Tiểu sử Lý Công Uẩn Lý Công Uẩn là người ở làng Cổ Pháp, nay là làng (cũng là xã) Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay ở xã Đình Bảng còn có các lăng và đền thờ nhà Lý). Mẹ là Phạm Thị. Ông sinh tại chùa Cổ Pháp (chùa này vì thế còn có tên dân gian là Chùa Rặn, đựoc gọi chệch là Chùa Dận). Khi ông lên ba tuổi, mẹ ông đem ông cho sư Lý Khánh Vân, trụ chì chùa Cổ Pháp làm con nuôi và được đặt tên là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn đi tu từ đó. Lớn lên, với sự bảo hộ của sư Vạn Hạnh (anh trai sư Lý Khánh Vân), ông vào Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê, thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Năm 1010, khi vua Lê Long Đĩnh mất, ông 35 tuổi. Bấy giờ, do lòng người oán giận nhà Tiền Lê, lực lượng của Đào Cam Mộc cùng với sư Vạn Hạnh đã tôn ông lên làm vua. Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên (nghĩa là Theo ý trời). Khi mất, được đặt miếu hiệu là Lý Thái Tổ. Sự nghiệp Dời đô về Thăng Long Vua Thái Tổ thấy đất Hoa Lư chật hẹp không có thể mở mang ra làm chỗ đô hội được, bèn định dời đô về La Thành. Tháng 7, Thuận Thiên nguyên niên (1010) thì khởi sự dời đô. Khi ra đến La Thành Thái Tổ lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng hiện ra nên đổi Đại La thành sang Thăng Long thành tức là Hà Nội bây giờ, và cải Hoa Lư làm Trường An phủ và Cổ Pháp làm Thiên Đức phủ. Tôn giáo Nhà Lý bấy giờ sùng đạo Phật, nhà vua trọng đãi những người đi tu, lấy tiền kho ra để làm chùa đúc chuông. Tháng 6 năm Mậu Ngọ (1018) vua Thái Tổ sai quan là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang Trung Quốc thỉnh kinh Tam Tạng đem về để vào kho Đại Hưng. Chính trị Lúc bấy giờ nhà Tống ở Trung Quốc bận nhiều việc nên không sinh sự lôi thôi gì với Việt Nam. Bởi vậy khi Thái Tổ lên làm vua, sai sứ sang cầu phong, vua nhà Tống liền phong cho làm Giao Chỉ Quận Vương, sau lại gia phong làm Nam Bình Vương. Nước Chiêm Thành và nước Chân Lạp đều sang triều cống, cho nên việc bang giao thời bấy giờ được yên trị. Ở trong nước cũng có đôi ba nơi nổi lên làm loạn, như ở Diễn Châu (thuộc Nghệ An) và ở mạn thượng du hay có sự phản nghịch, nhà vua phải thân chinh đi đánh dẹp mới yên được. Thời bấy giờ các hoàng tử đều phong tước vương và phải cầm quân đi đánh giặc, bởi vậy ai cũng giỏi nghề dùng binh. Vua Thái Tổ lưu tâm về việc sửa sang trong nước: đổi phép cũ của nhà Tiền Lê; chia nước ra làm 24 lộ, gọi Hoan Châu và Ái Châu là trại. Lại định ra 6 hạng thuế là: thuế ruộng, đầm, ao; thuế đất trồng dâu và bãi phù sa; thuế sản vật ở núi; thuế mắm muối đi quan Ải quan; thuế sừng tê giác, ngà voi và hương ở trên mạn núi xuống; thuế tre gỗ hoa quả. Vua cho những bậc công chúa coi việc trưng thu các thứ thuế ấy. Vua trị vì được 19 năm thì băng hà, thọ 55 tuổi. Vua được táng ở Thọ Lăng, Thiên Đức phủ, miếu hiệu là Thái Tổ, thuỵ hiệu là Thần Vũ hoàng đế. Đánh giá Các sử gia phong kiến Việt Nam tuy có chê trách ông ở mặt quá tín ngưỡng vào đạo Phật, chê trách cơ cấu tổ chức của triều đình ông không phù hợp với quan niệm của họ, ví dụ sử gia Lê Văn Hưu viết: Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể . chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy? Nhưng tất cả đều thừa nhận ông là người sáng suốt. Lê Văn Hưu viết: Lý Thái Tổ lo tính lâu dài . nên noi theo họ Lý. Sử gia Ngô Sĩ Liên viết: Lý Thái Tổ biết nghĩ xa hơn Lê Đại Hành.