Trang 32 - 36)

Bài chi tiết: Pháp thuộc

[sửa] Quân Pháp xâm lược

Bản đồ Đông Dương năm 1886

Theo các Hòa ước Harmand và Hòa ước Patenôtre thì chính sách ngoại giao, quân sự và tài chánh do nước Pháp kiểm soát nhưng không có sự hợp nhất giữa 2 quốc gia Đại Nam và Pháp.

Nước Pháp sau khi không mua chuộc được vua Hàm Nghi bèn cho ông đi an trí ở Algeria. Sau đó anh trai vua là Nguyễn Phúc Ưng Biện kế vị, lấy niên hiệu là Đồng Khánh[113] .

Vua Đồng Khánh bị trách là đã lên ngôi trong những điều kiện quá nhục nhã đối với quốc gia. Bị cô lập và thiếu kinh nghiệm, ông phải nhượng bộ cho người Pháp để đổi lấy sự giúp đỡ về mặt hành chính và quân sự. Năm 1887, Liên bang Đông Dương được thành lập gồm thuộc địa Nam Kỳ, 2 xứ bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ cùng Lào và Cao Miên đều đặt dưới 1 viên quan Toàn quyền Đông Dương người Pháp.

Năm 1888, vua Đồng Khánh còn phải nhường cho nước Pháp mọi quyền hành trên 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, 3 khu vực này cũng trở thành 3 thuộc địa.

Duy Tân, vị vua thứ mười của nhà Nguyễn

Quyền hành của nhà vua còn bị hạn chế hơn nữa khi Paul Doumer trở thành Toàn quyền Đông Dương. Từ 1897-1902, toàn quyền Paul Doumer đã áp dụng 1 chính sách cai trị độc tài, loại bỏ dần ảnh hưởng của triều Nguyễn. Quan lại cấp tỉnh phải phụ thuộc trực tiếp Thống sứ Pháp, cai trị xứ Bắc Kỳ nhân danh Hoàng đế nhưng lại không cần phải nghe lệnh của vị vua Đại Nam. Các quan cũng phải nhường cho Công sứ Pháp quyền đề cử và bổ nhiệm hương chức. Cơ quan hành chính Pháp cũng phụ trách thu thuế và giao cho ngân khố của triều đình một ngân sách cần thiết cho việc duy trì triều đình. Paul Doumer đã thay thế chế độ bảo hộ bằng chế độ trực trị và triều đình từ lúc đó chỉ còn giữ lại được những hình thức bề ngoài. Vua Thành Thái vào năm 1907 đã bị ép phải thoái vị khi không phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Lévêque và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận. Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San được đưa lên nối ngôi, tức vua Duy Tân.

Cũng như vua cha Thành Thái, Duy Tân là người có tư tưởng chống Pháp. Năm 1916, ông liên kết cùng Việt Nam Quang Phục Hội của nhóm Thái Phiên và Trần Cao Vân nổi dậy nhưng thất bại và bị đày ra đảo La Réunion cùng lúc với cha mình.

Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp để đòi hỏi nước Pháp phải cho người Việt được tham gia chính trị nhiều hơn nhưng cuộc hành trình này đã không đem lại kết quả nào.[114] Chuyến đi này đã bị Nguyễn Ái Quốc châm biếm trong tác phẩm Vi hành của ông đăng trên báo L'Humanité số ngày 19 tháng 2 năm 1923.[1] Ngày 6 tháng 11 năm 1925, lợi dụng việc vua Khải Định vừa qua đời, Toàn quyền Alexandre Varenne đã ép vị vua mới là Bảo Đại mới 12 tuổi phải ký thỏa ước giao cho quan Khâm sứ Pháp các quyền hạn cuối cùng. Thậm chí nhà vua còn không thể lựa chọn các Thượng thư và quan chức. Nước Đại Nam trên thực tế đã trở thành 3 mảnh có đời sống và thể chế riêng biệt. Nam Kỳ sáp nhập vào Pháp, Bắc Kỳ gần như 1 thuộc địa và Trung Kỳ là nơi mà quy chế bảo hộ chỉ là lý thuyết [115]

[sửa] Sự sụp đổ của nhà Nguyễn

Khi trở về nước năm 1932, Bảo Đại đã mong muốn cải cách xã hội Việt Nam nhưng phong trào này đã chết yểu bởi sự đối địch giữa các quan Thượng thư của ông như Phạm Quỳnh và Ngô Đình Diệm cũng như sự chống đối của giới bảo thủ và chính phủ bảo hộ Pháp. Nhà vua nản lòng sớm, chuyển sang tiêu khiển bằng bơi thuyền và săn bắn.

Hoàng Đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn và thời phong kiến ở Việt Nam

Trước thực tế nhà Nguyễn không còn khả năng chống Pháp, nhiều đảng phái cách mạng được tổ chức để đánh đuổi người Pháp. Việt Nam chi bộ của hội Á Tế Á Áp Bức Nhược Tiểu Dân Tộc do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Đông. Năm 1926, Tân Việt Cách Mạng Đảng hoạt động ở Hà Tỉnh và Sài Gòn. Năm 1927, Phạm Tuấn Tài, Hoàng Phạm Trân, Nguyễn Thái Học lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1928, Tạ Thu Thâu và Nguyễn An Ninh lập Đệ Tứ Quốc tế. Năm 1930, Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội đổi ra Đông Dương Cộng Sản Đảng.

Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp giành chiến thắng cho phép không khí chính trị dễ thở hơn. Tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chính phủ bảo hộ không cho phép đảng phái chính trị nào hoạt động. Dù vậy chính phủ Pháp đã nhượng bộ 1 phần trước các cuộc bãi công của công nhân. Năm 1937, phong trào đình công và biểu tình lại tái phát vượt quá tính chất nghề nghiệp để mang nhiều tính chính trị hơn.

Thế chiến II bùng nổ, Nhật Bản mang quân vào đánh chiếm Đông Dương. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, dựng lên chính quyền do Trần Trọng Kim làm thủ tướng thay thế cho Nội các Phạm Quỳnh tại Huế. Nhưng chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại được 4 tháng.

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh ngày 15/8/1945, Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám, đưa Việt Nam trở thành nước độc lập từ tay người Nhật và người Pháp. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, chính phủ Trần Trọng Kim bị giải tán và Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch chính thức tuyên bố Việt Nam độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Sự kiện Bảo Đại thoái vị chính thức đánh dấu sự sụp đổ của nhà Nguyễn (mặc dù sau đó, Bảo Đại còn tiếp tục làm quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam từ 1 tháng 7 năm 1949 đến 26 tháng 10 năm 1955). Sự kiện này cũng đã đánh dấu sự chấm dứt hơn 1000 năm chế độ phong kiến ở Việt Nam. Nhà Nguyễn tồn tại 143 năm, có 13 vua thuộc 7 thế hệ.

Minh Lâu trong Hiếu Lăng (Lăng vua Minh Mạng)

Nhà Nguyễn đã để lại nhiều di sản cho dân tộc Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong năm 2003.[116]

Sơ đồ Kinh thành Huế năm 1885

Quần thể di tích Cố đô Huế cũng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993. Phần lớn các di tích này hiện nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ như đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành... kéo dài từ thời điểm tiến hành khảo sát dưới triều vua Gia Long năm 1803 đến khi hoàn chỉnh triều vua Minh Mạng vào năm 1832.[117]

Phong cách kiến trúc và cách bố phòng khiến Kinh thành Huế thực sự là một pháo đài vĩ đại và kiên cố nhất từ trước đến nay ở Việt Nam mà một thuyền trưởng người Pháp là Le Rey khi tới Huế năm 1819 phải thốt lên: “Kinh Thành Huế thực sự là pháo đài đẹp nhất, đăng đối nhất ở Đông Dương, thậm chí so với cả pháo đài William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras do người Anh xây dựng”.[118]

Giáo sư Phan Huy Lê đã nhận xét: "Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hoá

được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy". [119]

Nhà Nguyễn cũng để lại hệ thống thư tịch khổng lồ; hệ thống giáo dục, kho lưu trữ châu bản; hàng ngàn đình, chùa miếu, nhà thờ... trải dài từ Nam chí Bắc... Nhiều di sản trong số này có thời kỳ dài bị lãng quên và bị coi như một thứ tàn dư của phong kiến thối nát.[120].

Nhà Nguyễn là vương triều đã hoàn thành việc chấm dứt chia cắt, phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài dù rằng phong trào Tây Sơn là những người đầu tiên thực hiện quá trình này (thậm chí cuối thời Tây Sơn cũng đang có nguy cơ phân liệt)[121].

Triều Nguyễn từ Gia Long đến Minh Mạng đều lo củng cố vương quyền đồng thời củng cố chủ quyền dân tộc, chống mọi sự vi phạm, xâm phạm từ bên ngoài và bên trong, kể cả bằng những biện pháp như trấn áp quyết liệt Công giáo thời kỳ Minh Mạng và Tự Đức.[122]

Một phần của tài liệu Gián án Lịch sử việt nam thời nhà Nguyễn (Trang 32 - 36)