Những tưởng nhân vật Robinson Crusoe, người một mình sống trên hoang đảo, chỉ tồn tại trong tác phẩm của nhà văn Daniel Defoe. Nhưng người ta mới phát hiện ra rằng đúng là từng có một Robinson sống ngoài hoang đảo cách nay vừa tròn 300 năm. Sinh vật kỳ lạ Thuyền trưởng Duke, chỉ huy một con tàu cướp biển của nước Anh, dụi mắt kinh ngạc. Ông vừa nhìn thấy một đốm lửa sáng lập lòe trên một hòn đảo không người sinh sống tại Nam Thái Bình Dương. Tò mò, viên thuyền trưởng phái một nhóm thủy thủ tới hòn đảo để tìm hiểu. Khi quay trở lại tàu, những người đàn ông mang theo hai bất ngờ thú vị: rất nhiều những con tôm hùm gai và một sinh vật râu tóc tua tủa. Nhân vật leo lên tàu Duke vào ngày 2/2/1709 đó dường như là một con người, nhưng trông hoang dại như một con thú, đi chân trần và mặc áo da dê. Sinh vật này, dường như rất xúc động, ban đầu chỉ lắp bắp được vài từ. Nhưng chừng đó đã đủ để anh ta trở thành người nổi tiếng. Trong tác phẩm xuất bản năm 1719, Daniel Defoe gọi con người nói trên là Robinson Crusoe. Nhưng tên thật của anh ta là Alexander Selkirk. Anh ta là một người Scotland, con trai thứ 7 của một thợ đóng giày sống tại làng Lower Largo, gần Edinburgh. Cho tới khi được giải cứu, anh đã có tổng cộng 4 năm và 4 tháng sống trên Más a Tierra, một hòn đảo nhiều gió ở quần đảo Juan Fernandez, cách bờ biển Chile 650 km. Anh ta hoàn toàn cô đơn và không hề có bè bạn như nhân vật Robinson của Defoe. Đúng 300 năm kể từ khi Selkik trở về với loài người, các nhà khoa học giờ đã có thể lắp ráp bức tranh hoàn chỉnh về sự tồn tại của anh ta trên hoang đảo. Họ tin rằng giờ đã có thể biết được Selkirk đã từng sống như thế nào. Cuộc sống của anh sau khi được cứu thoát cũng được xây dựng lại. Theo đó, không giống như nhân vật trong tiểu thuyết, Selkirk không phải là nạn nhân sống sót của một vụ đắm tàu. Các nhà khoa học mới tìm thấy những chứng cứ về việc Selkirk là một tên cướp biển, một gã bợm nhậu và là một kẻ nóng tính. Sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, năm mới 17 tuổi, Selkirk trốn nhà đi biển. Làm việc trên các con tàu cướp biển dọc theo khu vực Địa Trung Hải và Carribea, anh ta đã tham gia vào nhiều vụ cướp tàu Tây Ban Nha và Pháp. Do không phải là một gã khờ khạo, chỉ biết làm theo lệnh nên Selkirk leo lên được tới vị trí hoa tiêu. Mặc dù vậy, tính khí của anh ta lại rất thất thường. Selkirk thường gặp rắc rối trong quan hệ với các thủy thủ khác. Trong một lần cãi nhau với thuyền trưởng, anh ta đã bị đẩy lại đảo Más a Tierra. Khi con tàu ra khơi, Selkik nhìn theo trong tuyệt vọng. Trong số những đồ đạc được thuyền trưởng bỏ lại cho Selkik có quần áo, một con dao, một cái rìu, một khẩu súng, các thiết bị định vị, một cái nồi, thuốc lá và một quyển Kinh thánh. Những người tìm sự thật Hai nhân vật có công lớn nhất trong việc khẳng định sự tồn tại của Robinson nguyên mẫu là một người Anh và một người Nhật. Đó là David Caldwell, 57 tuổi, một nhà khảo cổ của Bảo tàng Quốc gia Scotland ở Edinburgh. Công việc của ông là nghiên cứu lịch sử Scotland, và ông không thích làm việc tại nơi nào khác ngoại trừ văn phòng của mình. Nhưng khi Daisuke Takahashi, một người mê mẩn nhân vật Robinson Crusoe, đề nghị Caldwell đi cùng tới hòn đảo Más a Tierra trong một chuyến nghiên cứu về Selkirk, Caldwell đã không thể cưỡng lại lời mời. Hai người đàn ông dành một tháng trời trên hòn đảo, vốn được đặt tên chính thức là Robinson Crusoe từ năm 1966. Đây là một nơi yên tĩnh, nhà của khoảng 600 con người. Phần lớn trong số họ là các ngư dân nuôi tôm hùm. Caldwell và Takahashi đã tiến hành khai quật tại một khu vực là điểm Selkirk có thể đã dùng để náu thân. Đó là một khoảng rừng thưa nằm bên cạnh sườn một miệng núi lửa, cao hơn 300m so với mực nước biển. Nhóm nhanh chóng phát hiện những gì còn lại của một hòm đựng vũ khí Tây Ban Nha. Caldwell cũng tìm thấy dấu vết của bếp lửa và các hố sâu ở một địa điểm trên hòn đảo. Rất có thể đó là những nơi Selkirk đã dùng để dựng lều. Khi Caldwell sục sạo trong đống đất ở khu vực khảo cổ, ông tìm thấy bằng chứng mạnh nhất về sự hiện diện của Selkirk. Đó là một mảnh đồng dài 1,6cm. Ban đầu khi tìm thấy thứ này Caldwell không thấy nó quan trọng, cho tới khi ông nhận ra đây là phần dưới của một dụng cụ đo hướng, vốn được giới đi biển thời cổ đại dùng một cách phổ biến. Caldwell tin rằng Selkirk đã dùng dụng cụ này để đẽo gọt nhiều thứ và đã vô tình làm hư nó. Một kiểm tra về kết cấu cho thấy mảnh đồng đã được làm từ quận Cornwall của Anh và như vậy, sự hiện diện của “Robinson” Selkirk trên hòn đảo đã chính thức được xác nhận. Hòn đảo của những kẻ trôi dạt Không chỉ tìm thấy nơi “Robinson” nguyên mẫu sinh sống, người ta còn biết được rằng anh đã sống ra sao. Cụ thể, từ địa điểm cắm trại, mỗi ngày Selkirk phải trèo khoảng 300m nữa lên một đài quan sát do anh ta dựng nên ở đỉnh núi, để xem xét các con tàu qua lại. Nếu thấy một con tàu, anh ta phải cân nhắc xem liệu đó là tàu bạn hay tàu thù, liệu anh có nên nổi lửa ra tín hiệu hay vẫn tiếp tục giữ kín bí mật về tung tích của mình. Thời kỳ đầu, Selkirk phát hiện hai con tàu, nhưng cả hai đều là tàu Tây Ban Nha. Những con tàu này thậm chí đã tới đảo, song anh ta đã không để các thủy thủ trên tàu phát hiện mình. 8 tháng đầu tiên trên đảo là một sự thách thức thực sự với Selkirk. Vốn là một tay cướp biển lão luyện chuyên thực hiện các chuyến phiêu lưu tìm của báu trên biển, anh ta nhanh chóng rơi vào tình trạng trầm cảm. Nhưng theo thời gian, Selkirk nhanh chóng quen với cuộc sống trên đảo. Trong số các hòn đảo ở Thái Bình Dương, đảo Más a Tierra dường như đã được sinh ra cho những kẻ trôi dạt hoặc mắc kẹt như Selkirk. Khí hậu trên đảo rất ôn hòa và khô ráo. Ở đây có các dòng suối đầy nước sạch và hoàn toàn không có các con thú nguy hiểm hoặc độc hại. Hải cẩu béo mập mằm dài trên bãi biển. Tôm hùm gai và nhiều loại cá khác đầy trong các con đầm trên đảo. Cây dại có thể ăn được rất nhiều, bao gồm quả dâu dại, rau cải xoong, một dạng tiêu đen và một thứ cây có vị như cải bắp. Thứ duy nhất mà Selkirk thiếu, như anh nói với những người cứu mình sau này, là muối. Cuộc sống của anh ta dần được cải thiện, tới mức anh ta thấy rằng sống ở đây như trên thiên đường. Dù là tù nhân, anh ta lại tự do hơn bao giờ hết. Thực tế Selkirk không phải là người đầu tiên đặt chân lên đảo. Trong năm 1575, các tàu thám hiểm Tây Ban Nha đã mang dê lên đảo và các tàu khác mang theo cá, chuột, cải củ và cải vàng. Selkirk đã thuần hóa một số con mèo hoang để chúng tấn công lũ chuột. Ban ngày anh lấy việc săn dê hoang làm thú vui. Săn dê trở thành một môn thể thao với Selkirk. Anh săn chúng bằng cách đuổi theo, tóm lấy một con và vật xuống đất, thả chúng ra rồi lại đuổi theo. Selkirk thả rất nhiều con dê săn được. Nhưng về cơ bản anh đã giết khoảng 500 con dê để lấy thịt và da. Anh thậm chí còn ghi lại số lượng các con dê bị giết. Để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, Selkirk đọc kinh thánh, cầu nguyện. Anh ta kể với những người cứu mình rằng chưa bao giờ mộ đạo như khi ở trên hòn đảo. Cuộc đời bất hạnh Sống trong môi trường hoang dã nên khi được giải cứu, Selkirk rất khỏe mạnh. Phần lớn thủy thủ đoàn trên tàu Duke bị mắc chứng thiếu máu sau khi xuất phát từ Anh, nhưng Selkirk chẳng hề hấn gì. Trong ba năm kể từ khi được giải cứu, Selkirk đi vòng quanh thế giới với các tên cướp biển. Họ cướp và tống tiền kẻ thù. Vào năm 1711, Selkirk trở về Anh với một gia tài đáng kể. Anh ta trở thành người nổi tiếng, thường lê la qua các quán rượu để kể chuyện đời. Nhà khảo cổ Caldwell phỏng đoán rằng có thể anh đã gặp nhà văn Daniel Defoe tại một trong những quán rượu như thế. Nhưng Selkirk không quen với cuộc sống văn minh. Anh ta nhớ hòn đảo cũ. Một phóng viên khi đó từng hỏi chuyện Selkirk và nghe anh tâm sự: “Giờ tôi đã có 800 bảng nhưng tôi không bao giờ có thể hạnh phúc như khi tôi chẳng có một xu dính túi”. Selkirk chìm vào trong các cơn say, liên tục đánh nhau. Anh ta cưới hai vợ, nhưng không hạnh phúc và cuối cùng lại trốn ra biển, lần này trong vai trò thiếu úy hải quân. Năm 1921, “Robinson Crusoe” đã trở thành một tác phẩm gây chấn động dư luận. Nhà văn Daniel Defoe trở thành người nổi tiếng, còn “Robinson Crusoe” đi vào trái tim của hàng triệu độc giả. Nhưng cuộc đời của nguyên mẫu lại không may mắn như thế. Selkirk đột ngột qua đời ở tuổi 45 vào ngày 12/12/1721, sau khi dính phải bệnh sốt vàng da ở Tây Phi và được các thủy thủ thả xác xuống biển, chấm dứt một cuộc đời đầy bão tố.