1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

BINHTHUAN PROVINCE-DESTINATION OF NEW MILLENIUM

16 214 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 16
Dung lượng 773 KB

Nội dung

Bình Thuận là tỉnh thuộc miền duyên hải Nam Trung Bộ với hơn 192 km chiều dài bờ biển,diện tích tự nhiên 7.849 km2, dân số trên một triệu người gồm nhiều dân tộc khác nhau sinh sống . Nằm trên vị trí quan trọng là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hoá - xã hội với các khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bình Thuận có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế và phát huy tiềm năng du lịch . Bình Thuận được biết đến với những bãi biển có cảnh quan đẹp, môi trường trong lành và hoang sơ như: Cà Ná, Cù Lao Câu, Mũi Né, Hòn Bà, Đồi Dương cùng các di tích lịch sử văn hóa mang kiến trúc độc đáo: Khu di tích Dục Thanh, tháp chàm Pôshanư, chùa Cổ Thạch tất cả đã tạo nên yếu tố quan trọng nâng cao vị trí du lịch Bình Thuận trong hiện tại và tương lai. Thời tiết Bình Thuận khá thuận lợi cho việc tổ chức các họat động du lịch. Đây là khu vực có độ nắng cao, lượng mưa thấp và tập trung, nhiệt độ trung bình hàng năm đạt khoảng 26,5-27,5 0 C, được mệnh danh là vùng đất: "Biển xanh - nắng vàng - cát trắng" THẮNG CẢNH BÀU TRẮNG (BẠCH HỒ) - BÀU SEN Bàu Trắng là một hồ nước ngọt, trưóc đây thuộc xã Bình Nhơn, huyện Hòa Đa, Tỉnh Bình Thuận, nay thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình cách Phan Thiết khoảng 62km về hướng Đông Bắc. Bàu Trắng hình thành từ lâu đời, nằm giữa vùng đồi cát rộng mênh mông xen lẫu nhiều nhóm cây rừng thấp. Nước trong hồ rất ngọt và trong. Từ xa nhìn lại một màu xanh mát dịu phủ lên những đồi cát trắng. Bàu Trắng chia thành 2 phần bởi một đồi cát vắt ngang qua. Nhân dân ở đây từ xưa đã gọi là Bàu Ông và Bàu Bà, mặc dầu bàu nước do thiên nhiên tạo nên, nhưng trong dân gian vẫn tỏ lòng biết ơn vì đã cung cấp nguồn nước nuôi sống con người (một số ngưuời Chăm đã sử dụng nguồn nước trong hồ làm nuớc sinh hoạt của họ) và động vật rừng ở đây vào mùa khô. Nơi sâu nhất của Bàu Trắng là 19m và cạn dần về phía bờ. Quanh bờ có nhiều bông sen, vào mùa hạ sen nở rộ tô thêm cho vùng cát trắng những màu sắc rực rỡ. Bàu Sen thuộc xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), cách thành phố Phan Thiết chừng 40km về hướng Ðông Bắc. Bàu Sen còn có tên gọi dân dã khác là Bàu Bà (bởi cách bàu này một dãy cát có một hồ nhỏ hơn gọi là Bàu Ông) hay Bàu Trắng (bởi nằm giữa ba động cát trắng), còn các thi nhân gọi là Bạch Hồ. Ðể đến Bàu Sen - Bạch Hồ, du khách có thể đi bằng hai đường: đi xe đặc chủng từ Hòn Rơm (dài khoảng 12km), hoặc từ thành phố Phan Thiết theo quốc lộ 1A đến thị trấn Lương Sơn, có ngã ba, rẽ phải chừng 18km là đến nơi. Ði đường nào cũng có cái thú, cái hấp dẫn riêng, nhưng đi hướng Lương Sơn thì đẹp hơn, bởi xe chạy băng qua những ngọn đồi trọc, lúc lên cao, lúc xuống thấp, xuyên qua các cánh rừng sò đo, rừng dừa xanh mướt trên những động cát trắng thơ mộng. Khi xe còn chạy trên đồi cao, thoạt tiên bên tay trái hiện ra một đầm nước mênh mông trông như biển hồ, nước xanh thẳm đến “nhức mắt” (nếu du khách đi đúng vào lúc trưa), trải dài tuyệt đẹp, ai cũng phải ngạc nhiên, trầm trồ và không thể không ngắm nhìn. Bàu Sen dài 3km, nơi rộng nhất 500m, độ sâu trung bình 5m, rộng 70ha, được bao bọc bởi những động cát. Ðộng cát ở đây đẹp hơn Mũi Né, bởi cát thuần khiết một màu trắng tinh anh, mịn màng. Ngư dân địa phương cho biết, hệ sinh vật ở Bàu Sen rất phong phú, có nhiều loại cá nước ngọt rất ngon. Trong hồ còn có loại cá trắm cỏ nặng đến 30kg! Ngày xưa ở đây còn có cả cá sấu, nhưng con cá sấu cuối cùng đã được bắt cách đây 25 năm. Sen ở đây mọc tự nhiên, hầu như nở cả bốn mùa. Mỗi năm người dân địa phương thu hoạch cả tấn hạt sen để làm mứt, nấu chè trong những dịp tết. Bãi biển Mũi Né Ðến với Bàu Sen - Bạch Hồ, bạn có thể thuê chiếc xuồng của ngư dân ven vùng dạo chơi, ngắm cảnh trên hồ, hay câu cá cũng rất thú vị. Nếu thích tắm, nước ở đây trong vắt, mát lạnh, sạch sẽ. Còn muốn cắm trại, bên phía bờ Bắc có khu rừng dương mát rượi, bạn tha hồ mắc võng nằm nghỉ ngơi, đàn hát. Ðừng quên mang theo máy chụp hình để ghi lại những bức ảnh tuyệt đẹp mà không phải nơi đâu cũng có. Bàu Trắng không chỉ là nơi cung cấp nước ngọt mà còn là thắng cảnh đẹp ở khu vực Hòa Thắng-Băc Bình. Với nguồn nưóc mát quanh năm đã làm dịu đi cái không khí nóng bỗng của đồi cát mênh mông là thắng cảnh đẹp mà bất cứ ai đến vùng này đều phải ghé thăm. VẠN THỦY TÚ Vạn Thủy Tú được ngư dân Thủy Tú thiết lập vào năm Nhâm Ngọ 1762 để thờ Ông (cá voi). Lúc mới xây dựng xong cửa vạn sát ngay bờ biển, ngày nay bờ biẻn đã lùi xa ra ngoài 100m.Ngày nay Vạn Thủy Tú tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, Tp. Phan Thiết.Khác với những đình làng thường xây để thờ Thành Hoàng làng, còn vạn, dinh lại thờ Cá Ông (cá Voi) và thường xây dựng ngay trước bờ biển của làng Ngư.Theo ngư dân Bình Thuận cá Ông là vị thần cứu giúp ngư dân mỗi khi gặp tai nạn trên biển, và là vị thần chung thủy với Ngư dân nên được Ngư dân kính yêu và tôn trọng. Vạn Thủy Tú từ ngày xây dựng xong đến nay đã chứa gần 100 bộ xương cá Voi và nhiều loài khác cùng họ. Hơn một nữa các bộ xương đó có niên đại trên 100 -150 năm, trong đó có những bộ xương to lớn được thờ phụng tôn nghiêm. Trong khuôn viên của Vạn có một doi đất rộng, dùng để mai táng Cá Ông mỗi khi ông "lụy" và dạt từ biển vào. Mỗi lần mai táng xong, sau 3 năm mới được thương cốt nhập tẩm theo phong tục.Trong số ngư dân hễ người nào trông thấy Ông trước thì người đó làm con trưởng của Ngài, và nguời này phải lo đám tang chu đáo, để tang sau 3 năm mới hết hạn v.v Bí mật của những bộ hài cốt “Ông Nam Hải” Người nổi tiếng "có duyên" nhất Vạn Thuỷ Tú là ông Nguyễn Sáu - thường gọi là ông Sáu Vẹo - một ngư phủ đã gặp "Ông" lụy không dưới 15 lần. Có lần kéo lưới lên, thấy "Ông" mắc lưới, ông Sáu đành bỏ mẻ cá ấy để đưa "Ông" ra; nhưng đến hai lần sau vẫn thấy "Ông" chui vào trở lại, ông Sáu cho rằng "Ông" sắp luỵ nên đã chọn mình để ký thác xương cốt. Ông Sáu đành bỏ chuyến biển hôm ấy để đưa "Ông" vào bờ, lên Ngọc Lân thánh địa trong đình Vạn Thuỷ Tú nằm chờ chết Những ngày đầu năm này, hàng ngày có nhiều người dân Phan Thiết lui tới đình Vạn Thuỷ Tú để xem việc phục chế bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam. Công việc được tiến hành ở ngôi đình có 240 năm tuổi, gần bằng thời gian thành lập tỉnh Bình Thuận. Dự kiến công trình phục chế bộ xương cá voi còn nguyên cặp ngà ấy sẽ khánh thành vào dịp lễ Tế Xuân, ngày 20/2 âm lịch (22/3/2003). Thông tín viên BinhThuantoday đã tới ngôi đình độc đáo còn lưu giữ khoảng 600 bộ hài cốt cá voi này. Từ xa xưa, ngư dân duyên hải miền Trung có tín ngưỡng thờ cúng cá voi như vị thần hộ mệnh. Với sự tôn kính đặc biệt và nhớ ơn loài cá khổng lồ qua những truyền thuyết cứu nạn người đi biển khi gặp bão to sóng dữ, họ gọi cá voi là "Ông Nam Hải". Khoảng sau năm 1693, theo chân những đoàn quân nhà Nguyễn, những ngư phủ vùng Nam, Ngãi, Bình, Phú… đã đưa gia đình lên thuyền xuôi về phương Nam, đổ bộ lên cửa biển Phố Hài lập nghiệp. Khi những cộng đồng ngư dân đã an cư, ngoài việc lập đình thờ Thành hoàng và chư vị tiên hiền như những làng xã chuyên sống bằng nghề nông, họ còn lập đền miếu thờ Ông Nam Hải. Trải qua bao dâu biển đổi thay, bên hữu ngạn cửa sông Phan Thiết ngày nay - thuộc phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết - có một ngôi đình toạ lạc tại số 20A đường Ngư Ông được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1996 là Đình Vạn Thuỷ Tú. Đình được dựng lên vào năm Nhâm Ngọ (1762), mặt hướng ra biển Đông. Kiến trúc đình nhỏ và bình thường như những đình làng khác ở miền Trung, nhưng bên trong có nhiều điểm khác biệt. Hương án chính giữa đình Vạn Thuỷ Tú thờ Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần; bên trái thờ Thuỷ Long thánh phi nương nương tôn thần và bên phải thờ Thái hiệu tiên sư tôn thần. Cạnh chính điện còn có miếu thờ đức Quan thánh. Phía sau là những phòng lưu trữ, bảo tồn chừng 600 bộ hài cốt của các "Ông", "Bà" và "Cậu", là những hải thần phò trợ, cứu mạng người đi biển theo quan niệm của ngư dân. Theo ông Nguyễn Xèng - một lão ngư 69 tuổi, gốc người Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế), ngư dân địa phương gọi cá Ông lớn là Ông Nam Hải, nhỏ là Cậu; gọi các loài rùa biển là Bà sống khến, Bà Năm, Bà Bảy Những vị hải thần này thường tấp vào bờ để "luỵ" (chết), cũng có khi chui vào lưới của các ngư phủ khi sắp "luỵ". Hàng năm, ngư dân Thuỷ Tú cũng vớt được "Ông" hoặc các "Bà" luỵ, có năm tới 6-7 trường hợp cả ven bờ và trên biển… Bộ ngà Người nổi tiếng "có duyên" nhất vạn Thuỷ Tú là ông Nguyễn Sáu - thường gọi là ông Sáu Vẹo - một ngư phủ đã gặp "Ông" luỵ không dưới 15 lần. Có lần kéo lưới lên, thấy "Ông" mắc lưới, ông Sáu đành bỏ mẻ cá ấy để đưa "Ông" ra; nhưng đến hai lần sau vẫn thấy "Ông" chui vào trở lại, ông Sáu cho rằng "Ông" sắp luỵ nên đã chọn mình để ký thác xương cốt. Ông Sáu đành bỏ chuyến biển hôm ấy để đưa "Ông" vào bờ, lên Ngọc Lân thánh địa trong đình Vạn Thuỷ Tú nằm chờ chết. Ngọc Lân thánh địa là nghĩa trang chôn cất thi hài các vị hải thần mới chết, trước khi được bốc mộ rửa sạch xương cốt đưa vào thờ phụng trong đình. Đó là một khoảnh đất có hàng rào bao quanh nằm trước sân đình, bên trong có một am nhỏ để thắp hương và nhiều loại hoa được trồng xen giữa 24 ngôi mộ đắp đất. Hàng năm, đình Vạn Thuỷ Tú có 5 kỳ tế lễ vào các ngày âm lịch: 20-2 (Tế Xuân); 20-4 (Cầu ngư); 20-6 (Chính mùa); 20-7 (Chèo dọc) và 23- 8 (Mãn mùa, cúng giỗ Ông). Không chỉ những ngư phủ mới tin vào sự phù trợ của các vị hải thần như một tín ngưỡng dân gian mang tính truyền thống. Các vị vua nhà Nguyễn cũng ghi nhận công lao đó với 24 điệu sắc thần. Trong số đó, riêng vua Thiệu Trị ban tặng đến 10 điệu sắc thần, còn lại là của các đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định Những điệu sắc thần viết trên giấy thủ công - trong đó, 10 bản đã có hơn 150 năm tuổi nhưng vẫn được giữ gìn cẩn trọng, nguyên vẹn trong ngôi đình Vạn 240 năm tuổi này. Đình Vạn Thuỷ Tú hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng cư dân nghề cá vùng hữu ngạn cửa sông Phan Thiết do các bậc tiền bối để lại. Trong đó, có chiếc chuông đồng đúc vào năm Nhâm Thân (1872), đến nay đã được 130 năm; thân chuông có dòng chữ "Tự Đức nhị thập ngũ niên - Xuân quý giáo đáng - Thuỷ Tú Vạn - Bổn Vạn đồng ký". Trong hàng trăm bộ hài cốt lưu giữ tại đình Vạn Thuỷ Tú có hai bộ xương cá voi rất lớn. Tài liệu cũ chép rằng: "Thuở mới lập Vạn xong, một hôm Ngài bị luỵ ở ngoài khơi trôi về ngay trước cửa Vạn. Vì Ngài lớn quá (dài hơn 20m, nặng tới vài chục tấn) nên mãi hai ngày sau, với sự giúp sức của ngư dân các làng lân cận đến giúp mới tẩm liệm xong cho Ngài". Ông Nguyễn Xèng lại kể rằng: "Khi Ngài lụy, bạn chài nhiều làng đang đánh cá cùng phát hiện và tranh nhau đưa về thờ phụng. Lúc ấy, Vạn Thuỷ Tú đông người, nhiều ghe nên đưa được Ngài về vùng nước cạnh hòn Lao (trước mặt đình Vạn) rồi đóng cọc buộc giữ xác ngài để thuỷ táng vì không có cách nào kéo lên bờ được. Sau ba năm mới đưa xương cốt Ngài vào đình bảo quản, thờ phụng". Theo ông Xèng, bộ xương lớn nhất (dài hơn 18m) có niên đại chừng 110 năm, bộ lớn thứ nhì (dài 14m) của Ông luỵ năm 1953. Hiện nay, UBND thành phố Phan Thiết giao cho Phòng Văn hoá Thông tin làm chủ đầu tư công trình phục chế, lắp dựng bộ xương cá voi lớn nhất đặt tại đình Vạn Thuỷ Tú, dự kiến sẽ khánh thành vào dịp lễ Tế Xuân, ngày 20/2 âm lịch (nhằm 22/3/2003). Ông Đào Văn Chừ - Trưởng phòng VHTT thành phố Phan Thiết cho biết, đã tham khảo, tìm hiểu nhiều nơi, cuối cùng chọn phương án nhờ sự hỗ trợ của Viện Hải Dương Học (HDH) Nha Trang, giao cho DNTN Lê Vũ (Nha Trang) thiết kế, thi công phục chế, lắp dựng bộ xương cá voi này. Ông Đào Tấn Hỗ - Trưởng phòng Bảo tàng HDH Nha Trang cho biết:" Bộ xương cá Ông này sau khi phục chế có lẽ là bộ xương lớn nhất ở nước ta và cũng có thể lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học đến nghiên cứu và khách du lịch đến chiêm ngưỡng". Trong đình có 600 bộ xương cá voi Hàng ngày, nhiều người dân địa phương thường lui tới đình Vạn Thuỷ Tú xem việc phục chế đang được tiến hành kể từ đầu tháng 1/2003. Một người dân nói: "Cả đời tôi chưa được tận mắt thấy nguyên hình bộ xương Ông Nam Hải. Tôi thấy rất vui khi ngay tại đây sẽ có một công trình ý nghĩa như vậy. Tuy nhiên, việc chặt bỏ cây cổ thụ để xây dựng ngôi nhà để đặt bộ xương Ngài choán hết nửa sân đình Vạn Thuỷ Tú như vật thiệt cũng uổng vì cảnh quan bị phá vỡ, che khuất cả ngôi đình cổ xưa nhất Phan Thiết này. Rồi đây, những ngày tế lễ hàng năm của Vạn cũng sẽ gặp nhiều trở ngại vì sân đình quá chật hẹp". Đình Vạn Thuỷ Tú là di tích văn hoá tín ngưỡng địa phương có niên đại sớm nhất ở Phan Thiết và cả tỉnh Bình Thuận - tính đến nay đã được 240 năm, gần bằng thời gian thành lập tỉnh Bình Thuận - là kiến trúc đánh dấu sự hình thành và phát triển nghề cá và cộng đồng ngư dân địa phương, một bộ phận quan trọng trong cơ cấu xã hội ở Phan Thiết, Bình Thuận. Về việc phục chế bộ xương cá voi ở Vạn Thuỷ Tú - Năm 1995, một bộ xương cá voi dài gần 18m đã được phục chế, lắp đặt tại Viện Hải Dương Học (HDH) Nha Trang. Lúc ấy, bộ xương cá voi này được coi là có kích thước lớn nhất được phát hiện ở Việt Nam. Thực ra, bộ xương cá voi lớn nhất ở đình Vạn Thuỷ Tú đã được bảo quản, lưu giữ từ nửa sau thế kỷ 19 có kích thước lớn hơn nhưng chưa được các nhà quản lý và giới khoa học biết đến. Theo ông Đào Tấn Hỗ - Trưởng phòng Bảo tàng Viện HDH Nha Trang - dù công việc phục chế đang tiến hành, chưa có được số đo chính xác nhưng có thể xác định chiều dài bộ xương ở Vạn Thuỷ Tú dài hơn 18m. -Bộ xương ở Viện HDH Nha Trang bị vỡ nhiều xương sườn và không có cặp ngà. Bộ xương ở Thuỷ Tú còn nguyên cặp ngà quý giá nhưng thiếu khá nhiều đoạn xương sống và xương đầu bị vỡ, sứt nhiều chỗ do quá trình dịch chuyển và chất những bộ xương khác chồng lên. Để khiêng bộ xương đầu ra khỏi hậu đình, đem ra nhà võ ca để phục chế, gần hai chục thanh niên lực lưỡng phải gồng mình hết sức mới nhấc lên nổi. - Bộ xương ở Vạn Thuỷ Tú thiếu: 14/63 đốt xương sống; 4/30 chiếc xương sườn; 4 đốt xương treo, 13 đốt xương chi trước và 8 xương móng, vi. - Công nghệ composite được dùng phục chế bộ xương cá voi ở Vạn Thuỷ Tú, có khả năng chịu đựng khí hậu vùng biển nhiệt đới tốt hơn thạch cao đã dùng cho bộ xương ở Viện HDH Nha Trang. Toàn bộ khung đỡ, giá treo dùng inox. Bục đế hình chiếc thuyền bằng gỗ hương. Mặt sàn lót mica với hệ thống đèn chiếu tạo hình ảnh sóng biển. Thiết kế và thi công do DNTN Lê Vũ (Nha Trang) đảm nhận với sự tư vấn về khoa học của các ông Đào Tấn Hỗ và Chu Anh Khánh (Viện HDH Nha Trang). Vạn Thủy Tú là một trong những dinh, vạn cổ xưa nhất của Bình Thuận, được ngư dân làm biển coi như thủy tổ nghề biển. Vạn Thủy tú còn là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị Vua triều Nguyễn ban tặng để thờ cá Ông và các vị Hải Thần. Vạn Thủy tú đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sữ cấp Quốc gia năm 1996. ĐẬP ĐÁ DỰNG Được xây dựng từ năm 1958, chắn ngang dòng sông Dinh nối với hai bờ Tân An và Tân Bình. Lúc đầu đập xây dài 80m nhưng vài năm sau bị lũ rừng tràn về phá sâu vào bờ tả ngạn nên đập phải kéo dài thêm. Đập Đá Dựng nằm ở vị trí có nhiều khối đá thiên nhiên sừng sững nằm ngổn ngang giữa dòng sông. Đập xây để dẫn nước vào đồng ruộng và chứa nguồn nước sinh hoạt cho cả khu vực Lagi, nhưng với vẽ hoang sơ đã tạo nên cảnh đẹp khá lãng mạn. Lúc mới xây đập có một nhà thủy tạ được xây theo dáng dấp chùa Một Cột ở Hà Nội nằm trên lòng hồ của đập, nhưng sau đó bị lũ cuốn sập-có nhiều năm Đập Đá Dựng bị hoang phế nay được cải tạo, nâng cấp vẫn còn một quần thể đá lô nhô dưới làn nước đập đổ xuống tạo ra những đám mù sương huyền ảo. HẢI ĐĂNG KHE GÀ Hải Đăng Khe Gà được xây dựng trên đỉnh đảo Khe Gà, đảo có diện tích 5ha ở vùng biển xã Tân Thành, trước thuộc huyện Hàm Tân, nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 30km về phía Đông Nam. Hải Đăng Khe Gà do một người Pháp tên là Chnavat kỹ sư thiết kế, xây dựng để hướng dẫn tàu thuyền qua lại, khởi công từ tháng 2 năm 1897, đến cuối năm 1898 mớI khánh thành, đến nay vẫn còn một tấm đá hoa cương lớn đặt ngay trước của vào Hải Đăng khắc số 1899. Hải Đăng Khe Gà chính thức hoạt động năm 1900. Nhân viên điều hành gồm có một người Pháp (trạm trưởng) và 8 người Việt canh giữ đèn. Đảo Khe Gà cách bờ biển 500m, những ngày nước ròng, từ bờ biển có thể lội ra đảo được. Lúc triều cường và có gió đi lại rất vất vả. Trên đảo ngọn Hải đăng được xây dựng tương đối đồ sộ, có lẽ đây là ngọn Hải đăng cao nhất trong nước, xây bằng đá hoa cương, hình bát giác. Đá hoa cương xây ở Hải Đăng Khe Gà chưa biết người Pháp đưa từ đâu đến vì trong khu vực này không có loại đá này. Và không phải chỉ những viên đá bình thường có 4 góc mà tất cả những khối đá hoa cương dùng xây Hải đăng đều đã được chạm, khắc thành từng ô, từng hình cụ thể, khớp với nhau. Tháp đèn xây bằng đá cao 35m, độ cao toàn bộ từ mặt đất đến chóp đèn là 41,5m, độ cao từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65m, kích thước cạnh của tháp (chân tháp) là 2,60m. Trên ngọn tháp có bóng đèn lớn 2000W làm tín hiệu hướng dẫn tàu bè qua lại. Ngoài ngọn Hải đăng, còn có một căn nhà lớn hình vuông mỗi cạnh 40m, dưới nhà là một hầm chứa nước sâu 3m, trước nhà có một cái giếng gọi là giếng Tiên. Từ dưới mép nước biển đến Hải đăng hàng chục bậc tam cấp. Hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi và xung quanh chân Hải đăng do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ 19 đến nay vẫn còn nguyên, tỏa bóng mát quanh năm. Lên ngọn Hải đăng có 184 bậc thang xoắn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh Hải Đăng cùng hàng chục bậc tam cấp lên đến đỉnh đèn, tấc cả đều được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh, máy phát điện. Hiện nay hòn Đảo Khe Gà và ngọn Hải Đăng đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Bởi Hải Đăng Khe Gà vừa là thắng cảnh vừa là di tích kiến trúc độc đáo. CHÙA NÚI TÀ-CÚ Chùa tọa lạc trên đỉnh núi Tà Cú ở độ cao 475m thuộc xã Tân Lập, Huyện Hàm Thuận Nam, cách Tp. Phan Thiết khoảng 30km về phía Ðông-Nam. Chùa Núi được xây dựng từ thế kỷ 19, nãm 1879 nhưng trước đó nhiều nãm đã có chùa thờ Phật bằng mái tranh vách đất. Chùa Núi do nhà sư Trần Hữu Ðức trụ trì, nơi xây dựng chùa do nhà sư chọn, ở đó quanh nãm có cây xanh, suối chảy, chim vượn ở ngay cạnh chùa. Về sau có nhiều lý do khác nhau, chùa tách thành hai, chùa cũ gọi là chùa Trên với tên gọi là Linh Sơn Trường Thọ và chùa Dưới có tên là Linh Sơn Long Ðoàn, gọi chung là Chùa Núi. Chùa Núi Tà Cú kết hợp, xen kẽ với núi rừng làm nên khu danh lam thắng cảnh từ xưa. Toàn thể cảnh chùa là một tổng thể kiến trúc bao gồm: Cổng Tam Quan, điện thờ, tượng Phật, tháp mộ, hang Tổ, …. ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa. Từ dưới chân núi, leo lên hàng trãm bậc tam cấp theo những con đường ngoằn ngoèo giũa rừng già mới đến chùa. Ở ðây không khí trong lành, mát lạnh, hơi nước toát ra từ núi đá với không khí lạnh mát hấp dẫn trong mùa hè. Chùa Núi nổi tiếng cũng nhờ vào phong cảnh hùng vĩ nên thõ của núi rừng. Mặt khác, Chùa Núi còn có pho tượng Phật nằm khổng lồ:” Thích Ca nhập niết bàn” nằm ở vị trí cao nhất cách chùa khoảng 100m. Tượng Phật này thuộc vào pho tượng Phật hiếm có trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Tác phẩm do kỹ sư Trương Ðình Ý chủ trì vào nãm 1962. Cách Pho Tượng Phật nằm chừng 50m là nhóm tượng Tam Thế Phật: A Di Dà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí. Cả 3 pho tượng có chiều cao khoảng 7m, với nét mặt hiền hòa đang nhìn bao quát thế gian như để sẳn sàng cứu nhân độ thế.Vào các mùa trong nãm lúc nào cũng có khách thập phương đến viếng Phật, ngắm cảnh chùa và rừng núi, nhất là dịp Xuân về Tết đến có hàng vạn người kéo ðến chùa. Huyền thoại Linh sơn Tà Cú Vùng đất cực Nam Trung bộ có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhưng với Linh Sơn Trường thọ trên núi Tà Cú (thuộc huyện Hàm Thuận Nam) lại mang một bản sắc rất riêng. Từ cảnh quan thiên nhiên đến những truyền thuyết như hòa quyện vào nhau để Tà Cú càng thêm hoang sơ và quyến rũ.Thắng cảnh di tích Tà Cú nằm ở vị trí đầu mối các tuyến đường giao thông: từ thành phố Hồ Chí Minh ra và các nẻo đường từ Vũng Tàu đi qua Suối nước nóng Bình Châu, Dinh Thầy Thím (Hàm Tân), Mũi điện Khê Gà… rất thuận lợi cho lộ trình hành hương và những chuyến lữ hành du lịch sinh thái. Khách sẽ ngỡ ngàng khi đứng trước cảnh chùa cổ kính, tượng phật trầm tư và dấu thiêng của Tổ sư từ buổi khai sơn cách đây trên 130 năm. Không đợi đến ngày giỗ tổ Hữu Đức hàng năm (mùng 5 tháng mười âm lịch), hoặc Tết nguyên đán mà gần như thường xuyên đều có khách thập phương đến viếng cảnh. Những tốp người lặn lội leo hàng ngàn bậc đá của những đoạn dốc cao kéo dài 2.000m mới đến được một cõi an nhiên đầy bóng xanh của tán lá rừng, lẩn khuất màu mây. Đã có khá nhiều trang viết, bài báo nói về chùa Tà Cú, nhưng với tôi mấy lần lên xuống núi vẫn mang nặng bao điều băn khoăn xung quanh những câu chuyện tưởng chừng bí ẩn. Hỏi chuyện nhà sư trụ trì, rồi gặp những người cao tuổi từng sống dưới mái ngói rêu phong của tổ đình và đến tận chùa Pháp Bửu Đàn (Hàm Tân) để nghe sư bà nói về ngôi chùa tổ cội nguồn. Tôi cảm nhận ra những điều kỳ diệu ở buổi ban sơ mà nhà sư Hữu Đức và các chư hậu tổ đã dày công tạo dựng ngôi chùa, những tượng Phật hoành tráng giữa chốn non cao rừng thẳm. Giữa hoàn cảnh núi cao, khí hậu khắc nghiệt, cách biệt với cư dân thì nhà sư sẽ sống ra sao? nhưng được lý giải từ những môn đồ kế tục rằng: Nhờ pháp thuật cao siêu mà tổ Hữu Đức thuộc dòng Lâm tế chánh tông thứ 40 đạt được sức mạnh chuyển hóa vạn vật xung quanh. Biết bao huyền thoại về tổ Hữu Đức suốt 16 năm khai sơn với sự nhiệm màu của trí huệ, đại hùng. Theo nhiều người truyền tụng, có một bạch hổ luôn phủ phục bên hang Tổ, quấn quít theo chân Tổ bất cứ đi đâu. Mãi cho đến ngày Tổ tịch thì hổ cũng chết theo nên mới có ngôi mộ hổ ở vườn chùa. Trên cánh rừng cạnh chùa có cặp chim hồng hoàng cao cát với bộ lông rất đẹp, xuất hiện từ khi có Tổ. Tiếng chim hót lên cũng là báo hiệu có khách thập phương dưới chân núi sắp lên rồi bay lượn dẫn đường không sai một bước. Bữa ăn hàng ngày của Tổ là lá rừng, rau lũi hái ở vách núi bên hang, nước uống thì lấy từ khe đá. Có người kể về giai thoại của Tổ cho đến sau này, đó là khi xây pho tượng Phật nằm 49m, nhu cầu vận chuyển hàng trăm tấn sắt thép, xi măng lên núi đã khó trong khi khối lượng cát xây phải cần đến gấp chục lần lại giữa địa hình sườn núi đá phủ kín mà không phải đưa từ dưới núi lên. Trước ngày thi công theo thời gian của thợ hồ, sư trụ trì lúc ấy cho trữ nước vào các hồ, mái chứa rồi bít kín các lỗ mạch nước chảy hàng ngày, sáng ra từ các mạch nổi đã trào ra những đụn cát nhuyễn dùng được cho công trình.Vào năm Tự Đức thứ 33 (tức 1880), hoàng thái hậu là bà Từ Dũ lâm trọng bệnh, mắt mù lòa nhưng các ngự y, danh y tài giỏi ở triều đều bất lực. Nhà vua châu tri khắp thần dân trong nước kêu gọi ai cứu được mẫu hậu sẽ trọng thưởng. Bởi tiếng đồn về danh đức, pháp thuật của Tổ từ lâu, nay quan thủ hiến đầu tỉnh Bình Thuận lập tức viết biểu tâu lên vua. Vua Tự Đức hạ chiếu sai sứ xin rước Tổ về triều chữa bệnh cho Hoàng thái hậu. Nhưng vì đã nguyện không bao giờ xuống núi nữa mà Tổ chỉ trao cho sứ thần thảo dược cùng cách sử dụng. Quả là linh nghiệm, sau khi uống hết các chú chuẩn đề và thuốc, Hoàng thái hậu vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, nhanh chóng bình phục. Vua Tự Đức tỏ lòng cảm phục Tổ ban sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ” cho nơi Tổ sáng lập và tu tịnh. Tôi lần theo vách đá xuống hang Tổ trong bóng tối âm u chỉ vài chục mét đã thấy hơi lạnh xông lên đến rợn người. Vậy mà Tổ Hữu Đức chọn làm nơi thiền tịnh. Người ta kể, quăng một trái bưởi xuống hang thì vài ngày sau sẽ tìm thấy trái bưởi đó trôi trên biển Khê Gà… Chui vào lòng tượng Phật nằm, len qua những gộp đá hoa cương ở lưng chừng núi mới thấy trí lực của những thiền sư đã khơi dậy sự mầu nhiệm đáp ứng nỗi khao khát của con người. Tà Cú với tiềm năng đa dạng được thiên nhiên ưu đãi nức tiếng linh sơn từ rất xa xưa gắn với những ngày khổ hạnh tu luyện của Tổ Hữu Đức. Nơi đây hiện là một trong những điểm du lịch khá nổi tiếng của Bình Thuận. Những nãm gần đây nãm nào cũng tổ chức hội thi leo núi thu hút nhiều thanh niên từ các tỉnh miền Ðông tham gia. Sắp tới nõi đây sẽ thực hiện dự án cáp treo để đưa du khách lên xuống tham quan được thuận tiện hơn. Chùa Núi cùng với những cánh rừng trong khu Bảo Tồn Thiên Nhiên đã được Nhà Nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia nãm 1993. CHÙA HANG Chùa Hang (Cổ Thạch): Chùa Hang còn gọi là Chùa Cổ Thạch, tọa lạc tại bờ biển xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, cách Tp. Phan Thiết 105km về hướng Bắc. Chùa được xây dựng trong hang đá lớn do thiền sư Bảo Tạng lập vào khoảng giữa thế kỷ 19. Đường lên chùa Hang có xây bậc, lan can hai bên chùa đắp rồng. Trên núi đá nhỏ sát bờ biển có tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát. Trong chùa có tượng Đức Phật Thích Ca. Cạnh chùa là bãi đá Cà Được nhiều màu sắc chạy dọc bờ biển gần 1km. Xung quanh chùa Hang cảnh quan tuyệt đẹp, một làng du lịch Cổ Thạch mới mọc lên với nhiều ngôi nhà xinh xắn được xây theo kiểu nhà sàn để đón khách phương xa về viếng chùa và thưởng ngoạn thắng cảnh. Cổ Thạch là một vùng núi đá rộng, gồm hàng ngàn, hàng vạn tảng đá lớn nhỏ, có tảng đá nguyên khối to như những ngôi nhà, có tảng giống như bàn Thạch, có những tảng chồng lên nhau, úp vào nhau, như có bàn tay con người sắp đặt, bố trí, có những tảng đá có hình thù kỳ lạ đầy tính cách huyền bí và chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo với nhiều hang động nguyên sinh luồn sâu vào trong núi. Chùa Cổ Thạch ngoài vẻ đẹp tự nhiên của hang động kết hợp với sự sáng tạo của con người, ở đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa lịch sử quý hiếm: nhiều di sản văn hóa Hán Nôm liên, đối, hoành phi và những tài liệu có từ ngày lập chùa. Một số cổ vật có giá trị lịch sử văn hóa khác như Đại Hồng chung, trống sấm đều có niêm đại từ nửa đầu thế kỷ 19. Chùa Hang hàng chục năm nay do Hòa Thượng Thích Minh Đức trụ trì là điểm du lịch chính ở Bình Thuận, hàng chục vạn du khách từ mọi miền đất nước và du khách nước ngoài đến đây hàng năm để chiêm bái, lễ Phật và tham quan danh lam thắng cảnh độc đáo hiếm có ở đây. Những giá trị về thắng cảnh thiên nhiên và về lịch sử văn hóa, Cổ Thạch Tự đã được Nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia năm 1993. DINH THẦY THÍM Dinh Thầy Thím tọa lạc giữa khu rừng già, có tên là rừng dầu Bàu Cái thuộc xã Tân Hãi, huyện Hàm Tân cách Thành phố Phan Thiết khoảng 70 km về phía Đông Nam. Tương truyền trong dân gian: Dưới Triều vua Tự Đức có hai vợ chồng đạo sĩ quê ở làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đạo sĩ là người giàu tài đức, hay giúp đỡ người nghèo khó, căm ghét bọn quan lại hay ức hiếp dân làng, chống lại chế độ đương thời. Ông bị Triều đình Tự Đức kết tội gây rối, mưu toan bạo loạn và chịu hình phạt "Tam ban Triều Diễn". Trước lúc bị hình phạt này, Đạo sĩ đã "biến" dãi lụa điều thành rồng bay về phương Nam. Hai vợ chồng dừng chân ở làng Tam tân, ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh cho dân và đốn củi kiếm sống qua ngày. Tài đức của vị Đạo sĩ nổi tiếng khắp vùng, từ đó dân làng gọi vợ chồng Đạo sĩ bằng cái tên thân mật "Thầy, Thím". Hàng năm vào ngày 5 tháng giêng âm lịch, người ta thường thấy một đôi hổ thường về viếng mộ Thầy. Đến đời Thành Thái thứ 18 năm Bính Ngọ (1906), nhà vua đã xem xét lại công đức Thầy Thím nên quyết định xóa án và ban sắc phong "Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần". Để tỏ lòng tôn kính và biết ơn công lao của Thầy Thím, dân làng đã lập dinh tại địa điểm ngày nay để tôn thờ. Nhân dân quanh vùng coi Thầy Thím như vị Thành Hoàng biểu hiện cho nhiều tính cách đáng quý: tài đức, tính cần cù, miệt mài lao động, lòng nhân ái với người nghèo khổ. Hơn 100 năm qua Dinh Thầy Thím trở thành nơi để nhân dân chiêm bái, những năm gần đây là khu danh lam thắng cảnh và du lịch kết hợp với núi rừng xung quanh bãi biển, đồi dương. Hàng năm nhân dân khắp nơi đến viếng mộ thăm Dinh, nhưng đông nhất vẫn là dịp giỗ Thầy ngày 5 tháng giêng âm lịch và tế Thu của Dinh từ ngày 14-16 tháng 9 âm lịch. Dinh Thầy Thím được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận công nhận và ra quyết định bảo vệ khu danh lam thắng cảnh số 1377-QĐ/UB-BT ngày 6/12/1993 và Bộ Văn Hóa Thông Tin đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1997. LẦU ÔNG HOÀNG Lầu Ông Hoàng bao gồm một quần thể đồi núi, sông, biển, chùa tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi lên với ngọn núi Cố tương đối cao và 4 ngọn đồi nhấp nhô sát biển, đẹp nhất là núi Cố, đồi Bà Nài, cửa sông Phú Hài và bờ biển cùng những làng chài xưa cách Phan Thiết 7km về hướng Đông Bắc. Năm 1911 một ông Hoàng người Pháp là công tước De Montpensier từ Pháp sang du lịch, săn bắn ở những ngọn đồi lân cận, thấy phong cảnh sơn thủy đẹp ở đây khiến ông nảy sinh ý định mua đất và xây dựng biệt thự, cũng để có nơi nghỉ nghơi trong các kỳ săn bắn và du lịch sau này. Nguyện vọng của ông đã được nhà cầm quyền pháp ở Bình Thuận (công sứ Garnier) đồng ý bán quả đồi Bà Nài. Ngày 21 tháng 2 năm 1911 biệt thự được khởi công xây dựng và gần 1 năm sau đó hoàn chỉnh, với diện tích rộng 536m 2 chia thành 13 phòng. Khu biệt thự được xây cách nhóm đền tháp PôSaNư gần 100m về phía Nam. Đây là khu biệt thự đẹp, đầy đủ tiện nghi, ban đêm có máy phát điện dưới biệt thự có nhiều hầm chứa nước mưa đủ cho những nguời trong biệt thự dùng trong 1 năm, được coi là hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ. Từ đó nhân dân Phan Thiết quen gọi khu vực này là đồi "Lầu Ông Hoàng". Vài chục năm sau thi sĩ Hàn Mạc Tử đã đến địa danh này và đã để lại nhiều kỉ niệm khiến cho Lầu Ông Hoàng càng có ý nghĩa. Hiện nay, Lầu Ông Hoàng là một quần thể du lich hấp dẫn bao gồm: Nhóm Tháp Chăm Cổ, bên cạnh có chùa Bửu Sơn cổ kính, dưới chân đồi là bờ biển, cửa sông Phú Hài, núi Cố Tất cả hợp thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Phan Thiết. "KỲ ẢO SUỐI TIÊN" Suối Tiên Hàm Tiến là nơi giao thoa của màu sắc thiên nhiên. Phía bên này chạy ra biển bạc sóng là màu xanh ngút mắt của dừa, của cỏ. Chạy theo dòng nước ra tới biển là bạt ngàn thảm muống biển nở hoa tím. Chen trong dừa xanh có hàng anh đào, mùa xuân nở hoa phơn phớt hồng, cứ ngỡ như buổi sáng mùa xuân Đà Lạt. Có lần chạy ra Mũi Né, đi qua Suối Tiên thấy ngào ngạt hoa bưởi, hoa chanh, ghé vào thấy cả vườn chanh ra hoa trắng như tuyết thơm lừng.Còn phía bên kia suối là đồi cát trải dài, biến đổi theo đường đi của gió lộng, có lúc như bình nguyên, lắm khi là dốc thẳm. Từ đây vệt lửa cháy trên cát chạy băng băng tới tận Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, có khi nhào ra biển như những hàm răng của rồng lửa. Và trên tất cả là bầu trời xanh ngát bình yên. Đặc sản Suối Tiên lại là con Giông, sinh vật ngoan cường của vùng cát. Chính con giông đã dựng lên một phong tục nơi đây có thể gọi hội giông. Hội giông thường diễn ra trước tết ÐOAN NGỌ ( 5-5 ÂM LỊCH) một thời gian. Chính xác là khi giông nước mưa đầu mùa rơi xuống làm bừng tỉnh thiên nhiên. Những chú giông bao ngày năm im trong hang nhấm đuôi mình, giờ lao lên mặt cát nhấm nháp những con kiến cách, mối cánh béo ngọt. Chỉ vài ngày sau, các chú giông choai béo lẳn. Dân Hàm Tiến Mũi Né có thể chế biến đủ món ăn từ con giông: bánh xéo, cà ri, nướng, rán, ram, kho dừa. Và ngay cả đám cưới, nếu thiếu món giông này thì coi như chưa đủ vị. được biết nhiểu cánh bắt giông bằng bẫy hay đào, nhưng tôi thích nhất cách làm của một cậu bé vê lá cỏ tranh làm thành tiếng vi vi, ri ri như tiếng dế vừa lãng mạn vừa lung linh. Suối Tiên vẫn chảy kỳ ảo và nên thơ dưới mỗi bước chân người tới đây. THẮNG CẢNH HÒN RƠM Từ TP.Phan Thiết đi Mũi Né (22km), rồi theo đường bờ biển thêm 4km nữa các bạn sẽ đặt chân đến khu du lịch Hòn Rơm. Bờ biển sạch đẹp, nước biển trong xanh, êm ả, lời ru của gió mơn man qua những rặng dừa mát rượi, trịu quả. Những đồi cát vàng, cát trắng nối tiếp nhau … Tất cả đã tạo nên vẻ hoang sơ quyến rũ, mời gọi các bạn đến với điểm du lịch nổi tiếng này cùng chinh phục sa mạc cát, và các bạn còn được nhìn thấy nét đẹp kiêu hãnh của suối Hồng bên cạnh những đồi cát hùng vĩ. NGẢNH TAM TÂN (HÀM TÂN) Đó là một đoạn bờ biển đẹp thuộc xã Tân Hải (Hàm Tân), có bãi cát rộng phẳng, mịn màng và nhiều mỏm đá nhô lên mặt sóng đó từng bầy chim về phơi cánh tung tăng. Câu chuyện về những người tù vượt Côn Đảo, trên chiếc bè tắp vào bờ biển, trong đó có nhà cách mạng Tú Kiên sau này là Bí thư kỳ bộ Tân Việt Nam Kỳ được dân địa phương cứu thoát. Thuở đầu nhà Nguyễn Trung Hưng ở đây có một đồn binh được truyền lại câu thơ buồn như lời than thở" "Phong táp sơn yên truyền pháo hưởng Triều phiên hải giác trợ bề thanh" (Gió thổi trên lưng núi như tiếng súng vọng về, từng làn sóng âm vang dội về góc biển). Bờ biển Tam Tân còn giữ được cảnh quang sinh thái, những cây dương liễu xanh liên hoàn với địa danh dốc Ông Bằng, với dinh Thầy Thím đã trở thành điểm du lịch, nghỉ ngơi của khách mọi nơi. THẮNG CẢNH HÒN BÀ (HÀM TÂN) Là một hòn đảo nhỏ nằm cách bờ biển khoảng 2 cây số, Hòn Bà có hình dáng con Rùa khổng lồ đang ngẩng đầu vươn mình trên sóng biển. Hòn bà là ngọn núi trẻ, trên núi có nhiều cây cổ thụ lớn. Quanh năm cây xanh cổ thụ rợp bóng và là nơi trú ngụ của loài chim biển mỏi cánh bay về. Trên đảo có thờ Bà Chúa Ngọc Thiên Y A diễn bà với nguyên bản là một tảng đá tự nhiên mang hình dáng người mà người dân địa phương gọi là tương bà. Hàng năm vào ngày 23 tháng 3, ngư dân tổ chức lễ vía bà rất long trọng. Từ huyền thoại đầy tính sử thi về sự thủy chung, ghen giận, phân ly để rồi còn lại dấu vết Hòn Bà như một dấu chấm than buồn trên biển sóng mênh mông. Nữa đầu thế kỷ XVII người Chăm đã dựng lên một ngôi đền thờ nữ Thần Thiên Ya Ana - vị thần thiêng liêng của Vương Quốc Chăm-pa cổ. Cũng từ đây hòn đảo có tên gọi là Hòn Bà. Ngôi đền thờ có kết cấu kiến trúc và trang trí nghệ thuật giống như ngôi miếu của ngườI Việt cùng thời. Trong ngôi đền thờ, tượng nữ Thần Thiên Y Ana bằng đá, được các nghệ nhân Chăm tạc từ một khối đá nguyên tại chỗ. Việc thờ tượng Bà ở trên đỉnh Hòn Bà thể hiện sự tôn vinh của người Chăm với Nữ Thần. Mặt khác ở những thế kỷ trước đây, nghề biển là nghề chính thu hút đông đảo ngư dân Chăm ven bờ mà dấu vết của những làng ngư cổ vẫn còn. Do vậy, việc thờ tượng nữ Thần ở đây là sự cầu mong cho nữ thần phù hộ, cứu nạn cho họ trên biển. Hàng năm người Chăm ở các nơi thường đến đây làm lễ cầu mưa và các nghi lễ tôn giáo khác. Hòn Bà người ta biết đến và ngưỡng mộ không phải chỉ bằng chính ngôi đền cổ mà bởi ở đây là hòn đảo cheo leo giữa biển hấp dẫn mọi người bằng chính cảnh đẹp của nó cộng với sự hùng vĩ mênh mông của biển cả và đồi dương bên trong bờ càng làm cho phong cảnh ở đây đẹp thêm. Hòn Bà đuợc ví von là Động Tiên sa vì nơi đây dưới chân đảo là những tảng đá muôn hình muôn vẽ chồng chất lên nhau tạo ra những hang động huyền ảo. Tiếng sóng vỗ vào khe đá giữa gió đại dương ầm ào để Hòn Bà càng thêm hoang sơ và thơ mộng. THÁP CHÃM PÔSANƯ Nhóm ðền Tháp Chãm PôSaNư tọa lạc trên ðồi Bà Nài thuộc xã Phú Hải về phía Ðông-Bắc cách Tp. Phan Thiết khoảng 7km ðược người Chãm xây dựng từ những cuối thế kỷ IX thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lài - một trong những phong caáh kiến trúc nghệ thuật cổ của Vương quốc Chãm-pa, mà hiện nay những ngôi tháp này [...]... chúng được cất giữ đặc biệt như báu vật của dòng tộc và trách nhiệm của hậu duệ vua Di tích nhóm tháp Chăm PôDam được Nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996 PhanThiet - BinhThuan (2003) Hướng dẫn du lịch Cà Ná Cà Ná là một bãi biển đẹp, nổi tiếng ở Ninh Thuận Nằm trên quốc lộ 1A, cách trung tâm thị xã Phan Rang 30km về phía nam, phía tây quốc lộ là dãy Trường Sơn nhô . nguyên cặp ngà ấy sẽ khánh thành vào dịp lễ Tế Xuân, ngày 20/2 âm lịch (22/3/2003). Thông tín viên BinhThuantoday đã tới ngôi đình độc đáo còn lưu giữ khoảng 600 bộ hài cốt cá voi này. Từ xa xưa,. Chăm PôDam được Nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996. PhanThiet - BinhThuan (2003) Hướng dẫn du lịch Cà Ná Cà Ná là một bãi biển đẹp, nổi tiếng ở Ninh Thuận. Nằm

Ngày đăng: 20/10/2014, 05:00

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

  • Đang cập nhật ...

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w