1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

huyền thoại chiến tranh troy và những tiếng đồng vọng của nó

25 275 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 25
Dung lượng 234,09 KB

Nội dung

huyền thoại chiến tranh troy và những tiếng đồng vọng của nó tài liệu, giáo án, bài giảng , luận văn, luận án, đồ án, bà...

1. Huyền thoại chiến tranh Troy và những tiếng đồng vọng của nó Trong thế giới phương Tây, câu chuyện về một cuộc chiến tranh mười năm từng diễn ra ở một đô thị bên bờ biển phía tây Tiểu Á vào một thời kỳ xa xôi nào đó, từ rất lâu, đã trở nên hết sức quen thuộc đối với nhiều người: huyền thoại chiến tranh Troy. Cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt mà cũng hết sức lãng mạn ấy, trong cái vỏ hoang đường, thần thánh của nó, nhiều thế kỷ qua, đã gợi nên những nguồn cảm hứng lớn cho các nghệ sĩ ở mọi thời đại, mà trước hết là Homer, nhà thơ tiền bối của Hy-lạp, tác giả hai thiên anh hùng ca thuộc loại cổ điển: Iliad và Odyssey. Với hai sáng tạo nghệ thuật có một không hai ấy, Homer là người đầu tiên đã dựng nên một mô hình rõ nét, và hơn thế nữa, vô cùng sinh động, về một sự kiện từng in dấu chắc là khá đậm trong cuộc sống hoang sơ của người Hy-lạp thời cổ đại trên vùng biển phía đông Địa trung hải. Và từ sau cái mô hình “Troy-Homer” ấy, gắn liền với một hình ảnh sống động về một “thời đại anh hùng”, hay vẫn thường được gọi một cách ước lệ là “thời đại Homer”, đã xuất hiện hàng loạt các tác phẩm thuộc mọi thể loại, làm tái sinh các dữ kiện của biến cố Troy một cách đa dạng, nhiều màu sắc. Có thể hình dung huyền thoại Troy như một sinh thể, mà sự tồn tại của nó, khởi sự tưnhững khúc ca của những nghệ sĩ hát rong cổ đại, đã được duy trì trong suốt chiều dài đời sống văn hóa, văn học của nhân loại từ đó đến nay. Và những bài ca truyền khẩu- như từng được Biêlinxki gọi một cách hình tượng là “quặng thô” ấy-, sau khi được Homer nhào nặn, đã trở thành một hình hài thực sự, và có thể xem đó là đứa con của thế hệ đầu tiên, để rồi sau đó sẽ có cả một tộc hệ đông đảo nối tiếp. Chúng tôi muốn xem câu chuyện huyền thoại về chiến tranh Troy là một âm nguồn, từ đó sẽ lan tỏa đi với những hồi âm, những tiếng đồng vọng. Và ở đây, Iliad và Odyssey của Homer có thể xem là tiếng đồng vọng thứ nhất, gắn liền với những yếu tố khởi phát của nó. Nói cách khác, những sáng tạo sau Homer, nhìn chung, chủ yếu dựa trên sự khai thác các phương diện, các chất liệu của hai thiên trường ca này, nhưng tất nhiên, hình thành trên cơ sở cá tính sáng tạo của từng nghệ sĩ. Và lắng nghe chuỗi hợp âm được tạo nên bởi rất nhiều những tiếng đồng vọng kia, chúng ta sẽ nhận ra một sự kết hợp vừa nhất quán, vừa riêng biệt của các tác phẩm qua các thời kỳ văn hóa khác nhau, với những bản sắc cộng đồng khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới một số tác phẩm, trải ra trên một diện thời gian và không gian nhất định, chứ chưa có điều kiện khảo sát hết các thành tựu viết về huyền thoại chiến tranh Troy. Tuy vậy, qua đó, vẫn có thể nhìn thấy những nét chung, mà rõ nhất là sự châu tuần quanh các diễn tiến và hệ quả của nó, nhưng đồng thời cũng nhận ra những nét riêng, gắn liền với không khí văn hóa- xã hội và những vấn đề mang tính thời đại của mỗi giai đoạn lịch sử, cũng như những yếu tố tâm cảm- thẩm mỹ trong sáng tạo của từng tác giả. Phác họa bức tranh về dàn hợp âm ấy, chúng tôi hy vọng chỉ ra được đôi điều về những biểu hiện thú vị trong sáng tác văn học trên cơ sở miêu tả từ sự đối chiếu, so sánh những nét tương hợp và khác biệt, nguyên sinh và phái sinh, truyền thống và cách tân của các tác phẩm văn học cùng được sinh thành với một cảm hứng sâu sắc từ một hiện tượng văn hóa- lịch sử- văn học rất độc đáo là huyền thoại chiến tranh Troy. 1. TỪ TRUYỀN THUYẾT QUẢ TÁO BẤT HÒA … Đó là câu chuyện xảy ra trong một không- thời gian còn đậm đặc màn sương mù huyền thoại, ở một xứ sở mà thần thánh và người phàm trần có thể chia sẻ với nhau mọi khó khăn trong cuộc sống. Và ở đó, từng có không ít những mối tình kết hợp những kẻ yêu nhau thuộc hai thế giới còn chưa cách trở ấy. Và nữ thần biển Thetis đã quyết định nhận lời cầu hôn của một người đàn ông xứng đáng là vua Peleus. Ngay sau đó, lễ cưới của họ đã được tổ chức rất tưng bừng, với sự tham dự hào hứng của người thân thuộc và bạn bè hai họ. Thế nhưng … *Sự phẫn nộ của thần chiến tranh- Quả là một lỗi lầm tai hại, bởi bối rối thế nào, họ đã quên không mời Ares, thần Chiến tranh. Và khi phát hiện ra thì đã muộn, quá muộn. Cái vị thần hắc ám như đêm tối ấy, với nào giáp trụ, nào lao dài, và một bộ mặt đằng đằng sát khí, đã nổi cơn thịnh nộ. Và thần muốn trừng phạt thật đích đáng những kẻ đã dám khinh thị, dám làm tổn thương lòng tự ái của thần. Thế là thần tìm ngay đến Eris, vị nữ thần lúc nào cũng có sẵn cả một kho mưu kế để gây ra những xích mích, tranh chấp. Và chẳng khó khăn gì, Eris đã hiến ngay cho Ares một kế hay, không chỉ nhằm cho đôi vợ chồng khinh suất kia một bài học nhớ đời, mà còn, biết đâu đấy, nhân cơ hội mà nhen nhóm lên ngọn lửa của một cuộc chiến tranh mới nào đó, vốn là sở thích của thần! *Quả táo xích mích và cuộc tranh giành chiếc vương miện hoa khôi- Kế hoạch của Eris được thực hiện ngay. Trong bữa tiệc vui hôm ấy, trong số khách khứa tới dự, thấy rực rỡ đến chói lọi ba vị nữ thần xinh đẹp: Hera, Athene và Aphrodite. Ai nấy đang trầm trồ về nhan sắc của họ, thì bất thần, chẳng biết từ đâu, một quả táo đỏ tươi rói rơi vào giữa bàn tiệc. Đang ngơ ngác vì sự việc xảy ra quá bất ngờ, thì mọi người lại càng kinh ngạc hơn nữa khi phát hiện một dòng chữ có vẻ bí ẩn trên quả táo ấy: “Tặng người đẹp nhất”. Nhưng rồi tất cả cũng hiểu ra một điều đơn giản: đó chính là phần thưởng dành cho người được xem là hoa khôi trong bữa tiệc. Thế là cả ba vị nữ thần đồng loạt tận dụng mọi quyền năng của mình, cố dành cho được quả táo danh dự kia. Cuộc cãi cọ, xô xát ầm ĩ ấy đã đến tai Zeus, vị thần chúa tể. Sau khi cân nhắc, Zeus hiểu rằng bản thân không đủ sức để phân xử vấn đề rắc rối này. Thần liền nghĩ đến Paris, chàng trai vừa lịch lãm, vừa chân chất, con vua Priam xứ Troy, ở bên kia biển Aegean … *Sự phân xử của Paris- Hermes, thần liên lạc được Zeus cử làm người hướng đạo, đưa ba vị nữ thần đến chân núi Ida, nơi chàng Paris đang chăn thả đàn gia súc của mình. Choáng ngợp trước đồng thời cả ba tấm nhan sắc ấy, Paris đã đề nghị được tiếp cận riêng từng vị để sự thẩm định được công bằng hơn. Và chàng đã vô cùng kinh ngạc được nghe mỗi vị hứa hẹn những món quà hậu hĩnh nhất: Hera, là quyền được cai quản toàn cõi châu Á; Athene, là niềm vinh quang bách chiến bách thắng trong các cuộc chiến đấu. Còn Aphrodite? Vị nữ thần tình yêu và nhan sắc này tỏ ra rất nhạy cảm: nàng cam đoan sẽ tìm cho chàng một người phụ nữ đẹp nhất phương Tây làm bạn trăm năm. Món quà thứ ba này đã làm chàng trai hào hoa nhất, đa cảm nhất phương Đông xiêu lòng, và chàng vui vẻ trao cho Aphrodite quả táo – chiếc vương miện hoa khôi. *Vụ bắt cóc nàng Helen- Thực hiện lời hứa, Aphrodite dùng quyền năng của mình đưa Paris đến Sparta, một thành bang lớn của Hy-lạp,nơi Helen đang cùng chồng là Menelaus sống hạnh phúc. Chiếc thắt lưng màu nhiệm của nữ thần đã làm nên điều kỳ diệu: Paris và Helen đã phải lòng nhau tức thì; và lợi dụng lúc Menelaus vắng nhà, Helen đã cùng Paris vượt biển sang Troy, không quên mang theo các thứ của hồi môn quí giá của mình. Và nàng đã nghiễm nhiên trở thành vợ Paris, trở thành cô gái của đô thị Troy. *Cuộc đổ bộ của quân Hy-lạp trừng phạt kẻ xúc phạm-Phát hiện vụ việc, Menelaus lập tức gặp gỡ các anh em mình, cũng như những người trước đây đã từng cầu hôn Helen. Họ vốn đã giao ước, rằng bất cứ khi nào xảy ra chuyện gì bất trắc đối với Helen, tất cả sẽ cùng chung sức giúp đỡ. Và thế là, chỉ trong một thời gian ngắn, một đội quân đông đảo với hàng ngàn chiến thuyền đã sẵn sàng rời vịnh Olide ra khơi, trực chỉ Troy, với quyết tâm đoạt lại nàng Helen, san bằng cái đô thị ngạo mạn kia để phục hồi danh dự bị tổn thương của người Hy-lạp. *Cuộc chiến tranh – Agamemnon, vua xứ Mycene giàu có, được cử làm thủ lĩnh của đạo quân rầm rộ ấy. Và với sự có mặt của các vị anh hùng tài giỏi, thiện chiến, người Hy-lạp đã làm mưa, làm gió trên đất Troy suốt mười năm trời. Cuộc giao tranh diễn ra với sự tham chiến của cả các vị thần, và có vẻ như sẽ kéo dài mãi tình thế bất phân thắng bại. Cuối cùng, nhờ mưu kế của Ulysses, một anh hùng “muôn vàn trí xảo”, quân Hy-lạp đã đột nhập vào bên trong tường thành Troy với con ngựa gỗ khổng lồ rỗng ruột, ẩn nấp trong đó các vị anh hùng Hy-lạp xuất sắc nhất, chờ đến nửa đêm, chui ra khỏi bụng ngựa, nổ lửa đốt thành, tàn sát quân đối phương. *Thành Troy sụp đổ- Mọi chuyện thế là đã được quyết định vào cái đêm kinh hoàng ấy đối với người Troy. Cả một đô thị giàu có, với thành quách, lâu đài tráng lệ bị thiêu rụi, để chỉ còn là một đống đổ nát. Tất cả trai tráng trong hoàng tộc cũng như dân chúng, lớp bị giết hại, lớp bị bắt đưa đi xa. Phụ nữ già, trẻ bị bắt làm nô lệ. Những kẻ sống sót thì cấp tập rời khỏi thành, tìm cách trốn thoát khỏi sự truy đuổi của quân Hy-lạp. Và rồi đến lượt mình, những người chiến thắng cũng thu xếp để trở về quê hương sau những năm dài chinh chiến. Cuối cùng, chỉ còn im lìm bên bờ biển một vùng đất hoang tàn, trơ lạnh, như một chứng tích còn sót lại sau những tháng ngày náo động … 2. ĐẾN NHỮNG TIẾNG ĐỒNG VỌNG 2.1. Tiếng đồng vọng thứ nhất Như một tổng thuật với khoảng cách cả về thời gian lẫn không gian gần nhất so với các tác phẩm sau này, Iliad và Odyssey của Homer không khác gì những bức tranh hiện thực sắc nét, giản dị, mà lại thể hiện được một cách trung thực cái chất nguyên sơ, hồn nhiên của thời đại. Ta có thể nhìn thấy ở đó những đường nét chân phương, thậm chí thô sơ về một thế giới ở buổi rạng đông của quá trình phát triển văn hóa của loài người. Các nhân vật tự phô bày mình một cách cường tráng, bồng bột, đầy sức trẻ; mỗi con người đều muốn lao vào cuộc sống với một nhiệt tình sôi sục, một cách thế vồ vập hết sức đáng yêu, với những biểu hiện nhiều khi còn hoang dại. @ Iliad, một bức tranh hoành tráng về chiến tranh *Một nếp sinh hoạt hoang dã và một kiểu quan hệ hoang dã- Không khó để nhận ra rằng, những chi tiết mà Homer đưa vào Iliad qua việc thuật lại những diễn biến trong khoảng thời gian năm mươi ngày ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Troy không phải là một hiện tượng đặc biệt, mà là một hình ảnh quen thuộc của thời đại. Chính vì vậy, Iliad, với những cảnh tượng bi thảm, lênh láng máu chảy, nước mắt rơi, náo loạn những pha chém giết, với những con người đầy nộ khí và sát khí kia đơn giản chỉ là một góc của cuộc sống bình thường. Và điều đó giúp lý giải vì sao các mối quan hệ với đồng loại ở đây lại còn rất mông muội. Một Agamemnon “ vua của các vua” rất hồn nhiên dành giật chiến lợi phẩm- một cô gái- với Achilles; một Thersite chỉ vì dám chỉ trích thủ lĩnh mà bị trừng phạt dã man; một Achilles kéo xác Hector bê bết trong bụi đất … Và đây đó, nhan nhản những cảnh giết chóc, rượt đuổi, trừng phạt, trả thù … man rợ. Mà suy cho cùng, hiện thực chiến tranh không thể tách rời cái ác, cái phi nhân, và Homer đã thể hiện trung thực điều đó. *Một phương tiện để tìm kiếm vinh quang, tự khẳng định cái tôi, cái ta Con người thời cổ đại ý thức rất rõ về thân phận đoản mệnh của mình; và hơn thế nữa, cái chết cũng luôn là một nỗi đe dọa thường trực. Thế nên, trong bối cảnh một cuộc sống thường xuyên diễn ra các cuộc chiến tranh, với một khát vọng tự khẳng định, mỗi cá nhân đều muốn tìm cho mình một vị thế xứng đáng trên chiến trường, đồng thời, mang chiến thắng về cho bộ tộc mình, cộng đồng mình. Và như thế, chỉ có một con đường, hoặc “xông lên hàng đầu để đoạt lấy vinh quang, hoặc để vinh quang lại cho kẻ khác”. Cái lý tưởng tìm kiếm vinh quang và thắng lợi trong chiến trận ấy cũng là một trong những cảm hứng xuyên suốt tác phẩm. *Một ấn tượng bi thảm, một tiếng thở dài đau xót- Iliad của Homer có lẽ sẽ không là một tác phẩm lớn, nếu đàng sau cái bức tranh đẫm máu, man rợ kia không là một cảm xúc sâu sắc, đầy nhân bản, nhưng không nói ra lời của người viết. Các sự kiện và hành động được miêu tả đến từng chi tiết và thậm chí, hết sức sống động, nhưng ta vẫn nhận ra ẩn khuất trong đó là nỗi ngậm ngùi của một tâm hồn vì con người, và vì niềm vui, hạnh phúc của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà Zeus, vị chúa tể của muôn loài đã phải thốt lên: “Trong tất cả những vật biết thở, biết bò trong lòng mẹ đất, thì loài người là sinh vật khốn khổ hơn cả!”. Và vị thần mang cung bạc Apollo cũng xót xa: “Đời người khốn khổ như đám lá cây, đang xanh tốt nhờ sự nuôi dưỡng của mẹ đất, phút chốc đã héo tàn, và rơi vào cõi hư vô!”. Ay chẳng phải là nỗi bất hạnh của kiếp người, lại là kiếp người trong chiến tranh, mà người nghệ sĩ Homer đã dụng công thể hiện qua hình ảnh trung thực của chiến trường Troy? @ Odyssey, bài ca của khát vọng trở về *Những con người sống sót- Với Iliad, Homer chỉ thuật lại một phần câu chuyện về các diễn biến của cuộc chiến. Nhưng sau đó thì thành Troy bị thiêu hủy, và quân Hy-lạp, những kẻ chiến thắng, cuối cùng cũng lên đường trở lại những nơi họ đã ra đi mười năm về trước. Dành được thắng lợi, nhưng họ cũng kẻ còn, người mất; và thực sự thì chiến tranh đã cướp đi khá nhiều những gì họ từng có được. Homer không trực tả hoàn cảnh những người sống sót, nhưng có thể hình dung tâm cảnh họ qua việc ai cũng rất nóng lòng về lại quê hương, vàmỗi người đều phải đối phó với vô vàn thử thách trong chuyến trở về, đó là chưa kể bao nhiêu bất trắc chờ đợi họ ở quê nhà nữa. *Nỗi lòng tha hương- Ulysses, người anh hùng mưu trí, đã được Homer chọn làm nhân vật trung tâm để miêu tả trong cuộc hành trình trở về ấy. Nỗi khát khao được về lại mái ấm của mình với những người thân yêu luôn đau đáu trong tâm hồn chàng. Khó mà quên được hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ ấy cứ chiều đến lại ra bờ biển ngồi trông vềphía hòn đảo Itache thân yêu mà nước mắt đầm đìa. Trong lúc ấy thì cả một cuộc sống thần tiên cùng với nữ thần Calypsous kiều diễm vẫn ngày ngày mời mọc chàng trong suốt bảy năm trời. Nỗi nhớ nhà ấy như phủ lên hình tượng người anh hùng một thứ ánh sáng nhân bản dịu dàng, mềm mại. *Cuộc hành trình gian truân - Chuyến vượt biển của Ulysses đã phải kéo dài cả mười năm trời bởi bao nhiêu là trắc trở, vừa do sự tranh chấp của các vị thần, vừa là đủ loại bất trắc trên đường đi. Và người anh hùng ấy lại một lần nữa phải lao vào những cuộc chiến đấu mới, để dành lấy thắng lợi về mình, cũng để hiện thực hóa ước mơ trở lại quê hương. Với các khả năng vượt trội, cuối cùng, Ulysses đã có được cái giây phút vui mừng đặt chân lên mảnh đất thân yêu của quê nhà. *Tìm lại một nơi chốn bình yên- Có thể nói, một trong những cảnh tượng gây xúc động trong Odyssey là cái khoảnh khắc Ulysses cúi xuống hôn bờ cát hòn đảo quê hương khi thuyền vừa cập bến. Cái con người đã mấy mươi năm đằng đẵng phải xông pha nơi gươm giáo, luôn phải đối mặt với bao hiểm nguy ấy ắt hẳn đang chùng lòng xuống để đón nhận cái cảm xúc bình yên khi lại được hít thở bầu không khí thân thuộc đã từ lâu xa cách. Và Penelop, người vợ hiền, đã thủy chung chờ đợi chồng suốt chừng ấy năm, yêu thương và ân cần đón chàng trong vòng tay, sau khi đã thận trọng chất vấn chàng về chiếc giường cưới có chân là gốc cây cảm lãm. Và rồi khi bọn cầu hôn từng gây náo loạn trong nhà chàng bao năm qua bị trừng trị bởi chính tay chàng và con trai, thì mọi thứ lại đâu vào đấy. Và cuộc sống lại tiếp tục trôi, êm đềm như ngày nào. Iliad và Odyssey thực sự là những tiếng vọng đầu tiên của huyền thoại chiến tranh Troy, một mô hình đầy chất sơ khai về cuộc đấu tranh để tồn sinh của con người thời cổ đại. Ở đó, có thể nhìn thấy những biểu hiện thô sơ nhất về thực tế tranh dành của cải, quyền lợi, và dành giật cuộc sống trong bối cảnh một thế giới còn bị đe dọa bởi mọi thứ hiểm họa. Nhưng qua đó, cũng có thể nhận ra những khao khát đầy nhân bản của họ: mơ ước có sức mạnh, có tài năng để trở thành những cá thể vượt trội (vừa về thỏa mãn nhu cầu tinh thần, nhưng đồng thời cũng để có thể tồn tại một cách vững vàng trong đời sống tự nhiên và cộng đồng luôn có nhiều bất trắc), mong muốn bảo toàn được danh dự, phẩm giá bản thân, mong được đáp ứng thỏa đáng những đòi hỏi về tinh thần, tình cảm Nhìn chung, có thể tìm thấy ở đó những biểu hiện của một cuộc sống đang từng bước vươn ra khỏi cái tối tăm, mờ mịt của quá khứ, để tìm đến một hiện tồn tốt đẹp, hoàn thiện hơn. Và tất cả những chuyển động đó đã được Homer diễn giải một cách đẹp đẽ qua Iliad và Odyssey. 2.2. Tiếng đồng vọng thứ hai: Euripides (496-406BC), Ovid (43BC-17AD) và Lucian (125-200AD) cùng là các tác giả thời cổ đại, dù có cách nhau vài ba trăm năm. Euripides, nhà thơ Hy-lạp cổ đại, vẫn thường được xem là nhà triết lý trên sân khấu, với đặc điểm trong sáng tạo là “miêu tả những con người vốn là như vậy”. Trong số các tác phẩm còn giữ lại được của ông, chùm bi kịch khai thác đề tài chiến tranh Troy chiếm một số lượng đáng kể. Qua hàng loạt các vở bi kịch đặc sắc, ông đã dựng lại những bức tranh hiện thực vô cùng sống động, trên cái nền là những trầm tư sâu sắc về những hệ quả của chiến tranh, đặc biệt, khi những nỗi bất hạnh lại gắn liền với thân phận người phụ nữ. Từ đó, có thể nhận ra một cách nhìn mới của nhà thơ về các vấn đề cuộc sống, nhất là được suy gẫm trong bối cảnh chiến tranh. Cũng chính vì những nét riêng trong quan niệm nhân sinh-thẩm mỹ ấy của Euripides, chúng tôi muốn nối kết các vở bi kịch của ông với tác phẩm của Lucian và Ovid, các tác giả La-mã cổ đại. Trong Cuộc đối thoại giữa các vị thần, Lucian đã tái hiện các màn kịch độc đáo, trong đó, các vị thần, bị đặt trong những tình huống có vấn đề, thường bộc lộ bản chất, chân tướng mình một cách ngoạn mục, và qua đó, có thể nhận ra những “tham, sân, si” nơi họ còn vô độ hơn cả ở con người! Còn với Biến dạng, Ovid cũng qua việc thuật lại các câu chuyện thần thoại, với kết cục là những biến hóa đột ngột của các sinh thể, đã cho thấy cái thực chất vô thường của cuộc sống, cái lẽ biến dịch không cùng của sự tồn tại của mọi tạo vật. Trong mối liên hệ với huyền thoại chiến tranh Troy, chúng tôi chọn Cuộc phân xử của Paris của Lucian, và Cái chết của Achilles của Ovid, đều trích từ hai tác phẩm trên; còn với Euripides, là vở bi kịchNhững người đàn bà Troy. @ Cuộc phân xử của Paris- Lucian: Chiến tranh- hệ quả tất yếu của những dục vọng, tham vọng ngông cuồng của con người. Sự dàn dựng tài tình của Lucian qua một màn đối thoại đầy kịch tính đã làm các nhân vật huyền thoại bỗng trở nên hết sức sinh động vàsống thực. Nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà văn châm biếm, tác giả của những tác phẩm văn xuôi được viết dưới dạng dialogue độc đáo, đã trưng ra cho chúng ta thấy những uẩn khúc, những ngóc ngách u ám trong tâm hồn con người, gắn liền với các dục vọng thuộc đủ mọi kiểu loại và cung bậc. Khi chọn Paris làm người thẩm định nhan sắc của ba vị nữ thần, Zeus đã nhận định “Chàng trai trẻ xứ Phrygia mà các người đang tìm đến kia mang huyết thống hoàng tộc ( … ) và đồng thời còn là một dân quê giản dị; vì thế, chúng ta có thể tin tưởng vào con mắt của chàng, mà không phải băn khoăn gì”. Và trong lúc trao đổi với Aphrodite, thần liên lạc Hermes cũng ca ngợi “… đấy là một chàng trai quyến rũ, một tay đại hào hoa phong nhã, và một người thẩm định nhan sắc đáng ngưỡng mộ. Dựa trên những cơ sở đó, người mà chàng chọn để trao giải thưởng sẽ là rất xứng đáng”. Lucian đã khéo léo cho thấy cái thực chất hai mặt của con người và cuộc sống, qua việc đẩy tới quá trình diễn biến của cuộc tuyển chọn sắc đẹp kia. Rõ ràng là, cả Paris, vị giám khảo được Zeus hết lòng tin cậy, cùng với ba vị nữ thần đầy quyền lực và hết sức thiêng liêng trong con mắt người trần kia, rốt cuộc, chỉ là những con rối làm trò, với sự giật dây của dục vọng, tham vọng cá nhân. Khi nghe nói về những phẩm chất của trọng tài Paris, Aphrodite đã lấp lửng: “Ta vui mừng được biết những điều đó; ta chẳng đòi hỏi gì hơn là một vị trọng tài chính trực – à, chàng đã có vợ, hay còn độc thân, hở Hermes?”. Và rồi, trong quá trình cuộc thi được tiến hành, đã lộ ra cái mặt trái thường tình của sự thể. Đây là vài trích đoạn đối thoại giữa Paris và các vị thần: Hera: (…) chàng thấy món quà ta tặng chàng thế nào- Paris, hãy trao cho ta giải thưởng sắc đẹp ấy, chàng sẽ là vua toàn châu Á. Paris: Tôi không nhận quà cáp. Người lui ra đi. Tôi chỉ thẩm định theo công tâm … Athene: (…) Này, Paris, nếu chàng tuyên bố ta là người đẹp nhất, ta sẽ làm cho chàng trở thành một chiến binh, một người chinh phạt vĩ đại, và chàng sẽ luôn luôn thắng lợi, trong mọi cuộc chiến đấu. Paris: Nhưng tôi chẳng dính dáng gì đến chuyện chiến đấu, Athene ạ (…). Nhưng cũng đừng bận tâm về điều đó: tôi chẳng nhận quà biếu xén của nàng đâu, mà nàng thì cũng cần xử sự cho đẹp trong cuộc thi này … Thế nhưng, liền ngay sau đó, khi tiếp cận với Aphrodite, thì Paris đã bị mê hoặc bởi một Helen tuyệt sắc nào đó ở xứ Sparta xa xôi, và thế là vị giám khảo vô cùng công minh và chính trực ấy đã không cần phải suy nghĩ, cân nhắc gì nữa, mà rất ân cần, mời nữ thần tình yêu và sắc đẹp, vị thí sinh đã đoan quyết với chàng rằng sẽ làm cho Helen trở thành bạn trăm năm của chàng: “Hãy cầm lấy quả táo đi, nó là của nàng đó!”. Cái cách nhìn dí dỏm mà sâu sắc của Lucian đã chỉ ra một cách nhẹ nhàng mà đầy tính thuyết phục về sự vô nghĩa và phi lý của chiến tranh, ngay trong cái nguyên cớ của nó, mà suy cho cùng, thì những nhu cầu ích kỷ và ngông cuồng của con người luôn là cái bệ phóng của mọi thứ hiểm họa. @ Cái chết của Achilles- Ovid : Chân dung hai mặt của chiến tranh- vinh quang và bi thảm. Trong phần viết về Achilles trong Biến dạng, Ovid đã thuật lại cảnh huống Achilles tử trận với sự dàn xếp của hai vị thần Neptune và Apollo. Là người ủng hộ quân Troy, Neptune đã khẩn cầu Apollo tìm cách trừng phạt Achilles, kẻ đã nghênh ngang tung hoành trên chiến trường- “Kẻ dã man hơn và đẫm máu hơn cả bản thân chiến tranh”; kẻ sẽ làm cho những tường thành vẻ vang của Troy- vốn là công trình của Apollo- phải đổ sụp. Và bởi vì hắn vẫn cứ ung dung ở ngoài tầm với của sự hủy diệt, nên cần phải chủ động kết liễu tính mạng hắn. Và Apollo đã từ thượng giới đáp xuống mặt đất, hướng dẫn bàn tay Paris với cây cung của chàng “để rửa hận cho các anh em bị sát hại của ngươi”. Thế là, “Nỗi kinh hãi của dân Troy, niềm vinh dự và bức tường thành bảo vệ Của cái tên Hy-lạp, vị thủ lĩnh bất khả chiến bại vĩ đại Bị huỷ hoại …” Với cái nhìn xoáy sâu vào bản chất sự vật, Ovid, chàng thi sĩ lãng tử của một La-mã phù hoa, đã dựng lại hình tượng ngạo nghễ của Achilles ở cái khoảnh khắc chuyển đổi từ co sang không, từ động sang tĩnh. Nhà thơ viết: “Giờ đây, chàng chỉ còn là cát bụi, và những gì thuộc về Achilles Về tất cả những gì là sức mạnh, giờ đây chỉ có cái hư vô, hay gần như hư vô Là còn tồn tại …” Thực ra, với Achilles, khi dấn mình vào chiến trận, chàng đã cầm chắc cái phút giây phải ngã gục, và hiến thân cho đất, mà trong cảm thức huyền thoại, là do cái gót chân đoản mệnh của chàng. Trong bài thơ của mình, Ovid đã chủ tâm không đề cập đến cái chi tiết gợi cảm ấy, mà người đọc chỉ được mục kích cái tích tắc biến dạng từ một Achilles “ … đang đứng, lưỡi kiếm sáng lóa của chàng đang gặt hái / Hàng hàng lớp lớp những người Troy …”; và chỉ cần Apollo xoay cây cung của Paris, đồng thời hướng dẫn bàn tay em trai của kẻ đã bị chàng giết chết và kéo lê xác vòng quanh mộ bạn, thì cái con người kiêu hãnh ấy, cái cơ thể cường tráng ấy, liền biến thành bụi đất… Mặc dù vậy, nhà triết lý Ovid vẫn nhìn thấy trong cái hư vô kia, hay đúng ra , là “một vốc đất ít ỏi” còn lại ấy, một hữu thể, không chỉ không tan biến, mà còn có khả năng tự nhân lên, vươn dài ra để trở thành một sự lớn lao, vĩnh hằng: “Nhưng niềm vinh quang của chàng thì vẫn sống, và trong niềm vinh quang ấy, chàng lấp đầy cả thế giới bao la …”. Nói cách khác, sự biến hoá có- không, không- có ấy là một vòng xoay kỳ lạ, nó cho thấy lẽ biến dịch không cùng của vạn vật, mà trong hiện thực chiến tranh, thì sự đổi chỗ giữa vinh quang và bi thảm, giữa tồn tại và hư không lại càng trở nên nghiệt ngã. @ Những người đàn bà Troy- Euripides : Một âm bản của chiến tranh: số phận và nỗi bất hạnh của người phụ nữ- Trong số các tác phẩm còn gìn giữ được của Euripides, chúng ta phát hiện một điều đáng ngạc nhiên: có đến quá nửa viết về nhân vật nữ. Và đặc biệt, nhà thơ còn có hẳn một nhóm bi kịch khai thác đề tài Troy, trong đó, tập trung miêu tả thân phận các nạn nhân chiến tranh là các phụ nữ hoàng tộc ở Troy- những con người bị mất mát và chịu đau khổ hiển nhiên sau khi những người đàn ông là cha, chồng, con họ bị sát hại. Trong Những người đàn bà Troy, Euripides đã dựng lại quang cảnh thê lương phía trước tường thành Troy sau khi đô thị bị thiêu hủy. Các lều trại tạm bợ được dựng lên làm nơi trú ngụ cho các phụ nữ bị bắt làm nô lệ, chuẩn bị theo những người chủ mới về Hy-lạp. Hecuba, người vợ khốn khổ của vua Priam vừa bị con trai của Achilles giết hại, đang phủ phục trên mặt đất, quằn quại với nỗi đau khủng khiếp nhất trong đời: chồng chết, con gái Polyxena bị bức hại, còn Cassandra, cô gái có tài tiên tri, đã bị Ajax làm nhục ở đền Athene, rồi bị Agamemnon cưỡng bức … Các con trai bà, nhiều người bị giết, những người khác bị đưa đi biệt xứ. Bản thân bà rồi đây cũng sẽ phải theo về làm nô lệ cho gia đình Ulysses. Mở đầu tác phẩm, Euripides đã để thần Poseidon, người cùng với thần Apollo xây dựng đô thị, đứng nhìn bao quát cảnh tượng một Troy hoang tàn, đổ nát và cất lên lời than vãn: “Oi đô thị, lâu nay đã từng là một nơi chốn vui tươi, xin vĩnh biệt Xin vĩnh biệt, những thành lũy đã sụp đổ. Pallas, người con của Zeus, đã gây ra sự thể này đây …” Cũng như trong nhiều vở bi kịch khác của Euripides, người đọc có thể tạo dựng các bức tranh hiện thực thông qua đời sống nội tâm của các nhân vật. Ở đây, tiếp cận tâm trạng của Hecuba và Andromache, hai nhân vật nữ trong tác phẩm, có thể thấy hiển hiện cả một thực tế chiến tranh bi đát. Hecuba, bị đẩy vào một nghịch cảnh đáng sợ, đã phẫn nộ: “Các vị thần, với tôi, chẳng có nghĩa gì ngoài việc làm cho cuộc sống khốn khổ …”. Lời Hecuba, hay đó chính là nỗi bức xúc của Euripides, về chân tướng các vị thần- mà suy cho cùng, thì làm gì có thần, chẳng qua chỉ là cái tham vọng của một nhúm người nắm trong tay quyền sinh sát đối với cộng đồng mình mà thôi! Cũng trong mối liên quan với cuộc chiến tranh Troy và sự nhũng nhiễu của các “vị thần”, Euripides cũng đã từng dụng công khắc họa nhân vật Ephigenie, cô gái bị bắt làm vật hiến tế nữ thần Artemis để đoàn chiến thuyền Hy-lạp có thể căng buồm ra khơi (vởIphigenie ở Olide). Hoàn cảnh Ephigenie có khác, nhưng rốt cuộc thì cũng là nạn nhân của chiến tranh, mà nói khác đi, chính là vật hiến tế cho tham vọng của con người! Ở đây, người vợ, người mẹ đau khổ Hecuba cũng đang rơi vào bàn tay tung hứng tàn bạo của chiến tranh; người phụ nữ bất hạnh ấy đau đớn rền rĩ : “Oi, khốn khổ thân tôi. Như thế đây chính là cái kết cục bất hạnh, và là cái đích đến của tất cả những nỗi ưu phiền trong cuộc đời tôi đã sống. Tôi phải rời bỏ quê hương tôi, rời bỏ đô thị tôi đang bốc lửa ngùn ngụt. Nào đi, đôi chân già nua này; hãy gắng gỏi một lần cuối nữa đi trong sức tàn lực kiệt; này đây, tôi xin vĩnh biệt thành bang tôi trong cơn đau đớn quằn quại của nó …”. Còn Andromache, người mẹ trẻ khốn khổ; người vợ côi cút của anh hùng Hector, thì đang phải đối mặt với một số phận hết sức bi kịch: phải giao đứa con bé bỏng, máu thịt của mình cho quân Hy-lạp mang đi thủ tiêu, còn bản thân nàng thì sẽ thuộc quyền sở hữu của con trai kẻ đã giết chồng mình! Cô gái trẻ đáng thương ấy bộc bạch nỗi lòng với mẹ chồng: “Con biết chắc rằng chết thì cũng tức là chẳng còn bao giờ được sống trên đời nữa, nhưng nếu phải sống một cuộc sống đau khổ thì thà được chết đi lại sung sướng hơn nhiều, vì kẻ chết thì không phải nhìn thấy cái ác, không phải cảm nhận nỗi buồn đau …” … Trong suốt vở bi kịch của mình, Euripides, dù không tái hiện các sự kiện chiến tranh, cũng không lên án chiến tranh, nhưng qua việc trình bày một cách đầy cảm xúc những hệ quả kinh khủng của nó, trong đó, nhức nhối những nỗi bi thảm mà những người phụ nữ phải gánh chịu, nhà thơ đã nghiêm khắc tố cáo cái thực chất phi nhân bản của nó. Và phải chăng, qua tất cả những điều đó, vở kịch còn là lời cảnh tỉnh đối với những người đang gánh lấy trách nhiệm trong cuộc xung đột Sparta- Athens, mà vì nó, Hy-lạp rồi sẽ bước vào chỗ tiêu vong? Qua tiếng đồng vọng thứ hai này, chúng ta nhận ra đã có một bước chuyển quan trọng về cách cảm nhận cuộc chiến tranh Troy so với cái hiện thực trực diện mà Homer đã tái hiện trong Iliad và Odyssey. Có thể thấy, một trong những khác biệt rất cơ bản, là sự bộc lộ những nỗi ưu tư của các nghệ sĩ về thực chất chiến tranh, về các khả năng tha hoá của nó đối với con người và cuộc sống. Biểu hiện đó gắn liền với hiện thực cuộc sống thời cổ đại vào giai đoạn con người đã có một ý thức khá sâu sắc về bản thân và thế giới, về cái được và mất, về hạnh phúc và khổ đau, về cái xấu và cái tốt; và về khát vọng vươn tới một cuộc sống bình yên và hoàn thiện. 2.3. Tiếng đồng vọng thứ ba Rất khác với Ovid, nhà thơ La Mã cổ đại,Virgil đã thể hiện trong các tác phẩm của mình một tinh thần La-mã chuẩn mực, cũng giống như bản thân con người nghệ sĩ -khắc kỉ của ông. Thực ra, chẳng phải chờ đến Aeneid, Virgil mới chứng tỏ được sự vừa vặn của những nguyên tắc nhân sinh - thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật của mình đối với việc đáp ứng các yêu cầu nghiêm túc mà lãnh tụ tối cao- hoàng đế La-mã Augustus đã trang trọng giao phó cho ông. Nhà thơ đầy tinh thần trách nhiệm ấy đã cần cù hoàn tất các tập thơ đồng quê, nhằm phục vụ việc tuyên truyền cho chính sách “trở về nông thôn” của Augustus, một cách nhiệt tình và hết sức chu đáo. Thế cho nên, khi nhận lãnh trọng trách sáng tác một tác phẩm sử thi, có thể sánh ngang vớiIliad và Odyssey của Homer, để ca ngợi đế quốc La-mã vinh quang, cũng như khẳng định vai trò của vị lãnh tụ trong sự nghiệp dựng xây nó, thì Virgil đã dồn hết tâm huyết vào công việc sáng tạo. Ròng rã trong 11 năm trời, nhà thơ cần mẫn và thận trọng ấy đã vận dụng tất cả công sức và tài năng để hoàn thành Aeneid; và thật không uổng phí công lao và nhiệt tình, ông đã làm nên một kỳ tích. Aeneid thực tế là một trong những tác phẩm hàng đầu của văn học La-mã cổ đại, qua đó, có thể nhìn thấy một cách khai thác và cảm nhận về huyền thọai chiến tranh Troy rất riêng, thể hiện một cách sinh động không khí và tinh thần thời đại. Với 12 tập sách, nhà thơ đã miêu tả những diễn biến trong giai đoạn kết thúc của cuộc chiến tranh Troy, với sự sụp đổ của đô thị, và những cố gắng cuối cùng của người anh hùng Aeneas với mong muốn cứu vãn tình thế, nhưng vô vọng. Và qua việc thuật lại cuộc hành trình của chàng hoàng tử Troy sau khi bỏ lại sau lưng quê hương đổ nát của mình, nhà thơ đã mở ra một viễn cảnh đáng mong ước cho cái dân tộc bị tiêu diệt đó: rồi đây, những người sống sót sẽ cùng với người anh hùng thủ lĩnh xây dựng một xứ sở mới ở một nơi chốn khác, bình yên và sung túc hơn, và sẽ khôi phục lại tất cả những gì họ đã bị mất mát ở đô thị Troy bất hạnh. *Thành Troy sụp đổ - sự sắp đặt của số mệnh. Người anh hùng Aeneas, khi tận mắt chứng kiến những thảm cảnh đang diễn ra trên đô thị thân yêu của mình, đã sôi sục căm hờn và muốn tìm mọi cách để rửa hận cho thành bang bị thiêu hủy, anh em đồng tộc bị giết hại. Với ngọn giáo dài trong tay, chàng băng băng lao đi giữa cảnh hỗn loạn trong đêm Troy bị đốt phá, những mong có thể làm được một điều gì đó để xoay chuyển tình thế. Bất ngờ bắt gặp Helen đang nấp sau một bệ thờ trong cung điện, lửa giận trong chàng ngùn ngụt bốc lên, chàng tự nhủ: “Có phải người đàn bà này rồi sẽ được mang về Sparta, như một nữ hoàng, được họ hàng thân thích tôn vinh, và lại có cả một đoàn tùy tùng là các phụ nữ Troy làm hầu gái? Có phải Troy thì bị thiêu hủy, vua Priam bị giết, còn cô ta thì chẳng bị thương tổn gì? Không, không thể như thế được, và dù cho chẳng đáng mặt trượng phu khi trừng phạt một phụ nữ, nhưng niềm thù hận lớn đến nỗi lỗi lầm ấy có thể chấp nhận được, và điều đó sẽ làm thỏa mãn những tro tàn của bạn bè ta” Quá kích động, Aeneas lao tới, mũi giáo huơ lên, thì bất ngờ, Venus mẹ chàng xuất hiện ngay trước mặt. “… Kìa, con trai ta, sao thần sắc con lại đầy căm hờn như thế? Hãy nghĩ đến cha già của con, đến người vợ thân yêu của con, và con trai bé bỏng của con, và hãy gấp rút đến với họ, không thì sợ rằng quân Hy Lạp sẽ giết chết họ, hoặc mang họ về làm tù binh. Còn về phần Helen, thì chẳng phải nàng, chẳng phải Paris đáng trách cứ trong sự sụp đổ của Troy mà chính là do các vị thần bất tử…” Cũng như trong Những người đàn bà Troy, Euripides đã từng để thần Poseidon tức giận qui tội cho Pallas Athene về việc đã làm cho Troy tiêu vong; ở đây, Virgil cho rằng mọi biến cố diễn ra đều nằm ngoài khả năng tác động của con người, có nghĩa là, theo một thứ luật định bất khả tri; vấn đề chỉ là cần phải đối diện và xử lí nó như thế nào. Và người anh hùng Aeneas, sau những nỗ lực vô vọng, cùng là những ủy thác trang trọng của người thân (Hector báo mộng, Creusa cũng hiện về nhắn nhủ…) và thần linh (Venus, Athene giao phó trách nhiệm …), đã từng bước ý thức được vai trò của mình, đồng thời chấp nhận cái hiện thực định sẵn kia. *Người anh hùng Aeneas và cuộc hành trình đến với miền đất hứa. Chấp nhận sự sụp đổ của Troy như một số mệnh tất yếu, Aeneas đồng thời đã khởi sự bước vào con đường thực hiện sứ mạng cao cả của mình mà các vị thần, hay nói khác đi là [...]... tưởng và tình cảm của mình, một cách rất riêng 3 VÀ SỰ LƯU GIỮ MỘT TROY HUYỀN THOẠI TRONG KÝ ỨC VÀ NHẬN THỨC CỦA NHÂN LOẠI Những tiếng đồng vọng của cuộc chiến Troy huyền thoại cho thấy những dấu ấn rất sâu mà cái hiện thực- huyền thoại rất sống động, rất gợi cảm ấy để lại trong tâm thức các thế hệ người tiếp nhận Riêng đối với các nghệ sĩ, đô thị Troy và mọi chi tiết gắn liền với cảnh quan của nó, Helen... điệu, kiểu dạng …, và cũng trở thành một phương tiện để chuyên chở những ý tưởng, cảm xúc của các tác giả về con người, cuộc sống và những vấn đề vĩnh cửu của nhân loại: tình yêu và thù hận, sự tồn sinh và hủy diệt, hy vọng và tuyệt vọng, chiến tranh và hòa bình, sự dũng cảm và hèn nhát, cái tốt và cái xấu, trung thực và giả trá, sống và chết … Có thể nói, cái chất liệu cuộc chiến Troy có vẻ như rất... Posts 2.4 Và những tiếng đồng vọng khác Mười mấy thế kỉ sau những ý tưởng và cảm xúc của Virgil, các nghệ sĩ vẫn liên tục vọng tưởng về cuộc chiến tranh huyền thoại ấy Từ đây, ta sẽ được tiếp cận với rất nhiều kiểu dạng sáng tạo – suy tưởng trên cơ sở các chất liệu, các ấn tượng từ huyền thoại chiến tranh Troy qua nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau Mỗi tác giả, tùy góc độ thụ cảm và nhu cầu... nhận thức khá chín chắn của một người trưởng thành, và đã có sự xử lí hài hòa giữa lí trí và tình cảm, hay ít nhất là đã xác định được mục đích cuộc sống, và bắt đầu có được tiếng nói chung của cộng đồng Aeneid, tiếng đồng vọng thứ ba của huyền thoại chiến tranh Troy, chính là sự diễn giải các sự kiện gắn liền với một mô hình mới theo tinh thần thời đại về lí tưởng cuộc sống của nhà thơ La-mã Virgil... là sức mạnh điều khiển vô hình của các thế lực hắc ám của chiến tranh? Dựng lại một tình huống lịch sử – huyền thoại, Shakespeare đã gửi gắm vào đó những băn khoăn của một nhà nhân văn chủ nghĩa, chỉ ra những nguy cơ của bạo lực, sự chi phối đầy quyền lực của cái ác đối với bản chất thiện, mĩ của con người @ Andromaque – Jean Racine: Hệ quả đen tối của chiến tranh và những nỗi nghiệt ngã đối với người... qua, huyền thoại chiến tranh Troy đã góp vào đời sống văn hóa nhân loại một mảng chất liệu độc đáo, thu hút sự quan tâm của rất nhiều đối tượng, và đặc biệt, những người sáng tạo văn học, nghệ thuật luôn tìm thấy ở đó một nguồn cảm hứng dồi dào đến vô tận Homer, với Iliad và Odyssey đồ sộ và đầy ấn tượng của mình, đã làm vang lên một tiếng đồng vọng đầy sinh khí, đủ tiềm năng trở thành một tiếng vọng. .. đèn thần của Aladdin, và chiếc túi với những niềm hy vọng quí giá của Pandore; và như thế, họ “đã thu giữ tất thảy của cải của thế gian”! Và với một sự liên tưởng lãng mạn, nhà thơ mơ mộng Longfellow đã gợi nhớ một hình ảnh đầy xúc động trong huyền thoại chiến tranh Troy: trong lúc trai tráng của đô thị đang tay khiên tay giáo tả xung hữu đột quyết liệt dưới chân thành, thì trên bờ thành, những người... cuối trung đại, đầu Phục hưng đến hiện đại, và xem từ Troilus và Criseyde của Chaucer thuộc vào nhóm những đồng vọng khác @ Troilus và Criseyde – Chaucer: Dục vọng và phi dục vọng Trong câu chuyện về mối tình không trọn vẹn của Troilus, một hoàng tử Troy, và Criseyde, cô gái Hy- lạp bị quân Troy bắt làm nô lệ, Chaucer đã phần nào gửi gắm một nội dung quan trọng của triết lí Thiên chúa giáo: cuộc sống trần... chất sánh kịp những trái tim anh hùng Có bị làm cho yếu ớt đi bởi thời gian và số phận, nhưng vẫn luôn mạnh mẽ trong ý chí Để đấu tranh, tìm kiếm, phát hiện, và không bao giờ chịu cúi đầu qui phục” @Cuộc chiến của những con kiến – Henry David Thoreau: Huyền thoai Troy: ám ảnh trong tâm thức nhân loại về chiến tranh và sự man rợ của nó Và có lẽ nhà văn Anh David Thoreau chính là một trong những người... cái tình yêu Troy huyền thoại trong anh giảm thiểu đi, phai lạt đi, mà càng trở nên được định hình và khởi sắc thêm, bởi như với một giấc mơ, anh lại có thêm được chút “gốc rễ hiện thực” để bồi đắp và xác tín cho sự hiện hữu của nó Có thể nói, Troy của Homer là một Troy tồn tại trong trí tưởng tượng của con người Bức tranh Troy được sáng tạo trong Iliad - một bức tranh về một đô thị với những tường . tỏa đi với những hồi âm, những tiếng đồng vọng. Và ở đây, Iliad và Odyssey của Homer có thể xem là tiếng đồng vọng thứ nhất, gắn liền với những yếu tố khởi phát của nó. Nói cách khác, những sáng. 1. Huyền thoại chiến tranh Troy và những tiếng đồng vọng của nó Trong thế giới phương Tây, câu chuyện về một cuộc chiến tranh mười năm từng diễn ra ở một đô thị bên bờ biển phía tây Tiểu Á vào. Times in 437 Posts 2.4. Và những tiếng đồng vọng khác. Mười mấy thế kỉ sau những ý tưởng và cảm xúc của Virgil, các nghệ sĩ vẫn liên tục vọng tưởng về cuộc chiến tranh huyền thoại ấy. Từ đây, ta

Ngày đăng: 28/02/2015, 20:46

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w