2.2.1. Nội dung 1: Khảo sát tình hình dị ứng thuốc tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2013
Nhóm chuyên môn bao gồm các bác sĩ, dược sĩ trực thuộc Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Khoa Dược – Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm DI & ADR Quốc Gia được thành lập nhằm xây dựng đề cương triển khai hoạt động theo dõi và báo cáo phản ứng dị ứng thuốc ghi nhận trên bệnh nhân tới khám và điều trị tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, xây dựng biểu mẫu báo cáo phản ứng dị ứng (phụ lục 1) và hướng dẫn thu thập thông tin bệnh nhân. Các cán bộ y tế tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng triển khai hoạt động theo dõi và điền vào biểu mẫu báo cáo đã được xây dựng dưới sự hỗ trợ của nhóm chuyên môn.
Nhóm chuyên môn rà soát và đối chiếu thông tin trên báo cáo với thông tin trong bệnh án và phỏng vấn trực tiếp bệnh nhân. Trong trường hợp thiếu thông tin, nhóm chuyên môn đề nghị cán bộ y tế điền báo cáo bổ sung các thông tin cần thiết. Các báo cáo được tập hợp, làm sạch dữ liệu, nhập liệu, xử lý dữ liệu và tổng kết kết quả thu được định kỳ 1 lần/tuần.
Toàn bộ dữ liệu báo cáo trong 6 tháng được tổng hợp và đưa vào nghiên cứu của chúng tôi để khảo sát, phân tích tình hình dị ứng thuốc chung ghi nhận tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng.
2.2.2. Nội dung 2:Tổng kết về các phản ứng dị ứng của allopurinol trong cơ sở dữ liệu của Trung tâm DI&ADR Quốc gia
Nghiên cứu được tiến hành tại Trung tâm DI & ADR Quốc gia theo phương pháp mô tả hồi cứu dữ liệu. Thông tin từ các báo cáo ADR đã được lựa chọn dựa vào các tiêu chuẩn trên được thu thập vào mẫu phiếu khảo sát (phụ lục 2).
Báo cáo ADR được sàng lọc sơ bộ là báo cáo phản ứng dị ứng thuốc khi biểu hiện ADR là đơn thuần ngoài da hoặc vừa có tổn thương da, thương tổn toàn thân, tổn thương nội tạng [32]. Mỗi trường hợp này sẽ được xem xét, quy kết là phản ứng dị ứng thuốc bởi 1 bác sĩ chuyên khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng.