Độc đáo Kyoto Năm 794, thủ đô của Nhật Bản được chuyển đến Heian, bây giờ là Kyoto. Trong hơn một thiên niên kỷ, Kyoto là nơi cư ngụ của Thiên hoàng và là trung tâm của đất nước, cho đến khi thủ đô được dời đi một lần nữa vào năm 1868 đến Tokyo. Kyoto đóng vai trò then chốt trong sự phát triển văn hóa, tôn giáo và chính trị của Nhật Bản trong nhiều thời kỳ lịch sử, bắt đầu từ thời Heian, kéo dài gần 400 năm và tiếp tục qua các thời Kamakura, Muromachi, Azuchi-Momoyama và Edo. Có thể nói rằng, trong suốt thời kỳ này, lịch sử Kyoto chính là lịch sử của Nhật Bản… Xứ sở của đền chùa Góc nhìn quen thuộc ở Kim Các Tự. Trong khoảng hơn hai tuần du lịch ở Nhật, chúng tôi đến Kyoto hai lần. Một lần bằng xe điện, một lần bằng xe hơi và điểm xuất phát đều từ Osaka. Từ Osaka đến Kyoto không xa lắm nên đi bằng xe điện ngoài giờ cao điểm thật thoải mái, nhanh và tiện lợi. Vừa đặt chân đến Kyoto, ngay tại nhà ga, du khách dễ dàng nhặt được những tờ rơi hướng dẫn thăm quan thành phố này. Kyoto có 17 công trình kiến trúc nằm trong danh sách di sản thế giới mà UNESCO đã công nhận. Đó là các đền Kamigamo, Shimogamo, Ujigami, các chùa Toji, Kiyomizu, Enryaku, Daigo, Ninna, Byodo, Kozan, Saiho, Tenryu, Kinkaku, Ginkaku, Ryoan, Hongwan và thành Nijo. Ngoài 17 công trình đền chùa đó, cố đô Kyoto còn có hơn hai ngàn đền đài và công trình kiến trúc cổ lớn nhỏ khác mà những ai thích tìm hiểu lịch sử – kiến trúc, văn hóa – nghệ thuật không thể bỏ qua. Tất cả các công trình kiến trúc này hầu như phủ dày đặc khắp Kyoto và phải tốn nhiều ngày mới tham quan hết được những công trình lưu dấu thời gian này. Trong vô số đền chùa và công trình kiến trúc đó, có hai ngôi chùa mà hầu như các tour du lịch đều chọn để đưa khách đến tham quan là Kinkakuji và Kiyomizu Dera. Các ngôi chùa được dựng rải rác khắp sườn đồi. Kinkakuji (tạm dịch là Kim Các Tự), còn có tên khác là Rokuonji. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1397 như một phần trong khu đất của tướng quân Ashikaga Yoshimitsu. Sau năm 1408, Kinkakuji được cải tạo và sử dụng như một ngôi chùa cho đến ngày nay. Kinkakuji thờ một mảnh xương của đức Phật. Chùa gồm có ba tầng mà tầng hai và ba được dát vàng lá. Du khách đến Kinkakuji thường chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu hãnh, tráng lệ của ngôi chùa và thưởng ngoạn không gian thanh bình, yên tĩnh bao bọc quanh kiến trúc này. Mọi người đều cố chen chân hoặc xếp hàng để chụp cho bằng được một tấm ảnh với ngôi chùa có ánh vàng rực rỡ ở phía sau làm phông nền. Sau đó, họ nối nhau đi một vòng qua các khuôn viên ngắm nghía và gật gù thán phục tài khéo léo, óc thẩm mỹ trong thiết kế và bài trí vườn cảnh của người Nhật. Theo lối ra để rời khỏi Kinkakuji, ở ngay một khúc quanh, nhiều du khách dừng lại bên một tượng Phật đá đặt trong góc vườn. Có hai ống tre nhỏ và vài chiếc bát được đặt trước tượng. Vài người đứng xem (có lẽ vì tò mò) và vài người đang cố gắng ném được một đồng 5 yen (được xem là đồng tiền may mắn) vào trong ống tre hay chiếc bát. Người Nhật tin rằng ai ném trúng vào đó thì phúc lộc sẽ tuôn về tràn trề. Cổng lên chùa Thanh Thủy (Kiyomizu Dera). Kim Các Tự nằm ở phía Bắc Kyoto, còn Kiyomizu Dera (tạm dịch là chùa Thanh Thủy) nằm ở hướng Đông. Kiyomizu Dera được xây dựng vào năm 780, gồm nhiều đền thờ hoàn toàn bằng gỗ, dựng trên các ngọn đồi. Kiyomizu cũng là ngôi chùa “cầu duyên” linh thiêng được người Nhật sùng kính. Sau một vòng viếng chùa, chúng tôi dừng chân nơi quán nước ngay trên đường đi xuống đồi, được nghe nhiều câu chuyện kể về ngôi chùa. Chẳng hạn chuyện hai hòn đá được đặt cách xa nhau phía sau ngôi chính điện, mà người ta tin rằng nếu nhắm mắt mà đi được từ hòn đá này đến hòn đá kia thì duyên may sẽ đến với mình. Xếp hàng chờ uống mạch nước xuân. Có một dòng suối chảy từ trên núi xuống, quanh năm suốt tháng, được gọi là mạch nước xuân. Người ta đã làm một hệ thống dẫn nước suối thành nước uống. Du khách Nhật sau một vòng viếng chùa thường kiên nhẫn xếp hàng để uống một ngụm từ mạch nước này. Những người chưa được ông tơ bà nguyệt để ý thì tin rằng duyên may sẽ đến, còn những người đã có đôi lứa thì tin rằng hạnh phúc của họ sẽ mãi bền lâu. Xanh xanh những khu vườn thiền Vườn xanh. Đến Kyoto, hầu hết du khách nước ngoài đều muốn được ngắm những khu vườn Nhật. Khi chúng tôi tới đây, mùa xuân đã qua, còn mùa thu (với những chiếc lá phong đỏ rực) thì chưa về nên chỉ có màu xanh ngát của mùa hè trải ra khắp nơi. Những khu vườn xanh thắm xanh, nắng như dát một lớp vàng trên các tầng lá, tất cả đều tĩnh lặng như trong tranh vẽ. Cách Kinkakuji một trạm xe bus là Ryoanji (tạm dịch là Long An Tự). Ryoanji không quyến rũ du khách bằng ánh vàng rực rỡ của những mảnh vàng lá, nhưng khu vườn Thiền của Ryoanji đã đi vào tranh ảnh và bay đi khắp nơi. Vườn Thiền ở Ryoanji được xếp đặt bởi một họa sĩ – người làm vườn tên là Soami vào thế kỷ thứ XV. Chỉ với cát trắng và 15 hòn đá, Soami đã tạo nên một trong những kiệt tác của văn hóa Nhật. Vẻ đẹp giản đơn của khu vườn mang đến và truyền tải sự suy ngẫm đầy triết học cho những người ngắm nhìn. Điều thú vị là vườn Thiền tại Ryoanji còn được thể hiện lại bằng mô hình, theo lối chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị. Chính vì vậy, hầu hết du khách đến Ryoanji không phải để lễ bái hay cầu nguyện, mà chỉ ngồi lặng yên lắng nghe nhịp thở của chính mình, lắng nghe vạn vật trò chuyện. Một góc vườn Thiền ở Ginkakuji. Không nổi tiếng như khu vườn Thiền ở Ryoanji, những khoảnh vườn Thiền nho nhỏ ở Ginkakuji lại mang dáng vẻ khác, hòa quyện cùng không gian xanh bao quanh của cỏ cây. Dạo khắp quanh khuôn viên của Ginkakuji, xen giữa các khoảnh vườn đều có những mảnh sân cát trắng được xếp đặt cùng những hòn đá. Mỗi mảnh sân một cách xếp đặt khác nhau, thâm trầm hơn, lặng lẽ hơn, đơn côi hơn, mang đến nhiều suy tư hơn và ngộ ra được nhiều điều hơn. Sự tinh tế của hàng thủ công mỹ nghệ Bình và tách trà. Mua một chút gì đó để kỷ niệm về chuyến đi Kyoto và làm quà cho người thân là việc chẳng dễ, bởi có cơ man nào là hàng lưu niệm, dạng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Nhật, từ những chiếc kimono cao cấp, những chiếc bình hoặc đĩa gốm hầu như chỉ có một mẫu duy nhất, đến chiếc quạt giấy, khăn giấy thấm dầu… Trong vô số chủng loại và mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ ở Kyoto, có hai món mà du khách thường mua nhất là đồ gốm và dưa chua. Người Nhật ở khắp các nơi mỗi khi đến Kyoto đều mua về một vài món dưa chua để ăn và làm quà cho người nhà. Kyoto nằm sâu trong đất liền, xa biển, lại là nơi tập trung nhiều đền chùa theo Thần đạo hay Phật giáo, do vậy nông nghiệp nơi này rất chú trọng phát triển đủ loại rau quả. Có đủ các loại dưa, cà, cải chua. Muối chua rau quả không xa lạ với các gia đình Nhật, nhưng nhờ vào một số loại rau quả chỉ riêng có ở Kyoto, thêm chút bí quyết truyền thống mà rau quả muối chua ở Kyoto đã trở thành đặc sản. Gọi là dưa chua, nhưng thật ra nguyên liệu làm đồ chua rất đa dạng, từ các loại cải, bắp cải đến dưa leo, mà người Nhật gọi chung là tsukemono, nghĩa là món ăn kèm. Ngoài sự phong phú về nguyên liệu, tsukemono còn có khá nhiều vị khác nhau, từ chua cay đến mặn ngọt. Gốm sứ Kyoto được biết đến từ thế kỷ thứ V, thật sự phát triển mạnh và nổi tiếng khắp nơi từ thế kỷ XIV. Từ sau thế kỷ XVII, khi nói đến gốm sứ Nhật Bản, người yêu thích và sưu tầm gốm luôn nhớ hai từ là kyo-yaki và kiyomizu-yaki. Đó là loại gốm sứ đặc trưng của Kyoto được chế tác thủ công tinh xảo, sau đó người ta thổi vàng, phủ bạc lên đồ gốm sứ và vẽ hoa văn hết sức tinh tế. Ngày nay, gốm sứ Kyoto không chỉ gói gọn và loanh quanh trong các mặt hàng điển hình gắn liền với đời sống văn hóa Nhật như là tách trà, chén trà, bình trà, chén dĩa, bình hoa,… mà còn có những vật dụng trang trí cho mùa và lễ hội. . Độc đáo Kyoto Năm 794, thủ đô của Nhật Bản được chuyển đến Heian, bây giờ là Kyoto. Trong hơn một thiên niên kỷ, Kyoto là nơi cư ngụ của Thiên hoàng và. nghệ ở Kyoto, có hai món mà du khách thường mua nhất là đồ gốm và dưa chua. Người Nhật ở khắp các nơi mỗi khi đến Kyoto đều mua về một vài món dưa chua để ăn và làm quà cho người nhà. Kyoto. điểm xuất phát đều từ Osaka. Từ Osaka đến Kyoto không xa lắm nên đi bằng xe điện ngoài giờ cao điểm thật thoải mái, nhanh và tiện lợi. Vừa đặt chân đến Kyoto, ngay tại nhà ga, du khách dễ dàng