6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn
3.2.2. Nghệ thuật khắc hoạ cá tính nhân vật
Mặc dù chưa xây dựng được nhân vật mảnh vỡ một cách triệt để như tiểu thuyết hậu hiện đại nhưng Hữu Phương đã có lồng ghép tinh thần này trong kiểu tiểu thuyết truyền thống. Hay nói cách khác là xét về bút pháp nghệ thuật, Hữu Phương vẫn chưa có đột phá lớn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật nhưng việc kết hợp tinh thần của kiểu nhân vật mảnh vỡ đã tạo nên nét riêng trong tiểu thuyết của ông. Các nhân vật trong tác phẩm mang những đặc điểm khác nhau, những thân phận khác nhau. Mỗi nhân vật đều có nét đáng yêu riêng, Cẩm là người phụ nữ có nhiều nét lôi cuốn nhất trong tiểu thuyết của nhà văn Hữu Phương. Ở Cẩm có nhiều điều bí ẩn, đầy sức cuốn hút của một người phụ nữ thuần Việt. Xinh đẹp trong bộ áo ôm sát người, trong sáng ở mọi hoàn cảnh... Đặt trong mối quan hệ với Thiện, Sơn, tình trạng cô đơn và bất an của con người đương đại trong những người phụ nữ này càng được thể hiện rõ. Cuối cùng số phận Cẩm như thế nào là do người đọc quyết định và chọn lựa. Qua mối quan hệ giữa các nhân vật, nhà văn lên án sự hủy diệt tàn khốc của chiến tranh. Cái chết thể xác do chiến tranh đã là một điều man rợ, cái chết tinh thần đeo đẳng người còn sống còn đáng sợ hơn. Trong cuộc chiến có nhiều những tấm gương hy sinh đáng được học tập nhưng trong cuộc chiến cũng có những kẻ lợi dụng đục nước béo cò phải được lên án. Từ đây, nhà văn muốn nói đến một vần đề lớn trong mối quan hệ xã hội, đó là: mối quan hệ giữa tự do và trách nhiệm. Trong Chân trời mùa hạ, điều làm cho người đọc suy nghĩ không phải là tội ác mà là sự trừng phạt, hậu quả tất yếu của những hành động quá khích vượt quá điểm cân bằng giữa tự do và trách nhiệm. Chủ nghĩa cá nhân ở đây không chỉ là sản phẩm của một chế độ xã hội duy nhất nào đó, nó có trong từng con người, biểu hiện trong mọi lĩnh vực của
đời sống. Nơi đó không chỉ có phụ nữ là người đáng thương mà cả đàn ông cũng trở nên đáng thương hơn khi họ không biết cách để bước vào "chân trời mùa hạ". "Chân trời", nơi ấy là vô biên nhưng nơi ấy cũng sẽ bị huỷ diệt nếu nhân loại còn gieo vào đó những hạt mầm huỷ diệt của chiến tranh, của tội ác và sự hận thù.
Khác với kiểu tiểu thuyết hậu hiện đại là nhân vật nhân vật không họ hàng, không bạn bè, không gia đình, Hữu Phương giữ nét truyền thống là những phụ nữ trong tiểu thuyết của ông có họ hàng, có bạn bè, có gia đình nhưng mối quan hệ của họ rất rời rạc. Họ chỉ liên quan nhau trong những công việc đời thường hằng ngày, còn cuộc sống tinh thần đeo đẳng ngày đêm của họ đều hướng về một thế giới khác. Hoặc là hướng về người đã chết, hoặc là hướng về người còn sống nhưng cách xa mình hàng vạn dặm ngoài chiến trường, hoặc là hướng về một người đàn ông mình yêu nhưng không phải là chồng mình. Đây là một nét riêng của tiểu thuyết Hữu Phương. Nhân vật có số phận. Số phận của Cẩm cuối cùng cũng bị bỏ ngỏ ở cuối tác phẩm. Cẩm sẽ tiếp tục đi đâu, lấy ai... Không ai có thể khẳng định. Việc nhận định cuộc đời Cẩm phải kết thúc như thế nào, được ở với ai, được lấy ai, thuộc về quyền năng phán xét ở người đọc với các tầm đọc khác nhau. Hay nói cách khác, khi xây dựng nhân vật kiểu này, tác giả giao quyền năng định đoạt số phận nhân vật cho người đọc. Trong tiểu thuyết Chân trời mùa hạ, thoạt đầu ta thấy Thiện đã yêu Cẩm nhưng trong thực tế lại lấy vợ là Hòa. Sơn là bạn Thiện, yêu Cẩm, đã cố tình "làm tình" với Cẩm. Hòa đã có có chồng là Thiện nhưng lại ở với ông Duẩn (bố chồng), có thai với Sơn, Hòa lại tìm cách đổ cho ông Duẩn bằng cách lừa ông Duẩn vào trò chơi ân ái với mình. Việc làm này đã khiến ông Duẩn sau khi hiểu ra đã đi tìm cái chết. Không ai cho ông được chết, ông vẫn "tràn trề hy vọng tìm được cái chết". Còn Cẩm đã tự chấp nhận, tự buộc trách nhiệm trước cái chết của Phong. Loan táo bạo, bị thôi miên bởi
Kháng, những tưởng chị sẽ vượt qua hàng rào đạo đức để đến với Kháng nhưng cuối cùng cũng để Kháng chết cô độc chỉ do vết thương giẫm phải mảnh đạn nhiễm trùng. Hòa, Thắm, Xuyến có làm tình với Sơn nhưng cuối cùng họ cũng chỉ là nạn nhân của kẻ đàn ông đồi bại, ích kỉ, hợm hĩnh, trịch thượng như Sơn. Bà Thiệp đắm đuối với bác Niệm nhưng vẫn phải chờ hết khó chồng... Cẩm là nhân vật chính, ai cũng biết Cẩm là nạn nhân đầu tiên của Sơn nhưng xét về bản chất, Cẩm là nạn nhân của chính bản thân cô, một mặt cô muốn giữ cái bình phong đạo đức, mặt khác cô cũng muốn phá vỡ để duy trì tình yêu thật của mình với Thiện. Chính điều này đã kích thích Sơn giở trò đồi bại với cô. Đây cũng chính là hai khuôn mặt của dạng nhân vật mảnh vỡ. Có lúc họ bất lực, họ không thể tìm ra lối thoát phù hợp cho bản thân trước sự kiềm tỏa của những điều phi lý truyền thống, của các mối quan hệ xã hội, của bổn phận phụ nữ nói chung trong nếp nghĩ, trong thói quen của người dân Việt Nam. Thậm chí đến cuối tác phẩm, Cẩm vẫn gặp phải rào cản từ mối quan hệ chị em (sự xuất hiện của nhân vật Lý cuối tác tác phẩm). Mối
quan hệ rời rạc giữa những lát cắt số phận của phụ nữ trong tiểu thuyết tạo nên sự đa dạng của tính cách nhân vật. Như vậy, cuộc chiến tình cảm kia của những đàn ông như Sơn, Thiện và nạn nhân như ông Duẩn cũng chỉ là trò chơi. Các cô gái như Cẩm, Hòa, Thắm, Xuyến... kia bị Sơn đưa vào trò chơi. Những người phụ nữ đó biết nhau nhưng họ không biết cách để làm chủ thứ tình cảm đó. Những người đàn bà cứ sống tự nhiên như bản năng vốn có của mình. Họ cũng không đặt ra cho mình một mục tiêu cụ thể trước chiến lược "khua bể mò cá" của Sơn. Họ không dành giật nhau. Họ chỉ lo làm hết bổn phận của mình, còn việc Sơn chọn ai, làm những gì với ai không phải là mối bận tâm của họ, người nào chấp nhận Sơn thì lấy đó làm điều thích thú. Đây là điều khác biệt với kiểu nhân vật tính cách trong tiểu thuyết truyền thống. Nhân vật tính cách trong tiểu thuyết truyền thống đòi hỏi phải vừa mang tính
phổ quát lại vừa sắc nét, cá thể. Hữu Phương cũng không có tham vọng giải thích tính cách nhân vật trong sự toàn vẹn, có quá trình hình thành và phát triển. Thêm vào đó, lối trần thuật tạo hiệu ứng hỗn độn, đứt đoạn, gây cảm giác về thế giới cũng như bị xé vụn thành nhiều mảnh khiến cho hình ảnh các nhân vật càng có nhiều sức cuốn hút. Việc lồng ghép tinh thần kiểu nhân vật này ẩn vào trong kết cấu tiểu thuyết là một nét riêng, đồng thời thể hiện ẩn ý của nhà văn trên những trang viết sâu sắc, thâm thúy. Truyền thống không như chiếc áo khoác của chúng ta, truyền thống giống như bộ da của chúng ta, chúng ta biết rõ về nó nhưng không thoát ra được khỏi nó.
Trong các nhân vật của tiểu thuyết thì Cẩm, Hòa thể hiện rõ nhất ý đồ nghệ thuật của tác giả. Đây là kiểu nhân vật thể hiện cái nhìn về một hiện thực đứt gãy, dang dở. Trong đó mối quan hệ giữa con người và hiện thực không rõ nét. Nhân vật đi lại, nói cười, ăn uống, làm việc, làm tình, thực hiện bổn phận… chỉ là cái bên ngoài. Điều quan trọng là người đọc phải nhận ra nỗi đau tận sâu thẳm bên trong tâm hồn mới là cuộc sống thật của họ. Và cũng đừng vội trách họ khi họ có chút lỡ lầm. Bởi nguyên nhân vực thẳm của đời sống trong tâm hồn họ chính là thảm họa của chiến tranh. Nhà văn cũng muốn nói rằng chúng ta cũng không thể đổ hết lỗi cho chiến tranh, viện cớ do chiến tranh để làm đủ các trò đồi bại, phá hủy thuần phong mỹ tục của người Việt Nam nhưng chúng ta cũng cần biết rộng lòng tha thứ, biết thông cảm, biết sống thật như cuộc sống của con người. Chúng ta sẽ thấy thiếu khi nói đến Cẩm, Hòa mà không nhắc đến Loan. Loan, người bạn tốt, người yêu tốt. Nói chung, cô thuộc kiểu người truyền thống, luôn lo làm tròn bổn phận của mình không chỉ với bạn, với người yêu, mà lúc làm việc, cô đều tỏ ra là một người nghiêm túc. Nhưng sự đời lắm lúc không để cho các cô gái thực hiện cái bổn phận thiêng liêng ấy của người phụ nữ. Trong chuyện này, tác giả muốn nói với chúng ta rằng, tại thời điểm đó, một kiểu sống khác của những con người
ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên trái đất này đã xuất hiện. Nếu tất cả mọi cô gái cũng đều ngây thơ, không có trí tuệ, thiếu trải nghiệm đều phải rơi vào cạm bẫy cuộc sống. Đây là điều đáng thương đối với phụ nữ nói chung trong quá trình thực hiện bổn phận làm người của mình. Những người đàn bà đã trải qua thời gian của chiến tranh, thời gian đó, nếu được bình yên, đủ để những người phụ nữ làm thêm nhiều việc có ý nghĩa cho cuộc sống chứ không phải chỉ có việc chống chọi, tự vệ với bản thân trước áp lực tình cảm con người thời chiến. Với riêng bản thân Hòa, Cẩm, nói theo thuật ngữ y học, 9 tháng 10 ngày đủ để các chị nuôi dưỡng cho cái thai trong bụng trở thành một con người, biết đâu đó là những con người đó là thiên tài của nhân loại.
Cũng cần phải nói đến một số hạn chế của Hữu Phương trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Có thể thấy, thế giới nội tâm nhân vật chưa được bộc lộ rõ nét. Việc nhà văn thiên về ghi chép lại các sự kiện lịch sử ít nhiều làm giảm đi cái độc đáo, sự sáng tạo mà người đọc đang kỳ vọng hơn thế. Hơn nữa, chiến tranh không hoàn toàn chỉ có sự chiến thắng, vinh quang, ngợi ca. Hình tượng người lính cũng thế, họ hội tụ đủ những mặt tốt - xấu như bản năng của con người. Hữu Phương cũng nói về mặt tốt - xấu, trái - phải, cao thượng - thấp hèn, song còn giải quyết một chiều, rạch ròi. Cuộc sống và con người được tái hiện qua dòng hồi tưởng của Thiện, là điều kiện thuận lợi để nhà văn thu hẹp không gian chiến tranh, mở rộng không gian tâm trạng. Tuy nhiên, ông chưa đi đến cùng những mâu thuẫn éo le, sự giằng co, xung đột, biến đổi, hay nói cách khác, chưa điều khiển được những phức thể trong tâm lý và tính cách của nhân vật như cách xây dựng kiểu con người bi kịch trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Miền cháy của Nguyễn Minh Châu,…
Các thủ pháp xây dựng nhân vật của Hữu Phương đã mở ra nhiều góc nhìn về chiến tranh: sáng - tối, phải - trái, tốt - xấu… Nhờ đó, cuộc sống và
con người dân làng Đại Hòa trở nên sinh động hơn. Họ hiện lên đầy đủ phẩm chất, tích cách như những con người bình thường: chiến công, vinh quang, niềm vui, nỗi buồn, thất bại, thánh thiện, bỉ ổi, thù hận, vị tha…