Ngày nay, tình công sở không còn là chuyện hiếm. Đối với trai chưa vợ, gái chưa chồng thì chẳng sao, nhưng với những người đã có gia đình, tình công sở có thể dẫn tới kết cục là gia đình tan nát.
Làm sao tránh tình công sở? Ngày nay, tình công sở không còn là chuyện hiếm. Đối với trai chưa vợ, gái chưa chồng thì chẳng sao, nhưng với những người đã có gia đình, tình công sở có thể dẫn tới kết cục là gia đình tan nát. Sau một quá trình nghiên cứu và đúc kết, các chuyên gia về tâm lý đã rút ra một số nguyên tắc mà bạn nên áp dụng nếu không muốn vướng vào “lưới tình” ở công sở: - Không bao giờ buông lời hoặc có thái độ ve vãn, tán tỉnh, cho dù chỉ là đùa. Nếu bạn là đối tượng bị tán tỉnh, hãy thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, không hưởng ứng. - Không đi ăn, uống riêng quá một lần với một đồng nghiệp khác phái, nếu có. - Không bao giờ chia sẻ những thông tin bí mật trong cuộc sống riêng tư với đồng nghiệp, và không để họ có cơ hội chia sẻ những thông tin tương tự với mình. - Không bao giờ cho phép bản thân có một “người bạn đặc biệt” khác phái, người mà bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ đặc biệt. - Trừ phi vì yếu tố công việc bắt buộc, không gặp gỡ riêng với một đồng nghiệp hoặc khách hàng khác phái. Chẳng hạn, khi một khách hàng mời bạn đi uống cà phê, xem ca nhạc chỉ có 2 người, bạn nên từ chối. - Tưởng tượng ra rằng vợ/chồng/người yêu của bạn đang nghe/nhìn thấy những gì bạn nói/làm. Bằng cách này, bạn tự đặt ra một rào cản “ảo” không để mình đi quá giới hạn. - Nếu bạn có quan hệ thân thiết với một đồng nghiệp khác phái, hãy tìm cách làm quen với các thành viên gia đình của họ. Đây cũng là một cách để bạn và người đồng nghiệp đó giữ mối quan hệ ở mức phù hợp. Những quy tắc trên nên được áp dụng đối với những người đã có mối quan hệ dài hạn, cho dù là đã ràng buộc bằng hôn nhân hay chưa. Theo lý giải của các chuyên gia, trong mọi mối quan hệ, luôn có những thời điểm khó khăn khi một trong hai người cảm thấy không thoải mái với người kia hoặc cả hai cảm thấy “chán” nhau. Những giai đoạn như vậy thậm chí kéo dài hàng năm trời. Những chuyện nhưng xung đột trong cách nuôi dạy con, con hay ốm đau, lịch làm việc và sinh hoạt xung đột, những lo lắng về sức khỏe, tiền bạc… đều có thể gây ra những bất hòa trong quan hệ. Nếu bạn có một người bạn thân thiết ở công sở, một người biết rõ về bạn, hiểu những rắc rối mà bạn gặp phải, đánh giá cao về bạn, có thể bày tỏ sự cảm thông với bạn và đem tới sự bình yên cho bạn trong khi bạn đang xung đột với vợ/chồng/người yêu, sức hút để bạn có mối quan hệ tình cảm với người đó sẽ là rất lớn. Hoặc khi bạn đang cảm thấy cô đơn vì mối quan hệ không tốt đẹp với vợ/chồng/người yêu, chỉ cần một chuyến công tác hoặc ra ngoài ăn uống cùng người đồng nghiệp khác phái cũng có thể mở màn cho một mối tình công sở. Nhiều người có thể cho rằng, những quy tắc nêu ở trên là “khắc nghiệt” và có thể cản trở những mối quan hệ tốt đẹp ở công sở. Thực tế đã chứng minh rằng, những người có bạn tốt ở công sở sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn những người không có mối quan hệ như vậy. Tuy nhiên, sự thận trọng luôn là cần thiết ở công sở, nhất là trong mối quan hệ giữa những đồng nghiệp khác phái với nhau. Bạn luôn tự nhủ với bản thân sẽ không bao giờ để mình vướng vào tình công sở, nhưng nếu bạn không tuân thủ các nguyên tắc, bạn sẽ bị vướng vào một mối quan hệ như vậy lúc nào không biết. Một người đồng nghiệp khác phái ban đầu bạn chỉ coi là bạn, nhưng dần dà, mối quan hệ đó có thể đi theo hướng mà bạn không thể kiểm soát. Hoặc đôi khi, chỉ một khoảnh khắc hoặc một chuyện căng thẳng xảy ra, tình công sở đã xuất hiện. Nhà quý tộc La Rochefoucauld người Pháp từng viết: “Dễ dập tắt một khao khát mới khởi đầu hơn là thỏa mãn tất cả những gì đến theo khao khát đó”. Đối với tình công sở cũng vậy, để tránh những kết cục không mong muốn, tốt nhất bạn nên thận trọng ngay từ đầu và áp dụng nguyên tắc trong các mối quan hệ đồng nghiệp với người khác phái.