1. Trang chủ
  2. » Văn Hóa - Nghệ Thuật

Huyền Chip - Chương 39 - Phần 2 - Tập 1: Mumbai nằm trong tay người Pubjabi

3 749 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 3
Dung lượng 71 KB

Nội dung

www.nguyenthikhanhhuyen.com - Huyền Chip - Chương 39 - Phần 2 - Tập 1: Mumbai nằm trong tay người Pubjabi

Đền Vàng Harmandir Sahib ở thành phố Amritsar, bang Punjab - một trong những điểm tôi muốn đến thăm trước khi tôi chết, bởi đây là trung tâm của đạo Sikh, có vị trí như Vatican của Thiên Chúa giáo vậy. Đạo Sikh là tôn giáo có tổ chức lớn thứ năm trên thế giới và là một tôn giáo có nhiều điều vô cùng thú vị. Thứ nhất, so với các tôn giáo khác ở Ấn Độ như đạo Hồi hay đạo Hindu, đạo Sikh cấp tiến hơn hẳn khi cho phụ nữ quyền bình đẳng với nam giới, và phụ nữ có thể dẫn dắt buổi cầu nguyện. Thứ hai, tôn giáo này nghiêm cấm mọi hành động tâm linh mù quáng, mê tín dị đoan như bắt phụ nữ che mặt, nhịn ăn, thờ cúng tranh tượng. Tôi rất ủng hộ quan điểm này. Thứ ba, đạo Sikh không hề có thầy tu, nữ tu bởi tôn giáo này phản đối các kiểu sống không gia đình: tha hương cầu thực, đi tu . Thứ tư, đây là một tôn giáo vô cùng hiếu chiến. Mỗi người theo đạo Sikh đều được khuyến khích phải sống như một chiến binh thần thánh. Với họ, nợ máu phải trả bằng máu và điều này đã được thể hiện qua những vụ trả thù đẫm máu trong lịch sử đạo Sikh. Bản thân Vương quốc đạo Sikh (nay là bang Punjab) được thành lập khi Guru Gobind Singh mang quân đi xâm lược thành phố Sirhind lúc bấy giờ còn đang theo đạo Hồi để trả thù cho cái chết của những người con trai út của mình. Người theo đạo Sikh luôn phải giữ 5 K, một trong số đó là Kirpan, con dao nhỏ cong ở đầu để gợi nhớ về lòng dũng cảm của năm người Sikh đầu tiên đã sẵn lòng tử vì đạo. Nhận biết người Sikh rất dễ. Bạn có thể nhìn vào tên họ: đàn ông đạo Sikh luôn có tên họ là Singh, nghĩa là sư tử; phụ nữ có tên họ Kaur, nghĩa là công chúa. Ngoài ra, đàn ôns đạo Sikh không bao giờ cắt tóc. Tóc dài được cuộn khăn thành một vòng tròn trên đầu. Nhiều bạn thường nhầm khăn cuộn này với khăn cuộn đạo Hồi, nhưng khăn cuộn đạo Sikh to hơn hẳn và họ hoàn toàn không để lộ tóc ra ngoài. Quả thực, trước khi đến Ấn Độ tôi chẳng biết đạo Sikh là gì. Tôi bắt đầu nghe đến đạo này khi đọc cuốn Holy Cow của Sarah McDonald trên tàu từ Kolkata đi Mumbai. Sau đó, khi đến Mumbai tôi nghe mọi người đùa rằng kinh tế Mumbai nằm trong tay người Punjabi (phần lớn người Punjabi theo đạo Sikh). Tuy là thiểu số, người Sikh đã đạt được khá nhiều thành tựu về kinh tế và chính trị ở đất nước này. Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là Manmohan Singh, nghe tên mọi người cũng biết là theo đạo Sikh. Tôi không biết thành công của họ là do sự hiếu chiến hay sự đoàn kết của những người theo tôn giáo này nữa. Hiếu chiến không hẳn mang nghĩa là thích đổ máu, nhưng hiếu chiến theo nghĩa “hăng”, đã làm gì thì sẽ làm hùng hục. Tôi đã ngộ ra một điều, muốn làm được gì đó thì bản thân mình phải thúc, phải đẩy cho nó xảy ra, không thể cứ ngồi ì chờ người khác làm cho mình được. Sarah đến Amritsar để chữa bệnh. Tôi cũng không nhớ lúc đó Sarah mắc bệnh gì, đến Ấn Độ người không quen có thể mắc đủ các thứ bệnh quái đản. Có bệnh thì vái tứ phương, có người giới thiệu cô đến Amritsar tắm nước hồ Sarovar. Tương truyền, hồ Sarovar quanh đền Vàng có chứa amrit, nước thánh hay nước trường sinh bất lão có khả năng chữa bách bệnh. Nước này thực ra là nước sông Hằng. Người đổ về đây đông như kiến, cả người tin lẫn người không tin. Đền Vàng có bốn cổng, mỗi cổng có hai bác bảo vệ đứng gác, uy nghiêm đúng kiểu chiến binh thần thánh đạo Sikh: cao lớn, áo dài chùng màu xanh đậm, khăn cuốn tóc và thắt lưng đều màu vàng, râu quai nón, mặt nghiêm nghị, chân dạng bằng vai đứng tấn, tay cầm thanh giáo uy nghiêm. Trông dữ dằn là thế nhưng khi tôi đến hỏi, bác vẫn tươi cười trả lời. Muốn vào trong mình phải cởi dép, phủ đầu che tóc. Bước qua cổng, qua hành lang là vào đến hồ Sarovar. Gần cửa chỉ có đàn ông tắm, phụ nữ tắm ở phía trong kín đáo hơn. Đàn ông nơi này cũng lạ, xuống tắm đồ cởi gần hết mà tóc thì vẫn cuộn nguyên cả cục trên đầu. Tôi phân vân có nên xuống tắm không, nhưng rồi nghĩ khả năng chữa được bệnh thì ít, mà khả năng lây bệnh da liễu thì nhiều nên lại thôi. Đi lòng vòng quanh hồ, tôi phát hiện ra một mái hiên lớn, dưới đó là khoảng vài chục các bác, các anh, các chị ngồi hì hụi nhào bột, bóc tỏi. Một giỏ sắt khổng lồ chứa ngập khay đựng đồ ăn, cao quá đầu người. Phía trên mái hiên là hàng chữ: “The Lord himself is the Farm. Himself is the Farmer. Himself he grows & grinds the corn”. (Bản thân Đức Chúa là nông trại. Bản thân Ngài là người nông dân. Bản thân Ngài trồng và nghiền ngô) Thấy hay hay, tôi ngồi xuống bữa một bác gái bận bộ sari màu nâu, vấn khăn màu nâu và một bạn nữ mặc sari màu tím nhạt, vấn khăn cũng màu tím nhạt, nhặt mấy củ tỏi lên bóc cùng mọi người. “Bạn có nói tiếng Anh không?”. Tôi quay sang hỏi cô bạn ngồi cạnh. “Chút chút”. Cô bạn bẽn lẽn trả lời. “Mọi người đang làm gì vậy?”. “Nấu ăn”. “Cho ai?”. “Cho tất cả”. “Tất cả? Cho cả tớ nữa á?”. “Ừ”. Cô bạn cười. Thì ra đây là bếp ăn tập thể. Sau này tìm hiểu thêm tôi được biết hàng ngày bếp này phục vụ khoảng năm mươi ngàn người đến đây hành hương, hoàn toàn miễn phí. Người hảo tâm quyên góp đồ ăn, mọi người vào làm bếp, mọi người phục vụ, mọi người ăn. Hóa ra cái câu mà tôi đọc bên trên không chỉ là một trích đoạn trong Kinh Thánh của họ mà còn là một câu nhắc nhở mọi người “Muốn ăn thì lăn vào bếp”. Tôi chẳng hiểu lúc đấy tôi bị sao mà thấy bóc tỏi thú vị thế. Đầu tiên tôi bóc tỏi như mọi người bóc, tách nhánh ra, lấy dao cắt gốc, bóc vỏ rồi lại cắt gốc, bóc vỏ. Sau đó tôi phát hiện ra là nếu mình cắt gốc một lượt rồi bóc vỏ sẽ nhanh hơn rất nhiều. Một lúc sau tôi phát hiện ra nếu không dùng dao sẽ nhanh hơn nữa. Thế là tôi vừa bóc vừa tính giờ tự lập kỷ lục với mình, rồi tự sướng vì thấy mình bóc nhanh hơn hẳn người ta. Cứ ngồi bóc đến khi đầu ngón tay cái sưng đỏ lên mới đứng dậy đi ăn. Ngẩng lên mới phát hiện ra bạn gái ngồi cạnh đã đứng dậy đi từ lúc nào. Tôi xếp hàng vào nhà ăn và được mọi người phát cho một cái khay đựng đồ ăn tiêu chuẩn của Ấn Độ: khay bằng kim loại, nông, chia ngăn đựng các loại đồ ăn khác nhau. Sau đó, tôi theo đám đông vào trong, ngoan ngoãn tìm chỗ, ngồi khoanh chân dưới đất, đặt khay trước mặt chờ đồ ăn. Tuy đông nhưng mọi người ngồi vào hàng lối rất lịch sự: nam một bên, nữ một bên. Đầu tiên là một bác với một rổ đầy rô-ti (bánh mì dẹt của Ấn Độ) đi dọc hàng, thả vào mỗi khay hai cái rô-ti. Sau đó lại có những người khác phát cơm rang, khoai tây xào, súp màu xanh xám bằng gì đó tôi cũng không biết. Tôi ăn không thích lắm nhưng không dám để thừa. Còn bao nhiêu người không có mà ăn, mình được cho ăn mà để thừa thì phí quá. Ăn xong đi loanh quanh tôi phát hiện ra một căn phòng rộng thênh thang, nền trải khăn, trần sẵn quạt cho mọi người đến nghỉ trưa. Một số người trải chăn ngay ở bãi cỏ phía ngoài để ngủ. Hành hương tiết kiệm một cách tối đa. Tôi nghĩ, nếu bạn nào đến khu vực này chẳng may không có chỗ qua đêm, thì đêm vào đây trải khăn ra ngủ cũng được. Ăn no ngủ say rồi tôi mới đi thăm Đền Vàng. Đền nằm giữa hồ với một hành lang lát đá hoa, lợp vải trắng, lan can dát vàng lấp lánh dẫn vào. Nói chung Đền Vàng là tiêu biểu cho một kiến trúc vô cùng không ăn ảnh.Nhìn ở ngoài thì rất hoành tráng nhưng lên ảnh cứ bình bình thế nào ấy. Ảnh tôi chụp chẳng có ảnh nào đẹp, lên mạng tìm ảnh thiên hạ chụp cũng thấy toàn ảnh xấu. Phần đẹp nhất là những chạm khắc đá ngọc bên trong thì lại bị cấm không được chụp ảnh. Một điểm thú vị khác của Pubjab là lễ hội Đổi cờ ở biên giới Pakistan - Ấn Độ. Ngày nào cũng thế, đúng năm rưỡi chiều, hai nước mở cửa biên giới và trao đổi cờ cho nhau. Những sĩ quan tham gia nghi lễ cứ như đang trình diễn một điệu múa kỳ lạ vậy. Nghi lễ này thu hút hàng ngàn du khách mỗi ngày. Mọi người la hét, reo hò cứ như cổ vũ đội tuyển quốc gia ra sân thi đấu. Tôi vừa xem vừa ấm ức. Trời ạ, Pakistan cách có vài bước mà mình không xin được Visa để sang đó.

Ngày đăng: 10/12/2013, 12:31

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w