Trong giai đoạn này, KTV triển khai một cách tích cực và chủ động kế hoạch kiểm toán. Về cơ bản, thủ tục kiểm toán chung đều gồm 3 bước như sau:
Bước 1: Đối chiếu số dư từ báo cáo xuống sổ chi tiết và chi tiết số dư tài khoản này theo từng khoản mục.
Bước 2: Tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng nói chung và khoản mục kiểm toán nói riêng như cách hạch toán, chính sách đối với khoản mục này.
Bước 3: (A/R) Tiến hành so sánh số liệu năm kiểm toán và các năm trước, yêu cầu khách hàng giải thích khi có sự biến động lớn. Từ đó tiến hành đánh giá sơ bộ về khoản mục đang kiểm tra.
Đối với từng khoản mục sẽ có thêm các thủ tục kiểm toán chi tiết. Có thể xem xét khái quát các thủ tục kiểm toán như sau:
Thủ tục kiểm soát:
Tùy theo mục đích kiểm toán mà KTV sẽ thực hiện các thủ tục cụ thể. Ví dụ: Mục đích: Kiểm tra các chính sách kế toán được áp dụng để lập các Báo cáo tài chính và những thay đổi trong các chính sách kế toán có được tuân thủ khi lập Báo cáo tài chính không ? có thể phỏng vấn nhân viên phòng Kế toán và Ban Giám đốc; Mục đích: Kiểm tra số dư các tài khoản có được trình bày theo đúng chính sách kế toán, tiêu chuẩn chuyên môn, quy định của luật pháp không thì có thể sử dụng kĩ thuật: thực hiện lại việc hạch toán một nghiệp vụ kinh tế vào sổ chi tiết tài khoản…
Thủ tục phân tích
Thủ tục phân tích được thực hiện kết hợp với thủ tục kiểm soát và thủ tục kiểm tra chi tiết để thu thập bằng chứng và khi sắp kết thúc cuộc kiểm toán để đánh giá tính hợp lý chung của bảng khai tài chính.
Cụ thể, KTV tiến hành các thủ tục đối chiếu và phân tích sơ bộ Báo cáo tài chính theo các phương pháp như sau:
• So sánh giữa các năm, các tháng, tìm hiểu nguyên nhân sự thay đổi; So sánh đối chiếu giữa Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh và phân tích soát xét doanh thu và chi phí
•Phân tích tỷ suất: cơ cấu vốn, khả năng thanh toán…;Phân tích theo xu hướng
•Các thủ tục phân tích khác như: Xem xét Báo cáo tài chính về mẫu biểu, số lượng báo cáo, đơn vị tính, ngày tháng, chữ ký của người có thẩm quyền,…
Thủ tục kiểm tra chi tiết
Các phương pháp kỹ thuật được sử dụng trong thủ tục kiểm tra chi tiết bao gồm: so sánh, tính toán, xác nhận, kiểm tra thực tế, quan sát, soát xét lại
chứng từ sổ sách. Tùy nội dung từng phần hành để áp dụng kỹ thuật phù hợp Thủ tục kiểm tra chi tiết thường bao gồm các công việc sau:
+ Thu thập sổ chi tiết của phần hành đang kiểm tra và các sổ chi tiết có liên quan và tổng hợp đối ứng các tài khoản, kiểm tra việc tính toán chính xác số học, kiểm tra các nghiệp vụ bất thường và các nghiệp vụ có số phát sinh lớn. kiểm tra các số dư.
+ Chọn mẫu một số đối tượng trong phần hành để kiểm tra sổ chi tiết của từng đối tượng này phát sinh trong cả năm tài chính, chú ý các nghiệp vụ bất thường.
+ Thu thập các giấy tờ có liên quan đến phần đang kiểm tra, các đối chiếu xác nhận và đối chiếu với sổ chi tiết, yêu cầu đơn vị giải thích nếu có chênh lệch; Gửi thư xác nhận đối với các khoản phải thu, khoản vay,tiền gửi ngân hàng….
+ Kiểm tra việc trình bày trên Báo cáo tài chính..
Trong giai đoạn này, giấy tờ làm việc của các KTV được tập hợp cho trưởng nhóm và trưởng nhóm là người đưa ra các tổng hợp cho từng phần hành để chuẩn bị cho lập Báo cáo kiểm toán