Thực phẩm của bé Mới hôm qua đây thôi, tôi vừa khám cho một bé mắc bệnh ốm đói. Bé 7 tháng, con đầu lòng, lúc sinh cân nặng 3,7 kg, bây giờ được hơn 4 kg. Bé chưa biết lật, chưa mọc răng, hai má phinh phính, môi tái nhợt, nứt nẻ, khô héo, tay chân khẳng khiu, bụng lớn, anh mắt khờ khạo. Mẹ còn rất trẻ nên có bà ngoại đi theo. Trong lối phục sức cả hai không có vẻ là người nghèo khổ. Mẹ bé xin cho bé được nằm điều trị vì ói và tiêu chảy cả nửa tháng nay. Nhìn thoáng bé, tôi biết ngay là mình đang gặp một công tử “bột” rồi đây. Tôi hỏi: - Bà cho cháu ăn bột mấy tháng rồi? Bà mẹ có vẻ ngạc nhiên: - Dạ 4 tháng. - Ăn toàn bột. - Dạ ăn toàn bột. Thứ bột X. tốt lắm bác sĩ, thế sữa được. Lúc đầu nó rất khá, có da, có thịt. Bây giờ nó mới ốm đấy, bị ỉa và ói Bà ngoại thêm. Tôi khám. May quá, bé chưa bị sưng phổi, lao màng não hay quáng gà gì cả. Nghĩa là bé mới bắt đầu bệnh không lâu. − Bé không mắc bệnh gì trong cơ thể cả. Bé chỉ có một thứ bệnh là thiếu dinh dưỡng, đúng ra là vì ăn uống sai lầm. Ỉa và ói, bụng to chỉ là hậu quả tất nhiên của 4 tháng ăn toàn bột X. − Bột X thế sữa được mà bác sĩ! Vả lại cháu không chịu uống sữa. − Sữa gì nào? − Lúc đầu tôi cho bú SMA, sau đổi Guigoz, rồi đổi Similac, Pélargon, mấy bữa không chịu đổi Morinaga rồi Meiji. Thứ nào tôi cũng thử mà thứ nào nó cũng không chịu cả − Bà đổi sữa từ bao giờ? Ai chỉ dẫn? − Mới 2 tuần nay, từ hôm bé bị tiêu chảy, ói Còn sữa thì ai chỉ gì tôi mua đó. − Bà pha chế sữa ra sao? Thí dụ sữa Meiji bà pha làm sao? − Tôi bận đi làm, mẹ tôi lo cho cháu. − Thì cũng pha mấy thứ sữa kia. Thứ nào tôi cũng đổ hai muống vô chừng này nước này Bà ngoại bé vừa đưa bình bú – thứ bình chỉ đánh số 1, 2, 3 cho tôi xem, vừa nói. Dĩ nhiên hôm đó mẹ bé và bà ngoại bé bực mình ông bác sĩ lẩm cầm là tôi lắm. Con người ta bệnh ỉa, ói mà cứ hỏi chuyện đâu đâu. Phần tôi, tôi cũng bực mình không kém. Phải họ nghèo khó gì cho cam! Tôi nghĩ. Trong cuốn sách này, tôi đã nhiều lần phàn nàn việc dùng nước cháo hoặc bột nuôi bé thế sữa của một số các bà mẹ, hoặc bắt bé cữ kiêng quá đáng, đến nỗi chỉ một thời gian ngắn, bé mắc bệnh suy dinh dưỡng trầm trọng. Thấy bé bệnh họ lại càng cữ kiêng thêm hoặc đổi thức ăn bừa bãi tạo thành cái vòng lẩn quẩn. Rốt cuộc bé bị ốm đói – làm mồi cho những thứ bệnh nguy hiểm như viêm phổi, lao màng não, mù mắt Tôi phải nói ngay để tránh hiểu làm là tôi không bao giờ chỉ trích nước cháo và bột. Nước cháo và bột không có tội Tội chăng là lối quảng cáo lố lăng lường gạt khách hàng, và các bà mẹ dễ tin, nghe những lời “đường mật” đó. Nước cháo, bột, trái lại là những thức ăn cần thiết cho bé, không những cần cho bé đau yếu mà còn cần cho bé lành mạnh nữa, bên cạnh những thực phẩm khác như sữa, rau, trứng, cá, thịt Không phải vô cớ mà các bà mẹ của một nước nông nghiệp có bốn ngàn văn hiến như nước ta lại thường cho con ăn nước cháo gạo rang trong lúc bé đau yếu bệnh hoạn. Quả thực đó là một thức ăn dễ tiêu nhất, không làm sình bụng. Vấn đề là sự lạm dụng quá đáng gây ra những tại hại dây chuyền khác. Một bé tiêu chảy, nóng: bà mẹ cho uống nước cháo gạo rang, uống nhiều nước, thế là đúng. Nhưng nếu cứ tiếp tục cho bé uống nước cháo gạo rang ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác thì không thể tránh những biến chứng tai hại do sự thiếu dinh dưỡng gây ra. Bột cũng vậy. Bé phải được ăn bột thì sự tiêu hóa sữa mới dễ dàng, bé cũng mau lớn, bụ bẫm nếu được ăn có chừng mực. Lạm dụng, chắc chắn bé trở thành một công tử “bột” ngay. Nhu cầu dinh dưỡng: Vấn đề dinh dưỡng của bé trong những năm đầu đời tối quan trọng. Bé không phải chỉ cần thỏa mãn nhu cầu căn bản để sống như người lớn mà còn cần nhiều năng lượng để tăng trưởng thể chất và phát triển trí thông minh. Một bé thiếu dinh dưỡng luôn luôn khờ khạo, yếu đuối, dù sau này bé có được ăn bù lại cũng đã trễ rồi. Thời gian từ một đến ba tuổi là thời gian bé tăng trưởng mạnh mẽ nhất, nên rất cần năng lượng do thức ăn cung cấp. So sánh nhu cầu hằng ngày của trẻ và người lớn, ta sẽ thấy ngay sự quan trọng của thực phẩm đối với trẻ. Trẻ dưới 1 tuổi Người lớn Nước 150ml/kg/ngày 40-50ml/kg/ngày Chất đạm 4,4gr/kg/ngày 1gr/kg/ngày Chất béo 3,5gr/kg/ngày Chất đường 13gr/kg/ngày Năng lượng 100calori/kg/ngày 40-45c/kg/ngày Xem đó ta thấy nhu cầu cầu của trẻ em cao hơn người lớn chúng ta nhiều, nhất là chất đạm (gấp 4) là chất cần thiết để kiến tạo cơ thể. Ngoài ra các sinh tố cũng rất cần cho sự tăng trưởng của bé. Các sinh tố A, D chẳng hạn. Riêng sinh tố C trong sữa mẹ được hấp thu trọn vẹn, trong khi sữa bò bị huỷ hoại hết. Sinh tố B, nhất là B1 và chất sắt cũng rất cần thiết. Các nhóm thực phẩm, các sinh tố còn phải có sự cân đối, bé mới phát triển toàn diện được. Nhưng nếu làm một bảng lý tưởng kê khai các thức ăn cần phải có, số năng lượng cần phải có tôi thấy xa thực tế quá! Biết bao gia đình cha mẹ phải nhịn bớt cơm cho con cái ăn. Vả lại ta đâu có phải là nhà chuyên môn mà tính với toán mãi. Và ngay cả nhà chuyên môn tính toán chi li thì vẫn xa rời thực tế: ăn đâu phải chỉ là nhồi nhét! Thú thực, các con tôi, đứa nào hình như cũng bị thiếu dinh dưỡng cả. Nhưng may không đến nỗi nặng để thành bệnh. Một phần có lẽ nhờ tôi biết thay đổi thức ăn cho chúng để chúng có đủ chất và khi chúng đã lớn thì tôi theo nguyên tắc thiên nhiên nghĩa là căn cứ vào sự thèm ăn của chúng. Thèm rau thì cứ ăn rau cho đã, thèm cá thì ăn cá, thèm mắm thì ăn mắm Nếu không thèm gì cả thì cứ nhịn đói! Sữa: Sữa là thức ăn tốt nhất cho trẻ vì trong sữa có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết: chất đạm, chất béo, chất đường, nước, sinh tố, khoáng chất Nhưng sữa không, không đủ. Từ lúc bé được 4 tháng trở đi bé cần thêm những thực phẩm khác mới cung cấp đủ năng lượng và các chất cần thiết. Người ta tính thấy một bé nặng 5 kg, muốn có đủ lượng chất sắt trong ngày phải uống cỡ 3 lít sữa. Dĩ nhiên, bé không thể uống được chừng đó. Vì thế mà phải cần những thức ăn khác bổ sung. Ngay cả sữa nữa, cũng có nhiều thứ, nhiều loại, cách pha chế khác nhau – trừ sữa mẹ – không thể mua bất cứ sữa nào cho bé uống đại và nhất là không nên thay sữa “như thay áo” mà nên hỏi ý kiến bác sĩ khi gặp những trường hợp bé không chịu sữa, bị ói, bị ỉa để chọn một thứ sữa thích hợp, cách pha chế thích hợp. Nước cháo, bột sữa: Ngay từ tháng thứ tư, ta đã có thể cho bé bú sữa pha bằng nước cháo loãng – trong trường hợp cho bú sữa bò – Một muỗng gạo, ½ lít nước nấu sôi trong vòng một giờ đồng hồ, thêm nước chín vào cho đủ nửa lít dùng để pha sữa cho bé trong ngày. Từ tháng thứ năm bé có thể bú sữa với một thứ nước cháo đậm đặc hơn (hai muỗng gạo) và ăn thêm bột sữa. Trên thị trường có nhiều loại bột sữa pha chế sẵn, chỉ việc thêm nước chín vào, khuấy đều là xong. Bột, nước cháo giúp bé mau lên cân và giúp cho sự tiêu hóa sữa mau lẹ hơn, đồng thời cũng tập dần cho bé quen với các thức ăn cứng để dễ dứt sữa sau này. Ngay từ tháng thứ tư, cơ thể bé đã có đủ các mem cần thiết để tiêu hóa chất bột trong bột sữa và cháo. Riêng bột đậu, phải 6 tháng trở lên mới tiêu được. Sữa vẫn luôn luôn là thức ăn chính của bé trong giai đoạn này. Thấy bé ăn bột được và khá lên, ta dễ có xu hướng cho bé ăn toàn bột, chẳng bao lâu sinh ra bao nhiêu thứ bệnh rắc rối. Một bé bốn tháng, chỉ ăn vài muỗng bột mỗi ngày, bé 5 – 6 tháng ăn 4 – 5 muỗng là nhiều. Nên thêm mỡ dầu vào bột, bột sẽ mềm, dễ ăn và tăng thêm năng lượng. Rau cải, trái cây, thịt, trứng: Từ tháng thứ 5, bé được ăn thêm rau cải: cà rốt, khoai bí, rau muống, rau dền, đậu nấu nhừ, dùng nước pha sữa, rồi dần dần cho ăn luôn cả xác tán nhuyễn, thêm chút muối, chút sữa hoặc đường gì cũng được. Từ tháng thứ 6 cho thêm thịt vào hầm với rau cải như trên, mỗi ngày bé ăn một vài muỗng, tuần ăn ba bốn lần thôi. Cũng trong thời gian này, mỗi tuần cho ăn thêm trứng – chỉ lấy tròng đỏ – ăn tuần hai lần và mỗi lần 1/3 hoặc ½ trứng. Bé cũng được ăn thêm cam, chuối Nước cam, chanh, có thể cho bé uống ngày từ trong tháng nếu bé bú sữa bò. Mỗi lần thêm một thức ăn mới, lúc đầu có bé tỏ vẻ không ưa. Đừng ép. Kiên nhẫn tập cho bé từ từ. Thực ra không nên làm cho phức tạp mọi chuyện! Ăn không phải chỉ là nhồi nhét cho no bụng! Ăn cũng không cần áp lực hù họa, ép uổng, gạt gẫm. Nhiều gia đình nghèo khó mà con ăn uống ngon lành, sởn sơ; trong khi gia đình khá giả – trí thức nữa – thì mỗi bữa ăn là một cuộc “vật lộn” giữa trẻ và người lớn, toát mồ hôi hột làm cho người cho ăn và người bị ăn trở thành “kẻ thù” của nhau! Tôi đã thấy có bà mẹ đọc nhiều sách, nghe hướng dẫn về làm y trong sách một cách khổ sở, mua cả cân tiểu ly cân cho chính xác từng gram, lùng sục mua cho được những món trong sách hướng dẫn (!), vậy mà trẻ lớn không nổi, bệnh hoài. Nhiều nơi nuôi trẻ chạy theo thành tích, ép ăn cho mau tăng cân, thậm chí “bóp mũi” cho nuốt, trẻ bị sặc, bị nghẹt thật đáng thường! Một số nơi hướng dẫn dinh dưỡng nhiều khi rất lý thuyết, không phù hợp tình trạng kinh tế gia đình, không tìm hiểu kỹ món ăn sẵn có, dễ kiếm ở địa phương, mà chỉ theo lý thuyết sách vở, kết quả rất tai hại: trẻ lớn không nổi, mẹ thì mặc cảm không biết nuôi con, không có nhiều tiền! Ngược lại, hiện nay tình trạng béo phì ở trẻ em – nhất là các thành phố lớn – rất đáng lo ngại. Nhiều gia đình đua nhau mua sắm các loại sữa, thay đổi sữa soành soạch theo quảng cáo, tiếp thị, cho trẻ ăn quá nhiều chất ngọt, chất béo, fast food dẫn đến béo phì, gây nhiều thứ bệnh sau này. Tóm lại, rất cần sự hiểu biết đầy đủ về dinh dưỡng, không bị cuốn hút vào cuộc chạy đua tiêu thụ, khổ cho mình và cho bé. Dưới đây là lời khuyên của Viện dinh dưỡng: 1/ Ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm. 2/ Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. 3/ Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý. Thực hiện “tô màu” đĩa bột và tiếp tục cho bú tới 18 – 24 tháng. 4/ Ăn thức ăn giàu đạm với tỷ lệ cân đối giữa nguồn thực vật và động vật. Tăng cường ăn đậu phụ và cá. 5/ Ăn chất béo ở mức vừa phải, phối hợp giữa mỡ, dầu thực vật. Ăn thêm vừng, lạc. 6/ Tăng cường các thực phầm giàu canxi như sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa. 7/ Dùng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn. Uống đủ nước chín hàng ngày. 8/ Sử dụng muối I ốt. Không ăn mặn. 9/ Ăn thực phẩm sạch và an toàn, ăn nhiều rau củ và quả chín hàng ngày. 10/ Duy trì cân nặng ở “mức nên có”. Ghi chú: 1/ “Tô màu” đĩa bột nghĩa là thêm rau, củ vào dĩa bột cho đủ chất: rau xanh, bí đỏ, cà chua 2/ Đậu phụ: tàu hũ 3/ Vừng, lạc: mè, đậu phộng. 4/ Cân nặng ở mức nên có: bằng cách theo dõi trên Biểu đồ tăng trưởng. . Thực phẩm của bé Mới hôm qua đây thôi, tôi vừa khám cho một bé mắc bệnh ốm đói. Bé 7 tháng, con đầu lòng, lúc sinh cân nặng 3,7 kg, bây giờ được hơn 4 kg. Bé chưa biết lật,. ăn cần thiết cho bé, không những cần cho bé đau yếu mà còn cần cho bé lành mạnh nữa, bên cạnh những thực phẩm khác như sữa, rau, trứng, cá, thịt Không phải vô cớ mà các bà mẹ của một nước nông. nước cháo hoặc bột nuôi bé thế sữa của một số các bà mẹ, hoặc bắt bé cữ kiêng quá đáng, đến nỗi chỉ một thời gian ngắn, bé mắc bệnh suy dinh dưỡng trầm trọng. Thấy bé bệnh họ lại càng cữ kiêng