Khám thai bao gồm một loạt những lần khám mà thai phụ phải hoàn tất trong thai kỳ, nhằm mục đích theo dõi sự tiến triển của thai kỳ, phát hiện các bất thường trong thai kỳ xảy ra ở bà mẹ và bào thai, nhằm mục đích chủ động giải quyết các vấn đề bệnh lý, đem lại một cuộc sanh an toàn cho mẹ và con.
Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Bộ môn Phụ Sản Khám thai GIẢNG VIÊN PHỤ TRÁCH Tiến sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang. E-mail: tranghnk08@gmail.com MỤC TIÊU Sau khi hoàn thành bài học, sinh viên Y khoa năm thứ Tư có khả năng 1. Trình bày được 9 bước thăm thai theo chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản 2. Trình bày được mục đích của khám thai trong từng tam cá nguyệt của thai kỳ 3. Liệt kê được nội dung của mỗi lần khám thai trong từng tam cá nguyệt của thai kỳ 4. Ghi chép được vào sổ khám thai sau khi hoàn thành mỗi lần khám thai 5. Nhận biết được một lần khám thai không bình thường Quá trình khám thai nói chung - “ 9 bước thăm thai “ Khám thai bao gồm một loạt những lần khám mà thai phụ phải hoàn tất trong thai kỳ, nhằm mục đích theo dõi sự tiến triển của thai kỳ, phát hiện các bất thường trong thai kỳ xảy ra ở bà mẹ và bào thai, nhằm mục đích chủ động giải quyết các vấn đề bệnh lý, đem lại một cuộc sanh an toàn cho mẹ và con. Do sinh lý của phát triển bào thai, mỗi giai đoạn của thai kỳ có những mục tiêu khám thai riêng biệt. • Tam cá nguyệt thứ nhất là thời điểm để thực hiện chẩn đoán thai, định tuổi thai, xác định số lượng thai và truy tầm các bất thường bào thai, mà phần lớn có liên quan đến lệch bội nhiễm sắc thể. Thời gian này còn là thời gian lý tưởng để tầm soát các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến bào thai như các bệnh nhiễm trùng, bệnh chuyển hóa và các bệnh lý hệ thống khác. Tam cá nguyệt thứ nhất còn là thời điểm rất thường xảy ra những tổn thất như hư thai, thai ngưng phát triển, thai ngoài tử cung… • Tam cá nguyệt thứ nhì là thời điểm xảy ra quá trình biệt hóa các cơ quan chủ chốt của bào thai, là thời điểm có thể xác định hầu hết các dị thường xảy ra ở bào thai. Trong khoảng thời gian này, sự tăng trưởng bào thai chỉ là thứ yếu, không xảy ra nhiều lắm các bất thường về tăng trưởng sinh học của bào thai trong giai đoạn này. Các bệnh lý hệ thống của mẹ cũng thường trở nặng và lộ rõ hơn trong giai đoạn này, đặc biệt các bệnh của hệ hô hấp và tuần hoàn. Trong đa số các trường hợp, tam cá nguyệt thứ nhì là một khoảng thời gian tương đối bình an. • Tam cá nguyệt thứ ba là thời điểm thường xảy ra các vấn đề sản khoa nghiêm trọng như chậm tăng trưởng bào thai, tiền sản giật, bệnh lý nước ối, nhau bong non, nhau tiền đạo… , cũng như là thời điểm phải quyết định đường lối cho cuộc sanh và chuẩn bị cho cuộc sanh. Để thực hiện khám thai tốt, cần hiểu rõ đặc điểm sinh lý của từng giai đoạn của thai kỳ cũng như các đặc điểm sinh bệnh học của các bất thường thai kỳ. Nội dung khám thai trình bày trong bài này chủ yếu dựa trên chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bộ Y Tế nước ta, đồng thời có tham khảo các qui trình chuẩn của các nước tiên tiến, nhằm giúp cho sinh viên năm thứ tư có được cái nhìn cơ bản, tổng quát và đầy đủ về khám thai. Nội dung mỗi lần khám thai bao gồm 9 bước căn bản sau ( 9 bước thăm thai theo Chuẩn Quốc Gia, http://www.moh.gov.vn/homebyt/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=206&cat=1592&ID=1887 ) 1. Hỏi về các sự kiện cần lưu ý xảy ra giữa 2 lần khám thai LTLS: Khám thai 1 Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Bộ môn Phụ Sản 2. Khám tổng quát nhằm phát hiện ra các bất thường của tăng trưởng bào thai hay các bệnh lý nội khoa tiến triển nặng hơn do thai kỳ 3. Khám sản khoa với các mục tiêu chuyên biệt cho từng giai đoạn của thai kỳ. Vì thế, nội dung của khám sản khoa thai đổi rất nhiều tùy theo lần khám được thực hiện ở thời điểm nào trong thai kỳ. 4. Các xét nghiệm cận lâm sàng tối thiểu, chuyên biệt cho từng giai đoạn của thai kỳ, nhằm mục đích theo dõi phát triển bào thai, phát hiện các bệnh lý của bào thai hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai hoặc do thai kỳ gây ra xuất hiện và nặng lên trong thai kỳ. 5. Những lần khám thai cũng là thời điểm thực hiện các thao tác dự phòng như tiêm phòng uốn ván, khuyến khích sử dụng thuốc bổ sung sắt trong thai kỳ và một số điều trị dự phòng chuyên biệt cho địa phương. 6. Giáo dục về vệ sinh thai nghén, các lớp huấn luyện tiền sản phải là nội dung của khám thai, phục vụ cho chương trình làm mẹ an toàn. 7. Thai phụ cần được thông tin về diễn tiến của thai kỳ, các sự kiện, ý nghĩa của các sự kiện xảy ra trong lần khám thai này và được hẹn ngày khám cho lần khám sau, tùy theo diễn tiến của các sự kiện trong thai kỳ mà ba ta hiện có. 8. Tất cả nội dung khám phải được ghi nhận vào sổ khám thai. Sổ khám thai là một tài liệu quan trọng phục vụ cho suốt quá trình theo dõi tiến triển của thai kỳ cũng như phục vụ cho chuyển dạ. 9. Thai kỳ phải được quản lý ở tuyến có đủ năng lực theo dõi vấn đề mà khám thai phát hiện ra. Qui trình 9 bước này được thể hiện cụ thể qua mỗi lần khám trong nội dung trình bày ở các phần sau. Khám thai tam cá nguyệt thứ nhất Khám thai tam cá nguyệt thứ nhất cung cấp một khối lượng rất lớn thông tin quan trọng cho thai kỳ. Lần khám thai đầu tiên cần phải được thực hiện sớm, trước 12 tuần vô kinh. Nội dung đầu tiên của khám thai tam ở cá nguyệt thứ nhất là chẩn đoán thai và các vấn đề liên quan. Hỏi bệnh sử và siêu âm là phương tiện quan trọng giúp thực hiện chẩn đoán thai. • Xác định có thai: thường không khó. Trong điều kiện hiện nay, hầu hết mọi thai phụ khi đến khám đều biết chắc chắn rằng mình đã có thai, dựa vào các triệu chứng cơ năng như trễ kinh, nghén, vào triệu chứng sinh hóa là que sử dụng kháng thể đơn dòng định tính nhanh β-hCG trong nước tiểu và đôi khi vào siêu âm. • Định tuổi thai: là nội dung quan trọng phải đạt được trong khám thai tam cá nguyệt thứ nhất. Định tuổi thai theo ngày kinh cuối sử dụng công thức Naegelee bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan làm sai lệch. Sai lệch tăng lên khi vòng kinh không đều. Siêu âm định tuổi thai nên được thực hiện cho mọi trường hợp, bất chấp tính chất của kinh kỳ vì 3 lý do: (1) xác định tính phù hợp của tuổi thai tính bằng kinh cuối và siêu âm, (2) tăng độ tin cậy của các khảo sát tầm soát ở tam cá nguyệt thứ nhì cũng như các khảo sát tăng trưởng bào thai ở tam cá nguyệt thứ ba, và (3) giảm được các can thiệp không cần thiết vào cuối thai kỳ. Thời điểm thực hiện lần siêu âm đầu tiên này là lúc thai khoảng 10-13 tuần vô kinh, dựa trên chiều dài đầu mông. Nếu muộn hơn 13 tuần, cần dựa vào đường kính lưỡng đỉnh hoặc chu vi vòng đầu. • Tầm soát dị tật thai: gồm các khảo sát dị tật trực tiếp như thai vô sọ, cystic hygroma… và khảo sát mang tính tầm soát như khảo sát khoảng sáng sau gáy (NT - Nuchal Translucency: còn được gọi khác đi là độ mờ da gáy, độ dầy da gáy). Khảo sát NT cần được thực hiện trong khoảng giữa tuần thứ 11 và thứ 14. Cần lưu ý đặt trị số NT khảo sát được trong mối tương quan với CRL hoặc tuổi thai. Trị số NT càng cao, tương ứng LTLS: Khám thai 2 Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Bộ môn Phụ Sản với > 95 th percentile (NT MoM hay NT delta), càng có ý nghĩa. Không có một trị số NT cố định có giá trị cho mọi CRL hay tuổi thai. NT là một tham số cần thiết cho tính toán nguy cơ lệch bội. • Xác định số lượng thai và kiểu đa thai: là một nội dung khác của chẩn đoán thai ở tam cá nguyệt thứ nhất. Thông tin này có thể giúp tiên liệu về mức độ nguy cơ cho thai kỳ song thai. Nội dung thứ nhì của khám thai tam cá nguyệt thứ nhất là sàng lọc các yếu tố nguy cơ, nhằm phân định tuyến quản lý thai nghén và có kế hoạch thực hiện các chăm sóc chuyên biệt cho thai kỳ. Các bệnh lý nội khoa có thể nặng lên trong thai kỳ cần được nhận biết bằng thăm hỏi chi tiết về tiền sử nội, ngoại, sản phụ khoa và kế hoạch gia đình (hình 1, trích đoạn phiếu khám thai). Tuổi khi có thai: 18 - 35 <18 >35 Chiều cao: >= 145cm <= 144cm Chu kỳ kinh Tránh thai Tiền sử sản khoa Số lần sinh 1 – 3 >=4 Kỳ thai vừa qua bị sảy không có Thai chết lưu không có Sản giật không có Chảy máu trước sinh không có Băng huyết không có Sinh bất thường (đẻ khó) không có Mổ tử cung không có Mổ lấy thai không có Ðẻ con dưới 2500g không có Con chết tuần đầu sau đẻ không có Tiền sử bệnh tật không có Tên bệnh nếu có (tim, phổi, thận )… H 1. Trích đoạn phiếu khám thai, phần hỏi tiền sử bệnh (mẫu của Bộ Y Tế, 2003) • Tiền sử sản khoa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quyết định đường lối cho theo dõi thai kỳ và cuộc sanh. Diễn tiến và các biến cố xảy ra trong (các) thai kỳ trước đó, các biến cố và nội dung can thiệp đã phải thực hiện trong 3 giai đoạn của chuyển dạ, thích nghi sinh tồn và phát triển thể chất-tâm thần của trẻ sau sanh là những yếu tố cần phải được ghi nhận chi tiết. • Khai thác tiền sử nội khoa nhằm tầm soát các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến thai kỳ như tiểu đường (di tật thai, rối loạn biến dưỡng bào thai, thai chết trong tử cung, thai to…), cao huyết áp (chậm tăng trưởng trong tử cung, thai chết trong tử cung…), bệnh lý tuyến giáp (sẩy thai, phù niêm…), … hoặc bị ảnh hưởng và nặng lên bởi thai kỳ như cao huyết áp mạn (cao huyết áp nặng lên do thai), bệnh lý hô hấp mạn, các bất thường chức năng hay thực thể của gan (suy gan cấp trong thai kỳ, vàng da ứ mật do thai, rối lọan đông máu…), bệnh lý thận (hội chứng gan thận nặng lên trong thai kỳ…). Các thai phụ có các vấn đề kể trên cần có một chăm sóc đặc biệt tương thích với tình trạng bệnh lý, nhằm có thể vượt qua thai kỳ và cuộc sanh an toàn. Các khảo sát cận lâm sàng thường qui thực hiện sớm vào đầu thai kỳ nhằm hỗ trợ cho việc tầm soát bất thường trước và trong thai kỳ. Chúng gồm có những khảo sát bắt buộc và những khảo sát khuyến khích thực hiện. LTLS: Khám thai 3 Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Bộ môn Phụ Sản • Bộ Y Tế đề nghị danh sách các xét nghiệm tối thiểu cần thiết gồm: proteine niệu, haematocrite, hemoglobin, HIV và giang mai. • Trong những điều kiện thực hành tốt, ở những tuyến cao hơn, một số khảo sát nên được đưa vào danh sách xét nghiệm thường qui như Nhóm máu, Rhésus, Đường huyết, HBsAg, Phân tích nước tiểu toàn bộ. • Nằm trong nhóm các khảo sát cận lâm sàng cần tư vấn trước khi thực hiện, có các khảo sát TORCH, bộ 2 hay 3 tests tầm soát lệch bội (double test và triple test). Trị số cut-off là 1:250. Các khảo sát này được thực hiện khi thai phụ hiểu rõ lợi ích của chúng và mong muốn được thực hiện. Sắt và acid folic đươc Bộ Y tế khuyến cáo dùng từ lần khám thai đầu tiên. Acid folic được cho với liều 400 mcg ngày, có thể làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh (vô sọ, spina bifida…). Đây là dược phẩm bổ sung duy nhất được khuyến cáo sử dụng. Không có dược phẩm nào khác được đề nghị dùng thường qui trong thai kỳ. • Bổ sung đa sinh tố và calcium không cần thiết phải thực hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ. • Thai phụ nên được thông tin về khả năng gây dị tật bào thai của dùng vitamin A liều cao, > 700 mcg. Thực phẩm thế biến từ gan có thể chứa những lượng lớn vitamin A, vì thế không nên dùng. • Không có chứng cứ chứng minh lợi ích của bổ sung vitamin D, vì thế không dùng vitamin D một cách thường qui cho mọi thai phụ. Khám thai tam cá nguyệt thứ nhì Tam cá nguyệt thứ nhì, trải dài từ tuần thứ 14 vô kinh đến hết tuần thứ 27 vô kinh, là thời điểm diễn ra sự biệt hóa và hoàn chỉnh các cơ quan, đồng thời cũng là thời điểm xảy ra những biến động sinh lý sâu sắc ở người mẹ để bà ta có thể thích nghi với thai kỳ và cuộc sanh sau này. Tam cá nguyệt thứ nhì là thời điểm mà thai có kích thước không quá to, lượng nước ối bao quanh thai lại tương đối nhiều, một phần lớn các nội tạng đã có cấu trúc gần hoàn chỉnh và bắt đầu đảm nhận các chức năng của chúng nên là thời điểm lý tưởng nhất cho việc khảo sát cấu trúc bào thai một cách chi tiết trong một tổng thể chung. Hệ tuần hoàn tăng cường chức năng tạo máu, tăng thể tích tuần hoàn dự trữ cho mất máu lúc sanh, dễ dẫn đến quá tải tuần hoàn ở những thai phụ có sẵn vấn đề về tim mạch. Các biến chứng nặng của bệnh lý tim mạch thường rơi vào trạng thái mất bù ở giai đoạn này của thai kỳ. Hệ hô hấp bị hạn chế hoạt động do tử cung to dần đội cơ hoành lên cao, nhu cầu oxygen tăng cao do phải thỏa mãn cả mẹ và thai nên dễ xảy ra các biến chứng hô hấp trong giai đoạn này. Ngoài 2 vấn đề trên, đây là một khoảng thời gian tương đối bình lặng trong thai kỳ. Khám thai tam cá nguyệt thứ nhì chủ yếu nhằm mục đích khảo sát hình thái học thai nhi và diễn tiến của các bệnh lý nội khoa có thể trở nặng trong thai kỳ. Tầm soát các bất thường về hình thái học được thực hiện bằng siêu âm. Thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện lần siêu âm tầm soát này là vào khoảng tuần lễ vô kinh thứ 18-20. • Trong điều kiện lý tưởng, siêu âm có thể tầm soát được 76% bất thường của hệ thần kinh trung ương, 67% bất thường của hệ niệu. Tuy nhiên, siêu âm chỉ tầm soát được 42% bất thường của hệ tiêu hóa, 17% bất thường hệ tim mạch. Khả năng tầm soát lệ thuộc vào tổng thể của bộ ba: qui trình, trang thiết bị và năng lực của người thực hiện siêu âm. • Mọi bất thường phát hiện được khi truy tầm sẽ được xác định lại bởi các bác sĩ chuyên khoa hình ảnh có kinh nghiệm. LTLS: Khám thai 4 Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Bộ môn Phụ Sản • Siêu âm truy tầm và chẩn đoán bất thường thai nhi cho phép nhận ra (1) các sơ sinh không có khả năng sống khi ra đời, (2) sơ sinh có khả năng sống nhưng với một gánh năng cho bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội, (3) bất thường cần can thiệp trong thời kỳ bào thai và cuối cùng là (4) các bất thường sẽ được điều trị sau khi trẻ sinh ra đời. Ở một thai phụ không có yếu tố nguy cơ, nội dung khám ở tam cá nguyệt thứ nhì bao gồm theo dõi tăng cân, huyết áp, protein niệu, tăng trưởng của bề cao tử cung. • Trong tam cá nguyệt thứ nhì, bề cao tử cung thường tăng 4 cm mỗi tháng. • Tình trạng thiếu máu thiếu sắt, tức nồng độ huyết sắc tố <11g% phải được quan tâm để điều chỉnh bằng cách cho thai phụ dùng thêm sắt. • Tăng cân chậm bất thường thể hiện tình trạng thiếu hụt về dinh dưỡng khi mang thai. Trong khi đó, tăng cân nhanh bất thường gợi ý hoặc phải đi tìm dấu chứng của phù và tiền sản giật hoặc dấu chứng của rối loạn dung nạp đường huyết trong thai kỳ bằng các test tầm soát hay chẩn đoán (Oral Glucose Tolerance Test: OGTT). • Dù rằng bất thường tăng trưởng bào thai và tiền sản giật không phải là bệnh lý thường gặp trong tam cá nguyệt thứ nhì, nhưng vẫn có thể xảy ra sớm, trong giai đoạn này của thai kỳ. • Vào tam cá nguyệt thứ nhì, thai phụ sẽ được tiêm vaccin phòng uốn ván theo chương trình quốc gia. Số lượng mũi tiêm tùy thuộc vào tình trạng tiêm phòng trước khi mang thai. Ở người chưa được miễn dịch, chương trình quốc gia khuyến cáo tiêm phòng 2 mũi VAT. Ở người chưa được tiêm phòng đủ, mũi tiêm nhắc nhở sẽ được thực hiện trong giai đoạn này. Vào đầu tam cá nguyệt thứ nhì, ở thai phụ có nguy cơ, tất cả mọi vấn đề về nội khoa cần phải được tìm hiểu một cách đầy đủ và có chương trình theo dõi và xử trí phù hợp cho suốt tam cá nguyệt thứ nhì và thời gian còn lại của thai kỳ. • Không được quên rằng tam cá nguyệt thứ nhì là thời điểm thường xảy ra sự trở nặng của các bệnh lý tim mạch và hô hấp. Khám thai tam cá nguyệt thứ ba Sau tam cá nguyệt thứ nhì, các xáo trộn hệ thống dần dần ổn định hơn. Cơ thể dung nạp tốt hơn với thai kỳ. Tuy nhiên, về mặt sản khoa, tam cá nguyệt thứ ba là thời điểm xảy ra nhiều sự kiện ảnh hưởng, đôi khi nghiêm trọng, đến cả mẹ và con. Vì thế, khi khám thai tam cá nguyệt thứ ba cần chú ý đến rất nhiều dữ kiện phục vụ cho các mục tiêu khác nhau. Mục tiêu thứ nhất của khám thai tam cá nguyệt thứ ba là theo dõi tăng trưởng bào thai. Việc khảo sát tăng trưởng được thực hiện bằng các quan trắc lâm sàng và siêu âm. • Khác với các thời kỳ trước, tam cá nguyệt thứ ba là thời điểm xảy ra hiện tăng tăng nhanh số lượng tế bào trên mọi cơ quan của thai nhi. Sự gia tăng tổng khối tế bào thể hiện qua tăng trọng của thai nhi. Thai to hay chậm tăng trưởng trong tử cung thường bắt đầu thể hiện rõ nét ở giai đoạn này, dù rằng bệnh lý nguyên nhân có thể đã bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ nhì. • Thời điểm chỉ định khảo sát siêu âm sinh trắc bào thai ở tam cá nguyệt thứ ba tùy thuộc vào các dữ kiện thu được từ quan sát lâm sàng. • Cần nghĩ đến thai to khi phát hiện ra tăng trọng quá nhanh, kèm theo tăng nhanh của bề cao tử cung. Bề cao tử cung tăng nhanh một phần do thai to và một phần khác do lượng ối tăng nhanh. Siêu âm sẽ thấy các số đo của thai nhi cao hơn trị số bách phân vị thứ 95 của biểu đồ tăng trưởng. Thai to thường kèm theo dư ối làm bề cao tử cung lại càng tăng nhanh hơn. Trong trường hợp này, cần thực hiện khảo sát dung nạp đường huyết. • Nghĩ đến chậm tăng trưởng bào thai khi bề cao tử cung tăng chậm hoặc không tăng qua các lần khám. Bề cao tử cung tăng chậm là do thai nhỏ và giảm lượng ối. Tăng trọng ít ở mẹ không liên LTLS: Khám thai 5 Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Bộ môn Phụ Sản quan nhiều đến thai chậm tăng trưởng. Siêu âm sẽ thấy các số đo của thai nhi thấp hơn trị số bách phân vị thứ 10, thứ 5 và thứ 3 của biểu đồ tăng trưởng. Bách phân vị thứ 10 được xem như đường sàng lọc chậm tăng trưởng bào thai. Bách phân vị thứ 5 được xem như đường báo động. Kết quả sinh trắc nằm dưới bách phân vị thứ 3 cho xác định chậm tăng trưởng bào thai. Một cách nhận định khác nữa là biểu đồ các số đo trở nên nằm ngang hay bị gãy trước khi chạm đến đường bách phân vị thứ 10. Thai chậm tăng trưởng thường kèm theo thiểu ối làm bề cao tử cung lại càng tăng chậm hơn, không tăng hoặc giảm đi. Sinh trắc nước ối cho thấy lượng ối ở dưới cut-off. Trong trường hợp này, bắt buộc phải thực hiện các khảo sát chi tiết để lượng giá sức khỏe thai như Velocimetry Doppler, Non-stress test. Mục tiêu thứ nhì là nhận biết được các bệnh lý đặc thù của sản khoa. Chúng thường được thể hiện rõ nét ở tam cá nguyệt thứ ba. • Tiền sản giật xuất hiện nhiều hơn và thường trở nặng ở giai đoạn này. Huyết áp tăng, tăng trọng nhanh bất thường, phù ra khỏi phạm vi của chi dưới, tầm soát được đạm niệu bằng que nhúng nước tiểu là những dấu chứng phải được lưu tâm tìm kiếm ở mỗi lần khám. Cần lưu ý rằng tầm soát đạm niệu bằng máy tự động ít bị dương tính giả và âm tính giả hơn que nhúng, nhưng que nhúng vẫn là phương tiện phổ biến cho tầm soát. Chỉ cần có một trong các triệu chứng nêu trên cũng đủ để phải thực hiện các khảo sát và tiến hành các chăm sóc dành cho thai phụ bị tiền sản giật. • Chẩn đoán nhau tiền đạo có thể được xác lập kể từ tuần thứ 28 vô kinh. Siêu âm là phương tiện xác định nhau tiền đạo với cả độ nhạy cảm lẫn độ chuyên biệt đều rất cao. Chẩn đoán nhau tiền đạo cần được xác lập bằng một lần siêu âm nữa, vào khoảng tuần thứ 36. Thai phụ với nhau tiền đạo phải được quản lý ở tuyến có khả năng phẫu thuật và có điều kiện thực hiện truyền máu. • Cơn co tử cung thường bắt đầu xuất hiện nhiều hơn vào cuối thời kỳ này. Đây là những cơn co Braxton-Hicks. Tuy nhiên cần hỏi kỹ thai phụ về tính chất các cơn co để phân biệt với các cơn co của dọa sanh non hay chuyển dạ sanh non. Trong trường hợp cần thiết, khám âm đạo bằng tay hay dùng siêu âm để đánh giá mức độ thay đổi cổ tử cung. Từ tuần thứ 36 của thai kỳ, ngoài những nội dung trên, mục tiêu thứ ba của khám thai xoay quanh việc lượng giá 2 yếu tố liên quan đến cuộc sanh là ngôi thai và khung chậu. • Thai thường tự bình chỉnh về ngôi chỏm trước tuần thứ 34. Cần xác định ngôi thai khi thực hiện các lần khám từ tuần thứ 36 trở đi. Khi phát hiện ngôi ngược có thể xem xét thực hiện ngoại xoay thai. Các tư liệu y học chứng cứ cho thấy ngoại xoay biến ngôi ngược thành ngôi chỏm thực hiện ở thời điểm này có hiệu quả trong việc làm giảm tỉ lệ mổ sanh vì ngôi ngược. Tuy nhiên cần thận trọng xác định các yếu tố nguy cơ khác trước khi tiến hành ngoại xoay thai. • Khám khung chậu không được khuyến khích trong qui trình khám thai bình thường. Tương quan giữa khung chậu và thai sẽ được đánh giá và xác định khi thai phụ đã vào chuyển dạ. Quang kích chậu không phải là một khảo sát hữu ích cho tiên lượng cuộc chuyển dạ ở một thai phụ bình thường. Lượng giá sức khỏe thai chỉ cần thiết khi tăng trưởng bào thai có vấn đề bất thường hoặc trong trường hợp thai kỳ kéo dài quá ngày dự sanh. • Non-stresstest là một khảo sát không xâm nhập, nhằm mục tiêu lượng giá xem thai có an toàn không. Kết quả có đáp ứng thể hiện một thai bình thường. Khi non-stresstest nghi ngờ hay không điển hình, cần thực hiện stress-test. • Stress test (Contraction Stress Test, Oxytocin Challenge Test) có giá trị dự báo âm rất cao (99.7%) nên được chỉ định trong trường hợp NST không điển hình. • Non-stress test, stress test không phải là khảo sát được chỉ định thường qui trong thai kỳ. • Các khảo sát chuyên biệt như velocimetry doppler… chỉ thực hiện trong những chỉ định cá biệt. LTLS: Khám thai 6 Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Bộ môn Phụ Sản Phụ lục (1): Qui trình thực hiện 9 bước thăm thai theo từng tam cá nguyệt TT Nội dung Dưới 12 tuần 13 - 27 tuần 28 - 40 tuần Ghi chú 1 Hỏi Bản thân, sức khỏe, gia đình. Hôn nhân, hoạt động tình dục. Kinh nguyệt. Tiền sử sản, phụ khoa. Các BPTT đã sử dụng trước khi có thai lần này. Bụng to dần. Thai máy. Sản phụ có phàn nàn gì không. Thai đạp. Sụt bụng. Các lần thăm sau phải xem phiếu để nắm vững các chi tiết đã hỏi. Nếu cần thì bổ sung. 2 Khám toàn thân Ðo chiều cao. Cân nặng. Mạch. Ðo huyết áp. Có phù. Da xanh niêm mạc nhợt, khó thở. Vú. Nghe tim phổi. Ðo chiều cao. Cân nặng. Mạch. Ðo huyết áp. Có phù. Da xanh niêm mạc nhợt, khó thở. Vú. Nghe tim phổi. Ðo chiều cao. Cân nặng. Mạch. Ðo huyết áp. Có phù. Da xanh niêm mạc nhợt, khó thở. Vú. Nghe tim phổi. Ðo chiều cao chỉ cần tiến hành nếu khám lần đầu. 3 Khám sản khoa Nắn bụng tìm đáy tử cung. Ðặt mỏ vịt quan sát khi có chỉ định. Chỉ khám âm đạo khi thấy dấu hiệu bất thường. Chiều cao tử cung. Tim thai. Chiều cao tử cung / vòng bụng. Ngôi thai. Tim thai. Số lượng thai. Không khám âm đạo khi thăm thai thông thường. 4 Thử Protein niệu Thử Hb, Hematocrit, HIV và giang mai ở các huyện, xã đã được trang bị. + + + + + + Dùng que thử hoặc đốt nóng nước tiểu. 5 Tiêm phòng uốn ván VAT. Hẹn ngày. Mũi 1, Mũi 2 hoặc tiêm mũi nhắc nhở. Kiểm tra bổ sung cho đủ mũi. 6 Cung cấp viên sắt / acid folic. Thuốc phòng sốt rét (vùng lưu hành). Cho thuốc tẩy giun nếu cần thiết. + + + + + + + + Các lần thăm sau phải kiểm tra có uống không và có cần uống tiếp không. Chỉ cho trong trường hợp thật cần thiết và không cho trong 3 tháng đầu. 7 Giáo dục vệ sinh thai nghén. + Kiểm tra, hướng dẫn bổ sung nếu cần. Kiểm tra, hướng dẫn bổ sung nếu cần. 8 Ðiền vào sổ, ghi phiếu, điền bảng và hộp quản lý thai. + + + Ðủ 4 công cụ 9 Thông báo kết quả khám, hẹn thăm lại, dặn dò đến cơ sở y tế gần nhất nếu cần. Ðánh giá nguy cơ. Hẹn ngày thăm lại. Ðánh giá nguy cơ. Hẹn ngày thăm lại. Ðánh giá nguy cơ. Chuẩn bị cho mẹ và con. Dự kiến ngày sinh, nơi sinh. Bộ Y Tế. Chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Phiên bản 2003. LTLS: Khám thai 7 Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Bộ môn Phụ Sản TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Y Tế. Chuẩn Quốc Gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Làm mẹ an toàn. Chăm sóc trước đẻ. http://www.moh.gov.vn/homebyt/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=206&cat=1592&ID=1887 2. National institute for clinical excellence. Antenatal care. Routine care for the healthy pregnant woman. Clinical guideline 6. October 2003. http://www.rcog.org.uk/resources/Public/pdf/Antenatal_Care.pdf LTLS: Khám thai 8