BỆNH TRÊN CÁ - PHẦN 1 Bệnh do vi khuẩn Streptococcus spp Đối tượng nhiễm: Bệnh do nhóm vi khuẩn này gây ra thường có tên đặc trưng gọi là bệnh bỏng đỏ “red boil diseasế. Quá trình xuất hiện bệnh thường liên quan đến tác nhân gây bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio spp gây ra. Streptococcus spp gây bệnh trên các loài cá Mú chấm nâu (Epinephelus malabaricus), Mú gầu (E. bleekeri) và Mú chấm đỏ (E. akaraa) và hầu như các cá nuôi trong môi trường nước mặn Tác nhân gây bệnh: vi khuẩn Streptococcus spp Triệu chứng bệnh: Khi cá bị bệnh thường có các dấu hiệu bệnh điển hình như cá bơi không định hướng, cá bơi vòng tròn, một số cá thể có dấu hiệu xuất huyết. Các vết loét xuất hiện ở vùng miệng và ngày càng lan rộng. Một số cá thể có các dấu hiệu bệnh khác như các vết loét xuất hiện trên da và ăn sâu vào tận xương, mù mắt Biện pháp phòng trị bệnh Giảm thiểu các yếu tố stress như không nuôi cá với mật độ quá cao, khi vận chuyển phải áp dụng các phương pháp phù hợp và có biện pháp xử lý sau vận chuyển. Bên cạnh việc giảm thiểu các yếu tố gây stress như cải thiện môi trường nuôi, sử dụng loại thức ăn phù hợp và phòng trị bệnh vi khuẩn phù hợp là hết sức cần thiết. Phương pháp trị bệnh :Bệnh có thể điều trị bằng một số loại kháng sinh như cho cá ăn oxolinic acid với liều lượng 20 mg/kg cá trộn với thức ăn. Tắm cá bằng perfuran với liều lượng 1ppm trong 2 giờ cũng có hiệu quả trong việc trị bệnh liên
cầu khuẩn. Tuy nhiên việc sử dụng các loại kháng sinh cần đề phòng hiện tượng kháng thuốc cũng như dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thủy sản. Bệnh sán lá đơn chủ Đối tượng nhiễm: Các loài cá nuôi nước mặn Tác nhân gây bệnh: Có một số loài sán lá đơn chủ ký sinh trên mang cá Mú thường gặp bao gồm Pseudorhabdosynochus spp, Megalocotyloides spp. và Diplectanum epinepheli. Trong đó loài ký sinh trùng Pseudorhabdosynochus lantauensis là phổ biến nhất trên cá Mú chấm nâu E. coioides. Các ký sinh trùng ký sinh trên mang cá Mú thường có kích thước dao động từ 1-5mm và chúng ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn phát triển của cá từ giai đoạn ương đến nuôi thương phẩm và cá bố mẹ. Dấu hiệu bệnh lý: Khi cá bị bệnh một đặc điểm dễ nhận biết nhất đó là cá bơi không bình thường. Cá thường bơi tập trung ở tầng mặt, khả năng bắt mồi giảm. Cá bị nhiễm nặng thường có các dấu hiệu như mang bạc màu và các vết xuất huyết tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh thứ cấp (nấm, vi khuẩn và virút) . Phương pháp phòng trị bệnh: Việc phòng nhóm tác nhân gây bệnh này có ý nghĩa quan trọng. Các phương pháp phòng bệnh chủ yếu đối với nhóm tác nhân gây bệnh sán lá đơn chủ là kiểm tra con giống trước khi mua về. Con giống khi mới bắt đầu đưa vào thả cũng nên được tắm bằng nước ngọt trong thời gian 20-30 phút. Trong quá trình nuôi thường xuyên tẩy dọn lồng, lưới, cũng như vớt bỏ thức ăn thừa hàng ngày.
Trị bệnh: Kết quả thử nghiệm phòng trị bệnh sán lá đơn chủ ngoài thực địa cho thấy tắm nước ngọt là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất . Tuy nhiên việc tắm cá bằng nước ngọt trong 20-30 phút chỉ có tác dụng làm cho sán lá đơn chủ rời khỏi vật chủ. Vì vậy nước chứa sán lá đơn chủ sau khi tắm cần được xử lý bằng 20-30ppm chlorine hoặc 200ppm formalin. Tránh gây hiện tượng sán lá vẫn tồn tại quanh lồng nuôi và tiếp tục gây bệnh trở lại. Việc điều trị bệnh sán lá đơn chủ bằng nước ngọt cũng nên được lặp lại 2-3 lần vào các ngày tiếp theo đồng thời việc tắm cá bằng nước ngọt trong thời gian 10-15 phút sau đó thêm một trong các loại hóa chất sau nhằm tăng hiệu quả trị bệnh như formalin nồng độ 150-250ppm hoặc 150ppm ô xy già và tiếp tục tắm cá trong 10-15 phút tùy theo điều kiện sức khỏe cá. Khi tắm cá bằng hóa chất thường gây ra hiện tượng cá trày xước và mất nhớt dẫn đến sự tấn công của các vi khuẩn gây bệnh cơ hội. Vì vậy nên kết hợp sử dụng thuốc tím nồng độ 5ppm hoặc một vài loại thuốc kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như oxytetrecycline, erythromycine, streptomycine có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa tác nhân gây bệnh nấm và vi khuẩn tấn công. Bệnh sán Benedenia (người dân thường gọi là bệnh mò) Đối tượng nhiễm: Trên hầu hết các cá nuôi ở nước mặn Tác nhân gây bệnh: Các loài thuộc giống
Benedenia, chúng ký sinh nhiều trên da, mắt của vật chủ. Chúng có kích thước tương đối lớn, bằng mắt thường có thể nhìn thấy được. Phần phía sau thân có móc cắm sâu vào trong tổ chức của ký chủ, cắn, hút máu làm cho ký chủ ngứa ngáy khó chịu, nếu nhiễm với cường độ cao gây chết cá một lượng lớn trong thời gian ngắn. Cơ thể dẹt, có kích thước lớn 3 -5 x 2 -3mm, đĩa bám phía sau thân chia thành nhiều xoang sắp xếp hình đối xứng, phía cuối đĩa bám có hai đôi móc giữa được sử dụng để móc sâu vào tổ chức của ký chủ Dấu hiệu bệnh lý: Khi cá bị loài sán này tấn công cá thường bơi không bình thường, thường hay bơi sát vào thành lồng. Ở cá Giò chúng thường ký sinh vào mắt cá và gây mù cho cá. Những cá bị nhiễm nặng sẽ bị chết không có biểu hiện khác thường bên ngoài cơ thể, cá bị chết do nguyên nhân là Benedenia có những biểu hiện rất giống bệnh cá chết đẹp do vi rút (cơ thể có màu tối, chết khi các biểu hiện bên ngoài không có sự biến đổi, chết rất nhanh), nếu trong môi trường có mầm bệnh thì tỉ lệ nhiễm bệnh thường là 100%, cường độ nhiễm khác nhau. Phương pháp phòng trị bệnh: Phòng trị bệnh sán Benedenia cũng tương tự như bệnh do sán lá đơn chủ. Bệnh trùng bánh xe Tác nhân gây bệnh: Trichodina sp, giống Trichodina, họ Trichodinidae
Đối tượng nhiễm: Trên hầu hết cá nuôi biển Dấu hiệu bệnh lý: Biểu hiện bên ngoài của cá bị nhiễm Trichodina sp: Khi cá nuôi bị tấn công bởi Trichodina sp cá bơi lờ đờ trên mặt nước, mang có màu nhợt nhạt, có nhiều dịch nhầy bám trên mang, nắp mang khép mở hô hấp chậm chạp. Tỉ lệ nhiễm bắt gặp từ 15 đến 31% ở Cát bà Phương pháp phòng trị bệnh: Giảm mật độ nuôi, cần giữ sạch môi trường nước nuôi. Bệnh trùng bánh xe có thể trị bằng phương pháp tắm nước ngọt trong 1h và lặp lại 3 lần liên tục trong 3 ngày, cũng có thể điều trị bằng phương pháp tắm formalin với nồng độ 200ppm-250ppm trong thời gian từ 30-60 phút tùy theo sức khỏe cá hoăc ngâm cá trong nước chứa 20-25ppm formalin liên tục trong 1-2 ngày. Bệnh sán lá ký sinh trong ruột cá Giò Đối tượng nhiễm: Hầu như các loài cá nuôi biển Tác nhân gây bệnh: Magnacetabulum selari, giống Magnacetabulum, họ Dinuridae. Ký sinh nhiều trong ruột của cá Dấu hiệu bệnh lý: Khi cá nhiễm sán trong ruột thường có các biểu hiện chậm lớn, còi cọc so với các con khác trong cùng đàn. Biện pháp phòng trị bệnh: Với bệnh sán trong ruột việc xác định và trị bệnh rất khó khăn, chỉ có thể hạn chế mầm bệnh bằng cách không sử dụng những cá tạp
kém chất lượng (cá đã để quá lâu ngày có mùi khó chịu) để cho ăn, giữ môi trường nuôi sạch.