Nhận xét chung

Một phần của tài liệu Các nền văn minh Việt Nam (Trang 42)

Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX nhân dân ta đã làm sống lại và phát huy những giá trị văn hoá, văn minh bị chìm đắm hoặc vùi dập trong thời kỳ Bắc thuộc. Sự phát triển của nền văn hoá, văn minh dân tộc thể hiện quá trình đi tới ý thức ngày càng sâu sắc hơn về dân tộc Đại Việt, về đất nước Đại Việt, về hậu thân của đất nước Văn Lang - Âu Lạc xưa. Lịch sử văn minh dân tộc thời kỳ này vì thế mà trước hết là một quá trình phục hưng vĩ đại và nảy nở phong phú. Nhiều thành tựu bắt nguồn từ nền văn minh sông Hồng đã được nâng cao thêm và phát triển với những tình cảm mới.

Trong những điều kiện của một nước độc lập lại có gốc rễ vững chắc của một nền văn minh bản địa, văn minh Đại Việt mở rộng tiếp thu các nền văn hoá, văn minh xung quanh nhưng không những không bị yếu tố ngoại lai xoá nhoà, mà trái lại càng làm cho nó đa dạng và phong phú hơn lên.

Nền văn minh Đại Việt là một nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước mang đậm bản sắc dân tộc (yêu nước) và nhân dân mà tinh thần quán xuyến là nhân ái, hoà hợp với tự nhiên, người với người, làng với nước. Nền văn minh đó đã phát triển đến cao độ những gì có thể đạt được của một nền văn minh nông nghiệp, thủ công. Nhân tố đô thị mờ nhạt, yếu ớt chỉ làm được chức năng góp phần tạo nên sự phát triển đó.

Những thành tựu của nền văn minh Đại Việt đã khẳng định bản sắc của một dân tộc đã trưởng thành, một quốc gia văn hiến, là cơ sở và là sức mạnh để hội nhập với thế giới tiên tiến bên ngoài.

Một phần của tài liệu Các nền văn minh Việt Nam (Trang 42)