Tài liệu Ca Dao Về Ẩm Thực pdf

10 837 1
Tài liệu Ca Dao Về Ẩm Thực pdf

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Ca Dao Về Ẩm Thực (Trích từ Trang Amthuc.com) Nụ cười qua chén cơm Dân tộc ta thuộc nền văn minh lúa nước, lương thực chính là cơm gạo, nên có rất nhiều niềm vui nỗi buồn đọng lại quanh chén cơm “dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Đặc biệt , dân ta ăn cơm mà tủm tỉm cười rất nhiều, cười đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, khiến cho bữa cơm giản dị thêm ngon miệng. Đối với phái “thực như hổ”, người ta hay chê cười các anh chàng giỏi ăn hơn làm : “Người ta lái gió lái mây Riêng anh lái bát cơm đầy vào hang” Ca dao có câu : “Làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan”, thi anh chàng này lại tỏ chí khí nam nhi bằng cách khác: “Làm trai cho đáng nên trai Ăn cơm với vợ lại rày cạy niêu.” Thế nhưng anh ta lại may mắn có một người vợ đậm đà tinh thần ăn uống không kém: “Con vợ nó cũng ráng chiều Xắn hai tay áo cạy niêu cùng chồng.” Phái “thực như miêu” được dành cho những nụ cười khả ái hơn, có lẽ vì họ dịu dàng hơn nhiều. Này là lời băn khoăn của cô gái đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân biết bao bỡ ngỡ: “Anh ơi, em nấu cơm quên đơm vào rá Em kho quên bỏ đồ mầu Ra lấy chồng sợ khốn nỗi làm dâu Em đây vụng đường nội trợ, sợ mai đây anh buồn.” Chàng lập tức trấn an bằng những lời hứa vô cùng cụ thể: “Cơm chưa đơm thì anh đơm giùm trót lọt Cá dẫu lạt anh cũng nói ngọt như đường Dốc lòng nặng một chữ thương Nắng che mưa đậy, khổ trăm đường anh cũng cam”. Nói vậy chớ, khi về làm vợ, bao giờ người phụ nữ cũng chịu cảnh thiệt thòi hơn. Cái cảnh hài hước này thường xảy ra trong các gia đình bình dân: “Đang cơn lửa tắt cơm sôi Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem.” Ca dao còn mượn hình ảnh chén cơm để cười chê đủ thứ thói hư tật xấu của người đời. Để chê trách những người trọng tiền bạc, coi thường đạo lý thì có: “Nghe rằng bác mẹ anh hiền Cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai”. Nhằm phê phán nạn “đa thê” cũng có câu ca dao thật thấm thía: “Mấy đời cơm nguội lên hơi Cái thân làm bé thảnh thơi bao giờ” Mấy anh chàng ham “đá lông nheo” mà không cần biết người ta đã yên bề gia thất hay chưa, cũng nhận được lời khuyên đích đáng: “Làm trai ghẹo gái có chồng Cơm chan nước lã, mặn nồng nào đâu” Sao không để ý nhìn mà coi, có cô gái còn son đang thương thầm nhớ trộm anh đấy. Chớ vội hững hờ, cho nàng phải than: “Thương anh bụng sát tận da Anh không hay biết ngỡ là đói cơm!” Chàng trai hãy lấy cơm gạo làm minh chứng bảo đảm cho hạnh phúc tương lai qua lời cầu hôn giản dị mà đằm thắm: “Muốn ăn cơm trắng canh cần Thì về Đồng Lãng, đan giần với anh” Hình như ở địa phương nào của Việt Nam áp dụng câu này cũng được, các bạn cứ thay tên quê mình vào câu ca dao trên, chắc chắn rước được nàng về dinh. Bánh - nguồn cảm hứng dạt dào cho ca dao Từ thời xa xưa, trong nghệ thuật ẩm thực, người Việt Nam ta đã biết làm nhiều loại bánh. Ngoài sự tích bánh chưng, bánh dày, món quà dâng cha mẹ của chàng Lang Liêu hiếu thảo, truyện cổ tích còn kể về nàng Út Ít, cũng là con gái vua Hùng học theo Lang Liêu, dùng nếp làm ra bánh ít. Và cũng theo truyện cổ, loại bánh cổ xưa nhất của người Việt là bánh do mẹ Âu Cơ làm ra, dùng mật trộn với nếp quết thành ra bánh mật. Suốt mấy ngàn năm văn hiến, nhiều loại bánh với cách chế biến đa dạng đã đi vào đời sống dân gian, tô điểm cho những mâm cỗ thêm màu sắc. Ca dao, hò cũng có nhiều câu liên quan đến hình dáng, tên dân gian của các loại bánh: “Ai được thoát thân, thì ăn bánh lọt Trôi nước rất ngọt, để các thợ chài Dầm mưa hoài hoài, thì ăn bánh ướt Bất toại vô phước, thì sẵn bánh bò” Hò còn dày công tư duy để gán ghép bánh với nhiều nghề nghiệp khá bất ngờ, như nghề đầu bếp : “Đầu bếp mấy tên, phải ăn bánh… rế”, thợ dệt thì: “Kẻ dệt lụa tơ, bành tằm sẵn để”. Thầy thuốc cũng được dành cho một thứ bánh khá ngon: “Còn như bánh quế, các đấng y sanh”. Chắc các bạn đã nhận ra cái rế là vật dụng nhà bếp, nên bánh rế là bánh cho đầu bếp, “tằm” dễ nghĩ ngay đến nghề dệt lụa, còn quế là một vị thuốc nên được ưu tiên cho thầy thuốc! Hầu hết các món bánh đều được chế biến rất công phu, nên bánh cũng gói trọn tâm tình của người con gái dành cho người yêu của mình. Biết bao nhiêu hy vọng, đợi chờ gói ghém qua câu ca dao: “Hai tay bưng quả bánh bò Giấu cha giấu mẹ cho trò đi thi” Với câu ca dao này, bài dân ca Lý Bánh bò còn triển khai chi tiết hơn về nỗi nhiêu khê của… bánh bò trên đường trao tận tay bạn tình chung: “Chân đi khé né, tối trời sợ té, giấu cha giấu mẹ…”Còn mấy anh chàng thì hở một chút là thề thốt sâu nặng và ngon ơ như … bánh: “Bánh canh trắng, bánh canh ngọt Rượu bọt đầy xe Bao giờ mặt trời hết quay Thì qua với bậu mới dứt dây cang thường” Nghe vậy các cô nàng hơi xiêu lòng, nhưng vẫn còn đắn đo: “Muốn ăn bánh ít lá gai Lấy chồng Bình Định, sợ dài đường đi”. Thế là anh liền khẳng định tình yêu bằng một hành động nữ công gia chánh rất cụ thể: “Anh về bẻ trăm khuôn dừa Gói trăm bánh nếp sang nhà hỏi em” Cô gái quê dịu dàng khiêm nhường nhưng cũng khéo léo mượn hình ảnh của một chiếc bánh cho chàng trai thấy phẩm chất của mình: “Em đây như chiếc bánh gai Áo nâu phai nắng, da thời lại đen Ai ơi ăn thử mà xem Ăn rồi mới biết là em ngọt bùi”. Cô gái cũng mạnh dạn cho chàng trai thấy mong ước của mình về hôn nhân thật đơn giản: “Cỗ cưới em thật là sang Bánh đa cả sọt, bỏng rang cả sề Họ mạc ăn uống thỏa thuê Lại lấy phần về ít hạt bỏng rơi!” Bánh đa theo tiếng Bắc hay bánh tráng theo tiếng Nam đều là biểu tượng cho hạnh phúc và những điều tốt đẹp nhất. Chàng trai xứ Bắc nói: “Vợ chồng ta bánh đa bánh đúc”, chàng trai Nam bộ cũng ví von: “Muốn ăn bánh tráng cho giòn Muốn thương cô gái cho tròn lòng trinh”. Các bài về Bánh Bà con cô bác, lẳng lặng mà nghe Tôi nói cái vè, các thứ bánh Mấy tay phong tình huê nguyệt, thì sẵn có bánh trung thu Mấy gã thầy tu, bánh sen thơm ngát Ai mà hảo ngọt, thì có bánh cam Những kẻ nhát gan, này là bánh tét Còn như bánh ít, để mấy ông câu Hủ lậu xưa nay, thì ưa bánh tổ Mấy tay háo võ, bánh thuẫn sẵn sàng Các thứ bánh bàn, kỉnh chư chấp bút Nên dùng bánh gừng Còn bánh ít trần, cu ly chia lấy Kẻ nào trồng rẫy, thời sẵn bánh khoai Mấy gã hay say, bánh men rất quý Này là bao chỉ, để các thợ may Má phấn mấy tay, thì ưa bánh dứa Những tay làm lửa , thì có bánh phồng Bánh kẹp bánh cồng, để cho đạo tặc. Lại như quai vạc, đạo chốp nên ăn Ai bị thoát gian, thì ăn bánh lọt Trôi nước rất ngọt, để các thợ chài Dầm mưa hoài hoài, thì ăn bánh ướt Bất toại vô phước, thì sẵn bánh bò Những kẻ hay lo, phải ăn tai yến Ai ham trồng kiểng, có bánh bông lan Còn như bánh tráng, để hạng trai tơ Mấy ả giang hồ, bánh bèo sẵn đó Ai mà mặt rỗ, kìa bánh chôm chôm Mấy chú tạ sơn. Bánh bao khá ních Những tay bán thịt, da lợn sẵn dành Còn trả bánh canh, cho ba chú lính Chủ nhân Lục tỉnh, thì có bánh in Đầu bếp mấy tên, phải ăn bánh rế Này là bánh nghệ, mấy chị nằm nơi Kẻ dệt lụa tơ, bánh tằm sẵn để Còn như bánh quế, mấy đấng y sanh Tọc mạch mấy anh, nên ăn bánh hỏi Hễ là thầy bói, ăn đỡ bánh qui Mấy ổ bánh mì, cho người nho nhã Quảng Đông mấy gã, ăn bánh na Béo thịt thẳng da, thì ăn bánh ú Rộng đường mấy chú, như để sẵn đây Phật giáo mấy thầy, xin ăn bánh cúng Phận tôi lúng túng, trái đất tôi dành Ai có lanh chanh, tôi cho bánh khọt. Tô canh Việt Nam qua ca dao Tô canh ngọt ngào đưa cơm trôi tuột qua cổ họng còn để lại dư vị dễ chịu và giải nhiệt. Canh được nấu bằng nhiều thứ rau, cải, củ và các loại thịt tùy theo địa phương để làm nổi vị ngọt. Có lẽ ngày xưa thịt không nhiều, nên người dân Việt Nam đã sáng chế ra món ăn hỗn hợp này để nhiều người cùng được hưởng mùi vị thịt thơm ngon. Từ xưa ông bà ta đã có ý thức là phần “cái” là phần bổ dưỡng hơn “nước” nhiều (Khác với người Hoa trọng phần nước hơn nên thường hầm ninh thật lâu cho thịt ra nước), nên đã có câu tục ngữ: “Khôn ăn cái, dại ăn nước”. Ba miền trên dải đất hình chữ S đều có những tô canh đặc sản riêng, thứ canh cũng ngon và mang đậm hồn quê. Miền Bắc thì có: “Cá rô, canh cải nấu gừng Ăn thì ăn chớ xin đừng mỉa mai”. Đó là cách nấu thêm gừng để nước canh cải đậm đà hơn, ấm bụng và cũng bớt đi mùi tanh cá, được ưa chuộng ở miền Bắc, có nét rất riêng không lẫn vào đâu được. Miền Bắc cũng có món canh trê nấu dưa muối chắc là rất quyến rũ, đến nỗi: “Chồng chê thì mặc chồng chê Dưa khú nấu với trê ngọt lừ.” Những ruộng rau cần là một nét đẹp của đồng quê miền Bắc, là niềm ao ước của các bậc sinh thành, mong sao khi tuổi già xế bóng có con cháu quây quần bên cạnh: “Có con mà gả chồng gần Có bát canh cần, nó cũng đem cho”. Một loại rau cũng mang nặng lời tự tình dân tộc, nhắc ra các bạn sẽ à lên một tiếng vì sự quen thuộc của nó: rau muống. Rau muống nấu canh là món ăn biết bao thân thương, càng thân thương khi do bàn tay người con gái mà ta yêu quý nấu lên: “Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống, nhớ dầm tương.” Ở miền ngược, người ta cũng nấu canh bằng những thứ rau rừng có cái tên lạ lẫm, nhưng không kém phần thiết tha, bởi người nấu đã gởi tâm hồn mình vào đó: “Em ăn thịt nai tươi Chớ quên bát canh suông rau mác”. Ở miền Trung, có món canh “giựt chồng” của một người đẹp nào đó kiêu hãnh với tài nội trợ quán quân của mình, đã tuyên chiến với các bà vợ: “Cá nục nấu với dưa hồng Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi” Mấy anh chàng Bình Định thực tế , vốn quê hương xứ dừa, không bỏ qua cơ hội lấy tô canh quê hương để “nhem thèm” các cô gái xứ lạ: “Em về Bình Định cùng anh Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa”. Còn miền Nam, ruộng đồng bát ngát cò bay, tôm đầy sông, lại có thói quen tận dụng tất cả các thứ cây lá ăn được ngoài đồng thì món canh đương nhiên là phong phú, mời bạn đọc một lượt: “Canh chua điên điển linh Ăn có một mình thì chẳng biết ngon” “Không gì bằng nấu canh Bỏ bông so đũa mới rành dân quê” “Rau đắng nấu với trê Ai đi lục tỉnh thì mê không về.” “Thịt chuột nấu chua lá giang Chẳng có gì bằng cái thú đồng quê”. Tính ra thì phở, bún, mì, hủ tiếu… cũng là những thứ canh cao cấp, ca dao cũng không bỏ qua đề tài hấp dẫn này, nhưng kể ra còn nhiều, xin hẹn lại dịp khác. Có tác giả nói thế này: “Đời đời đi về với canh, dân Việt mình có người rủ nhau ngoi đến cái tình lý của canh như đã làm với bánh dầy, bánh chưng để mà cho rằng cái món nửa nước nửa cái này biết đâu chẳng là ảnh tượng sâu xa về quê hương nửa nước nửa cạn lúc ban sơ, về một cội nguồn có nửa anh theo mẹ lên núi, nửa em theo cha xuống biển. Có người còn khẳng định rằng trong canh có cả âm dương, ngũ hành.” Bó rau tương tư Không biết tại sao khi tương tư, “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, người ta lại đi hành tội những cọng rau yếu đuối trong vườn nhà hay trên bờ ruộng vậy chớ? Rau mà biết nói chắc cũng phải “ui da” vì bàn tay “vũ phu” của mấy anh chàng có bản tính… thỏ đế: “Thò tay ngắt cọng rau ngâu Thấy em còn nhỏ, giữ trâu anh buồn” “Ngồi buồn ngắt cọng rau mơ Anh thương em bậu, nỡ làm ngơ sao đành” “Thò tay vói ngắt cọng ngò Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ.” Không biết chàng ngập ngừng bao ngày bao tháng, chỉ tội cho cái vườn rau xác xơ không còn một cọng! Bữa nọ, chàng chắc uống mật gấu nên bạo dạn xông tới “tỉnh tò” làm nàng hoảng kinh: “Rau muống bắt cuống rau răm Làm chi đến nổi chàng cầm cổ tay?” Ôi, cầm cái cổ tay ngà ngọc có nghĩa lý gì so với tháng đợi năm chờ cái cơ hội ngàn năm một thuở này chớ: “Chờ em cho hết sức chờ Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông” Vậy mà người ta nỡ nào “bốp chát” bằng một câu phũ phàng hết sức: “Rau muống trổ bông lên bờ nó trổ Ai biểu anh chờ mà kể công lao.” Ừ, giỏi thì cứ “già kén chẹn hom” đi! Chắc chắc ngày nào đó cô nàng đỏng đảnh này sẽ gặp quả báo cho coi: “Chê tôm lại phải ăn tôm Chê rau muống luộc, lại ôm rau già”. Rau già ở đây là một ông chồng không vừa đôi phải lứa, để cho nàng phải than thở nỉ non: “Cực lòng em phải lấy anh Rau lang chấm muối, ngon lành gì đâu” Thấy em như vậy, anh cũng đau lòng lắm nhưng ván đã đóng thuyền, còn cứu vãn gì được nữa. Thôi thì anh cũng nối một tiếng than gửi cho… rau cỏ vô tình: “Rau lang trắng ngọn ngắn ngọn dài Cải tần ô cọng dọc cọng ngang Trái dưa gang sọc đen sọc trắng Ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh Con chim quyên uốn lưỡi trên cành Bởi vì em ở bạc, ông trời đành rẽ đôi.” Vậy là trọn tình trọn nghĩa với cố nhân, bây giờ anh lo tìm duyên khác kẻo “ê sắc” thì nguy. Kỳ này, chàng rút kinh nghiệm hơn nhiều nên đắn đo cân nhắc: “Đói lòng ăn đọt rau lê Tìm nơi nhân hậu, hơn bề giàu sang.” Và cách thổ lộ của chàng cũng táo bạo hơn nhiều lắm. Không biết nàng nghe câu đố này có đỏ mặt thẹn thùng hay không: “Chàng áo xanh, thiếp cũng áo xanh Rủ nhau xuống tắm bờ sông Ngân Hà Tắm rồi lại cởi áo ra Mình trắng như ngà, lại đội nón xanh” Đố bạn đó là giống rau gì? Nó là cọng giá, sinh ra từ hột đậu xanh , nảy thành cái mầm trắng nõn, còn dính vỏ xanh trên đầu, câu đố nghe thật văn vẻ và tình tứ. Thật may mắn cho chàng, lần này gặp được người hữu tình: “Mưa lâm râm, ướt dầm lá cải Em cảm thương người áo vải mong manh.” Trải qua bao sóng gió, rồi họ cũng nói được lời thề giản dị nhưng son sắt: “Thiếp nguyện với chàng một sàng rau má Chàng nguyện với thiếp một lá rau mưng Chàng ăn, thiếp nhịn, xin đừng bỏ nhau”. Đặc sản Quảng Nam Mời các bạn cùng điểm qua những món mon vật lạ của đất Quảng, nơi có phố cổ Hội An và dòng sông Thu Bồn: “Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm Cao lầu Phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà Tam Kỳ có món cơm gà Nam Ô nước mắm đậm đà thơm ngon Đại Lộc nhiều trái bòn bon Khoai lang Trà Đóa, Quế Sơn nếp mường Cẩm Sa có giống lúa vàng Gạo ngon thơm phức, trăng tròn mùa thu Bàn Lãnh có gốc mù u Cá trôi mùa lũ, sông Thu chảy về Vĩnh Điện chả lụa khỏi chê Xu xoa Khúc Lũy, thịt bê Chợ Cầu Quán Rườn, Chợ Đước Câu Lâu Bánh tráng hấp ở đâu ngon bằng? Cá thu, rựa, phèn Kho rim nước mắm đâu bằng Hội An Tằm dâu là xứ Trường Giang Đông Yên bủa kén, nhộng non mít xào Mỹ Xuyên bí rợ bí đao Mía mưng, nón lá quai thao tóc thề Duy Trinh đắp đập khai đê Cho cây thêm trái sum suê đầy vườn Đó là đặc sản quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng tình thương quê nhà Tứ Câu có giống vịt ta Khế non, chuối chát, ớt pha mắm gừng.” Theo mình thấy thì vùng đất nào cũng có đặc sản hết, nhứt là Sài Gòn hội tụ đủ thứ của ngon vật lạ bốn phương, nếu làm thành ca dao cũng chất đầy cả xe tải! Kiếm chưa ra, các bạn sáng tác cho Sài Gòn coi, hổng chừng sau này hóa thành ca dao thì sao? Chẩn đoán bệnh anorexie (chán ăn) trong ca dao Nguyên nhân đầu tiên và phổ biến nhất của bệnh chán ăn theo như ca dao tả là do thất tình hoặc tương tư. Lúc đó dẫu ăn cao lương mỹ vị bực nào cũng không biết ngon. Ôi, trong tim vang dội chữ nhớ, nhớ… và nhớ… “Nhớ ai cơm chẳng buồn ăn Hồ bưng lấy bát lại dằn xuống mâm” “Thương ai trong dạ lao lư Cơm ăn đôi đũa rớt răng chừ không hay.” “Ăn cơm sao được mà mời Nước mắt lênh láng, rã rời hạt cơm.” Nỗi nhớ khiến cho cô gái đau lòng nhìn mâm thức ăn hấp dẫn mà sầu dâng như sóng biển: “Mâm thau chùi sáng Để dưới ván thấy hình Cháo đậu xanh kia, đường cát trắng nọ, nhớ mình quên ăn.” Đặc biệt hơn, có anh chị vì nhớ nhung mà ăn… không thèm nhai, nếu vậy thì chắc chắc sau này sẽ đau bao tử vì thất tình chứ không phải ho ra máu chết như Lương Sơn Bá hay Trà Hoa Nữ: “Ngủ mười đêm, đêm nào cũng nhớ Ăn mười bữa, mười bữa quên nhai Sầu tương tư ruột ngắn tình dài Trách ông tơ bà nguyệt xe chi một lát một ngày rồi chịu xa nhau.” Trước mắt, người thất tình không chịu nhai cơm phải… mắc nghẹn: “Cơm ăn cũng nghẹn, nước uống cũng nghẹn Theo lời bạn hẹn, đứng giếng mà trông Giếng thì thấy giếng, mà không thấy người.” Một mình ên bỏ ăn đã đành, có khi vì một người thất tình mà cả nhà nhịn đói bởi hậu quả của nỗi đau bất ngờ đến bàng hoàng là: “ Em đang vút nếp đồ xôi Nghe anh lấy vợ, thúng trôi nếp chìm”. Buồn quá không ăn đã đành, mà vui mừng hưng phấn quá, cũng không thiết gì đến ăn uống. Hãy nghe cô nàng ham vui sau đây tâm sự: “Em đang so đũa ăn cơm Tai nghe hát hố đầu hôm trên này Ra đi, chị đánh, mẹ rầy Không đi, bạn ở trên này bạn trông.” Còn chàng thì sợ ăn no quá sẽ ảnh hưởng đến mối tình đang dào dạt trong lòng, hay sợ nàng cho mình là hạng ham ăn hóc uống: “Cơm ăn mỗi bữa mỗi lưng Uống nước cầm chừng, để dạ thương em.” Khi chưa lấy được nhau, ăn ít vì nhớ nhung, hồi hộp, còn lấy được cũng không thèm ăn vì quá hạnh phúc: “Cơm trắng ăn với chả chim Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no” Nhưng ngoài lý do tình cảm, có những bữa ăn nuốt không nổi vì quá kham khổ: “Mẹ nghèo cơm hẩm ươn Con ơi nín khóc mà thương mẹ nghèo” Dầu bữa cơm của mẹ có đơn sơ đạm bạc nhưng vẫn chan chứa tình thương, chớ bữa ăn “đổ mồ hôi sôi nước mắt” nhờ vả người dưng nước lã mới thật sự là nuốt không trôi: “Cơm cha cơm mẹ đã từng Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người Cơm người khổ lắm mẹ ơi Chả như cơm mẹ, vừa ngồi vừa ăn.” Mà thường thì chán ăn là chán cơm, tức bữa ăn cơ bản, hình như không ai chán bánh! Những đôi đũa lệch Trong tình duyên chồng vợ, ngoài những cặp uyên ương vừa đôi phải lứa như “cốm hồng đẹp đôi” thì có những cặp gắng gượng mà sống với nhau trong cảnh bằng mặt chẳng bằng lòng. Họ là những đôi đũa lệch, hay bị người đời đàm tiếu. Thật ra, người trong cuộc nhiều khi cũng chỉ là nạn nhân của những cuộc hôn nhân ép uổng: “Mẹ em tham thúng xôi rền Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng Em đã bảo mẹ rằng đừng Mẹ hấm mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào Bây giờ chồng thấp vợ cao Như đôi đũa lệch kê sao cho bằng.” Những đôi đũa lệch dở khóc dở cười này có thể là chồng già mà vợ trẻ nên sinh ra cái cảnh: “Cơm rồi múc nước rửa râu Hầu cơm, hầu rượu, hầu trầu, hầu tăm Tối thì dắt cụ đi nằm Than thân phận gái, phải chăm lão già” Có cô đành an phận, tự an ủi mình một cách gượng gạo bởi chồng tuy già nhưng lắm tiền nhiều bạc: “Có duyên lấy được chồng già Ăn cơm bỏ cháy, ăn gà bỏ xương”. Thế nhưng, đa phần nhắn lại một lời khuyên chua chát: “Mua thịt thì chọn thịt mông Lấy chồng chớ chọn dở ông dở thằng” Không riêng chuyện lấy chồng già, mà lấy nhằm anh chàng vô tích sự cũng khổ đời: “Thứ nhứt vật vợ xó nhà Thứ nhì vật chó, thứ ba vật mèo Thứ tư vật đến nồi niêu Thứ năm vật bát bún riêu làng Nghè”. Những mối duyên cắc cớ ấy để lại trong lòng cô gái và bà con thân thuộc bao sự tiếc rẻ kiếp “hồng nhan bạc phận” (chớ không phải bạc triệu!) được diễn tả rất cụ thể qua nguyên liệu nấu ăn “trớt quớt” như sau: “Lỡ duyên nên phải ưng anh Tiếc con tôm bạc nấu canh rau dền” “Tiếc con tôm rằn mà nấu canh rau má Tiếc con bống mà nấu lá cỏ hôi” “Tiếc thay hạt gạo trắng ngần Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm” “Tiếc thay hạt gạo tám xoan Thổi nồi đồng điếu lại chan tương cà.” “Gỗ trắc đem bắc ván cầu Yến sào đem nấu với đầu tôm khô”. Các bạn cũng thấy những món được coi là cao quý như gạo tám xoan, yến sào mà lại đi với những phụ gia quá tệ như tương hay đầu tôm khô thì thật phí phạm, ví như thân phận người con gái may nhờ rủi chịu ngày xưa. Cứ tưởng làm trai thì sướng, nhưng nếu vì ham tiền, ham tài sản mà cưới vợ già cũng kỳ lắm lắm: “Vô duyên lấy phải vợ già Ăn cơm phải đút, bẩm bà nuốt đi”. Dầu sao anh này cũng tự an ủi rằng vợ già cũng khéo như… má anh: “Canh bầu mà nấu trê Ăn vô cho mát mà mê vợ già”. Nếu có điều kiện nhận ra kịp thời để tránh những đời trớ trêu như trên thì thật may mắn, như cô nọ hú hồn hú vía dừng lại đúng lúc: “May không chút nữa em lầm Khoai lang xắt lát, mà tưởng nhân sâm bên Tàu”. Còn gì vui hơn chồng vợ là “đũa ngọc nằm trên mâm vàng” chứ không là “đũa lệch”. Nhưng thế nào là lệch, chỉ có người trong cuộc phán đóan là chính xác nhất, chớ người ngoài chưa chắc đã biết rõ. . mình vào câu ca dao trên, chắc chắn rước được nàng về dinh. Bánh - nguồn cảm hứng dạt dào cho ca dao Từ thời xa xưa, trong nghệ thuật ẩm thực, người. Ca Dao Về Ẩm Thực (Trích từ Trang Amthuc.com) Nụ cười qua chén cơm Dân tộc ta thuộc nền văn minh lúa nước, lương thực chính là cơm

Ngày đăng: 20/01/2014, 18:20

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan