NHỮNG CÂU TRUYỆN LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI Chị tôi Má tôi mất khi mấy chị em tôi còn rất nhỏ. Ba tôi đau ốm triền miên không làm được việc nặng nhọc. Chị Hai tôi mới 17 tuổi đã phải thay mẹ gồng gánh nuôi ba và đàn em dại. Thân con gái mà chị làm quần quật như sức vóc đàn ông, không từ việc gì dù nặng nhọc, miễn là có thể biến thành gạo, thành tiền. Năm đó, chị bắt chước người ta nuôi tôm, không có kinh nghiệm, rốt cuộc thiếu nợ một cây vàng. Nhà nghèo, một cây vàng là cả gia tài. Chủ nợ thấy chị xinh đẹp giỏi giang, xin cưới chị về làm dâu sẽ xóa nợ cũ. Nếu không gả chị, ba phải bán mất công đất, các em phải nghỉ học. Vì ba, vì các em, chị gạt nước mắt theo chồng khi mới 21 tuổi. Ngày chị theo chồng, không bông cưới, không vòng vàng đeo tay, chỉ một bữa tiệc đơn sơ nghẹn ngào nước mắt. Ba tôi thương con gái sớm chịu nhiều vất vả, cũng đành an ủi: “Ở nơi giàu sang cho đời con sung sướng”. Chị về nhà chồng, mấy năm liền nhà chồng làm ăn thất bại. Cả họ hàng nhà chồng ghét chị. Anh rể lại hay nhậu nhẹt say xỉn, đánh chửi chị, đổ cho chị đem vận rủi về nhà. Chị Hai tôi ngậm đắng nuốt cay không một lời óan than. Một mình chị bươn chải nuôi con, thỉnh thoảng tích góp được chút tiền lại mang về giúp ba nuôi em. Chị chơi vơi, ngược xuôi giữa trách nhiệm làm con, làm chị, làm vợ, làm mẹ…, trách nhiệm nào cũng lớn lao, oằn nặng trên vai chị gầy gò. Thấy chị khổ, ba tôi bắt chị bỏ chồng, mang hai con về nhà. Chị khóc: “Nhà mình nghèo, làm sao cưu mang được gánh nặng của con”. Năm đó ba tôi đau thận, chị Hai tôi túc trực bên cạnh ngày đêm chăm sóc không lúc nào rời. Chị tôi lòng hiếu thảo có thừa nhưng tiền lại thiếu, chạy vạy khắp nơi cũng không đủ tiền chữa trị cho bà dù đã bán gần hết ruộng vườn, đành bất lực nhìn ba gầy mòn vì bệnh tật. Ba tôi giờ phút lâm chung đã cầm lấy tay chị nghẹn ngào gửi gắm ba đứa em bé dại. Mấy chị em tôi đứng xung quanh giường ba, đứa nào cũng khóc nức nở thương ba, thương chị. Ba tôi mất cũng là lúc chị Hai tôi quyết định bỏ chồng, ôm con về nhà nuôi ba đứa em mồ côi còn đang tuổi ăn, tuổi lớn. Sáu miệng ăn trông cậy vào một tay chị bươn chải tảo tần. Vừa làm ruộng, vừa buôn bán. Làm ngày chưa đủ, ban đêm chị tôi còn thêu gối, móc màn cửa… Hồi nhỏ, chúng tôi vẫn thường tự hỏi không biết chị Hai có ngủ không. Vì nửa đêm thức giấc lúc nào cũng thấy chị cặm cụi bên ngọn đèn dầu. Nhìn chị đeo cặp kính lão, xỏ trật tới trật lui hồi lâu mới xong cây kim, tôi nghẹn ngào thương chị. Chúng tôi bảo nhau ráng học hành, nhất định phải thành đạt để không phụ lòng chị. Ngày tôi đậu đại học cả nhà vỡ òa trong niềm vui. Những nếp nhăn trên khuôn mặt chị tôi dường như tan chảy. Chị cười sung sướng nhưng mắt lại trào lệ. Tôi biết từ nay gánh nặng sẽ càng oằn trên vai chị, chị sẽ cực khổ hơn, đêm thức khuya hơn. Cái bóng gầy gò của chị bên ngọn đèn khuya in sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt những đoạn đường gian khó, để nhắc nhở mình phải luôn luôn cố gắng. Mỗi lần gặp khó khăn, vấp ngã, tôi lại nhớ đến đôi mắt trũng sâu và khuôn mặt in dấu những nhọc nhằn của chị luôn tỏa sáng trong ánh đèn đêm. Tôi cảm thấy xấu hổ, thấy mình thật yếu hèn không xứng đáng với sự hi vinh của chị và tôi lại có thêm can đảm đi tiếp đoạn đường còn lại. Từ đôi tay chai sần đầy ắp tình thương của chị, ba đứa em đều thành đạt, có công việc làm ổn định, còn thay chị nuôi cháu ăn học nên người. Chúng tôi đứa nào cũng thương chị, muốn trả hiếu cho chị, đòi rước chị về nuôi. Nhưng chị tôi nhất định không rời khỏi căn nhà cũ, nơi mấy chị em tôi đã chào đời và chứng kiến ba má lần lượt ra đi: “Còn mồ mả ba má ở đây, chị bỏ đi sao đành”. Niềm vui của chúng tôi bây giờ là dắt các con về tụ họp dưới mái nhà xưa, cùng trồng rau, tưới cây với chị, được ăn bữa cơm chị nấu…để thấy mình còn bé dại như ngày nào, được chị yêu thương, chăm sóc. Tôi vẫn thường nói với con trai: “Không có má Hai sẽ không có mẹ như bây giờ”. Gạt nỗi niềm riêng Đọc bài dự thi này trên báo Tuổi Trẻ, chỉ ngắn ngủi thôi nhưng có đến ba nhân vật chính: tác giả, chồng của tác giả và con của tác giả. Con của tác giả chính là phóng viên thể thao Nguyên Khôi của báo Tuổi Trẻ. Và tác giả là mẹ của anh, kể về câu chuyện của chồng mình, con mình. Tôi còn nhớ tin nhắn của anh Khôi vào một buổi sáng ở Phú Yên, khi chỉ có hai anh em tôi lặn lội từ TP.HCM đến đó để "bám" giải vô địch Taekwondo toàn quốc 2005. "Em ơi. Ba anh bị ung thư rồi". Tôi đọc tin nhắn, mà rõ ràng như sét đánh ngang tai. Tôi chưa gặp ba anh Khôi, nhưng tôi cảm nhận thấy trái tim mình đau lắm. Tôi nhớ đến ba mình. Và cả cảm giác không còn cảm giác lúc nghe ba tôi gọi điện thoại về nhà năm ấy: "Dung ơi, chắc ba xong rồi. Bác sĩ gọi riêng mẹ ra nói chuyện, không cho ba nghe. Chắc là “nó” rồi". Cảm giác không còn cảm giác ấy, đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh. Nhưng tôi rất ngạc nhiên, cứ tưởng anh Khôi sẽ nằm bẹp ở nhà, mà khóc như tôi trước đây. Khi tôi đến nhà thi đấu Phú Yên thì anh đã có mặt, và "súng ống" (máy chụp hình) đã sẵn sàng. Công việc, công việc, công việc Chúng tôi, những phóng viên, buộc phải gạt niềm riêng để tiếp tục làm việc. Chiều hôm đó, tôi thấy anh lại xách máy ra tiệm Internet gần nhà thi đấu để làm việc. Anh bảo anh đói, nhưng tôi thấy hình như anh không ăn. Nguyên Khôi suốt thời gian còn lại của giải đã không còn tươi cười như mọi ngày. Tôi biết anh hoang mang, nhưng anh phải bình tĩnh. Anh Khôi còn may mắn hơn tôi, ba anh đã dần dần lấy lại niềm vui trong cuộc sống. Tôi biết tấm ảnh mà anh chụp trong ngày sinh nhật của ba, rất là quí giá đối với anh. Còn tôi, từ khi ba bệnh và qua đời, chỉ mới ba tháng. Ba ra đi không đau đớn, nhưng tôi thảng thốt. Tôi và ba, mẹ, em trai đã từng hi vọng ba qua đợt điều trị bằng hóa trị lần đầu, sẽ tẩm bổ cho ba bằng mật rắn, bằng thuốc Bắc… Nhưng ba đã ra đi. Chẳng ai biết tại sao. Bác sĩ nói u của ba tôi nằm ngay giữa cuống phổi, chỉ cần vỡ ra là không thể cứu được. Họ nói thế, dứt khoát và lạnh lùng. Tôi nhớ mãi câu nói mỗi tối khi đi ngủ của ba: "Ước gì ngày mai thức dậy thấy mình mạnh khỏe, và đàng hoàng mặc quần áo đi làm". Ước mơ quá bình thường, đối với gia đình tôi đã khó, có được một bữa tiệc sinh nhật đầm ấm và đông đủ mọi người như gia đình anh Khôi, lại càng khó hơn. Tôi nhìn bức ảnh sinh nhật ba anh, nhìn mãi không biết chán. Nếu bạn là tôi, bạn sẽ cảm nhận được, tôi thấy mình trống trải thế nào. Từ khi ba tôi mất, nhà tôi không bao giờ chụp hình, mặc dù tôi là phóng viên luôn kè kè máy ảnh trong người. Tôi muốn chia sẻ với anh Khôi, mẹ anh và nhất là ba anh cảm giác hạnh phúc trọn vẹn lúc này. Mong bác trai sẽ mãi cảm thấy bình yên, hạnh phúc như nụ cười trong hình của bác. Mong bác gái sẽ không còn buồn. Mong anh Khôi sẽ luôn tự hào về gia đình mình như bây giờ. . NHỮNG CÂU TRUYỆN LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI Chị tôi Má tôi mất khi mấy chị em tôi còn rất nhỏ. Ba tôi đau ốm triền miên không làm được việc nặng nhọc. Chị Hai tôi mới 17 tuổi đã phải thay. trên vai chị gầy gò. Thấy chị khổ, ba tôi bắt chị bỏ chồng, mang hai con về nhà. Chị khóc: “Nhà mình nghèo, làm sao cưu mang được gánh nặng của con”. Năm đó ba tôi đau thận, chị Hai tôi túc. học nên người. Chúng tôi đứa nào cũng thương chị, muốn trả hiếu cho chị, đòi rước chị về nuôi. Nhưng chị tôi nhất định không rời khỏi căn nhà cũ, nơi mấy chị em tôi đã chào đời và chứng kiến ba