bài tập lớn Có ý kiến cho rằng pháp luật cho phép vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là gián tiếp công nhận ly thân. Nêu ý kiến cá nhân về vấn đề này
Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống
1
/ 12 trang
THÔNG TIN TÀI LIỆU
Thông tin cơ bản
Định dạng
Số trang
12
Dung lượng
28,46 KB
Nội dung
MỞ BÀI Về nguyên tắc, chế độ tài sản chung gắn liền với thời kỳ hôn nhân. Khi hôn nhân tồn tại trước pháp luật thì còn tồn tại tài sản chung của vợ chồng. Do đó, thông thường tài sản chung chỉ được chia khi hôn nhân chấm dứt về mặt pháp lý (ly hôn hoặc một bên vợ, chồng chết). Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cặp vợ chồng vì lý do khác nhau mà muốn chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại. Xuất phát từ thực tế trên, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và người có quyền lợi liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, kế thừa và phát triển Luật HN&GĐ năm1986, Luật HN&GĐ năm 2000 dự liệu các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Liệu khi pháp luật quy định như vậy là gián tiếp công nhận ly thân giữa vợ chồng. Để làm rõ hơn về vấn đề, em xin chọn đề tài “Có ý kiến cho rằng pháp luật cho phép vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là gián tiếp công nhận ly thân. Nêu ý kiến cá nhân về vấn đề này”. Với vốn kiến thức hạn hẹp của mình, có lẽ nội dung bài viết còn nhiều hạn chế, mong thầy cô sẽ đóng góp ý kiến để em hoàn thành bài viết cũng như củng cố kiến thức của mình. Em xin chân thành cảm ơn! NỘI DUNG I- Vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân a. Các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân Theo điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: 1. Khi hôn nhân còn tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung, việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. 2. Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận. Quyết định này được áp dụng từ luật HN&GĐ năm 1986 (Điều 18). Tuy nhiên, cho đến nay các án kiện mà vợ chồng có yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân không nhiều. Đó là do tính chất của quan hệ hôn nhân. Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thường được coi là ngoại lệ. Quyết định này xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội: có một số trường hợp vì lý do nào đó, vợ chồng dù có mâu thuẫn sâu sắc, nhưng không muốn ly hôn mà chỉ muốn ra ở riêng và có yêu cầu chia tài sản chung (như vợ chồng đã già, dù có mâu thuẫn sâu sắc nhưng ly hôn sợ ảnh hưởng đến hòa khí trong gia đình, con cháu lo buồn, hàng xóm chê cười, họ chỉ yêu cầu chia tài sản chung…). Một số trường hợp vì công việc kinh doanh buôn bán mà vợ, chồng cần phải “chớp thời cơ” để đạt được kết quả cao nhất. Tuy nhiên, liên quan tới “vốn liếng” mà người vợ hoặc người chồng không đủ để dùng vào công việc đầu tư kinh doanh, buôn bán, khi sử dụng tài sản chung, phía người chồng hay người vợ kia lại không đồng ý sử dụng vào công việc kinh doanh, buôn bán đó do không nhận thức được “công việc làm ăn” của người vợ hoặc người chồng mình hay vì lý do nào đó. Người vợ (chồng) đã yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân với mục đích lấy phần tài sản của mình trong khối tài sản chung để làm vốn đầu tư kinh doanh. Cũng có trường hợp do vợ, chồng phải thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng: như trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân, người vợ hoặc chồng đó đã vay nợ (một khoản tiền hay tài sản) sử dụng vào nhu cầu riêng. Nếu tài sản riêng không có hoặc không đủ mà vợ chồng không thỏa thuận được về việc lấy tài sản chung để trả nợ riêng cho một bên thì vợ chồng có quyền yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để người vợ, chồng lấy phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng nhằm thanh toán món nợ mà mình đã vay của người khác. Quyết định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân còn nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của mỗi bên vợ, chồng, cũng như quyền lợi của những người khác có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng. b. Hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân Về hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người, phần tài sản còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng”. Như vậy, vợ chồng có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể hóa vấn đề này, Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP còn quy định: 1. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thì thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản chung còn lại vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng. 2. Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Quy định này của Nghị định số 70/2001/NĐ-CP đã cụ thể hóa về hậu quả pháp lý liên quan tới chế độ tài sản của vợ chồng, sau khi đã chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. II- Vấn đề ly thân Hệ thống pháp luật HN&GĐ của Nhà nước ta từ Cách Mạng Tháng 8 (1945) đến nay hoàn toàn không quy định về vấn đề “ly thân”. Ly thân được hiểu là một chế định pháp luật và một thuật ngữ pháp lý để chỉ trường hợp vợ chồng phải sống “riêng rẽ” (biệt cư) và “tách bạch” về tài sản (biệt sản) mà pháp luật của nhiều nước tư sản và hệ thống pháp luật về HN&GĐ dưới chế độ cũ ở nước ta quy định. Theo Ph.Ăngghen, ly thân có nguồn gốc từ tôn giáo và được giải quyết dựa trên cơ sở lỗi của vợ chồng (như do vợ, chồng ngoại tình hoặc bị can án trọng hình về thường tội…). Nhà làm luật tư sản cho rằng ly thân là một giải pháp nhằm giải tỏa xung đột trong quan hệ vợ chồng. Mặt khác, thời hạn mà vợ chồng sống ly thân do Tòa án quyết định sẽ tạo cơ hội để vợ chồng suy xét lại, nhằm hàn gắn mâu thuẫn giữa vợ chồng, vợ chồng chung sống đoàn tụ không phải ly hôn, nếu không thể đoàn tụ, vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án chuyển đổi bản án của Tòa án đã quyết định cho vợ chồng được ly thân trước đó thành bản án ly hôn nhằm chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật. Luật HN&GĐ của nước ta không quy định về vấn đề ly thân giữa vợ chồng. Điều đó hoàn toàn phù hợp với bản chất của hôn nhân được xác lập dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng với nhau về mọi phương diện, trong đó bảo đảm quyền nhân thân giữa vợ chồng khi lựa chọn nơi cư trú chung (Điều 51 Bộ Luât Dân Sự, Điều 20 Luật HN&GĐ năm 2000). Việc vợ chồng sống chung hay ở riêng phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh nghề nghiệp và cả nguyện vọng của các cặp vợ chồng. Hơn nữa, việc chung sống vợ chồng trong quan hệ hôn nhân là quyền của vợ chồng, pháp luật của Nhà nước không thể và cũng không cần thiết phải “can thiệp” vào đời sống tình cảm tâm tư của các cặp vợ chồng. Nhưng khi xét trên tình hình thực tế trong xã hội, theo thống kê 60% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ 23-30, trong đó 70% ly hôn khi vừa mới kết hôn. Hầu hết vợ chồng khi quyết định ly hôn thường không chuẩn bị kỹ về tâm lý cho bản thân mình và cho con cái, nên đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc. Cứ 5 người ly hôn thì có đến 4 người cảm thấy cuộc chia tay của mình là quá vội vàng, thủ tục ly hôn nhanh khiến họ không thời gian để kiểm nghiệm xem quyết định của mình là đúng hay sai. Ngoài ra, khác với ở các nước phương Tây, người Việt Nam thường ly thân nhưng vẫn sống chung nhà, mọi giao tiếp chỉ là chiếu lệ. Trước mặt người thân, bạn bè, hàng xóm họ vẫn tỏ ra quan tâm yêu thương nhau. Do Luật không quy định nên không có một định nghĩa chính xác về ly thân, không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra giải quyết cho ly thân theo hướng ra quyết định hoặc bản án công nhận cho ly thân. Trong quy định về căn cứ cho ly hôn không có quy định là vợ chồng phải sống ly thân một thời gian rồi mới được ly hôn. Về mặt pháp lý, ly thân ở nước ta không được điều chỉnh, trong khi thực tiễn xã hội đã và đang tồn tại nhiều việc ly thân, những hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái từ những việc ly thân chưa được pháp luật quy định. Không những thế, Việt Nam có một cộng đồng lớn cư dân theo Công giáo với giáo lý không chấp nhận ly hôn. Do đó, rất nhiều quan hệ hôn nhân trong cộng đồng Công giáo không thể ly hôn theo giáo lý Nhà thờ đã phải sống ly thân, nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của họ và con chưa thành niên không được bảo vệ vì không có hành lang pháp lý. Trên thế giới, ly thân là một trong các giải pháp pháp lý được nhiều nước ghi nhận, với 3 mục đích sau: như là một biện pháp giải quyết mâu thuẫn của vợ chồng ngoài biện pháp cuối cùng là chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn; tạo căn cứ pháp lý điều chỉnh về nhân thân, tài sản và con trong khi hôn nhân của họ chưa chấm dứt về mặt pháp luật; đảm bảo sự minh bạch, công khai trong các giao dịch dân sự. Bởi vậy, một định hướng lớn trong xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 là bổ sung chế định ly thân. III- Nhận xét chung Từ những vấn đề trên, câu hỏi được đặt ra là, tuy pháp luật không công nhận ly thân nhưng khi pháp luật cho phép vợ chồng chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân là gián tiếp công nhận ly thân? Điều đó có thể đúng ở một số khía cạnh, trong trường hợp chia toàn bộ tài sản chung, thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thì thuộc sở hữu riêng của mỗi người, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Như vậy, sau khi chia tài sản chung, quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng không thay đổi nhưng họ có thể không còn ở với nhau. Ngoài ra, trong trường hợp vợ chồng chia tài sản do thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng, hay vì buôn bán kinh doanh riêng mà chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, sau đó vẫn sinh hoạt chung thì việc chia tài sản đó không có nghĩa là gián tiếp ly thân. Nhưng khi vợ chồng có mâu thuẫn sâu sắc đến mức không thể hòa hợp được mà vì nhiều lí do không thể ly hôn thì việc chia tài sản chung có thể được hiểu là gián tiếp ly thân. IV- Một số kiến nghị hoàn thiện luật So với Luật HN&GĐ năm 1986 (Điều 18), Luật HN&GĐ năm 2000 (Điều 29, 30) đã quy định cụ thể hơn về điều kiện, quyền yêu cầu và kết quả pháp lý sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Trước đây, theo Điều 18 Luật HN&GĐ năm 1986, trong các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại đều phải do Tòa án quyết định và nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng trong trường hợp này giống với trường hợp vợ chồng ly hôn (áp dụng các nguyên tắc tại Điều 42 của Luật HN&GĐ năm 1986 để chia công bằng, hợp lý). Mặt khác, Luật HN&GĐ năm 1986 không dự liệu về kết quả pháp lý sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì chế độ tài sản chung của vợ chồng được hiểu và áp dụng như thế nào? Luật HN&GĐ năm 2000 quy định rõ hơn về các trường hợp (điều kiện) để vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân: Khi vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác như vợ chồng tuổi già, mặc dù có mâu thuẫn sâu sắc, nhưng không muốn ly hôn mà chỉ muốn ở riêng và có yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân)… Về phương diện chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, Luật HN&GĐ năm 2000 cho phép hai vợ chồng tự thỏa thuận chia tài sản chung bằng văn bản hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Như vậy, theo Luật HN&GĐ năm 2000 thì không nhất thiết mọi trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đều phải do Tòa án quyết định, mà trước hết sẽ do vợ chồng tự thỏa thuận chia bằng văn bản. Nếu không thể thỏa thuận được với nhau thì vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà nước và của những người khác về tài sản, liên quan đến việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, Khoản 2 Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 đã dự liệu: “Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”. Cụ thể hóa vấn đề này, Điều 11 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định: “Theo yêu cầu của những người có quyền, lợi ích liên quan thì việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ về tài sản sau đây bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu: 1. Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng người khác theo quy định của pháp luật 2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại 3. Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp 4. Nghĩa vụ nộp thuế về nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước 5. Các nghĩa vụ trả nợ cho người khác 6. Các nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của pháp luật Đây là những quy định mới của hệ thống pháp luật HN&GĐ năm 2000 so với luật HN&GĐ năm 1986. Tuy nhiên, nếu Luật HN&GĐ năm 1986 (Điều 18) đã dự liệu về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (nếu vợ chồng không thỏa thuận được) thì chia như khi vợ chồng ly hôn (tức là áp dụng nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ chồng là trước tiên, sau đó mới áp dụng các nguyên tắc khác theo Điều 42 Luật HN&GĐ năm 1986); thì Luật HN&GĐ năm 2000 đã không dự liệu về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi vợ chồng có yêu cầu. Có lẽ đây là một “khiếm khuyết” của Luật HN&GĐ năm 2000. Xuất phát từ đặc điểm tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng, trong đó tỷ lệ (kỷ phần) tài sản của mỗi bên vợ chồng trong khối tài sản chung là ngang nhau, bằng nhau. Vì vậy, cần thiết phải quy định nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ chồng là trước tiên, sau đó mới xem xét tới các nguyên tắc khác để chia tài sản chung cho công bằng, hợp lý (như dựa vào công sức đóng góp của mỗi bên vợ, chồng, tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình…). Việc bổ khuyết này là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong thực tiễn áp dụng luật. Ngoài ra, về hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, Luật HN&GĐ năm 2000 cần dự liệu thêm các trường hợp: Sau khi đã chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, một thời gian sau vợ chồng mới có yêu cầu ly hôn (hoặc một bên vợ, chồng chết trước) thì vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng có đặt ra nữa hay không? Vì xuất phát từ “thời kỳ hôn nhân”, một số trường hợp sau sau khi đã chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng vẫn cùng chung sống và gánh vác chung công việc gia đình, nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục các con…vẫn có thể có căn cứ phát sinh tài sản chung giữa vợ chồng (ví dụ: vợ chồng được tặng cho chung, được thừa kế chung…). Đồng thời, theo Nghị định số 70/2001/NĐ-CP (Điều 9) vợ chồng có thể thỏa thuận nhằm khôi phục chế độ tài sản chung sau khi tài sản chung đã được chia trong thời kỳ hôn nhân. Vấn đề này sẽ liên quan tới việc đăng ký tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Một vấn đề nữa cũng cần phải làm rõ: Theo điều 29, 30 Luật HN&GĐ năm 2000, điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP thì sau khi đã chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh hay những thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản riêng của vợ, chồng. Vậy, có phải tất cả các trường hợp mà vợ chồng thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (dù yêu cầu chia một phần hay toàn bộ tài sản chung) thì đều áp dụng theo các quy định trên? Hay chỉ áp dụng cho trường hợp vợ chồng đã yêu cầu chia toàn bộ tài sản chung? Một vấn đề nữa mà hiện nay, xét cả về mặt lý luận và thực tiễn có những quan điểm và áp dụng chưa thống nhất. Theo điều 29,30 Luật HN&GĐ năm 2000 và điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định về hậu quả pháp lý chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, các thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên vợ, chồng được coi là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Như vậy, phải chăng quy định này đã chấp nhận chế độ “biệt sản” (là một loại chế độ tài sản giữa vợ chồng, trong đó không có khối cộng đồng tài sản)? Có gì “mâu thuẫn” với điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 khi quy định về căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng? Bởi lẽ, luật có hiệu lực bắt buộc đối với các cặp vợ chồng trong thực tế, thế nhưng những quy định này thì tùy theo từng trường hợp mà chế độ tài sản được áp dụng cho các cặp vợ chồng là khác nhau. Nếu chấp nhận “chế độ biệt sản” (đối với các cặp vợ chồng sau khi đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, theo luật định, các thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên vợ, chồng sẽ là tài sản riêng của vợ, chồng), pháp luật phải dự liệu cụ thể các vấn đề sau: - Sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì hôn nhân vẫn đang tồn tại trước pháp luật, các quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng vẫn phải được bảo đảm thực hiện. - Trường hợp vợ chồng thỏa thuận hoặc đã yêu cầu Tòa án chia hết tài sản chung, nhưng vợ chồng vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng lẫn nhau (nếu một bên túng thiếu, có yêu cầu cấp dưỡng và có lý do chính đáng), nghĩa vụ nuôi dưỡng các con. Thế nhưng khối tài sản chung đã không còn, luật cần dự liệu cụ thể vợ, chồng tùy theo khả năng của mình mà có nghĩa vụ đóng góp phí tổn cho việc nuôi dưỡng, giáo dục các con. KẾT BÀI Như vậy, tùy từng trường hợp mà việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân có phải là gián tiếp ly thân hay không?? Trong thực tế đang cho thấy liên quan đến ly thân lại có rất nhiều bức xúc cần được pháp luật điều chỉnh và giải quyết. Vì vậy, theo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 9/5/2011 rằng ly thân là một trong những tồn tại của gia đình chậm được khắc phục thì trong lần sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình tới đây, việc bổ sung chế định ly thân là cần thiết. [...]... MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 2 3 4 Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn Nhân & Gia Đình Việt Nam, Nxb CAND, Hà Nội 2009 Luật Hôn Nhân & Gia Đình năm 2000 Luật Hôn Nhân & Gia Đình năm 1986 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP về hậu quả pháp lý liên quan tới chế độ tài sản của vợ chồng, sau khi đã chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân MỤC LỤC MỞ BÀI NỘI DUNG Vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng. .. thời kỳ hôn nhân MỤC LỤC MỞ BÀI NỘI DUNG Vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân Các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn Ia nhân b IIIIIIV- Hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân Vấn đề ly thân Nhận xét chung Một số kiến nghị hoàn thiện luật KẾT BÀI . cho rằng pháp luật cho phép vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là gián tiếp công nhận ly thân. Nêu ý kiến cá nhân về vấn đề này . Với vốn kiến thức hạn hẹp của mình, có lẽ nội. chung Từ những vấn đề trên, câu hỏi được đặt ra là, tuy pháp luật không công nhận ly thân nhưng khi pháp luật cho phép vợ chồng chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân là gián tiếp công nhận ly. sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Liệu khi pháp luật quy định như vậy là gián tiếp công nhận ly thân giữa vợ chồng. Để làm rõ hơn về vấn đề, em xin chọn đề tài Có ý kiến cho rằng