Trong nghiên cứu này tác giả tập trung phân tích mối quan hệ trong dài hạn và ngắn hạn giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam giai đoạn 1995- 2011, với những điều kiện đặc thù của nền kinh tế Việt Nam thì mối quan hệ này có tương đồng với kết quả nghiên cứu trước đây của các tác giả trên thế giới.
Nghiên cứu này tiếp nối theo nghiên cứu của Shamim Ahmed và Md.Golam Mortaza “Lạm phát và tang trưởng kinh tế ở Bangladesh : 1981-2005” và nghiên cứu của Mallik và Chowdhury (2001) trong đó các tác giả đã nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng GDP của 4 nước Nam Á là: Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka. Từ đó, nghiên cứu trường hợp thực tiễn của Việt nam.
Trong phần đầu, để nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, tác giả sử dụng phương pháp hồi qui đồng liên kết (Co-intergration) và mô hình sai số hiệu chỉnh (Error Correction Model) để đo lường mối quan hệ trong ngắn hạn và dài hạn giữa GDP và CPI, cũng là mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát. Số liệu sử dụng trong nghiên cứu là số liệu theo quý được lấy từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Tổng Cục Thống Kê Việt Nam giai đoạn 1995-2011.
Mô hình hồi qui giữa 2 biến GDP và CPI phản ánh mối quan hệ dài hạn giữa chúng có dạng :
GDP t = λ 1 + φ1CPI t + µ t + … (1) Trong đó :
GDP t là GDP tại thời điểm t, tính theo log(GDP) theo quý (Tổng cuc Thống Kê) CPI t là CPI tại thời điểm t, tính theo log(CPI) theo quý (kỳ gốc 2005, theo IMF) λ 1 là hằng số
φ1 là hệ số hồi quy µ t là nhiễu trắng
Theo lý thuyết, mô hình trên phản ánh mối quan hệ trong dài hạn giữa 2 biến GDP và CPI. Tuy nhiên, nếu GDP và CPI không dừng thì sẽ xảy ra hiện tượng hồi quy giả mạo, kết quả thu được không phản ánh đúng mối quan hệ giữa GDP và CPI. Tuy nhiên, nếu GDP và CPI không dừng nhưng thoả mãn lên kết bậc nhất (I(1)) còn gọi là dừng sai phân, và đồng thời yếu tố ngẫu nhiên µ t là dừng thì mô hình trên vẫn phản ánh đúng mối quan hệ giữa GDP và CPI và kết quả hồi quy vẫn có ý nghĩa, khi đó 2 biến GDP và CPI được gọi là đồng liên kết. Engle và Granger cho rằng kết hợp tuyến tính của các chuỗi thời gian không dừng có thể là một chuỗi dừng và các chuỗi thời gian không dừng đó được gọi là đồng liên kết. Kết hợp tuyến tính dừng được gọi là phương trình đồng liên kết và có thể được giải thích như mối quan hệ cân bằng dài hạn giữa các biến.
Khi đó, để kiểm định xem các biến GDP và CPI trong mô hình có dừng hay dừng sai phân hay không, phương pháp được sử dụng phồ biến là kiểm định nghiệm đơn vị dựa trên tiêu chuẩn kiểm định KPSS (Kwiatkowski-Phillips-Schmidt-Shin). Đồng thời, Johansen (1988) và Johansen-Juselius (1990) cũng đưa ra phương pháp kiểm định tính đồng liên kết của 2 biến ngẫu nhiên dựa trên thủ tục kiểm định hợp lý cực đại (maximum-likelihood test procedure). Thủ tục này đưa ra 2 tiêu chuẩn kiểm định vế số phương trình đồng liên kết giữa 2 biến GDP và CPI : Tiêu chuẩn kiểm định giá trị riêng cực đại (maximal eigen value test) và tiêu chuẩn kiểm định vết ma trận (trace test).
Theo Engle và Granger (1987), khi GDP và CPI là liên kết bậc nhất (I(1)) và là đồng liên kết thì chúng tương tác qua lại với nhau theo mô hình sai số hiệu chỉnh (ECM) có dạng :
p q
∆GDP t = α1 + ∑β1i ∆CPI t-i + ∑γ1j ∆GDP t-j + δ1 µ(t-1) + u (2) i=0 j=1
Trong đó, µ(t-1) là thừa số sai số hiệu chỉnh ở một bước trễ, phản ánh sự điều chỉnh mất cân bằng trong ngắn hạn giữa GDP và CPI. ∆GDP và ∆CPI là sai phân bậc nhất của GDP và CPI, phản ánh sự thay đổi trong ngắn hạn của các biến tăng trưởng và lạm phát. Mô hình sai số hiệu chỉnh được dùng để nghiên cứu sự biến động trong ngắn hạn của GDP và CPI. Để ước lượng µ(t-1) đưa vào mô hình trên, phương pháp phổ biến là sử dụng thủ tục Engle_Granger 2 bước.
Trong phần thứ hai của nghiên cứu này, tác giả sử dụng mô hình mô phỏng theo nghiên cứu của Khan và Senhadji (2001) để ước lượng mức lạm phát hằng năm tối ưu cho Việt Nam. Công thức truyền thống thường được sử dụng và được chấp nhận rộng rãi để ước lượng mức lạm phát tối ưu theo năm là :
G = β0 + β1 I+ β2 X + U (3) Trong đó :
G = Tăng trưởng GDP hằng năm
I = Lạm phát theo năm (so với tháng 12 năm trước)
X = D (I-K) với K là ngưỡng tối ưu của lạm phát mà dưới mức đó thì mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát là tích cực, có lợi cho nền kinh tế.
D = 1 khi I > K D = 0 khi I < K U là nhiễu trắng
Bằng cách hồi qui phương trình trên với các mức lạm phát K khác nhau, giá trị K tối ưu đạt được khi giá trị phù hợp của mô hình R2 đạt cực đại hay tổng phần dư bình phương RSS là nhỏ nhất. Mức K được lựa chọn dựa vào số liệu thực tế của Việt Nam những năm qua.