1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Gián án "Một cành mai"- "Mùa xuân cuối"

4 321 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 4
Dung lượng 205,5 KB

Nội dung

Một cành mai Thái Kim Lan Tôi gặp cành mai ấy lần đầu, khi trời Tây còn ủ dột trong suơng mù và mưa tuyết. Thời ấy nói tiếng Đức chưa rành, còn lớ ngớ chưa biết đâu là đâu, chỉ biết lạnh. Dịp Tết bên mình thường rơi vào cuối tháng giêng đầu tháng hai bên Tây, trời cóng rét dữ, cây cỏ trơ trụi cứng còng, đừng nói đến hoa, vạn vật như chìm trong cõi chết. Trong khung trời lận đận tuyết phủ sương che ấy, tấm thiệp chúc Tết lấp lánh một cành mai vàng trên nền giấy hoa tiên đỏ từ quê nhà rơi vào tay. Tấm thiệp đơn sơ chứ không lòe loẹt rực rỡ như thiệp chúc Tết ngày nay, nhưng đoá hoa lung linh sương đọng bỗng làm tim ngưng vài giây vì nhớ, nhớ Tết ở nơi quê, nhớ không khí ấm cúng gia đình, nhớ mai vàng huyền hoặc trong khói pháo tống cựu nghinh xuân… Tôi mang tấm thiệp vào lớp học tiếng Đức khoe với mọi người. Dịp hay trong giờ đàm thoại, ông thầy bắt sinh viên đến từ các nước kể về phong tục của nước mình. Tấm thiệp đã cứu tôi có đề tài hay để nói: Tết Việt Nam. Không biết dạo ấy tôi có sa đà quan trọng hoá cành mai ngày Tết hay không. Có lẽ! Ai xa quê mà không sa đà khi nói chuyện quê hương? Cũng không nhớ mình có chảy nước mắt nhớ nhà, mít ướt? Hai tuần sau đó, đúng vào mồng một Tết, tôi nhận được một cành hoa gửi đến, na ná như mai, cành khẳng khiu màu nâu đất (lại giống cành đào hơn mai), hoa bốn cánh màu vàng tíu tít. Tuy nhánh cành không cốt cách khổ hạnh thanh cao, hoa không ung dung quí phái như mai lạnh vườn xưa, nhưng màu vàng thuần chất làm sáng gian phòng nhỏ hẹp, bất ngờ ra vẻ xuân. Cái Tết đầu tha hương như nhẹ đi một chút cô độc. Từ đó thành ra duyên nợ với loài hoa mà thoạt đầu, tên hoa vừa nằm trên chót lưỡi là đã bị quên ngay, như một thoáng gió phớt nhẹ. Tôi tạm gọi nó là “mai nhớ”. Dù bôn ba nay đây mai đó nhiều năm, chuyển nhà đi nhiều nơi, hầu như hoa vẫn nhớ theo người. Nó “quê” là ở chỗ ấy, dễ dãi mà trung thành vì nó mọc khắp nơi, trong rừng, trong công viên, nơi hàng rào hàng xóm, trên đường đi dạo, bên cạnh nhà. Nó là loài hoa bụi, mọc sung mãn, mọc um tùm, không cần phải chăm nom tưới bón cho nhiều. Khó mà quên nó, nhưng đón nó vào nhà trong dịp Tết dễ mà không dễ, bởi trái mùa hoa. Tôi đã nói rồi, cần có chút tình, không phải tình yêu tình phụ kiểu “người yêu ta xấu với người, yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau” oái ăm, mà là “chí tình”, có nghĩa chịu thương chịu khó, hiểu thấu tính khí của hoa, gia công học hỏi tìm tòi từng kinh nghiệm nơi bạn bè rành phong thổ, yêu thiên nhiên, rồi tự mình ra sức chân thành với tâm vô ngại. Ui chao nói dễ mà không dễ chút nào. Đừng ngại mà cũng đừng chần chờ, - ngại lắm chứ khi đứng trong nhà nhìn tuyết cao hơn thước ngoài vườn, còn chần chờ thì như là lý đương nhiên vì có chi gấp gáp đâu, Tết có thể lặng lờ qua mà chẳng ai biết cũng nỏ ai hay - hình như mỗi năm vào dịp ấy tôi thường giật mình nhắc tôi hơn ai hết đừng quên mà lỡ độ mai khai vào dịp Tết bên mình nơi cái xứ không có ngày Tết ấy. Nhiều sớm qua mau, nhiều tối chuồn thẳng lặng lờ đến khi nhớ ra thì hỏng. Cỡ chừng hai tuần trước Tết ta, trước cữ trà sớm, dù cho tuyết ngập quá đầu gối, cũng phải tự thắng cơn ngại ngùng, lội tuyết mà đi ra vườn tìm bụi mai đang cóng buốt trong sương. Chọn cành nào có nhiều nhánh con sai nụ, dù nụ hoa còn ẩn kín trong cành, người sành thì biết. Cành càng sần sùi càng mang nhiều hoa. Cành đem vào nhà còn lạnh lắm, không vội, phải để cho nó hoàn hồn trong phòng, tỉa bớt những nhánh khô trước khi cắm vào bình với nước âm ấm, ngập miệng bình, tùy theo bình mà chọn độ dài của cành hay tùy theo cành mà chọn bình. Rồi chờ… Chỉ có thế thôi So với quỳnh hoa cao xa siêu thoát như tiên, mai của tôi mới thật là quê mùa cục mịch, ấy thế mà cuộc chờ mai nở cũng có nhiều điều tương tự như một thứ “đạo chờ hoa” hay một công án cho chính người chờ hoa. Thoạt tiên là nỗi nghi… mơ hồ không biết mai có nở thật cho mình đúng dịp, dù kinh nghiệm quá khứ “đầy mình” đã chắc chắn là như thế. Nói là lý thuyết chứ không nghi sao được khi hiện tiền trước mắt những cành nâu gầy guộc khô khan đứng lơ ngơ trong lộc bình. Rồi lo sợ dấy lên khi không thấy một dấu hiệu nào nơi cành hoa ấy. Rồi sự nóng lòng mỗi sớm mai, việc đầu tiên là đến quan sát từng li những dấu vết u lên sần sùi trên cành hoa trong khi châm thêm nước vào bình. Sự bí nhiệm vờn quanh những nhánh cây làm tăng nỗi lo âu, lo nhất là hoa tịt ngòi thì khốn. Rồi một lúc nào đó, bỗng bắt gặp mình khấn vái cầu cho hoa nở với lời chí thành. Và trong tất bật bận rộn của một ngày có lúc thấy chân mình gấp gáp về nhà xem sao. Rồi có đêm không ngủ, cầu nguyện cho hoa nở hết. Dạo sau này có lúc đâm ra bói toán, thay vì bói Kiều, tôi bói hoa cho năm mới, nếu hoa nở hết là năm hên… Vẫn y nguyên những hồi hộp rối bời không chữa được trong cuộc chờ… Cho đến ngày thứ tám, vẩy cây nứt ra và lú nhú xuất hiện những búp xanh với tí chấm vàng trên đầu. Từ giây phút ấy sự đợi chờ như được đền đáp còn hơn mình tưởng. Không có gì ngăn được nữa, những nụ vàng mơ như những chiếc kén bò tràn trên cành, thoạt tiên nhón gót mảnh khảnh run run chưa vững. Nhưng không còn lâu, bỗng như được hoá thân, bốn cánh hoa màu vàng sáng bật ra rộn ràng đồng loạt đến kinh ngạc sững sờ. Không nở thì thôi, chứ khi nở thì hết mình, không có búp nào bỏ sót, ngay cả nơi chót vót của cành, tưởng không còn sức, thế mà nụ hoa cũng bắn ra mạnh dạn, chỉ chừa hai ngọn lá non duy nhất ở đầu cành. Năm nào cũng thế, cành mai nở hết lòng, chân thành hồn nhiên, đem lòng tin trở lại cho tôi. Mẹ tôi cười “ừ há, cũng giống mai thiệt bên nhà”, con tôi reo “bông đẹp quá” khi tôi sửa soạn thắp nến, dâng hoa cúng Phật vào ngày mồng một Tết… Năm nào cũng thế… riêng năm ni thì… Mưa bấc sáng 30 Tết vẫn còn bay, chén trà thơm hương mộc tôi đang uống ở gần Ngự Viên, nơi Nguyễn Bính đã từng “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”. Tôi thì không nhớ Ngự Viên, trong không khí rộn ràng đón Tết của “người mình đay” (tiếng Huế), giữa những rừng mai thiệt được uốn eo đầy mỹ thuật cầu kỳ và muôn hoa đua sắc trong chợ Tết, tôi nghe nhớ chi lạ một cành mai – mà hình như suốt mấy mươi năm chưa bao giờ nó biết nó là mai – ở xứ người. Tôi muốn gọi nó một lần thật rõ bằng tên thật: “Forsythien”* gửi vào trong gió Ngự Viên. Mùa xuân cuối Gottfried Benn Hãy đưa mai vàng vào sâu trong tim Và khi tử đinh hương rộ tím Hãy trộn hoa với máu, hạnh phúc, khổ đau mình Cùng với nguồn sâu kín, nơi ký thác nhân sinh Ngày lại ngày chậm rãi. Điều chi cũng đã qua. Xin chớ băn khoăn nữa, chung cuộc hay khởi đầu Rồi ra có lẽ Từng giờ từng giờ còn lưa cũng sẽ Mang ta Vào tận tháng sáu với hồng hoa. Thái Kim Lan dịch * Forsythien: cũng còn có tên “Goldflieder” (hoàng đinh hương) là một loại hoa vàng bốn cánh tương tự như hoa mai, cây mọc thành bụi rất được ưa chuộng để làm hàng rào ở châu Âu, hoa nở trước khi có lá giống loại mai Á Đông. Cây cũng có nguồn gốc từ châu Á. . được một cành hoa gửi đến, na ná như mai, cành khẳng khiu màu nâu đất (lại giống cành đào hơn mai), hoa bốn cánh màu vàng tíu tít. Tuy nhánh cành không. sương. Chọn cành nào có nhiều nhánh con sai nụ, dù nụ hoa còn ẩn kín trong cành, người sành thì biết. Cành càng sần sùi càng mang nhiều hoa. Cành đem vào

Ngày đăng: 05/12/2013, 02:13

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w